Gộp Tết tây và Tết ta, liệu có nên?
Câu hỏi về việc gộp Tết tây và Tết ta:
Kính bạch Thầy! Con nghe những thông tin trên thời sự và báo chí về việc gộp Tết tây và Tết ta. Con thấy có rất nhiều ý kiến trái chiều, riêng bản thân con thì không đồng tình với quan điểm ấy. Vì Tết ta đã là truyền thống lâu đời.
Vậy theo quan điểm của nhà Phật thì việc này được nhìn nhận ra sao ạ? Con mong Thầy giải đáp thắc mắc giúp con với ạ. Con xin cảm ơn Thầy ạ!
Thầy Thích Trúc Thái Minh trả lời:
Kính thưa quý Phật tử!
Đạo Phật là đạo xuất thế gian nhưng cũng không ra ngoài thế gian mà soi sáng cho thế gian. Quan điểm của đạo Phật là “tùy thuận chúng sinh, nhi vi lợi ích”, tức là làm sao tùy thuận được chúng sinh mà vẫn có lợi ích giúp cho chúng sinh đạt được giác ngộ giải thoát.
Tết tây xuất hiện ở Việt Nam từ khi nào?
Ở Châu Á, có đến gần chục nước ăn Tết theo Tết cổ truyền của họ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Thái Lan, Campuchia, Lào,... Còn Tết Dương lịch được hình thành từ một vị giáo hoàng công giáo. Ông chọn ngày đầu năm làm ngày Tết và từ đó hình thành việc ăn Tết dương lịch.
Dân tộc Việt Nam thời phong kiến vẫn dùng lịch âm, chỉ cho đến khi Pháp đô hộ thì mới xuất hiện lịch tây. Do Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, văn hóa phương Tây tràn vào rất nhiều nên chúng ta cũng nghỉ Tết tây rồi ăn Tết ta hay hưởng ứng lễ Noel như các nước phương Tây.
Ý nghĩa và sự khác biệt của ngày Tết cổ truyền so với Tết tây
Từ bao nhiêu đời nay, Tết ta đã trở thành truyền thống của dân tộc. Chữ “Nguyên” trong “Tết Nguyên Đán” là nguyên sơ, khởi đầu; còn chữ “Đán” là sáng sớm đầu tiên. Tết Nguyên Đán có ý nghĩa là ngày đầu tiên của năm mới, tức là ngày mùng 1 Tết. Ngày ấy là ngày con cháu về cúng tiên tổ, anh em quây quần, sum họp, tổng kết năm cũ, bỏ tất cả các chuyện cũ không hay để đón chào năm mới khiến cho ai nghĩ đến cũng cảm thấy rất ý nghĩa và linh thiêng.
Ngày xưa, chúng ta thường đốt pháo còn bây giờ thì không. Nhưng tinh thần ngày Tết vẫn được giữ gìn. Thầy nhớ cảm xúc hồi nhỏ mỗi khi giao thừa xong cảm thấy con người đổi mới, hứa năm cũ cái gì chưa làm được thì sang năm mới mình sẽ cố gắng. Từ đó, Tết cổ truyền đã tạo thành cái hồn dân tộc thấm nhuần trong mỗi con người, đem lại rất nhiều thiện Pháp, lợi ích cho tất cả chúng ta.
Nếu chúng ta thường đón Tết tây là vui chơi ăn nhậu, hát ca thì ngày Tết cổ truyền chúng ta lại đi chùa xin lộc Phật, thăm hỏi ông bà, họ hàng gần xa, cố kết cộng đồng giáo dục tâm linh với tinh thần “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”.
Có nên gộp Tết tây và Tết ta?
Có nhiều người đưa ra quan điểm là gộp Tết ta ăn cùng Tết tây cho đỡ tốn thời gian, tiền của,... nhưng Thầy nghĩ rằng chúng ta nên xác định xem cuộc đời này chẳng lẽ chỉ là để đi làm hay sao? Ngày Tết là ngày hưởng thụ về tinh thần cho nhân dân. Ngày xưa, các cụ rất nghèo mà còn xác định ăn chơi cả tháng Giêng để hưởng thụ và tích lũy năng lượng cho cả một năm.
Đối với quan điểm đạo Phật, cái gì lợi ích cho chúng sinh thì nên thực hành. Đối với dân tộc Việt Nam chúng ta, giữ Tết cổ truyền vẫn là điều rất tốt và nên làm. Thứ nhất, nó bảo lưu được những văn hóa truyền thống, bản sắc riêng. Thứ hai, Tết cổ truyền là tết tâm linh, có không khí thiêng liêng và ý nghĩa. Cho nên, nếu dân ta bỏ Tết cổ truyền là một mất mát rất lớn. Còn Tết tây đến với dân tộc ta không có tính chất tâm linh, chỉ là ăn chơi vui vẻ chút thôi.
Vậy để lợi ích cho dân tộc thì chúng ta vẫn nên duy trì và làm cho Tết ta đầy đủ ý nghĩa như đúng bản chất của nó.