Từ bi hỷ xả là gì? Muốn cuộc sống an lạc phải thực hành 04 điều này
Mục Lục [Ẩn]
- Từ Bi Hỷ Xả là gì?
- Từ
- Bi
- Hỷ
- Xả
- Người thực tập Từ Bi Hỷ Xả được lợi ích gì?
- 1. Khiến mọi người xung quanh được dễ chịu, gia đình hòa thuận
- 2. Thân tâm được nhiều lợi lạc
- 3. Đối trị được các tâm bất thiện
- 4. Có thần thông
- 5. Đạt được an vui tối thượng
- Các cấp độ của Từ Bi Hỷ Xả
- Chúng sinh duyên
- Pháp duyên
- Vô duyên
Từ bi hỷ xả là bốn tâm đặc biệt quan trọng trong lộ trình tu học Phật Pháp của người đệ tử Phật. Thực tập bốn tâm này giúp chúng ta có cuộc sống an lạc và hướng đến con đường hạnh phúc viên mãn.
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết và những ví dụ thực tế về từ bi hỷ xả qua lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh. Kính mời quý độc giả cùng tìm hiểu!
Từ Bi Hỷ Xả là gì?
Từ bi hỷ xả còn được gọi là tứ vô lượng tâm, tức bốn tâm rộng lớn vô lượng, vô biên. Mỗi người đệ tử Phật cần phải học và thực tập bốn tâm này và làm cho chúng lớn mạnh lên.
Từ
Từ là đem niềm vui, an lạc đến cho mọi người hay muôn loài chúng sinh. Nói cách khác, từ chính là tâm mong muốn cho mọi người gieo những nhân lành, sống thiện lương, đạo đức để gặt hái những quả lành, quả tốt đẹp (được an vui, sung sướng, hạnh phúc; không bị khổ đau, hoạn nạn).
Một người đệ tử Phật phải khởi được tâm từ: nhìn thấy ai, mình cũng mong muốn giúp đỡ để họ được gieo trồng thiện nhân.
Bi
Bi là lòng thương xót, trắc ẩn, không cam tâm đành lòng thấy chúng sinh đau khổ, muốn diệt khổ cho chúng sinh. Bi còn là cứu khổ, tức là người bị hoạn nạn, đau khổ, thiếu thốn thì ta đến giúp đỡ.
Cụ thể như khi trong dịch bệnh hay thiên tai, có rất nhiều hoạt động thiện nguyện ủng hộ, giúp đỡ bà con Nhân dân vùng bị ảnh hưởng, khó khăn. Đó là bi tâm (cứu khổ cho mọi người) và cũng là từ tâm (muốn đem niềm vui cho mọi người).
Hỷ
Hỷ là tâm không có buồn khổ, mà vui vẻ và luôn luôn hoan hỷ đối với chúng sinh. Khi thấy mọi người gieo nhân lành, gặt quả lành, chúng ta phải có một tâm rất trong sáng: rất hoan hỷ, vui và hạnh phúc, không ganh ghét, đố kỵ.
Xả
Xả là tâm không còn chấp trước, dính mắc, yêu ghét riêng tư mà hoàn toàn buông xả, quân bình, thanh tịnh và thanh thản. Chúng ta cởi bỏ mọi oán kết, oán thù; không chấp thủ bất kỳ một vật gì trên đời. Không tu tâm xả, chúng ta rất dễ bị vướng víu vào phiền não.
Để sinh được tâm xả, chúng ta cần hiểu rằng: tất cả chúng sinh trong pháp giới đều bị chi phối bởi nhân duyên nghiệp quả. Như trong kinh Nghiệp Báo Sai Biệt, Đức Phật có dạy: “Tất cả chúng sinh có liên quan với nghiệp, nương tựa nơi nghiệp, theo nghiệp của mình mà lưu chuyển”.
Cho nên tất cả chúng sinh (từ vua quan đến người ăn mày, từ chúa sơn lâm đến con giun, con dế) đều bình đẳng trong nhân quả, nghiệp báo. Khi nhìn chúng sinh với sự thấy biết này, chúng ta sẽ sinh được tâm xả.
Và nếu hiểu được rằng, chúng ta không thể thay đổi được nhân quả, nghiệp báo của bất kỳ ai; đến Đức Phật cũng không thể can thiệp được định nghiệp của chúng sinh; thì chúng ta sẽ bình thản trước tất cả các cảnh. Đó chính là tâm xả, không dính mắc. Còn nếu chúng ta quá thương yêu hoặc quá ghét đều không phải là tâm xả. Vì tâm ấy chưa quân bình.
Người thực tập Từ Bi Hỷ Xả được lợi ích gì?
1. Khiến mọi người xung quanh được dễ chịu, gia đình hòa thuận
Bốn tâm từ bi hỷ xả rất cần có trong tâm chúng ta. Nếu tu mà không có những điều này thì rất khó và không ai muốn gần mình cả. Người không có lòng từ bi thì lúc nào cũng khó khăn, cau có khiến không ai dám gần. Phải có tâm từ bi thì mọi người gần mình mới thấy nhẹ nhàng, khoan khoái.
Cho nên người tu Phật mà ngày càng cau có, khó chịu như bà chằn là không biết tu. Mà càng tu Phật, tâm phải càng rộng mở, chất liệu yêu thương nhiều hơn, cái nhìn sâu sắc hơn, dễ cảm thông, tha thứ - mới đúng là tu, phải dần có chất liệu của từ bi hỷ xả.
Mặc dù chưa đạt được đến trình độ mở rộng tâm vô lượng thì ít nhất, chúng ta cũng phải mở tâm dần ra với những người xung quanh mình: gia đình, hàng xóm,... Trong một gia đình, nếu vợ chồng đều biết tu tâm từ thì gia đình sẽ ít xào xáo, được yên ả.
Người có tâm từ sẽ làm mọi người được dễ chịu, mát mẻ. Giống như khi đến gần các bậc Thánh, chúng ta thấy an vui, tâm lắng dịu, dễ chịu. Điều này là do các Ngài tu tập được tâm từ bi. Còn người trong tâm sân hận, độc địa thì đi đến đâu cũng khiến người khác thấy rất khó chịu.
2. Thân tâm được nhiều lợi lạc
Khi chúng ta khởi tâm yêu thương, mong muốn cho mọi người được những điều tốt lành, an lạc, hạnh phúc, không khổ đau thì đó là chất liệu vô cùng bổ dưỡng, giúp thân tâm chúng ta được nhiều lợi lạc, mạnh khỏe, tốt đẹp - mặc dù chưa biết những mong muốn này có trở thành sự thật không.
Ngược lại, nếu mong những điều xấu ác đến cho mọi người khổ thì chính tâm niệm ấy sẽ đầu độc thân tâm chúng ta.
3. Đối trị được các tâm bất thiện
Tâm từ bi hỷ xả có thể đối trị được những tâm bất thiện.
Ví dụ:
- Tu tập tâm từ đối trị với tâm sân giận;
- Tu tập tâm bi đối trị với tâm tổn hại. Vì khi không thương xót và ghét người, chúng ta thường muốn làm tổn hại họ. Tu tâm bi, tức là thương xót, muốn cho người bớt khổ - ta sẽ không làm hại họ nữa.
- Tu tâm hỷ đối trị được tâm không vui vẻ, hay đố kỵ, ganh ghét và được thường hoan hỷ.
- Tu tâm xả đối trị được tâm tham đắm, chấp trước. Việc bố thí là một hành vi xả - xả tài sản. Ngoài ra, việc lìa vọng tưởng cũng là bố thí; nếu chúng ta cứ đuổi và bám theo vọng tưởng của mình chính là chưa biết tu tâm xả.
4. Có thần thông
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm phạm hạnh, Đức Phật dạy: “Này các thiện nam tử, Ta nói tâm từ này có vô lượng môn, chính là những thần thông”. Và trong bộ kinh này, Đức Phật cũng kể lại rất nhiều câu chuyện thần thông do tâm từ biến hóa ra.
Điển hình như câu chuyện Đức Phật hàng phục voi say: Với tâm ác hại Phật, Đề Bà Đạt Đa đã xui vua A Xà Thế thả một con voi say hung dữ xuống đường nhân khi Đức Phật cùng chúng Tăng vào thành Vương Xá khất thực.
Khi con voi đến trước mặt Đức Phật, Ngài nhập từ tâm tam muội, xòe bàn tay chỉ vào voi, năm đầu ngón tay liền hiện ra năm con sư tử chúa. Voi say nhìn thấy sư tử mà lòng quá sợ, gieo mình kính lễ dưới chân Phật.
Đức Phật chỉ bày về sự việc này như sau: “Này thiện nam tử, lúc đó năm đầu ngón tay của Ta thật là không có sư tử. Đó chính là do sức thiện căn tu tập tâm từ làm cho voi say được điều phục”.
Ngoài ra còn có rất nhiều câu chuyện trong kinh điển Phật giáo cho thấy, khi có lòng từ bi, yêu thương chân thật thì sẽ phát sinh thần thông và sức mạnh lớn như vậy.
5. Đạt được an vui tối thượng
Trong kinh Mi Tiên Vấn Đáp, Đại đức Na Tiên tâu với vua Mi Lan Đà rằng: “Những hoa này mát mắt hơn, đấy là: Từ tưởng, Bi tưởng, Hỷ tưởng, Xả tưởng v..v… Tâu, đại vương! Gồm tất cả tưởng ấy Đức Thế Tôn gọi là chợ bán hoa. Các bậc trí giả lựa chọn hoa nào mình thích, đem về nhìn ngắm, chiêm nghiệm, trầm tư, quán tưởng,... lần hồi sẽ giải thoát khỏi luyến ái, sân hận, si mê, ngã chấp, tà kiến, sẽ dứt hết hoài nghi và phiền não, để tiến vào quốc độ Niết bàn tối thượng lạc, quý báu hơn tất cả mọi quốc độ”.
Như vậy, người thường lấy từ bi hỷ xả để chiêm nghiệm, trầm tư, quán tưởng,... thì dần dần sẽ tiến được đến quốc độ Niết Bàn - nơi an lạc chân thật, không còn đau khổ.
Các cấp độ của Từ Bi Hỷ Xả
Trong Phật giáo, từ bi hỷ xả có các cấp độ sau: Chúng sinh duyên, Pháp duyên và vô duyên.
Chúng sinh duyên
Chúng sinh duyên tức là khởi lên bốn tâm vô lượng từ bi hỷ xả đối với tất cả chúng sinh.
Ví dụ:
- Muốn đem niềm vui đến cho tất cả muôn loài được gọi là chúng sinh duyên từ.
- Thấy chúng sinh đau khổ, chúng ta muốn cứu khổ cho tất cả thì được gọi là tâm bi hay chúng sinh duyên bi.
Pháp duyên
Đối với các vị hành giả khi chứng quả Thanh Văn, Bích Chi Phật sẽ có Pháp duyên. Các Ngài tu tập Pháp duyên với bốn tâm vô lượng: từ bi hỷ xả.
Vô duyên
Vô duyên là không có nguyên nhân, nguyên do. Tu tập rất cao mới có thể đạt được trình độ vô duyên. Và phải đến các bậc như Phật mới có thể thực tập được tứ vô lượng tâm đến độ vô duyên này.
Bởi đối với tất cả chúng sinh, Đức Phật đều khởi tâm từ bi hỷ xả là do Ngài chứng được thực tướng của vạn Pháp, không phải nhân duyên gì cả. Cho nên, Phật gọi là đạt được vô duyên từ, vô duyên bi, vô duyên hỷ xả.
Hy vọng rằng, qua bài viết trên, quý Phật tử và các bạn sẽ hiểu hơn về tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả). Đồng thời biết được những lợi ích thiết thực của bốn tâm này đối với thân tâm, cuộc sống cũng như con đường tu học Phật Pháp của mình. Từ đó, chúng ta ứng dụng thực hành để ngày càng được nhiều an vui, hạnh phúc. Nếu còn các thắc mắc xoay quanh chủ đề từ bi hỷ xả, kính mời quý độc giả bình luận dưới bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ để được giải đáp.