Trí tuệ là gì? Muốn có trí tuệ sáng suốt phải biết những điều sau
Mục Lục [Ẩn]
Trí tuệ là điều ai cũng mong muốn sở hữu, để có được thành công, hạnh phúc trong cuộc sống. Vì có trí tuệ sẽ có sáng suốt, tư duy đầy đủ, thấu tỏ giúp giải quyết mọi vấn đề chúng ta gặp phải.
Để hiểu về trí tuệ và biết cách phát triển nó, kính mời quý Phật tử và các bạn đón đọc bài viết dưới đây!
Trí tuệ là gì?
“Trí” là thuộc về phần nhận thức, kiến thức hiểu biết; còn “tuệ” là thấy rõ vô thường, khổ, vô ngã của vạn vật. “Trí” là thông minh, “tuệ” là sáng suốt.
Chúng ta có thể có trí mà không có tuệ. Ví dụ như chúng ta thông minh, tính toán giỏi nhưng không thấy được sự vô thường, bản chất vô ngã, khổ não của vạn pháp. Đó là có trí mà không có tuệ.
Tuy nhiên, tuệ rất quan trọng. Bởi “tuệ” giống như nước, còn “trí” giống như những ngọn sóng trên mặt nước. Nước thì sáng suốt, lắng trong; còn sóng thì lăn tăn, vỡ vụn. Chính vì thế, sóng không bao giờ phản chiếu được đầy đủ các vật, còn nước lắng trong thì phản chiếu đầy đủ sự vật, hiện tượng như một chiếc gương.
Mặt khác, nếu chỉ có “trí”, không có “tuệ” thì trí đó có thể dẫn đến những nhận thức sai lầm. Như một số nhà khoa học, họ có sự thông minh, kiến thức mới chế tạo ra vũ khí hạt nhân,... Nhưng những sản phẩm đó lại đem đi phục vụ cho việc bất thiện, hại người.
Như vậy, trí tuệ là cái biết đúng với chân lý, không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sinh; đem lại an lạc, hạnh phúc cho chúng sinh.
Vai trò của trí tuệ
Trí tuệ là điều quý nhất trên đời, có trí tuệ sẽ có tất cả. Nhất là trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, chúng ta thấy hầu hết là các sản phẩm của trí tuệ. Trí tuệ đem lại sức mạnh cho con người.
Đối với Phật Pháp, trí tuệ giải phóng con người ra khỏi mọi nô lệ, xiềng xích, trói buộc của bản thân, làm lợi ích, giải thoát cho chính mình và cho mọi người.
Bởi bản chất cuộc đời là đau khổ, chỉ có trí tuệ mới nhận thức và diệt được khổ đau. Trí tuệ là sự thấy biết đúng đắn thì sẽ dẫn chúng ta đến chỗ giải thoát khổ đau.
Trí tuệ cũng khiến mọi điều trở nên lợi lạc hơn: Cùng là một việc nhưng người có trí tuệ làm thì công đức, phúc báu tăng thượng. Còn người không có trí tuệ làm thì công đức, phúc báu không nhiều.
Khai mở trí tuệ như thế nào?
Đối với đạo Phật, tu học Phật Pháp càng sớm thì khả năng phát triển trí tuệ, khai mở trí tuệ càng tốt, càng thuận lợi.Trong lịch sử Phật giáo đã có rất nhiều tấm gương có được trí tuệ nhờ tu tập Phật Pháp.
Điển hình như ông Châu Lợi Bàn Đặc - con của một vị Bà La Môn ở thành Vương Xá thời Phật tại thế. Ông xuất gia làm đệ tử Phật nhưng bản tính lại ngu độn; khi học giáo lý, tụng Kinh đều không nhớ nổi một từ, thậm chí đến tên của mình ông cũng không nhớ. Nhưng sau đó, ông chuyên tâm thực hành theo lời Phật dạy mà tu chứng quả, phát sinh tuệ, thấy đúng chân lý, thuyết Pháp được cho mọi người.
Vậy tu học Phật Pháp như thế nào để khai mở trí tuệ? Chúng ta sẽ thực hiện 03 điều sau đây.
1. Nghe Pháp (Văn)
Tất cả đệ tử Phật đều nghe Phật thuyết Pháp, giảng Kinh mà khai mở trí tuệ. Còn Phật tử bây giờ, rất nhiều người, qua buổi giảng Pháp của các quý Thầy, trí tuệ cũng mở sáng rất nhiều.
Trong một lần về chùa Ba Vàng tìm hiểu Phật Pháp, PGS.TS Bùi Anh Tuấn (Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương) cho biết: nhờ bài giảng của quý Thầy mà ông nhận ra mình cần phải bình tâm xem lại mình, như vậy thì tự nhiên sẽ tìm ra được những con đường sáng suốt hơn.
Cho nên, chúng ta phải chăm nghe, chăm học Phật Pháp. Người nào vào Phật Pháp chăm nghe, chăm học thì trí tuệ người ấy dần dần sáng ra, thấy được đạo lý.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý nghe đúng chính Pháp thì mới sinh ra được trí tuệ gọi là “văn tuệ”. Còn nếu nghe tà Pháp hay những chuyện luyên thuyên, bậy bạ thì khiến chúng ta sinh ra những hiểu biết sai lầm, tệ hại.
2. Tư duy Pháp (Tư)
Sau khi nghe, lĩnh hội được kiến thức Phật Pháp rồi thì chúng ta bắt đầu suy tư, chắt lọc, kiểm nghiệm xem Phật dạy, quý Thầy dạy có đúng không, so với cái hiểu ngày xưa của mình xem đúng hay sai rồi đối chiếu với các kiến thức.
Đó gọi là tư tuệ. Nhờ tư duy, thẩm định như vậy mà trí tuệ được vững chắc. Nếu không tư duy, nghe để đó thì không thâm nhập được, chỉ như máy cassette, đĩa CD, thâu được hết vào đĩa nhưng khi bật hết rồi, hỏi lại máy, nó không biết gì cả.
3. Thực hành Pháp (Tu)
Khi nghe lời Phật dạy, mình biết rõ điều đó đúng sự thật thì bắt đầu ứng dụng thực hành. Việc thực hành dẫn chúng ta thâm nhập, thực chứng lời Phật dạy.
Cũng giống như trước chiếc bánh, mình suy nghĩ về chiếc bánh đó, biết là nó làm bằng đường, sữa, mật, biết là nó ngon. Nhưng đến lúc tay cầm, đưa vào miệng ăn thì mới thực sự thể nghiệm được vị ngon của chiếc bánh như thế nào.
Như vậy, chúng ta thấy trí tuệ đầy đủ đến từ ba nguồn “văn, tư, tu”. Mà “văn” chúng ta nghe từ chính Pháp của Phật; cho nên, việc hoằng dương chính Pháp là vô cùng quan trọng. Chính Pháp không được tuyên thuyết thì tất cả chúng ta không có duyên với chính Pháp. Không có duyên với chính Pháp thì không thể mở được trí tuệ đầy đủ.
Cho nên, chúng ta đặc biệt phải quan tâm và quý trọng chính Pháp, tuyên dương chính Pháp để mọi người được nghe thì hạt giống trí tuệ sẽ được nảy sinh trong tâm của họ.
Bên cạnh đó, chúng ta phải có phát nguyện: “Đời đời sinh ra được gặp minh Sư, gặp thiện hữu tri thức và được học hỏi chính Pháp”. Điều này giúp chúng ta có duyên với chính Pháp. Nếu không có nguyện thiết tha như vậy, chúng ta sinh ra rất dễ gặp tà Sư, tà Pháp.
Mong rằng, qua bài viết này, quý Phật tử và các bạn sẽ có được nhận thức đúng về trí tuệ để có được trí tuệ chân thật để tư duy, phân tích, ứng xử với mọi vấn đề trong cuộc sống một cách thấu đáo, đúng nhân quả để được an lành, hạnh phúc, thoát khổ đau.