Kiêng kỵ trong ngày Tết: Xóa tan lo lắng, đón Tết thư thái (Phần 2)
Mục Lục [Ẩn]
Tiếp nối Phần 1, kính mời các bạn cùng tìm hiểu sự thật về những điều kiêng kỵ ngày đầu xuân năm mới để không còn lo lắng, sợ hãi, đón Tết an lành trong bài viết dưới đây qua sự chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh!
>>> Xem thêm: Kiêng kỵ ngày Tết: Có thực sự đáng sợ như lời đồn? (Phần 1)
1. Đầu năm không mặc áo trắng, áo đen?
Đầu năm, người ta thường kiêng mặc quần áo màu trắng đen, bởi nhắc đến màu trắng, nhiều người liên tưởng đến trang phục tang lễ: vải màn trắng, vải xô trắng, áo trắng, khăn tang trắng,… Tuy nhiên, một số nơi khác, trang phục tang lễ lại là màu đen như quần áo đen, băng tang đen.
Như vậy, quan niệm màu sắc không giống nhau, có nơi sử dụng màu đen, có nơi sử dụng màu trắng trong tang lễ. Do đó, việc cho rằng màu sắc thể hiện sự tang tóc cũng chỉ là quan niệm, không có cơ sở minh chứng.

Việc kiêng kỵ mặc quần áo màu đen, trắng đầu năm mới chỉ là quan niệm do chúng ta đặt ra (Ảnh minh họa)
2. Kiêng bày cúng hoa quả giả trên bàn thờ?
Việc thờ cúng là để bày tỏ lòng thành kính, sự tri ân đối với những người mà chúng ta tôn kính. Đó có thể là Đức Phật, các vị thần, ông bà tiên tổ, các anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước hoặc những người có ân nghĩa chúng ta kính trọng.
Chúng ta có thể lập đền thờ, nhà thờ, miếu thờ, điện thờ hay cụ thể nhất là bàn thờ trong nhà để thờ các đối tượng chúng ta tôn kính. Trên bàn thờ, chúng ta có thể dùng các đồ trang trí mang tính trang nghiêm, tôn kính với đối tượng ta thờ cúng như: chân đèn, cây nến, đỉnh đồng, cành vàng lá ngọc, lư hương, hoa giả,...
Tuy vậy, cần đặc biệt lưu ý, vật trang trí trên ban thờ thì có thể không phải là đồ thật nhưng vật thực thì chúng ta dâng cúng vật thực thật. Bởi nếu đồ cúng dường là đồ giả bằng xốp hay nhựa, không có mùi hương thì thế giới tâm linh không thể thọ hưởng được sự cúng dường của chúng ta.

Phật tử bày vật phẩm cúng dường lên bàn thờ Phật
>>> Xem thêm: Bao sái bàn thờ: Đừng bỏ lỡ 7 điều này để cả năm may mắn
3. Chọn tuổi xông nhà đêm giao thừa?
Tục xông nhà đã trở thành một nét văn hóa của dân tộc Việt. Đầu năm, các gia chủ thường “đặt hàng” người xông nhà là những người được cho là “hợp tuổi” với chủ nhà.
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít những câu chuyện dở khóc dở cười vì tin theo tập tục này. Ví như gia đình có người “tuổi xấu” trong năm mới như lời thầy bói phán, có lỡ ra ngoài rồi về nhà lúc sang năm mới thì không được vào nhà do sợ rước vận xui vào gia đình. Vì mê tín như thế mà nhiều người rơi vào hoàn cảnh: chủ nhà nhưng không được vào nhà. Không những thế, mặc dù nhiều gia đình chọn người xông nhà hợp tuổi nhưng trong năm vẫn gặp những điều bất như ý.
Do đó, chúng ta không nên đặt nặng chuyện xông nhà, đầu xuân năm mới, chúng ta vui vẻ, hoan hỉ tiếp đón tất cả mọi người đến nhà. Với tâm tự tại như thế, ngày đầu năm chúng ta mới được an lạc.
Như vậy, chọn tuổi xông nhà cũng là một lý thuyết không đúng tinh thần đạo Phật, không mang lại lợi ích, khiến chúng ta thêm bất an. Là người đệ tử Phật, chúng ta nên bỏ quan điểm này.

Đầu năm ai đến nhà chúng ta cũng hoan hỷ đón tiếp, không nên đặt nặng tuổi xung tuổi hợp (Ảnh minh họa)
>>> Xem thêm: Cúng giao thừa như thế nào để hưởng cả năm may mắn?
4. Kiêng dao, thớt, chày, cối?
Lo sợ sự xung khắc trong những ngày đầu năm mới nên nhiều người rất ái ngại khi nhắc đến dao, thớt, chày, cối. Bởi họ cho rằng, dao, thớt gắn liền với sự băm chặt. Nhưng thực tế, đây là những đồ gia dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình để chế biến các món ăn. Vậy nên, điều kiêng kỵ này không đúng.

Kiêng dao thớt đầu năm để tránh xung đột là điều mê tín (Ảnh minh họa)
5. Gia đình có tang lễ không nên đi chúc Tết?
Nhiều gia đình khi có người thân mất, các thành viên trong nhà phải kiêng đi đền, chùa hay thăm nom, chúc tụng họ hàng, bạn bè. Họ phải đợi ngoài 49 ngày hoặc 100 ngày, thậm chí sau 3 năm mới dám đi. Đây là một tập tục không đúng chân lý.

Kiêng kỵ hạn “áo xám” khiến chúng ta không dám đi đâu trong dịp đầu năm mới (Ảnh minh họa)
“Hữu sinh ắt hữu tử”, ai sinh ra rồi cũng phải mất đi. Xét về mặt tâm lý, khi người thân mất chúng ta thường đau khổ, buồn khóc, sầu thương. Trạng thái này kéo dài rất lâu, khó có thể nguôi ngoai ngay được. Cho nên người xưa quan niệm rằng, nhà có người mất thì không nên đến chỗ chúc tụng, vui vẻ vì không hợp với tâm mình và gây khó xử cho người chúc tụng mình.
Như vậy, quan điểm đi đến nhà có người mất đem đến điều xúi quẩy là không đúng. Bởi gia đình nào cũng sẽ có người thân mất vì sinh tử là lẽ đương nhiên, không phải do có người thân mất mà mình đem đến điều xấu xa cho người khác. Cái chết cũng không phải là điều đen đủi; cho nên việc nhà có tang, chúng ta đi thăm nom, chúc Tết nhà khác là bình thường. Nếu gia đình anh em có tang, họ sang chúc Tết thì chúng ta cũng không phải quá lo lắng, hãy cứ vui vẻ, hoan hỉ tiếp đón. Quan niệm kiêng kỵ nhà có tang không nên đi chúc Tết là hoàn toàn mê tín.
Mong rằng, những chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh sẽ giúp cho quý Phật tử có một năm mới an lành, thư thái vì không còn những lỗi bất an, lo lắng về vô số những điều kiêng kỵ. Chúc quý Phật tử ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống đạt được nhiều lợi ích, an vui.