Cách hóa giải “vận hạn” theo đạo Phật không cần làm lễ di cung hoán số
Mục Lục [Ẩn]
Di cung hoán số là gì mà nhiều người tin rằng nghi lễ này có thể thay đổi “vận mệnh”, hóa giải tai ương? Bài viết dưới đây sẽ lý giải rõ bản chất của di cung hoán số, những tác hại và hướng dẫn thay đổi “vận mệnh” theo lời Phật dạy để được bình an, hạnh phúc.
Di cung hoán số là gì? Di cung hoán số có thật không?
Theo quan niệm dân gian, di cung hoán số là một đàn lễ được lập ra nhằm thay đổi bát tự (can chi của giờ, ngày, tháng, năm). Việc làm này nhằm mục đích thay đổi số mệnh một con người, từ số khổ sang số không còn khổ nữa.
Ví dụ: Người nghèo khó, ốm đau bệnh tật thay đổi số mệnh để giàu có, khỏe mạnh; người có mệnh yểu chết non sẽ được sống lâu hơn; người tình duyên lận đận sẽ có tình duyên hạnh phúc, tốt đẹp hơn,...
Tuy nhiên, theo quan điểm đạo Phật, hoàn toàn không có chuyện di cung hoán số. Việc làm lễ di cung hoán số là không có cơ sở và không đúng đạo lý. Bởi nếu di cung thay đổi số mệnh được thì ai cũng có thể lên làm vua chúa, quan chức,... Nhưng trên thực tế, không thể xảy ra những điều như vậy, nhiều người đã từng di cung hoán số đổi tuổi mà vận đen và tai họa vẫn xảy ra.
Tác hại của di cung hoán số
Di cung hoán số có thể ảnh hưởng đến tâm lý (gây hoang mang, lo lắng,...) hoặc tiền bạc (hao tiền tốn của sắm lễ di cung hoán số) và các khía cạnh trong công việc, cuộc sống,...
Ví dụ có người cho rằng mình không được tuổi làm nhà nên phải bán đất cho người khác đứng tên xây nhà, sau khi xây xong, phải làm lễ mua lại nhà; tức là đủ điều kiện làm nhà nhưng không dám làm vì không được tuổi, phải đổi chủ bằng cách bán cho người khác. Điều này vừa tốn kém, vừa gây phức tạp không đáng có.
Không chỉ vậy, di cung hoán số còn khiến chúng ta nhận quả khổ do việc làm tà kiến. Như trong kinh Địa Tạng bổn nguyện, quyển Thượng, phẩm thứ tư, Đức Phật chỉ dạy bốn ông Thiên Vương về nguyện độ thoát chúng sinh của Địa Tạng Bồ Tát, trong đó có nói đến việc: Nếu gặp kẻ tà kiến mê tín, thời Ngài dạy rõ quả báo thọ sanh (sinh) vào chốn hẻo lánh.
Cách thay đổi “vận mệnh” mà không cần di cung hoán số
Chúng ta là người sáng tạo, làm chủ số mệnh của mình. Cho nên, việc thay đổi số mệnh như thế nào là ở bản thân mỗi người, không phải làm lễ di cung hoán số.
Như trong Đại tạng kinh Việt Nam, Trung Bộ kinh, kinh Tiểu nghiệp phân biệt, khi được hỏi do nhân gì, duyên gì mà có người đoản thọ, người trường thọ; người nhiều bệnh, người ít bệnh; người xấu sắc, người đẹp sắc; người có tài sản nhỏ, người có tài sản lớn;... Đức Phật trả lời rằng: “các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt, có ưu”. Trong đó, nghiệp là do chúng ta tạo ra khi tư duy, nói và làm việc có chủ ý.
Trong kinh Nghiệp báo sai biệt, Đức Phật cũng dạy: “Tất cả chúng sinh có liên quan với nghiệp, nương tựa nơi nghiệp, theo nghiệp của mình mà lưu chuyển. Do nhân duyên này nên có chia ra thượng, trung, hạ; sai khác nhau chẳng đồng.
Hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo mạng sống ngắn ngủi, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo mạng sống dài lâu; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo nhiều bệnh tật, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo ít bệnh tật; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo thân thể xấu xí, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo thân thể đẹp đẽ; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo uy thế nhỏ, hoặc có nghiệp khiến chúng sinh được quả báo uy thế lớn; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo dòng họ thấp hèn, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo dòng họ cao quý; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh tiền của ít, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh tiền của nhiều;...”
>>> Xem thêm: 10 điều Đức Phật dạy để sống khỏe, trường thọ
Và đạo Phật đưa ra phương pháp hướng dẫn con người sáng tạo cuộc đời, làm chủ “vận mệnh” của mình. Đó là chính tâm tu thân (tâm ngay chính và tu sửa thân). Từ một tâm thiện lành, chúng ta nói hay làm đều có kết quả tốt đẹp. Làm chủ được tâm sẽ làm chủ được thân và “vận mệnh”. Như lời Đức Phật dạy trong kinh Pháp cú:
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng, không rời hình”.
Vì thế, để thay đổi “vận mệnh” của mình thì chúng ta bắt đầu thay đổi, rèn sửa tâm. Có thể kể đến một số thay đổi cụ thể như:
- Trước đây có trộm cắp thì từ giờ phát nguyện không trộm cắp;
>>> Xem thêm: Phước báu xa lìa trộm cắp - Kinh Thập Thiện
- Trước đây nói xấu, đâm thọc, vu oan giá họa cho người thì từ giờ dừng lại, không làm như vậy nữa;
>>> Xem thêm: Phước báu xa lìa lời nói thêu dệt - Kinh Thập Thiện
- Trước đây hay keo kiệt bủn xỉn thì từ giờ sẽ mở rộng tâm ra giúp đỡ mọi người,...
>>> Xem thêm: Bố thí mang đến phước lành
Ngoài ra, để luyện tâm, chúng ta cần sẵn sàng chấp nhận nghịch cảnh. Đây là duyên tốt giúp tôi luyện tâm, tâm được tôi luyện thì mới có sức tự chủ. Nếu chỉ chọn thuận cảnh, thuận duyên thì khó có được tâm tốt đẹp. Trong nghịch cảnh vẫn đứng vững, vươn lên mới khẳng định được bản lĩnh của mỗi người.
Trên đây là những chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh về lễ di cung hoán số và phương pháp thay đổi cuộc đời theo quan điểm Phật giáo. Hy vọng qua bài viết này, các bạn sẽ hiểu và biết cách ứng dụng, thực hành lời Phật dạy để thay đổi thân tâm cũng như thay đổi cuộc đời mình tốt đẹp hơn.
Nếu còn điều gì thắc mắc về di cung hoán số, mời các bạn bình luận tại bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ để được giải đáp. Kính chúc quý vị mạnh khỏe, an lạc!