Hiểu về vía theo quan điểm đạo Phật: Trộm vía, xin vía, nặng vía
Mục Lục [Ẩn]
Vía là một khái niệm quen thuộc trong văn hóa dân gian Việt Nam, thường được nhắc đến qua những quan niệm như trộm vía, nặng vía, xin vía,... Theo quan niệm phổ biến, vía có thể ảnh hưởng đến vận may hoặc những điều xui rủi trong cuộc sống. Tuy nhiên, theo quan điểm của đạo Phật thì không phải như vậy. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn làm sáng tỏ những thắc mắc xoay quanh khái niệm này.
Vía là gì theo quan niệm dân gian?
Theo tín ngưỡng dân gian và theo quan điểm của đạo gia, một con người khi sống có thân xác, trong thân xác có thần hồn, thần phách hay gọi là hồn phách. Vía là nghĩa của từ “phách” trong Tiếng Việt.
Người ta cũng quan niệm, mỗi người có 3 hồn 7 vía (nam) hoặc 3 hồn 9 vía (nữ); hồn là phần dương thần, vía là phần âm thần.
Hiểu nôm na quan điểm dân gian, vía là vỏ bọc, biểu hiện ra bên ngoài của phần hồn - thần thái của con người. Khi sống thì hồn vía còn, khi chết hồn bay lên, vía giáng xuống và tiêu đi mất cùng thân xác. Họ nghĩ rằng, hồn là cái trường cửu, vĩnh viễn, không thay đổi; vía có thể chết, mất. Quan điểm này khác với giáo lý đạo Phật.
Đạo Phật không có quan niệm về hồn vía
Theo góc nhìn của đạo Phật, quan niệm phần hồn là trường cửu, không thay đổi là chưa đúng.
Trong đạo Phật không có quan niệm về linh hồn, mà một con người được hợp thành bởi ngũ uẩn; gồm sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Trong đó:
- Sắc uẩn là thân xác.
- Thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn tương đương với phần vía theo quan niệm dân gian.
- Thức uẩn tương đương phần hồn theo quan niệm dân gian.
Khi con người chết, thọ, tưởng, hành lặn vào trong thức, trở về trong thức; thức sẽ đi tái sinh sang kiếp sau.
Trong Kinh Pháp Cú Thí Dụ, Đức Phật có dạy:
“Thân này là vật chết
Tinh thần: pháp vô hình
Thân chết, thức tái sinh
Tội phước vẫn không mất.”
Giải đáp các thắc mắc liên quan đến vía
Cách tránh vía cho trẻ sơ sinh khi ra ngoài có đúng không?
Theo dân gian, khi đưa các em bé mới sinh ra khỏi nhà, nhiều người thường chấm nhọ nồi hoặc son lên trán như là cách đuổi vía dữ cho trẻ sơ sinh. Việc này để khẳng định với thế giới vô hình và những người xung quanh rằng, đứa trẻ đã có chủ, có người giám hộ. Đồng thời, dân gian quan niệm, giữa hai chân mày là nơi ra vào của thần nhãn, chấm nhọ nồi hoặc son là để đóng cửa thần nhãn, không cho thần nhãn ác của người khác xâm nhập. Tuy nhiên, quan điểm này chưa đúng với lời Phật dạy.
Từ góc nhìn Phật Pháp, trẻ con có thần thức, thể xác còn yếu nên dễ bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh. Khi đưa các bé ra ngoài, chúng ta cẩn thận là tốt; còn chấm nốt hay không chấm cũng không sao. Nhưng cần cẩn thận giữ gìn, không để các bé tiếp xúc với môi trường không an lành.
Thực chất, mỗi con người đều có một từ trường (trường sinh học) khác nhau. Ví dụ: người hiền đức, tâm tính tốt lành sẽ tỏa ra từ trường an lành.
Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân tập VI có kể lại về một con chim bồ câu bị chim cắt đuổi theo. Khi nó sà vào bóng của Ngài Xá Lợi Phất, nó vẫn run rẩy, sợ hãi; nhưng đến khi bồ câu nhảy sang bóng của Đức Phật thì nó được bình thản, an lành. Ngài Xá Lợi Phất hỏi Đức Phật về hiện tượng đó thì biết rằng: Ngài Xá Lợi Phất mới tu tập khổ hạnh trong sáu mươi kiếp, còn Đức Phật đã tu hạnh Bồ tát vô lượng kiếp, nên năng lượng từ trường an lành mà Ngài tỏa ra là vô cùng lớn.
Vì vậy, chúng ta cũng nên để các bé sơ sinh tiếp xúc với người có từ trường an lành, tránh người “vía” (từ trường) dữ. Người “vía” dữ thường là những người làm ác nghiệp hoặc những người có oán kết với em bé đó, tạo ra một từ trường (trường sinh học) không an lành.
Người nặng vía mang xui xẻo là đúng hay sai?
Theo quan điểm của đạo Phật, xui xẻo không đến từ người “nặng vía”. Chúng ta may mắn hay đen đủi đều do duyên phước của mỗi người. Đạo Phật nhắc đến chính báo và y báo. Bản thân chúng ta là chính báo còn hoàn cảnh sống xung quanh là y báo. Chính báo quyết định y báo, cho nên, khi ra đường gặp ai, cả ngày hôm đó xui xẻo hay may mắn cũng từ chúng ta, là nhân duyên của mình, không phải do hoàn cảnh hay người mình gặp.
Trong Bài Tựa Về Văn Mười Phương, kinh Địa Tạng Bổn Nguyện có viết: “Vô tình là y báo, hữu tình là chánh báo. Y báo là do chánh báo cảm ra.”
Trong kinh Mi Tiên Vấn Đáp có viết: “Phước báu là tên gọi chung chỉ cho y báo và chánh báo. Y báo và chánh báo (chính báo) cũng mới chỉ là tên gọi chung để chỉ cho tất cả những phước báu thọ hưởng trên đời này, đó là: địa vị, chức tước, phẩm hàm, phú quý, tiền bạc, công danh, vợ con, gia sản, quyến thuộc, kiến thức, dung mạo, trí tuệ v.v…”
Do đó, việc xin vía để buôn may bán đắt, làm đẹp, tìm mẹo xin vía có bầu hay quan niệm trộm vía đều không đúng. Chúng ta cũng không nên đặt nặng quan niệm dân gian phải chọn vía người xông nhà, người mở cửa hàng đầu xuân năm mới. Thay vào đó, chúng ta hãy sống thiện, làm thiện, nghĩ thiện thì quả tốt sẽ đến trong tương lai.
Trong kinh Ngày Lành Tháng Tốt, Đức Phật dạy: “Các loài hữu tình nào, vào buổi sáng, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, có một buổi sáng tốt đẹp.
Các loài hữu tình nào, vào buổi trưa, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, có một buổi trưa tốt đẹp.
Các loài hữu tình nào, vào buổi chiều, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, có một buổi chiều tốt đẹp.”
Trong kinh Điềm Lành Tối Thượng, Đức Phật dạy:
“Sống trong môi trường tốt,
Để tạo tác nhân lành,
Chân chính hướng thiện tâm,
Là điềm lành tối thượng”
Mong rằng, qua những chia sẻ trên của Thầy Thích Trúc Thái Minh về vía, quý độc giả sẽ hiểu vía là gì để không còn những lo lắng không đáng có. Thay vào đó, chúng ta sống tốt hơn, làm việc thiện để gieo nhân lành và gặt hái an vui trong cuộc sống.
Nếu còn điều gì thắc mắc về vía, kính mời quý độc giả bình luận dưới bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ để được giải đáp.