Kiêng kỵ ngày Tết: Có thực sự đáng sợ như lời đồn? (Phần 1)
Mục Lục [Ẩn]
Đầu xuân năm mới, ai ai cũng mong muốn mọi sự suôn sẻ, tốt đẹp đến với bản thân và gia đình mình, từ đó nảy sinh ra rất nhiều điều kiêng kỵ vì quan điểm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Vậy nên nếu lỡ phạm phải điều kiêng kỵ thì rất lo lắng, bất an, sợ hãi…
Theo quan điểm của đạo Phật, những điều kiêng kỵ đó là đúng hay sai? Kính mời quý Phật tử cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây qua sự chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh!
1. Kiêng quét nhà?
Ngày xưa, mỗi sáng mùng một Tết, sau khi đốt xong bánh pháo, người lớn thường ngăn cấm con trẻ quét rác, bởi các cụ tin rằng, quét rác ngày đầu năm sẽ mất lộc. Tuy nhiên, đây chỉ là một tập tục, không đúng với tinh thần đạo Phật. Cho nên, chúng ta có thể an tâm dọn dẹp, quét nhà sạch sẽ để vui vẻ đón khách.

Chúng ta nên quét dọn để nhà cửa sạch sẽ những ngày đầu năm mới (Ảnh minh họa)
2. Kiêng cho lửa, nước đầu năm?
Trong dân gian, người ta thường bảo nhau không nên cho lửa, cho nước ngày Tết vì sợ mất lộc, mất hơi ấm gia đình.
Tuy vậy, chúng ta biết rằng, lửa có thể dùng nấu cơm, sưởi ấm nhưng cũng có thể đốt cháy nhà, làm bỏng da. Nước cũng vậy, có thể dùng nấu cơm, tắm rửa nhưng cũng chính là nguyên nhân gây chết đuối, tạo lũ lụt cuốn trôi hết nhà cửa.
Nước, lửa không hẳn tốt cũng không phải xấu cho nên việc kiêng kỵ cho nước, cho lửa đầu năm mới vì sợ mất lộc là không có căn cứ.

Quan điểm kiêng cho nước, cho lửa đầu năm mới vì sợ mất “lộc” là không đúng (Ảnh minh họa)
3. Kiêng xuất hành mùng 5, 14, 23
Theo lịch âm dương, mùng 5, 14, 23 được cho là những ngày nguyệt kỵ - ngày không tốt trong tháng khiến làm việc gì cũng không may mắn.
Tuy nhiên, chúng ta cần khẳng định và tin chắc rằng, mọi chuyện tốt, xấu, may, rủi không phải do thời gian quyết định. Bởi không phải ai xuất hành ngày mùng 5, 14, 23 cũng gặp những chuyện không may. Không những vậy, các nước phương Tây hay nhiều quốc gia khác trên thế giới không sử dụng lịch âm dương, nên họ không có quan niệm về ngày nguyệt kỵ, tam nương, sát chủ, vẫn giao dịch, đi lại bình thường. Cho nên sẽ thật vô lý nếu cùng một thời gian, ở Việt Nam là ngày xấu còn tại các nước phương Tây là ngày tốt.
Về vấn đề này, theo góc nhìn của đạo Phật, bản chất thời gian không có tính chất may rủi, việc may rủi đều do nhân quả thiện ác của mỗi người. Nếu chúng ta tạo thiện nghiệp thì sẽ trổ quả phúc lành, các việc sẽ được tốt đẹp.
Chúng ta phải tự chuẩn bị cho mình những thiện nghiệp, duyên lành, không để lệ thuộc vào thời gian vì thời gian do con người đặt ra.

Chúng ta xuất hành theo đúng kế hoạch mà không cần kiêng các ngày 5, 14, 23 (ảnh minh họa)
Ngoài ra, để việc xuất hành, đi lại được an toàn, chúng ta nên tuân thủ luật giao thông, giữ đầu óc phải tỉnh táo, minh mẫn. Chúng ta có thể lễ Phật trước khi đi, mong cầu các vị Hộ Pháp, chư Thiên, chư Thần hộ trì cho mình. Hơn nữa, chúng ta có thể nương tựa lời Phật dạy, tụng một bài kinh Paritta - bài kinh có tính chất hộ trì an lành. Vì theo tâm linh, có rất nhiều vị chư Thiên, chư Thần hay ma quỷ dọc đường đều có thể tác động đến chúng ta. Nhưng khi có được sự hộ trì của chư Thiên, chư Thần thì chúng ta được an lành, may mắn.
>>> Xem thêm: Việc chọn hướng và ngày, giờ xuất hành có thật sự tránh được vận hạn?
4. Kiêng ăn cá mực, ăn chuối đầu năm?
Một số người kiêng ăn cá mực trong ngày Tết vì quan niệm “đen như mực”. Tuy nhiên, bút và mực lại là món quà ý nghĩa chúng ta tặng cho học sinh, sinh viên, một dụng cụ không thể thiếu giúp con người học hành thành tài. Vậy điều kiêng kỵ này là không đúng.
Không chỉ vậy, nhiều người còn kiêng ăn chuối đầu năm, lo sợ “trượt vỏ chuối” vì vỏ chuối trơn. Nhưng thực tế, có nhiều thứ trơn hơn cả vỏ chuối, ví dụ như dầu mỡ. Do đó, điều kiêng kỵ này cũng không có cơ sở.

Quan niệm “trượt vỏ chuối” khiến nhiều người lo lắng kiêng ăn chuối đầu năm (Ảnh minh họa)
5. Kiêng dâng cúng quả sầu riêng gai góc?
Có một số quan niệm cho rằng, ngày Tết nên thắp hương những loại quả có màu đỏ để được may mắn hoặc những loại quả như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài với ý nghĩa “cầu vừa đủ xài”; không nên thắp hương loại quả như quả sầu riêng gai góc, sầu khổ.
Thế nhưng, trên thực tế thì không phải như vậy. Theo quan điểm Phật giáo, chúng ta biết rằng, khi dâng cúng Phật, gia tiên thì sẽ được phúc báu. Phúc báu lớn hay nhỏ, có đủ cho mình “sử dụng” không phụ thuộc vào rất nhiều nhân duyên, như tâm người cúng, người thọ nhận,... Vì thế, việc dâng cúng loại quả nào, tên gọi loại quả ấy ra sao không biến mong cầu của chúng ta thành sự thật.

Tên của các loại quả không thể hiện may mắn hay xui xẻo (Ảnh minh họa)
Đức Phật dạy, buổi sáng, nếu chúng ta thân làm việc thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện thì đó là một buổi sáng tốt đẹp. Buổi trưa, buổi chiều, buổi tối tốt đẹp thì đó là một ngày tốt đẹp. Ngày nay tốt đẹp, ngày mai tốt đẹp thì cả tuần tốt đẹp. Các tuần tốt đẹp thì cả tháng tốt đẹp. Các tháng tốt đẹp thì cả năm tốt đẹp. Cả năm tốt đẹp thì cả đời sẽ tốt đẹp.
Mong rằng, những chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh sẽ giúp cho quý Phật tử cảm thấy nhẹ nhàng, bớt lo lắng khi phải kiêng kỵ những điều không đúng trong năm mới. Phần 2 sẽ tiếp tục đem đến những lý giải thực tế về các điều kiêng kỵ đầu năm, kính mời quý vị cùng đón đọc!