Bốc mộ, cải táng và những điều cần làm trước khi bốc mộ
Mục Lục [Ẩn]
- Bốc mộ là gì?
- Nguồn gốc của tục bốc mộ
- Bốc mộ theo quan điểm của đạo Phật
- 1. Bốc mộ và mối liên hệ với thân xác, tâm linh của người mất
- 2. Nên bốc mộ vào ngày nào, giờ nào?
- 3. Những điều cần biết về bốc mộ, cải táng, sang cát
- Nên làm lễ cầu siêu trước khi bốc mộ
- Có thể bốc nhiều ngôi mộ cùng một lúc
- Con cháu mất sớm được bốc mộ trước ông bà cha mẹ
Bốc mộ là một trong những phong tục tập quán của người Việt, thể hiện tấm lòng thành kính, hiếu thuận của con cháu đối với ông bà tiên tổ đã khuất. Tuy nhiên, nhiều người lo sợ rằng nếu bốc mộ không đúng sẽ bị “phạm” vào tâm linh và điềm xấu sẽ đến với gia đình.
Vậy theo góc nhìn đạo Phật, việc gia đình bốc mộ bị gặp điềm xấu là do đâu? và nên làm gì để được lợi ích? Kính mời quý vị cùng theo dõi qua lời lý giải của Thầy Thích Trúc Thái Minh trong bài viết dưới đây.
Bốc mộ là gì?
Bốc mộ có rất nhiều các tên gọi khác nhau như sang cát, cải táng, đổi tiểu, thay áo, thay nhà, tắm cho người mất... Tùy theo từng địa phương mà có các cách gọi khác nhau.
Nguồn gốc của tục bốc mộ
Theo lịch sử, bốc mộ xuất hiện từ thời Bắc thuộc ở nước ta, khởi nguồn từ các thương lái Trung Quốc sang Việt Nam làm ăn, sau khi qua đời chôn tại đây đã được người thân bốc hài cốt mang lại về nước, từ đó hình thành tục bốc mộ.
Bên cạnh đó, do mùa mưa nước ta thường bị ngập lụt, trũng úng nên mộ phần chôn tại đồng ruộng, gò, đồi dễ sụt lún, ngập nước. Vậy nên sau từ 3-5 năm (thường trùng với thời kỳ mãn tang), con cháu sẽ tiến hành bốc mộ cho người mất để tắm rửa, làm sạch thi hài. Việc bày tỏ lòng hiếu kính đối với ông bà tiên tổ đã mất cũng thể hiện phần nào đạo lý uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc ta.
Vậy theo góc nhìn đạo Phật, việc cải táng, bốc mộ, sang cát,... được hiểu như thế nào? Và làm sao để giải quyết các vấn đề xung quanh việc bốc mộ?
Bốc mộ theo quan điểm của đạo Phật
1. Bốc mộ và mối liên hệ với thân xác, tâm linh của người mất
Đối với Phật giáo, con người bao gồm 2 phần là thân xác và tâm linh. Phần thi hài người chết mà các gia đình vẫn mang đi chôn sau khi chết, hay cải táng sau vài năm hoàn toàn thuộc về phần thân xác. Đó là sự hợp thành bởi 4 yếu tố: đất, nước, gió, lửa. Khi chúng ta chết, tứ đại trả về tứ đại, đó là một quy luật bình thường. Vậy nên phần thân xác này không có gì linh thiêng.
Sự linh thiêng hoàn toàn nằm ở phần tâm thức. Nếu tâm thức của người mất chấp trước vào xương cốt, xác thịt, chấp trước vào mồ mả và coi đó như nhà của mình thì khi bốc mộ sẽ sinh ra những chuyện rắc rối, phức tạp, khiến gia đình bị ảnh hưởng.
2. Nên bốc mộ vào ngày nào, giờ nào?
Theo quan niệm đạo Phật, vấn đề giải quyết được phần tâm linh, giúp cho tâm linh người mất được giác ngộ là quan trọng nhất. Khi tâm thức người mất đã không chấp trước thì mọi chuyện sẽ được an lành, thuận lợi. Vậy nên việc đi xem giờ, năm tháng, phương vị để bốc mộ không cần đặt nặng.
Các gia đình có thể bốc mộ vào ngày nghỉ hoặc ngày cuối tuần để thuận lợi cho gia đình vì thời gian con cháu ở xa có thể tụ họp về đông đủ.
Các ý kiến như kiêng bốc mộ vào ngày mùng 3 hay ngày mùng 7, phải bốc mộ vào ban đêm - thời điểm “âm vượng”, không được bốc vào ban ngày. Vì ban ngày có ánh sáng mặt trời xương bị đen, hương linh sợ nên hồn không nhập được vào cốt,... đều là những quan niệm sai lầm, không đúng chính kiến của đạo Phật.
3. Những điều cần biết về bốc mộ, cải táng, sang cát
Nên làm lễ cầu siêu trước khi bốc mộ
Trước khi bốc mộ, gia đình nên lên chùa làm lễ cầu siêu, cúng dường Tam Bảo hồi hướng cho hương linh. Để hương linh cũng đủ duyên về chùa nghe kinh, nghe Pháp, sớm giác ngộ mà bỏ đi những chấp trước. Nếu có duyên, gia đình có thể thỉnh những vị chư Tăng chân tu, có giới đức đến nhà làm lễ cầu siêu cũng được lợi ích rất lớn.
Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh diễn ra phức tạp, các gia đình có thể ở tại nhà, đăng ký tham gia lễ cầu siêu trực tuyến. Vì thế giới hương linh khác với con người chúng ta, họ đi lại rất nhanh, như gió mây, như sóng điện từ, trong nháy mắt họ có thể đi chỗ này, tới chỗ kia. Vậy nên, nương theo nguồn tâm từ sự thỉnh cầu của gia đình, các hương linh được thỉnh mời có thể về chùa và được hưởng lợi ích, giác ngộ.
Xem thêm: Hướng dẫn cách làm lễ sang cát, bốc mộ
Có thể bốc nhiều ngôi mộ cùng một lúc
Những quan điểm của thầy bói như bốc 4 ngôi mộ phạm phải chữ “tử” hay bốc 3 ngôi mộ bị rơi vào kim lâu, gặp xui xẻo, vận hạn cũng đều không đúng theo quan điểm của đạo Phật. Vậy nên, với các gia đình có nhiều ngôi mộ cùng đến thời gian sang cát có thể bốc mộ cùng lúc.
Con cháu mất sớm được bốc mộ trước ông bà cha mẹ
Có ý kiến cho rằng con cái mất sớm, không được bốc mộ trước cha mẹ, phải đợi khi nào mẹ chết thì mới bốc mộ của con. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu cha mẹ sống trăm tuổi mà con mất sớm thì phải để mộ qua mấy chục năm mới được bốc mộ. Quan điểm đó là hủ tục, hoàn toàn không đúng chánh kiến nhân quả.
Mong rằng qua bài viết trên, quý vị sẽ có cái nhìn đúng về tục bốc mộ cũng như biết cách bốc mộ, cải táng cho ông bà tiên tổ để không bị rơi vào những quan điểm sai lầm, mê tín. Từ đó mang lại phước phần cho gia tiên và lợi ích con cháu hiện đời.