Lì xì là gì? Những điều cần biết về phong tục lì xì ngày Tết
Mục Lục [Ẩn]
Lì xì đầu năm luôn mang đậm nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc. Mặc dù Tết xưa, Tết nay đã có ít nhiều sự thay đổi, nhưng lì xì ngày đầu năm vẫn được giữ nguyên. Bởi người Việt quan niệm, lì xì đem lại may mắn, tốt đẹp trong năm mới.
Tuy nhiên để lì xì thành một nét đẹp văn hóa, đừng bỏ qua những điều cần biết về phong tục này trong bài viết dưới đây qua chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh.
Lì xì Tết là gì?
Lì xì là một trong những phong tục đẹp trong mỗi dịp Tết đến Xuân về. Thông thường, bắt đầu từ thời khắc chính thức bước sang năm mới hoặc đến sáng mùng 1, con cháu sẽ đến chúc Tết và biếu ông bà, cha mẹ phong bao (lì xì) kèm những lời chúc sức khỏe, trường thọ. Những người lớn tuổi trong gia đình cũng sẽ lì xì cho con cháu, chúc học hành tấn tới, mạnh khỏe chăm ngoan, công việc thành công,….
Nguồn gốc và ý nghĩa của phong tục lì xì đầu năm
Phong tục lì xì không rõ có từ bao giờ, có nghiên cứu cho rằng, phong tục này xuất phát từ Trung Quốc. Nhưng dù nguồn gốc thế nào thì điều đó cũng không quá quan trọng, mà điều chúng ta quan tâm nhất là ý nghĩa của phong tục này.
Ý nghĩa của phong tục lì xì không nằm ở giá trị phong bao mà ở những lời chúc, mong ước những điều tốt đẹp, may mắn, an lành, hạnh phúc sẽ đến với mọi người trong năm mới.
>>> Xem thêm: Chúc Tết thế nào để được phúc?
Cách cho và nhận lì xì Tết để được phước báu nhất
Từ xưa, khi đất nước còn nghèo, việc lì xì (mừng tuổi) mỗi năm Tết đến, mọi người thường trực tiếp trao tiền cho nhau. Đến khi nền kinh tế đất nước phát triển, những chiếc phong bao lì xì nhỏ bé, xinh xắn, in nhũ vàng mới xuất hiện, trở thành hình tượng văn hóa đẹp.
Khi đó, người Việt không trực tiếp trao tiền mừng tuổi cho nhau nữa mà xếp tiền gọn gàng, kín đáo trong những phong bao lì xì. Việc xếp tiền trong phong bao nhỏ cũng thể hiện sự tế nhị trong văn hóa giao tiếp, ứng xử của người Việt. Bởi họ không muốn người nhận được lì xì sẽ so bì về sự ít nhiều của số tiền tượng trưng mà dẫn đến những điều không vui trong ngày Tết.
Không những thế, chúng ta có thể tự làm tấm thiệp lì xì để tặng cho mọi người trong cùng đạo tràng, hoặc câu lạc bộ. Trên mỗi tấm thiệp lì xì là những câu kinh, lời Phật dạy được trang trí thật đẹp để tặng lì xì cho mọi người.
>>> Xem thêm: Lời Phật dạy qua truyện tranh nhân quả báo ứng
Khi lì xì cho các cháu nhỏ, chúng ta có thể giải thích để các cháu hiểu: “Lì xì cho con tiền nhưng nếu các con tiêu hoang thì không tốt. Cô (chú) tặng con câu kinh Phật này để con được phước báu, con sẽ học hành giỏi giang và thành đạt”.
Ngày Tết nếu thiếu đi lì xì thì chắc hẳn sẽ mất đi ý nghĩa, giá trị vốn có của ngày Tết. Vì thế, chúng ta nên theo hướng này, in những cái thiệp lì xì thật đẹp để tặng lì xì cho mọi người.
Việc làm này sẽ giúp mọi người nhận thấy lì xì, mừng nhau đầu năm không phải là tiền. Bởi đồng tiền chỉ là phương tiện trong cuộc sống này, không phải là mục đích chính, không phải là nền tảng cho tất cả mối quan hệ.
>>> Xem thêm: Nỗi lo lắng khi tiền lì xì ít, nên giải quyết thế nào?
Tết trong tâm hồn người Việt không chỉ là dịp nghỉ ngơi đón năm mới mà còn là những ước vọng hướng về tương lai tốt đẹp. Mong rằng, những giá trị tốt đẹp của phong tục lì xì ngày Tết sẽ luôn được gìn giữ như một món quà tinh thần quý giá trong ngày đầu xuân của dân tộc Việt Nam.