Ngày lễ Phật đản nên làm gì? 03 điều nên làm để được an vui, hạnh phúc
Mục Lục [Ẩn]
Trong thông bạch của Giáo hội hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị Ban Trị sự GHPGVN các cấp, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước, Tăng Ni và đồng bào Phật tử tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh lần thứ 2648 năm - Phật lịch 2568 như hướng dẫn. Trong đó, có nội dung khuyến khích các gia đình thực hiện các nghi thức kính mừng Phật đản tại tư gia.
Đây không chỉ là dịp để tri ân ngày đản sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà còn là thời điểm để mỗi người Phật tử được làm các việc thiện lành, vun bồi phước báu cho bản thân, gia đình, cũng như giúp mọi người có cảm tình với ngày Phật đản, được kết duyên với Tam Bảo.
Vậy lễ Phật đản nên làm gì để được phúc lành, may mắn? Kính mời các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Lễ Phật đản: Cơ hội lớn để tích lũy phước trong một năm
Ngày lễ Phật đản là ngày kỷ niệm Đức Phật đản sinh, ngày kính mừng một con người vĩ đại nhất xuất hiện nơi đời. Người đem ánh sáng, con đường cứu khổ, đem chân lý đến với thế gian.
Ngày lễ mừng Phật đản sinh không chỉ là ngày lễ chúng ta hân hoan kính mừng Đức Phật đản sinh mà là dịp để tuyên dương chính Pháp, mở mang chính Pháp cho mọi người được kết duyên đến chân lý, tức là đem chân lý đến cho mọi người. Tôn giáo nào đến được chân lý thì chúng ta phải kính trọng, phải làm tôn giáo đó được xiển dương.
Cho nên, ngày lễ Phật đản là ngày lễ vô cùng quan trọng, chúng ta đặt quyết tâm làm sao để ngày lễ này trở thành ngày Tết, ngày hội lớn của tất cả quần chúng Phật tử và nhân dân, giúp mọi người đều biết đến Phật Pháp. Khi đó, con người sẽ tốt đẹp, thế giới sẽ an lành.
Theo Thông bạch của GHPGVN về việc hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568, kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Tăng Ni, Phật tử trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngày đản sinh của Đức Phật đã được Liên hợp quốc tổ chức hàng năm là ngày lễ tôn giáo thế giới nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của Phật giáo vì hòa bình cho nhân loại.
Ngày Phật đản trên thế giới kỷ niệm bằng lễ Tam Hợp Vesak; ở Việt Nam, ngày Phật đản, tháng Phật đản, chúng ta nên có những hoạt động kỷ niệm, kính mừng làm cho không khí Phật đản sôi động lên.
Những việc nên làm trong ngày lễ Phật đản
Năm nay, trong Thông bạch số 88/TB-HĐTS của GHPGVN đã hướng dẫn về hình thức tổ chức Phật đản, trong đó có treo cờ, phan, phướn, lồng đèn, thiết lập vườn Lâm-tỳ-ni, biểu ngữ Kính mừng Phật đản… tại Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành phố và cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các cơ sở tự viện của GHPGVN và tại tư gia Phật tử. Vì vậy, Phật tử tại gia có thể tùy theo điều kiện để thực hiện theo hướng dẫn của GHPGVN.
Trang trí Phật đản tại gia trang trí đèn lồng, cờ Phật giáo,...
Ở tại gia, trong tháng tư mùa Phật đản, chúng ta có thể treo lồng đèn Phật đản, treo cờ Phật giáo,... ở trước nhà.
Tổ chức Phật đản tại gia
Chúng ta có thể tổ chức ăn mừng, liên hoan Phật đản, chăng đèn kết hoa ở nhà, làm tiệc liên hoan, bánh kẹo, hoa quả,... Vào ngày này, chúng ta cũng có thể mua cho con cháu quần áo mới, giày mới để chúng chúng háo hức đến ngày Phật đản. Và chính chúng ta cũng hãy mặc quần áo thật đẹp.
Để từ đó, tinh thần Phật đản được sống dậy, tạo thành một văn hóa, một ngày Tết, ngày hội lớn của người Phật tử.
Tu học Phật Pháp tinh cần
Nhân ngày kỷ niệm Đức Thế Tôn đản sinh, những người con Phật chúng ta phải ý thức được trách nhiệm, bổn phận lan tỏa những lời dạy của Ngài đến với nhiều người, đến với thế giới.
Trong thông điệp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam có kêu gọi: Mùa Phật đản, mùa của yêu thương và hiểu biết, tôi kêu gọi tất cả những người con Phật hãy tinh tấn thực hành những lời dạy vàng ngọc của đức Phật; tịnh hóa tâm thức; chuyển hóa tam độc tham, sân, si thành tam vô lậu học giới, định, tuệ; kiến tạo chánh báo trang nghiêm thanh tịnh để hình thành y báo hòa bình, an lạc như kinh Duy Ma Cật đã dạy: “Tâm bình thế giới bình”.
Như vậy, chúng ta đền ơn Phật, tri ân Ngài, yêu kính Ngài bằng những việc làm thiết thực như: chăm học, chăm tu Phật Pháp, thực hành lời Phật dạy và lan tỏa Phật Pháp. Đó mới thực sự là đền đáp công ơn của Đức Thế Tôn và là phần quà dâng lên để kính ơn Ngài nhân ngày Thế Tôn đản sinh.
Vào ngày Phật đản, bao nhiêu thiện Pháp được nảy nở, hàng ngàn, hàng triệu người được hướng thiện, được tốt đẹp. Cho nên, với tinh thần kính mừng Phật đản, chúng ta hãy làm cho Phật Pháp được trường tồn, tức là ngay từ bây giờ, chúng ta gieo trồng và tưới tẩm để Phật Pháp được trường tồn.
Xem thêm: 05 chương trình ý nghĩa trong Đại lễ Phật đản 2024 - chùa Ba Vàng
Như vậy, chúng ta phải sống đúng tinh thần Phật đản, làm sao biến Phật đản trở thành Tết của người con Phật. Từ những hoạt động trên, Tết Phật Đản sẽ lưu giữ và lan tỏa được Phật Pháp cho nhiều người, để họ có duyên được thoát khổ. Mong rằng, mỗi chúng ta sẽ có một mùa Phật đản an lành với những việc làm ý nghĩa đem đến lợi ích và hạnh phúc cho bản thân và những người xung quanh.
Nếu còn điều gì thắc mắc, quý độc giả có thể để lại bình luận dưới bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ tại đây để được giải đáp. Kính chúc quý vị mạnh khỏe, an lạc!