Tết Phật đản - Tết của những người con Phật
“Tâm nguyện của Thầy là mong muốn ngày lễ Phật đản sẽ trở thành ngày Tết của những người Phật tử chùa Ba Vàng, của tất cả Phật tử trong cả nước, và trở thành một ngày Tết nữa của dân tộc Việt Nam.” - Đó là điều Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh mong Tăng Ni, Phật tử chùa Ba Vàng phát huy trong lễ Phật đản để Phật Pháp được lan rộng và thấm đẫm trong tâm hồn mỗi người dân nước Việt.
Từ những lời dạy của Sư Phụ trích trong Pháp thoại: “Ý nghĩa bảy bước hoa sen” dưới đây, quý Phật tử và các bạn sẽ hiểu rõ hơn về tâm nguyện này của Sư Phụ:
Lan tỏa tinh thần Phật đản - Lan tỏa chân lý nhiệm màu
“Nhiều người cứ nghĩ rằng, Phật tử thì không nên tổ chức đón mừng Phật Đản, bởi tổ chức long trọng sẽ tốn kém, tiền ấy để dành đi từ thiện, đi giúp đỡ những việc khác,... Nhưng nghĩ như vậy chưa phải đầy đủ. Chúng ta khơi dậy tinh thần ngày Phật Đản để toàn thể Phật tử thấm nhuần tư tưởng Phật Pháp, đồng thời truyền trao tư tưởng này cho con cháu, bạn bè của chúng ta - những người chưa biết đến Phật Pháp. Nếu thông qua ngày lễ Phật đản, mọi người biết đến đạo Phật thì lợi ích biết bao nhiêu. Nhờ một người biết đến Phật Pháp, họ kéo theo cả gia đình, cả họ hàng của họ cùng biết đến Phật Pháp, khiến bao nhiêu người sẽ được chuyển hóa. Còn nếu một người trong gia đình bị mắc một quả báo đau khổ, hoặc do tạo tội phải bị tù đày thì không chỉ người mắc nghiệp khổ mà cả gia đình đều rất khổ. Nhưng nếu biết Phật Pháp thì bao nhiêu người được cứu độ. Đó là lợi ích vô hình mà chúng ta không thấy. Cho nên, ý nghĩa, tinh thần ngày Phật Đản là chúng ta phải quảng bá và lan tỏa cho nhiều người cùng được biết đến.
Phước báu từ việc tổ chức ngày Phật đản
Các tôn giáo khác dùng ngày sinh đấng giáo chủ của họ để làm ngày lễ Tết, ăn Tết. Còn chúng ta, tại sao lại không tổ chức ngày Phật đản? Chúng ta là con Phật, ngày Cha mình ra đời, chúng ta lại không làm Tết để ăn mừng, thể hiện niềm hân hoan hay sao? Thầy tin chắc rằng, ai khởi tâm hoan hỷ, tùy hỷ với niềm vui của ngày Phật đản, người đó sẽ được rất nhiều phước báu. Phật còn dạy rằng: “Những ai trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín, hoan hỷ. Thời những vị ấy sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sinh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên”. Đó là đến thăm Tứ Thánh tích gắn với cuộc đời Đức Phật. Còn chúng ta mừng vui với Khánh đản Đức Phật - tức là chúng ta hoan hỷ đón nhận sự giác ngộ, ta sẽ có trí tuệ; hoan hỷ với phước báu, ta sẽ có phước báu. Đức Phật là bậc Giác ngộ, bậc vô lượng phước báu, nên tinh thần ngày Phật đản được lan tỏa, được trân trọng thì đó sẽ là phước báu rất lớn cho trần gian chúng ta.
Phật tử hãy mặc đẹp đón mừng Phật đản
Hưởng ứng tinh thần Phật đản, các Phật tử không phải mặc áo tràng, mà Thầy khuyến tấn Phật tử ăn mặc thật đẹp: mặc quần áo Ấn Độ hoặc con gái mặc áo dài, con trai mặc sơ vin, cổ cồn thật đẹp,... để mừng ngày đản sinh của Đấng Từ Phụ.
Một số tôn giáo ở nước bạn, đến những ngày lễ, cộng đồng tín đồ ăn mặc rất đẹp, nhìn vào thấy như một vườn hoa sắc xuân. Như vậy, ai nhìn cũng thấy thích. Còn Phật tử chúng ta cứ nâu sòng thì làm sao? Chúng ta mà bảo con, cháu cùng đi chùa, chúng sẽ nói: “Ui trời! Già mới đi chùa chứ, chúng con ăn mặc áo nâu làm sao được?” Thế hệ tuổi trẻ nghĩ rằng, phải già, áo nâu mới đi chùa nên chúng không bao giờ đến chùa. Nhưng nếu thấy mẹ đi chùa ăn mặc đẹp, xinh thì có thể chúng sẽ nghĩ mình cũng được đẹp nên thích đi chùa hơn.
Hay nhiều khi Phật tử đi chùa về, làm chồng chán: “Dạo này bà làm sao vậy? Bà thay tính đổi nết, ăn mặc trông như bà già 70 tuổi”.
Nếu Phật tử như vậy thì làm sao gia đình hạnh phúc được? Phật tử đi chùa làm sao phải đẹp hơn, duyên dáng hơn, đức hạnh hơn. Đó mới đúng tinh thần người Phật tử. Nhưng Phật tử lại cứ nghĩ là mặc quần càng cũ, càng rách, càng xấu mới là Phật tử thì không phải. Thời Đức Phật còn tại thế, chắc chắn Ngài không bắt Phật tử ăn mặc như bây giờ. Ví như bà nữ thí chủ Visakha thời Đức Phật vậy:
Bà Visakha rất giàu có. Khi đến thăm Phật ở tịnh xá thì bà ấy mặc cái áo vô cùng đẹp, giá trị lên tới hàng ngàn lượng vàng. Sau khi lễ Phật, hỏi thăm Phật và nghe Phật chỉ dạy, căn dặn một số điều xong thì bà ấy ra về, nhưng người hầu quên không mang áo của bà ấy về. Nói người hầu quay lại tịnh xá tìm áo, bà dặn rằng:
- Nếu ai nhặt được rồi thì nói họ cho bà chuộc lại với giá một nghìn lượng vàng. Một nghìn lượng vàng này bà sẽ cúng dường Phật.
Sau khi nghe người hầu nói cái áo của bà không ai nhặt được, vẫn còn ở vị trí cũ thì bà bảo, không ai nhận thì cho chính bà chuộc lại cái áo này. Vậy là bà Visakha mang một nghìn lượng vàng đến cúng Phật và bạch rằng:
- Con coi như đã mất cái áo rồi, bây giờ con chuộc lại. Con xin cúng một nghìn lượng vàng để Phật xây tịnh xá độ chúng Tăng.
Như vậy, bà Visakha không phải mặc áo nâu mà mặc đồ rất đẹp và sang trọng. Các Phật tử cũng đừng “khoác lên” Phật giáo một màu tối mà phải là màu sắc tươi sáng, đẹp đẽ. Phật tử phải như vậy thì mới có thể xây dựng xã hội và giúp cho đạo đức, chính khí của đất nước được tốt lên. Và như thế, con cháu chúng ta mới ham thích đi chùa. Điều gì đúng, thấy tốt và lợi ích cho đạo Pháp là chúng ta học và thực hành.
Vì thế, những ngày lễ lớn của Phật giáo, quý Phật tử hãy ăn mặc thật đẹp, thật trang nghiêm để mọi người thấy Phật giáo thật đẹp, trẻ trung.”
Khuyến khích Phật tử tổ chức mừng Tết Phật đản
Trong một bài giảng khác, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh gửi lời khuyến khích các Phật tử:
“Thứ nhất, Thầy khuyến khích tất cả các Phật tử nên sắm cho mình mỗi người một bộ trang phục Ấn Độ, để đến Tết Phật đản chúng ta sẽ mặc. Trang phục này, chúng ta không chỉ mặc khi đến dự lễ Phật đản ở chùa, mà chúng ta mặc cả ở nhà khi mừng Tết Phật đản tại tư gia.
Đây là một điều hết sức mới. Mọi người cùng mặc trang phục Ấn Độ, xem lại những hình ảnh của lễ mừng Phật đản 2019, thấy đúng là chúng ta đang tái hiện lại kinh thành Ca-tỳ-la-vệ cách đây mấy nghìn năm - thời Đức Phật đản sinh. Sau lễ Phật đản 2018, 2019 của chùa chúng ta thì ở rất nhiều nơi, các Phật tử rất hoan hỷ, mong muốn có được tinh thần như vậy.
Thứ hai, Phật tử tổ chức ăn Tết Phật đản ở nhà. Các Phật tử có thể gói bánh, hoặc làm những món bánh Phật đản, tổ chức ăn tiệc chay hoặc ra nhà hàng liên hoan; rồi chăng đèn, kết hoa, trang trí Phật đài ở tại tư gia, tạo thành không khí của ngày Tết mừng Phật đản sinh. Các Phật tử cũng có thể sáng tác thơ, ca, nhạc, kịch, các chương trình văn nghệ để hát mừng Đức Thế Tôn ra đời. Đó là một trong những việc làm rất cần thiết - tinh thần Phật đản được lan tỏa rộng rãi thì Phật Pháp sẽ được nhân lên.”
Với tâm nguyện mong cho ngày Phật đản trở thành ngày Tết này, Sư Phụ mong nguyện ngày Khánh đản sẽ được nhân rộng, lan tỏa ra khắp muôn nơi, đến với tất cả chúng sinh để ai ai cũng được nương tựa bóng của Đấng Từ Phụ, mà sớm ra khỏi luân hồi sinh tử, đạt được an lạc, hạnh phúc tuyệt đối.