Bố thí là gì? Phương pháp bố thí đem lại phước báu theo lời Phật dạy
Mục Lục [Ẩn]
Bố thí không chỉ là việc giúp đỡ người khác, mà còn là cơ hội để chính mình tích lũy phước báu. Khi chúng ta cho đi, chúng ta đã gieo những hạt giống thiện lành; giúp mình nhận được phước báu, an vui, hạnh phúc trong đời này, cũng như những quả báo tốt đẹp trong nhiều đời sau.
Tuy nhiên, bố thí thế nào để được nhiều lợi ích nhất và làm sao để bố thí ít mà được phước báu nhiều,... thì không phải ai cũng biết.
Để hiểu rõ về hạnh bố thí và cách thực hành bố thí theo lời Phật dạy, kính mời quý Phật tử cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Bố thí là gì?
Bố thí là cho ra, mở lòng mình, buông bỏ, xả tâm, là sự giúp đỡ làm hài lòng người và làm nhẹ lòng mình. Bố thí còn có nghĩa là sự cống hiến, phụng sự và hy sinh vì mọi người. Tức là mình lo lắng, chăm sóc, giúp đỡ cho mọi người.
Cụ thể, bố thí là chúng ta biết đem tài sản, sức lực, trí tuệ của mình để cho và giúp đỡ mọi người.
03 loại bố thí
Trong Đại Tập 162, Bộ Chư Tông II, Đức Phật dạy chúng ta có ba cách bố thí, đó là: tài thí, Pháp thí và vô úy thí.
1. Tài thí
Tài thí là bố thí về tài sản, của cải, tiền bạc, lương thực thực phẩm của mình.
Trong tài thí gồm có ngoại tài và nội tài. Ngoại tài là những tài sản bên ngoài như tiền bạc, của cải. Còn nội tài nằm chính thân chúng ta. Ví dụ, chúng ta có thể cho máu, thận, hiến giác mạc, cơ quan nội tạng,... hay dùng sức lực của mình để giúp người.
2. Bố thí Pháp
Bố thí Pháp là đem kiến thức Phật Pháp mà mình đã học được để dạy, quảng bá giúp cho mọi người hiểu Phật Pháp.
3. Bố thí vô úy
Bố thí vô úy là chúng ta đem đến sự bình an cho mọi người. Như trong Đại Tập 128, Bộ Kinh Sớ XIV, có viết: “Vô úy thí dứt trừ chỗ sợ hãi của hiện tại, đem đến cái vui của sự an ổn.”
Ví dụ, có người đang bị lo lắng, sợ hãi, chúng ta trấn an, giúp họ bình an trong tâm. Có thể chỉ một câu nói giúp người khác an vui cũng là bố thí.
Bố thí vô úy lớn nhất là giúp cho người khác hiểu, có duyên với Phật Pháp. Ví dụ, ta cho họ số tiền đủ sống một năm đi chăng nữa, họ chỉ ăn đủ trong thời gian đó. Nhưng họ còn chưa giác ngộ thì sẽ tiếp tục tạo nghiệp và chịu vô số kiếp khổ đau.
Còn nếu cho họ một niệm giác ngộ nhân quả, họ sẽ dừng việc ác nhiều, vô số kiếp sau không phải chịu khổ. Tức là chúng ta giúp cho người khác giác ngộ Phật Pháp, có niệm quy y Tam Bảo, hiểu về nhân quả tội phước, để cho họ bỏ ác hành thiện, đó là sự bố thí tối thượng.
Ngoài ra, còn có rất nhiều cách bố thí. Ví dụ, chúng ta gặp nhau trao cho nhau nụ cười, lời nói hay cử chỉ đẹp cũng là bố thí.
Như vậy, không phải chỉ có tiền của mới là bố thí mà còn rất nhiều cách để bố thí. Chúng ta trao tặng cuộc đời những niềm vui, sự an lành cũng được xem là một cách bố thí. Do đó, không ai ở trên đời không có khả năng bố thí.
Bố thí mang đến phước lành
Trong kinh Phật có nhiều bài kinh nói về việc bố thí mang đến phước lành.
Như trong kinh Phước báu thù thắng của bố thí - kinh Nikaya trích tại ĐTKVN, Tăng Chi II, chương 5, phẩm Sumanà, phần Con gái vua, Đức Phật dạy: “Người có bố thí, khi được làm một vị trời hoặc được làm người đều vượt qua người không bố thí trên năm phương diện. Đó là thọ mạng, nhan sắc, an lạc, danh xưng và tăng thượng.”
Trong kinh Tam Bảo, Ngài A Nan đã thỉnh tất cả chúng thiên nhân hãy chính tâm và thành ý, lắng tâm để nghe lời dạy:
“Tất cả chúng thiên nhân
Hãy bi mẫn đồng tâm
Lòng từ luôn rộng mở
Năng chuyên cần gia hộ
Đối với nữ nam nào
Ngày đêm thường bố thí.
Phàm những tài sản gì
Đời này hoặc đời sau
Ngọc báu hay trân châu
Có cùng khắp thiên giới.”
Lời trên vừa là lời thỉnh, vừa là lời hướng dẫn cho chư Thiên, Quỷ Thần và cả con người hãy đồng hoan hỷ, mở tâm ra, khởi lòng từ và mở rộng lòng từ, gia hộ cho những người thường hay bố thí. Do đó, chúng ta muốn được sự gia hộ thì phải biết bố thí, cho ra.
Một người sống ích kỷ, chỉ biết đến bản thân, chưa từng biết cho ra thì rất khó nhận được sự giúp đỡ từ người khác. Chúng ta thấy một người ích kỷ, không biết giúp đỡ ai thì chính mình cũng không muốn giúp người ấy. Cho nên, chư Thiên cho đến các vị Thần Linh gia hộ những ai biết bố thí và không thể gia hộ cho những người không biết bố thí, không cho ai thứ gì bao giờ. Chính vì vậy, Đức Phật dạy chúng ta phải học bố thí.
Và Đức Phật cũng dạy, người nào chăm chỉ thực hành bố thí, ngày ngày bố thí, kiếp này bố thí, kiếp sau cũng bố thí thì phước báu của họ sẽ lớn lên, tài sản cũng có thể tăng trưởng rất lớn.
Hơn thế nữa, người nào bố thí rộng lớn và cao thượng hơn, phước báu lớn hơn khiến sẽ được sinh lên chư Thiên làm vua cõi trời như vua trời Đế Thích (vua cõi trời 33), vua trời Đại Phạm Thiên Vương (vua cõi trời Đại Phạm),... khắp cả cõi trời, cung điện toàn ngọc ngà, châu báu.
Bố thí như thế nào để được phúc báu?
Trong kinh Phật phân tích sự bố thí cho trưởng giả Lam Đạt, Đức Phật dạy bố thí có bốn việc đó là:
“Một là: Cúng thí nhiều được phước báo ít.
Hai là: Cúng thí ít được phước báo nhiều.
Ba là: Cúng thí nhiều được phước báo nhiều.
Bốn là: Cúng thí ít được phước báo cũng ít.”
Bố thí ít mà được phúc nhiều là khi người cúng thành tâm, tận tâm, người nhận là người đã chứng đắc - đó là Phật và các bậc đã vào dòng giải thoát.
Như trong Truyện cổ Phật giáo có câu chuyện về vợ chồng ông lão nghèo Kệ Di La, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng cả hai vợ chồng lại bán thân làm đầy tớ cả đời để lấy tiền cúng dường trai Tăng. Nhờ hành động ấy, sau 7 ngày, phước báu đã phát sinh đến gia đình ông. Nhà vua đã biết chuyện, khen ngợi tinh thần cúng dường không tiếc thân mạng của vợ chồng ông và ban cho rất nhiều quần áo, của cải quý giá và đất đai để kiếm sống.
Bố thí nhiều được phúc nhiều, hay bố thí ít được phúc ít bởi người cúng tùy tâm và người nhận là người đang tinh tấn thực hành các pháp đoạn tham ái.
Bố thí nhiều mà phúc báu ít: người nhận là người đang làm các việc tăng trưởng tham ái.
Từ đó, có thể thấy rằng một hạnh bố thí mang đến cho chúng ta những phúc báu như vậy.
Đức Phật cũng dạy về ba ruộng phước sinh phúc lành cho chúng sinh. Như trong Đại Tập 155, Bộ Luận Sớ X có viết: “ba loại phước điền sai biệt là Bi điền, Ân điền và Kính điền…”
Thứ nhất là ruộng phước Tam Bảo. Đây gọi là Kính điền, vì Tam Bảo là đối tượng chúng ta tôn kính. Trong kinh Tăng Nhất A-Hàm phẩm Tăng Thượng Tâm, Đức Phật dạy Tam Bảo chính là “đệ nhất phước điền”. Cho nên, chúng ta gieo hạt giống bố thí cúng dường vào nơi Tam Bảo sẽ được phúc báu vô cùng lớn. Những người phát tâm làm việc thiện vào Tam Bảo đều sinh ra phước báu nhiều đời cho bản thân. Cũng chính từ nơi Tam Bảo, năm phước báu: thọ mạng, tài sản, sắc đẹp, an vui và trí tuệ sẽ phát sinh đầy đủ cho chúng ta.
Điều này đã được Đức Phật dạy trong kinh bố thí thuộc Đại Tập 65 - Bộ Kinh Tập XII:
“Này Đại vương! Nếu đem các thứ thức ăn, nước uống thượng diệu cúng dường Tam Bảo thì được năm loại lợi ích:
- Thân tướng đoan nghiêm.
- Khí lực tăng thịnh.
- Thọ mạng lâu dài.
- An ổn diệu lạc.
- Thành tựu biện tài.
Như thế, tất cả chúng sinh nơi Nam Thiệm-bộ châu, cha mẹ, vợ con, nam nữ, quyến thuộc, hành trì các việc bố thí như trên thì tùy theo chỗ nguyện cầu, không việc gì là không viên mãn.”
Thứ hai là phụ mẫu phước điền hay Ân điền. Cha mẹ là những bậc sinh thành, dưỡng dục chúng ta nên chúng ta báo hiếu cha mẹ sẽ sinh ra phước báu.
Thứ ba là chúng sinh phúc điền; còn gọi là Bi điền. Chúng ta với lòng từ bi, sự thương xót, lòng từ bi cứu giúp tất cả chúng sinh đau khổ, hoạn nạn, yếu thế thì chúng ta được phúc báu.
Bố thí là hành động cao đẹp, mang lại lợi ích to lớn cho cả người cho và người nhận. Người biết thực hành lời Phật dạy, bố thí đúng cách sẽ sinh ra được nhiều phúc lành cho bản thân trong hiện đời và nhiều đời về sau.
Mong rằng, qua bài viết, quý vị sẽ biết cách tích lũy phước báu sinh ra từ việc bố thí. Từ đó, gặt hái được quả phúc giúp bản thân đạt được an vui, hạnh phúc. Nếu còn điều gì thắc mắc xoay quanh chủ đề bố thí, kính mời quý độc giả bình luận dưới bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ để được giải đáp.