Địa ngục là gì? Địa ngục có thật hay không?
Mục Lục [Ẩn]
Khi tìm hiểu về địa ngục, chúng ta thường bắt gặp rất nhiều tài liệu mô tả về 18 tầng địa ngục, có sắt, có dao, có lửa như một không gian có thật và ở đó các tội nhân phải chịu hình phạt vô cùng đau đớn. Tuy nhiên, có quan niệm lại cho rằng với người đã khuất không còn thân xác thì địa ngục chỉ nằm ở tâm, còn địa ngục hữu hình là không tồn tại.
Vậy theo góc nhìn của đạo Phật, địa ngục có thật hay không? Nếu có thật thì địa ngục nằm ở đâu?
Kính mời quý Phật tử cùng theo dõi lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh qua bài viết dưới đây.
Địa ngục là gì?
“Địa ngục” là một danh từ Hán Việt. Trong đó, “địa” có nghĩa là đất, “ngục” là tù. “Địa ngục” tức là nhà tù ở trong lòng đất. Và theo quan niệm dân gian, “địa ngục” là nơi rất khổ. Bởi họ cho rằng đây là nơi giam cầm u tối, tra tấn, hành hạ những tội nhân (những linh hồn) khi sống ở trần gian tạo các việc xấu ác.
Địa ngục có thật không?
Là người đệ tử Phật, chúng ta phải dựa vào kinh điển làm kim chỉ nam để làm sáng tỏ và giải quyết vấn đề. Bởi đây là những lời dạy từ kim khẩu của Đức Phật thuyết ra. Mà Ngài là bậc toàn giác, thấy biết tất cả mọi sự vật, hiện tượng trên thế gian này. Vậy nên để tìm hiểu về quan điểm địa ngục có thật hay không thì chúng ta cần phải căn cứ vào kinh điển của Đức Phật.
1. Theo kinh điển Phật giáo
Đức Phật dạy rằng nếu chưa chứng quả giải thoát thì sau khi chết chúng sinh sẽ tùy theo duyên nghiệp mà luân hồi, chuyển kiếp trong 6 cõi: chư Thiên, A-tu-la, người, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Và theo hệ phái Phật giáo Bắc Tông và Phật giáo Nam Tông đều có những bài kinh ghi nhận sự tồn tại của địa ngục.
1.1 Phật giáo Bắc Tông
Trước hết, chúng ta tìm hiểu trong một số bài kinh, luận thuộc hệ phái Phật giáo Bắc Tông. Trong kinh Trường A Hàm, Đức Phật dạy địa ngục nằm giữa núi đại kim cương thứ nhất và núi đại kim cương thứ hai, xung quanh là biển lớn bao bọc. Trong Luận lập thế A Tỳ Đàm thì chỉ rõ địa ngục được mô tả là ở bên ngoài núi Thiết Vi của Nam Thiện Bộ Châu.
Trong Luận Đại Tỳ Bà Sa lại nêu rõ có vô địa ngục và biên địa ngục nằm ở khắp nơi. Và tất cả chúng sinh ở trong địa ngục đều có thân tướng xấu xí, kỳ dị, tâm thức luôn bị đau khổ, hành hạ, tra tấn, đói khát, sợ hãi,...
Còn trong kinh Địa Tạng lại chỉ rõ Pháp giới này có vô số địa ngục như: địa ngục Đại A Tỳ, địa ngục Tứ Giác, địa ngục Hỏa Tiễn, địa ngục Giáp Sơn, địa ngục Thông Thương, địa ngục Thiết Sa, địa ngục Dương Đồng,...
Như vậy, xét theo hệ phái Phật giáo Bắc Tông thì cõi địa ngục là có thật.
1.2 Phật giáo Nam Tông
Dựa trên các kinh điển Phật giáo thì chúng ta lại tiếp tục nghiên cứu về địa ngục thông qua các bài kinh thuộc hệ phái Phật giáo Nam Tông.
Trong kinh Nguyên Thủy (kinh Tạng Pali) có năm bộ kinh và có đến ba bộ kinh là kinh Trung bộ, kinh Tăng Chi và kinh Tiểu bộ đều có nhắc tới địa ngục.
Trong bài kinh Thiên xứ, số 130, thuộc kinh Trung bộ, Đức Phật dạy rõ: Các chúng sinh hữu tình chết ở cõi này sẽ lại tái sinh ở cõi khác tùy theo hạnh nghiệp của họ. Với những ai thực hành thân, khẩu, ý thiện lành tức là không trộm cắp, tà dâm, dối láo, nói lời ác khẩu, thêu dệt; không tham, sân, si,... và không công kích các bậc Thánh thì những người đó khi thân hoại mạng chung sẽ được sinh vào các cõi tốt lành như: cõi người, cõi Trời.
Còn những người nào thân, khẩu, ý hành ác, công kích bậc Thánh thì tùy theo mức độ nặng nhẹ mà đọa sinh vào các ác thú như: súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Đặc biệt, với những trường hợp bị đọa địa ngục thì sẽ bị vua Diêm La tra khảo và chịu những hình phạt rất đau khổ.
Bên cạnh những bài kinh của hệ phái Phật giáo Bắc Tông và Phật giáo Nam Tông thì trong bộ kinh kinh Pháp Cú cũng có rất nhiều bài kệ nhắc tới địa ngục.
Cụ thể, bài kệ số 307:
“Nhiều người khoác cà sa
Ác hạnh không nhiếp phục
Người ác do ác hạnh
Phải sinh cõi địa ngục”.
Vậy nên, đối với những bậc xuất gia, Đức Phật dạy rằng địa ngục chính là nơi chịu quả báo khi các vị ấy tu hành ác hạnh, không nhiếp phục, không điều phục những tâm bất thiện, xấu ác của bản thân.
Lại nữa, trong bài kệ 311 cũng nhắc tới nguyên do vị Tỳ kheo phải đọa địa ngục:
“Như cỏ sa vụng nắm
Tất bị hoạ đứt tay
Hạnh Sa môn tà vạy
Tất bị đọa địa ngục”.
Giống như cây cỏ sa (cỏ Kusa) khi chạm vào rất dễ bị đứt tay, đứt chân; cũng vậy, vị Tỳ kheo mà tà vạy, không có chính kiến, chính hạnh tu tập thì khi chết phải đọa địa ngục.
Còn với người tại gia, trong bài kệ số 309 cũng có dạy những người ngoại tình thì sẽ phải gánh chịu 4 nạn đó là: Thứ nhất là mắc họa, thứ hai là ngủ không yên, thứ ba là bị chê bai và chết bị đọa địa ngục chính là nạn thứ tư.
“Bốn nạn chờ đợi ngươi
Phóng dật theo vợ người
Mắc họa, ngủ không yên,
Bị chê là thứ ba,
Đọa địa ngục, thứ bốn”.
Ngoài ra, với những người ai mà ác hại người toàn thiện, toàn nhân tức là hại người chân chính tu hành thì Đức Phật chỉ rõ 10 quả báo, trong đó đọa địa ngục là quả báo thứ 10.
Như vậy, qua việc tìm hiểu kinh điển trong Phật giáo thì chúng ta thấy rằng địa ngục không phải ở một nơi chung chung nào đó mà địa ngục có vị trí, mô tả rõ ràng. Vậy nên quan điểm cho rằng địa ngục chỉ nằm trong tâm là không đúng với tinh thần của đạo Phật.
2. Theo góc nhìn sự thật trong đạo Phật
Trong Phật giáo thì sự thật được chia thành 2 loại: Một là sự thật tuyệt đối; Hai là sự thật tương đối. Theo đó, sự thật tuyệt đối (chân đế) tức là thấy được toàn diện hay nắm được bản chất lẫn hiện tượng của vấn đề. Còn việc chỉ thấy được một phần của vấn đề thì được gọi là sự thật tương đối hay còn gọi là tục đế.
Theo lời Đức Phật dạy, chúng ta khi chưa chứng đắc quả giác ngộ giải thoát thì vẫn còn là phàm phu. Cho nên đối trước các sự vật, sự việc thì chúng ta sẽ nhìn nhận, đánh giá theo lăng kính nghiệp của mình.
Giống câu chuyện đeo chiếc kính màu đen, chúng ta sẽ thấy cả thế giới là một màu đen; đeo chiếc kính hồng lại thấy cả thế giới là màu hồng. Cũng vậy, mỗi loài khác nhau sẽ nhận biết thế giới theo nghiệp của loài đó. Mặt khác, Đức Phật cũng dạy nghiệp lực là do tâm biến hiện ra và tâm là vô thường, luôn luôn biến đổi. Vậy nên, từ đây chúng ta hiểu rằng nghiệp lực cũng luôn biến đổi và khi nghiệp lực thay đổi thì cách nhìn nhận cũng sẽ thay đổi. Cũng vì nhìn nhận theo lăng kính nghiệp nên chúng ta không thấy được toàn bộ các mặt của vấn đề.
Lại nữa, thông qua cuộc sống hàng ngày ắt hẳn mỗi chúng ta cũng nhận ra bản thân vẫn còn nhiều ham muốn, ưa thích, khoái lạc, đau khổ,... Cho nên, chúng ta hiểu rằng chúng ta đều đang sống và bị chi phối bởi sự thật tương đối. Và theo góc nhìn của sự thật tương đối thì vẫn tồn tại đầy đủ mọi sự, mọi vật. Nghĩa là có Đức Phật, có Trời thần, quỷ vật, có hương linh(ngạ quỷ), có gieo nhân, có gặt quả,... và đặc biệt là có địa ngục.
Do đó, chúng ta không thể nói rằng không có địa ngục, không có bất cứ điều gì trên thế gian này. Vị tu sĩ nào kết luận không có địa ngục là hoàn toàn sai lầm và sẽ phải chịu quả báo rất nặng.
Còn đối với các bậc đã chứng đắc thì các Ngài lại thấy được đầy đủ, thấu tột mọi mặt của các sự vật, sự việc trong Pháp giới này, tức là đã liễu ngộ được chân đế hay sự thật tuyệt đối. Bên cạnh việc phát hiện ra sự tồn tại từ sợi tơ, sợi tóc, hạt bụi cho đến nguyên tử, phân tử, thế giới hương linh, ngạ quỷ, nguyên nhân và kết quả của các vấn đề,... thì các Ngài còn thấu được cái không của chúng. Và đứng trên góc độ sự thật tuyệt đối thì tất cả vạn sự vạn vật trên thế giới này đều là không.
Như bóng trăng ở dưới mặt nước, chúng ta nói rằng không có mặt trăng cũng không đúng mà nói rằng có mặt trăng cũng không đúng. Quan điểm “có mặt trăng” thì lại không lấy được mặt trăng từ dưới nước lên. Còn quan điểm “không có mặt trăng” thì lại không giải thích được sự vật sáng lấp lánh dưới nước là gì. Vậy nên, có những sự vật, sự việc nói có cũng không đúng mà nói không cũng không đúng.
Do đó chúng ta hiểu rằng vì thấu được tính không của Phật Pháp nên các bậc Thiền sư, vị Thánh Tăng, chư Bồ tát, chư Phật mới có thể nói không có địa ngục được. Trường hợp các Ngài nói không có địa ngục là để phá chấp cho người đương cơ, đối diện với các vị ấy.
Vậy nên, còn là phàm phu thì chúng ta không nên phủ nhận lời Đức Phật dạy và phải tin chắc chắn về sự tồn tại của địa ngục. Nếu tạo tác các nghiệp ác như trong kinh Phật dạy thì sẽ bị đọa địa ngục.
Tu thế nào để không bị đọa vào địa ngục?
Trong bài kinh Sám hối ba nghiệp, chúng ta được nghe:
“Bao nhiêu tội lỗi trong nhiều kiếp,
Ba nghiệp gây nên chẳng nghĩ lường,
Nổi chìm lăn lộn trong ba cõi,
Tội ác chiêu hoài không biết dừng”.
Chúng ta sinh ra trên đời này nếu không phải do nguyện độ sinh thì sẽ do nghiệp lực chi phối. Từ vô lượng kiếp, chúng ta đã tạo nên bao ác nghiệp và cũng từ đó mà trải qua vô số kiếp tái sinh. Kiếp được làm người nhưng cũng có kiếp đọa làm súc sinh, ngạ quỷ, thậm chí có kiếp bị đọa địa ngục. Và Phật Pháp là con đường cứu khổ duy nhất cho chúng ta.
Đức Phật là đấng tối tôn tối quý, là bậc đại từ, đại bi, vậy nên với những người tạo nhiều tội lỗi, Ngài chỉ rõ các phương pháp để có thể chuyển hóa nghiệp lực. Trong đó bậc thang đầu tiên để tu tập tiêu trừ tội lỗi chính là phát nguyện quy y Tam Bảo và thọ trì năm giới (năm điều đạo đức của người Phật tử tại gia): không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không dối láo và không say sưa nghiện ngập. Bởi năm giới này như năm thành trì ngăn chặn chúng ta không đi vào đường ác.
Bên cạnh đó, năm giới còn giúp các thiện pháp tăng trưởng và như lời Đức Phật dạy là chúng ta sẽ được các vị thần hộ giới theo hộ trì. Ngoài ra, chúng ta nên tu tập làm các việc thiện lành và thành tâm sám hối các tội lỗi đã gây tạo.
Còn đối với những trường hợp phạm phải tội nặng thì Đức Phật dạy người đó cần tinh tấn tu tập và chân thật phát nguyện Bồ đề, hộ trì Tam bảo. Như vậy mới có thể tiêu trừ được nghiệp cũng như thoát tội đọa địa ngục.
Câu chuyện tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca nhờ dũng mãnh phát tâm Bồ đề mà thoát địa ngục, sinh lên cõi Trời được ghi lại trong kinh Pháp Cú, phẩm Ái Dục là một minh chứng rõ nét cho lời dạy này. Chuyện kể rằng trong tiền kiếp đó, Ngài là một tội nhân bất hiếu cha mẹ, bị đọa xuống địa ngục.
Trong địa ngục, Ngài phải mang một chiếc vòng lửa cháy trên đầu. Nó đau đớn, nóng bức vô cùng. Nhưng khi Ngài nhìn xung quanh thấy rất nhiều tội nhân khác cũng đang phải đội những vòng lửa ấy vì tội bất hiếu và người ta cũng la hét đau khổ.
Khi ấy tự tâm Ngài thấy rất thương và Ngài đã phát nguyện: Tôi nguyện tất cả những nỗi khổ của tội nhân kia đều do tôi chịu hết, tôi xin chịu hết tất cả những nỗi khổ của họ. Và tôi nguyện từ nay trở đi, tôi không bao giờ bất hiếu với mẹ cha nữa. Khi Ngài vừa phát nguyện xong thì tất cả vòng lửa của các tội nhân và vòng lửa ở đầu của Ngài đều tắt hết. Ngay sau đó, Ngài được thoát khỏi địa ngục, sinh lên cõi Trời.
Từ đây, chúng ta thấy được công đức của tâm Bồ Đề rất lớn, làm tiêu trừ nghiệp chướng cho bản thân rất mạnh nhưng để có được điều đó thì chúng ta phải phát tâm một cách chân thật. Không phải chỉ là phát nguyện chịu hết khổ thay chúng sinh ở miệng mà trong lòng phải thật sự dám, thật sự sẵn sàng vì chúng sinh.
Qua lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh, chúng ta hiểu rằng địa ngục là có thật khi xét về mặt sự thật tương đối. Còn khi nhìn nhận theo góc độ sự thật tuyệt đối thì không có địa ngục. Là người đệ tử Phật, chúng ta cần tu tập theo lời Phật dạy để tránh gieo những nhân xấu ác khiến cho bản thân có thể bị đọa địa ngục.