Hướng dẫn cách ngồi thiền giúp thư giãn, tĩnh tâm, sáng suốt
Mục Lục [Ẩn]
- Ngồi thiền là gì?
- Chuẩn bị trước khi ngồi thiền
- Không gian ngồi thiền
- Thời gian ngồi thiền
- Dụng cụ ngồi thiền
- Trang phục ngồi thiền
- Các tư thế ngồi thiền đúng cách
- Tư thế ngồi
- Tư thế chân
- Tư thế bán già
- Tư thế kiết già
- Tư thế tay
- Tư thế vai, cổ, đầu
- Ngồi thiền đúng cách với 04 bước
- Bước 1: Nhập thiền
- Bước 2: Trụ thiền
- Bước 3: Xả thiền
- Bước 4: Hồi hướng công đức
Ngồi thiền đúng cách chắc chắn sẽ đem đến cho bạn nhiều lợi ích về sức khỏe cũng như tinh thần, giúp chúng ta có được trí tuệ sáng suốt.
Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách ngồi thiền đúng chuẩn, giúp các bạn đạt được hiệu quả cao khi thiền!
Ngồi thiền là gì?
Thiền là phương pháp để lắng tâm, an định tâm. Ngồi thiền là một trong bốn tư thế thiền gồm: đi, đứng, ngồi, nằm. Ngồi thiền giúp chúng ta lắng tâm và làm chủ tâm nhanh nhất, tốt nhất.
Chuẩn bị trước khi ngồi thiền
Để ngồi thiền được hiệu quả thì chúng ta cần chuẩn bị như sau:
Không gian ngồi thiền
Trước khi bước vào ngồi thiền, nên chuẩn bị một không gian yên tĩnh, riêng biệt. Mùa hè thì chọn nơi thoáng mát, mùa đông thì chọn nơi ấm áp. Ở tại nhà, có thể chọn ngồi thiền tại phòng thờ hoặc phòng riêng.
Ngoài ra, có thể đốt một nụ trầm hay một cây hương trầm để không gian ngồi thiền trở nên thơm tho, sạch sẽ hơn.
Thời gian ngồi thiền
Tùy duyên ngồi thiền trong ngày theo thời gian biểu của bản thân. Mỗi ngày, chúng ta có thể dành ra một thời khóa tọa thiền khoảng 10, 15, 20 phút hoặc hơn (nếu có thời gian) cũng rất lợi ích.
Dụng cụ ngồi thiền
Thông thường, bồ đoàn và tọa cụ là hai dụng cụ dùng để ngồi thiền.
Tuy nhiên, ở tại nhà, nếu không chuẩn bị được bồ đoàn và tọa cụ, có thể chuẩn bị hai vật dụng sau đây:
- Một chiếc gối (hình tròn hoặc hình khác tùy ý) cao khoảng 10cm - 15cm để kê phần mông ngồi cho cân đối, thay thế cho bồ đoàn.
- Một chiếc nệm/chăn kích thước vuông có cạnh 70 - 80cm để tì gối xuống không bị đau, thay thế cho toa cụ.
Trang phục ngồi thiền
Khi ngồi thiền, nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái; không nên mặc quần áo bó sát để máu huyết dễ lưu thông.
Những đồ vật buộc trên người (như đồng hồ) cũng nên tháo ra để không vướng víu.
Các tư thế ngồi thiền đúng cách
Tư thế ngồi
- Đặt bồ đoàn về phía chính giữa (cạnh sau) của tọa cụ. Nếu không có bồ đoàn, tọa cụ thì thay thế bằng chiếc gối và chăn như hướng dẫn ở trên.
- Bước lên tọa cụ, đặt mông vào bồ đoàn sao cho xương cụt ở khoảng giữa bồ đoàn, ngồi cân đối. Mông ngồi một nửa cho đến quá nửa chiếc bồ đoàn, không ngồi trùm lên hết bồ đoàn. Như vậy, tư thế của chúng ta sẽ vững vàng.
Tư thế chân
Chúng ta có hai tư thế chân khi ngồi thiền là bán già và kiết già.
Tư thế bán già
“Bán” là một nửa, “già” là trói; “bán già” tức là trói một chân. Ở tư thế này, chúng ta vắt chân này lên đùi chân kia: đặt chân phải gác lên đùi trái hoặc chân trái gác lên đùi phải.
Tư thế kiết già
Tư thế kiết già hay toàn già nghĩa là cả hai chân vắt chéo lên: Đặt chân phải lên đùi chân trái, sau đó vắt bàn chân trái lên đùi bàn chân phải; hoặc ngược lại.
Đây là tư thế rất tốt cho thiền, giúp cơ thể được ngay ngắn và toàn bộ máu được dồn lên não trong khi tọa thiền.
Tư thế tay
Chúng ta có thể đặt tay trái lên tay phải hoặc ngược lại sao cho hai ngón tay cái chạm nhẹ vào nhau, tay để lên phía trên chân. Ngoài ra, có thể để 2 tay vào 2 đầu gối cũng được.
Tư thế vai, cổ, đầu
Vai, cổ, đầu thả lỏng nhưng cần tương đối thẳng, không ngửa về đằng sau cũng không cúi quá về đằng trước. Toàn thân thư giãn, vặn người nhẹ nhàng, lắc và quay nhẹ cổ sang trái, sang phải cho thoải mái.
Ngồi thiền đúng cách với 04 bước
Bước 1: Nhập thiền
Trong 3 đến 5 hơi thở đầu tiên - những hơi thở thanh lọc cơ thể, chúng ta thực hiện như sau:
- Hít vào bằng mũi, nhẹ nhàng và thật sâu. Vừa hít vừa tưởng tượng những dòng không khí trong sạch, tươi mát, đầy dưỡng chất đi vào và ngấm vào toàn thân mình.
- Thở ra bằng miệng và tưởng tượng những khí độc, bệnh hoạn, đau đớn trong cơ thể; những phiền não, uất ức, hận thù, ganh ghét nơi tâm theo hơi thở ra ngoài.
Xem thêm: Các tư thế thiền
Bước 2: Trụ thiền
Sau 3 - 5 hơi thở đầu tiên, mắt chúng ta mở nhẹ khoảng ⅓ (mắt không nhắm, cũng không mở trừng trừng); nhìn xuống về phía trước khoảng 1 - 1,5m. Đầu giữ tương đối thẳng, hơi cúi nhẹ tự nhiên, không cúi quá.
Lúc này, chúng ta ngậm miệng lại, không thở bằng miệng, chỉ thở bằng mũi. Bây giờ, chúng ta không cần hít thở sâu mà hít thở tự nhiên, nhẹ nhàng theo nhu cầu của cơ thể.
Lưỡi chúng ta chạm nhẹ lên hàm răng trên để nó tiếp mạch nhâm đốc, cho điện của cơ thể được khép kín và nước miếng không trào ra.
Sau đó, chúng ta có thể thiền bằng phương pháp sau:
-
Bước đầu tập thiền đếm hơi thở (thiền sổ tức)
Chúng ta hít vào, thở ra bằng mũi nhẹ nhàng; đồng thời đếm hơi thở. Hít vào, thở ra đếm một; hít vào, thở ra đếm 2; hít vào, thở ra đếm 3; cứ như vậy đếm thầm trong tâm đến 10. Sau đó, chúng ta quay về đếm lại từ 1 đến 10. Trong khi đếm, nếu bị nhầm thì đếm lại từ 1.
Đây là phương pháp tọa thiền sổ tức (“sổ” là đếm, “tức” là hơi thở, “sổ tức” là đếm hơi thở). Phương pháp này rất đơn giản nhưng giúp chúng ta chú tâm, định tâm rất tốt.
-
Thiền quán
Phương pháp thứ hai là ngồi thiền quán tư duy. Lúc này, chúng ta tự đặt ra các vấn đề cần giải quyết của bản thân để tư duy theo lối bỏ ác hướng thiện - tư duy đi ra khỏi những bất thiện: không làm việc xấu ác, hoàn thiện nhân cách để trở thành người lương thiện.
Ví dụ như, chúng ta tư duy sao để không làm các việc sát hại hay trộm cắp, ngoại tình, lừa đảo hoặc nghiện ngập,...
Khi ngồi thiền như vậy, chúng ta tư duy sẽ lắng sâu hơn và đưa đến quyết định rất sáng suốt. Bởi nếu không lắng tâm, chúng ta sẽ bị cảm tính chi phối, nhiều khi làm mê mờ lý trí. Chính thiền định giúp ta có được quyết định sáng suốt.
Bước 3: Xả thiền
Khi kết thúc ngồi thiền, chúng ta thực hiện các động tác xả thiền sau:
- Mắt mở to lên.
- Nhẹ nhàng cử động thân thể, có thể bẻ cổ nhẹ nhàng hoặc ngoáy cổ. Đây là những động tác làm cho cơ thể trở lại trạng thái bình thường.
- Hai bàn tay xoa vào nhau cho nóng lên rồi dùng bàn tay xoa mắt, xoa từ trong ra ngoài, xuống mí mắt.
Tiếp đến, xoa mũi rồi xoa mặt. Sau đó, xoa tai, từ đằng sau ra đằng trước. Ở tai có rất nhiều huyệt liên quan đến toàn thân, động tác xoa này giúp giảm rất nhiều bệnh tật và làm đẹp da. Tiếp tục đến xoa trán rồi xoa miệng, xoa môi.
Sau đó, chúng ta dùng các ngón tay cào phần đầu từ đằng trước ra đằng sau nhiều lần. Rồi tiếp tục xoa vai và vuốt người, dùng bàn tay vuốt sau lưng như mát-xa cơ thể cho khí huyết lưu thông.
Sau khi xoa xong cơ thể, dùng tay lần lượt dỡ các chân ra rồi duỗi dài và xoa bóp từ đùi xuống chân xuống đến khi nào chân cảm thấy thoải mái thì dừng .
Hai gan bàn chân có đầy đủ tất cả các huyệt của cơ thể, vì thế chúng ta nên day xoa gan bàn chân thật nhiều. Nhất là buổi tối trước khi đi ngủ nên day xoa gan bàn chân giấc ngủ sẽ ngon và sâu hơn.
Bước 4: Hồi hướng công đức
Sau khi ngồi thiền, một năng lượng sẽ được sinh ra, nhà Phật gọi là công đức, có công đức thì có phúc báu. Dùng công đức, phúc báu này vào việc gì thì gọi là hồi hướng.
Ví dụ: Hồi hướng cho việc thi cử sắp tới hay dùng phước báu này để mong cầu sự tốt đẹp, may mắn trong công việc,...
Chúng ta có thể hồi hướng công đức bằng cách nói: “Con kính lạy chư Phật, con xin hồi hướng công đức tọa thiền hôm nay cho…” (đọc những việc chúng ta mong cầu)
Hy vọng qua bài viết này, quý Phật tử và các bạn đã tìm được cho mình cách ngồi thiền đúng phương pháp, giúp tâm an, sáng suốt để sống và làm việc hiệu quả hơn mỗi ngày.
Nếu còn thắc mắc về cách ngồi thiền, hãy để lại bình luận dưới bài viết nhé!