Cách chúc Tết ý nghĩa đem đến phúc lành trong dịp đầu xuân năm mới
Mục Lục [Ẩn]
Chúc Tết là một phong tục tốt đẹp trong văn hóa Việt Nam; giúp chúng ta bày tỏ tình cảm và gửi gắm những nguyện ước tốt lành đến người thân, bạn bè và những người xung quanh. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách chúc Tết để mang đến phúc lành, may mắn cho cả người nhận và chính bản thân chúng ta.
Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá phong tục chúc Tết và cách gửi lời chúc đầy ý nghĩa, tích lũy phúc lành đầu xuân năm mới.
Phong tục chúc Tết của người Việt
Chúc Tết là truyền thống của dân tộc ta vào thời khắc giao thừa hay sáng mùng 1, 2, 3 Tết. Chúng ta chúc nhau sức khỏe, những điều tốt đẹp, may mắn trong năm mới. Ví dụ như: chúc các cụ già mạnh khỏe, sống thọ; chúc những người trẻ học hành tiến bộ, phát tài, phát lộc và có nhiều duyên mới,... Đây là một nét đẹp văn hóa mà chúng ta nên duy trì.
Cách chúc Tết đem đến phúc lành
1. Chúc Tết với tâm chân thành, lành thiện
Năm mới, chúng ta chúc nhau sức khỏe, may mắn, trường thọ thì chắc chắn sẽ được phúc báu. Vì khi gửi những lời chúc Tết ý nghĩa như vậy đến với mọi người, chúng ta khởi được thiện tâm; thân và miệng đều làm việc thiện.
Trong Đại tạng kinh Việt Nam, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Cát tường, phần Buổi sáng tốt đẹp, bài Ngày lành tháng tốt, Đức Phật dạy:
“Các loài hữu tình nào, này các Tỳ kheo, vào buổi sáng, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỳ kheo, có một buổi sáng tốt đẹp.
Các loài hữu tình nào, này các Tỳ kheo, vào buổi trưa, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỳ kheo, có một buổi trưa tốt đẹp.
Các loài hữu tình nào, này các Tỳ kheo, vào buổi chiều, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỳ kheo, có một buổi chiều tốt đẹp”.
Như vậy, chúc Tết cũng là việc làm xuất phát từ ý nghĩ thiện, lời nói và hành động thiện nên chắc chắn sẽ đem lại những điều tốt đẹp, phúc báu cho chúng ta.
Tuy nhiên, lượng phúc báu lớn hay nhỏ phụ thuộc vào tâm thái của mỗi người. Nếu chúc với tâm chân thành thì phúc báu lớn, ngược lại chúc với tính chất xã giao thì chúng ta chỉ được phúc báu “xã giao”.
Cho nên, không thể chúc xã giao ngoài miệng, chúng ta phải tập sống chân thành. Khi tâm chưa chân thành thì chưa nên chúc, tránh tạo sự giả dối. Khi tâm thật sự chân thành, thương yêu; lời chúc của chúng ta sẽ rất giá trị.
2. Chúc tết với tình yêu thương
Chúng ta hãy dành những lời chúc Tết ý nghĩa từ tâm yêu thương, từ bi đến với mọi người để được phúc báu lớn. Bởi Đức Phật đã chỉ dạy trong bài kinh Từ bi rằng: khởi một niệm tâm từ được vô lượng phúc báu. Cho nên, khéo biết ứng dụng Phật Pháp, chúng ta sẽ biết cách bố thí được phúc báu nhiều; còn nếu không, có thể bố thí nhiều nhưng phúc báu không lớn.
Như vậy, cùng một lời chúc nhưng xuất phát từ tâm từ bi, yêu thương thì chúng ta được phúc báu lớn; còn nếu chỉ là câu chúc cửa miệng, không có tâm yêu thương với người mình chúc thì được rất ít phúc báu.
Cho nên, Tết này, chúng ta bắt đầu học kinh Từ bi, tập quán từ bi, gửi tâm từ bi đến cha mẹ, anh em, bạn bè và muôn loài. Khi thuần thục trong tâm từ bi, chúng ta chúc ai cũng sẽ được thêm phúc. Chính tâm từ bi ấy chiêu cảm phúc lành. Khi tâm có sự chân thành, yêu thương thì lời chúc sẽ ý nghĩa và giá trị hơn. Do vậy mà có câu nói: “Lời nói từ trái tim sẽ đi đến trái tim”.
>>> Xem thêm: 11 lợi ích của tâm từ bi vô lượng, giúp con người khỏe mạnh, an vui
Trên đây là những chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh về phong tục chúc Tết của dân tộc ta. Tết này, bạn sẽ trao gửi đến những người thân yêu lời chúc Tết thế nào? Hãy cùng chia sẻ trong bình luận dưới đây nhé! Nếu còn điều gì thắc mắc về việc chúc Tết, các bạn có thể để lại bình luận, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ. Kính chúc quý vị mạnh khỏe, an lạc!