Lợi ích của phát tâm Bồ đề trên con đường học Phật
Mục Lục [Ẩn]
Chúng ta tu hành cầu thành Phật đạo mà không phát tâm Bồ đề thì không thể thành Phật đạo được. Phải là nhân của phát Bồ đề tâm, phát Bồ đề nguyện và thực hành Bồ đề hạnh mới có thể thành tựu được Phật quả, đạt được giác ngộ tối thượng.
Vậy Bồ đề tâm là gì? Và lợi ích của việc phát tâm Bồ đề đối với người tu học Phật Pháp? Kính mời quý Phật tử cùng tìm hiểu lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh qua bài viết dưới đây.
Tâm Bồ đề là gì?
“Bồ đề” có nghĩa là giác. Tâm Bồ đề được hiểu là tâm rộng lớn, tâm bao trùm, dung chứa, thấu triệt tất cả. Tâm Bồ đề cũng có nghĩa là tâm giác ngộ, giác ngộ là vì làm lợi ích cho chúng sinh.
Bồ đề tâm là nguồn tâm căn bản, hướng dẫn cho chúng ta đi trên lộ trình đạt tới quả vị Phật. Nếu tu đạo Phật mà không phát Bồ đề tâm thì không thể trở thành Phật được. Cho nên, Bồ đề tâm được coi là tinh tủy của Phật Pháp.
Các loại Bồ đề tâm
Trong Phật Pháp, Bồ đề tâm được chia thành 2 loại:
1. Bồ đề tâm tuyệt đối
Là tâm sẵn có bản giác của chúng ta, xưa nay vốn thanh tịnh trong sáng, sáng suốt. Giống như bài kệ của Đức Lục Tổ Huệ Năng dạy “Bồ đề bản vô thọ”. Tâm Bồ đề xưa nay là trong sáng. Tính giác sáng suốt của chúng ta như mặt gương từ vô thủy kiếp đến bây giờ vẫn trong sáng như vậy. Đây là tâm Bồ đề tuyệt đối mà chư Phật, các bậc Thánh nhân đã chứng đạt được.
2. Bồ đề tâm tương đối
Là tâm của chính ta khi phát Bồ đề tâm. Đó là ước nguyện, nguyện vọng mong mỏi được giác ngộ để cứu độ tất cả chúng sinh của chúng ta:
“Con nguyện, con ước làm sao con thành tựu sự giác ngộ như Phật để con có thể cứu khổ cho tất cả chúng sinh. Hôm nay con sẽ phát tâm này, giống như trong quá khứ Đức Phật khi còn là Bồ tát, Ngài cũng phát tâm này. Con thấy chúng sinh đau khổ quá, nay con muốn phát tâm, con nguyện làm sao con phải giác ngộ thấu triệt tất cả Pháp để con dẫn dắt chúng sinh thoát khổ, cứu cho chúng sinh thoát khổ. Vì chỉ có giác ngộ mới cứu chúng sinh thoát khổ được thôi. Cho nên con phát tâm cầu thành Phật, cầu giác ngộ để độ tận chúng sinh”.
Đây là tâm Bồ đề tương đối của chúng ta.
Ngoài ra, Bồ đề tâm còn phân loại làm Thanh văn Bồ đề tâm, Duyên giác Bồ đề tâm, Bồ tát Bồ đề tâm, Phật Bồ đề tâm. Trong đó, Phật Bồ đề tâm là tối thượng; gọi là Bồ đề Vô thượng Chính đẳng Chính giác.
Tại sao nên phát tâm Bồ đề?
1. Nhân để thành Phật
Chúng ta tu đạo Phật với mục đích là để thành Phật. Thành Phật là để được đầy đủ tất cả các công đức, được chân thật hạnh phúc, chân thật giải thoát. Vì chúng ta ở đời quá đau khổ, chìm trong biển khổ luân hồi sinh tử, cho nên mục tiêu thành Phật có nghĩa là để đạt được sự giải thoát, hết đau khổ. Gọi là chân hạnh phúc.
Hạnh phúc ở thế gian chúng ta là hạnh phúc tạm bợ, tương đối. Hết vui thì khổ, hết khổ thì vui, niềm vui ấy là tạm bợ, không bền lâu. Vui lại là cái nhân của khổ nên chúng ta cứ luân hồi mãi trong sáu nẻo (trời, người, Atula, ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục). Chỉ có con đường duy nhất là tu hành thành Phật thì mới vĩnh viễn lìa khỏi đau khổ. Đó là mục tiêu của đạo Phật.
Chúng ta ai cũng mong cầu cho mình hạnh phúc và tất cả nhân loại đều đi tìm hạnh phúc. Nhưng cách thức đi tìm hạnh phúc, con đường đi đến hạnh phúc không giống như trong đạo Pháp. Hạnh phúc trong thế gian là đi đến cơm no áo ấm, xã hội được an ninh, hòa bình; nhưng đối với đạo Phật đó chưa phải là chân thật hạnh phúc. Vì con người vẫn còn phải sinh, già, bệnh, chết, vẫn phải luân hồi nhiều kiếp nữa. Cho nên đạo Phật đưa đến hạnh phúc chân thật, hạnh phúc tối thượng. Điều này Chư Phật, chư Bồ Tát, các vị Hiền Thánh đã đạt được và các Ngài muốn đem lại cho chúng ta.
Do đó, muốn để thành Phật thì nhất khoát chúng ta phải phát Bồ đề tâm. Bồ đề tâm là tâm căn bản và không thể thiếu, hướng dẫn cho chúng sinh đi trên lộ trình đạt đến quả vị Phật. Tu đạo Phật mà không phát tâm Bồ đề thì không thể thành Phật được. Cho nên, tâm Bồ đề cực kỳ là quan trọng.
2. Làm việc thiện mà không phát tâm Bồ đề là hành động theo Ma Vương
Trong các nguyện của Đức Phật A Di Đà, nguyện tiếp độ chúng sinh thường Đức Phật dạy là chúng ấy phải phát tâm Bồ đề. Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật cũng dạy: Tâm Bồ đề là chúa tể của tất cả các thiện Pháp. Nếu một người chỉ tu thiện mà không có tâm Bồ đề thì Phật nói người ấy là quân lính của Ma Vương, vẫn làm theo Ma Vương. Bởi vì:
Điều thứ nhất, nếu không phát tâm Bồ đề thì chúng ta hành thiện có phước báu, được đến chỗ cao quý, có phước thì phải hưởng phước, thọ hưởng hết phước báu rồi thì bị đọa lạc.
Điều thứ hai là chúng ta hành thiện, có phước báu, nếu không tu tập tâm Bồ đề thì chúng ta hay chấp trước, ví dụ: Tôi làm được nhiều công đức, tôi xây được nửa cái chùa này, các vị đừng đến đây xem thường tôi, tôi có công lao với Thầy trụ trì đây lắm,… hay là khi đến yêu cầu Thầy thế này thế kia, lỡ Thầy quên không đón tiếp là mình khó chịu. Làm thiện lại chấp trước, có phước lại bắt người khác phục tùng mình, cậy mình có công lao rồi hành khổ người khác.
Do đó, Đức Phật dạy làm việc thiện mà không có tâm Bồ đề là hành động theo Ma Vương. Ở trên cõi trời Tha Hóa Tự Tại, đa phần là chư Thiên nhưng lại là Thiên Ma, Ma Ba Tuần. Ma Ba Tuần rất có phước, do trước đó nó làm nhiều việc thiện nhưng vì chấp trước, kiêu mạn cho nên sinh làm Ma. Do đó, chúng ta không muốn thành ma thì chúng ta phải phát tâm Bồ đề.
Mong rằng qua bài viết trên, quý Phật tử hiểu hơn về tâm Bồ đề cũng như công đức, lợi ích to lớn của việc phát tâm Bồ đề mong muốn giác ngộ thành Phật. Từ đó, thực hành lời Phật dạy sao cho đạo tâm luôn được kiên cố, lớn mạnh, tinh tấn tu tập để liễu thoát luân hồi sinh tử.