Phiền não là gì? 07 cách trút bỏ khổ não để được an vui, hạnh phúc
Mục Lục [Ẩn]
Trong cuộc sống, chúng ta có rất nhiều phiền muộn không chỉ từ những tác động bên ngoài mà còn từ những suy nghĩ nội tâm. Cái khổ của chúng ta được gọi là phiền não; và chúng ta luôn mong muốn mình thoát được ra khỏi những điều khổ não, muộn phiền đó.
Bài viết sau đây sẽ giúp cho quý Phật tử và các bạn hiểu rõ về phiền não và phương pháp buông bỏ để cuộc sống được an lạc, hạnh phúc.
Phiền não là gì?
“Phiền” là thân thể nhọc nhằn, mệt mỏi. “Não” là tâm tính bất an, day dứt, buồn rầu. Phiền não là cả thân, cả tâm này đau khổ. Như vậy, phiền não làm cho chúng ta rất khổ, nó bủa vây chúng ta, từ lúc mở mắt ra đã thấy phiền não.
Các loại phiền não
Trong Phật giáo có chia ra nhiều loại phiền não. Có 6 phiền não căn bản là tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, nghi ngờ và ác kiến.
Ngoài ra còn có 10 tiểu phiền não là phẫn nộ, uất hận, cừu hận, giả dối, gian trá, xiểm khúc, tự đại, bức hại, tật đố, tự tư.
Có 2 trung phiền não là không biết hổ, không biết thẹn.
Có 8 đại phiền não là bất tín (không có lòng tin), giải đãi (lười biếng), phóng dật (buông lung), hôn trầm (không sáng tỏ, mê mờ), trạo cử (lăng xăng, lộn xộn, ngồi không yên, nghĩ lung tung), tâm niệm tức (không nhớ, không chính niệm), tán loạn (dao động), bất chính tri (không có tri kiến chân chính).
Nguồn gốc của phiền não
Khi bị khổ đau, phiền não, tâm lý chung là chúng ta thường đổ lỗi cho người và vật bên ngoài. Ví dụ, chúng ta bị đuổi việc hay bị vợ con hắt hủi,... chúng ta bảo tại họ mà mình bị buồn, khổ não còn bản thân vô tội.
Học Phật, chúng ta biết cái khổ chính từ nơi ta sinh ra. Các bậc Thánh cũng ở trong cuộc đời, cũng đối diện với cảnh trần nhưng không phiền não, khổ đau, tâm vẫn thanh thản, an lạc. Còn chúng ta gặp cảnh, gặp duyên là khổ. Cho nên, chúng ta biết khổ phải từ nơi mình.
Tức là phiền não sinh ra từ thân, khẩu, ý; trong đó gốc là từ ý của chúng ta. Trong kinh Pháp cú, Đức Phật dạy:
Ý dẫn đầu các Pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, theo vật kéo.
Ý dẫn đầu các Pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, chẳng rời hình.
Như vậy, gốc của phiền não là từ ý vô minh, không thấy được tính vô thường, vô ngã và duyên sinh của vạn vật khiến thân, khẩu gây tạo ác nghiệp dẫn đến khổ đau. Vì không rõ vô thường, vô ngã và duyên sinh của vạn vật nên tham đắm, ưa thích trở thành nô lệ cho cái dục mà khổ đau.
Phương pháp giúp diệt trừ phiền não
Biết lượng sức mình, bớt mong cầu
Trong cuộc sống, nhiều người có những mong cầu: công danh sự nghiệp, gia đình, tài sản,... Để đạt được những điều đó, chúng ta phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Trong quá trình đó, sẽ phát sinh ra phiền não và mệt nhọc; như trong kinh Bát Đại Nhân Giác, Phật có dạy: “Đa dục vi khổ” (tức mong cầu nhiều thì đương nhiên sẽ có nhiều khổ não).
Cho nên, chúng ta phải biết sức của mình đến đâu để lựa mà đặt mong muốn của bản thân và phấn đấu, không nên quá mong cầu. Chúng ta cố gắng trong việc làm chân chính, lương thiện, tránh các việc ác, cùng với phúc báu đã được tích lũy từ trước,... thì có thể giúp chúng ta đạt được những thành tựu nhất định trong cuộc đời nhưng phải biết lượng sức mình.
Giữ giới
Giới của Phật là hàng rào ngăn chặn không cho phiền não vào tâm chúng ta, giúp tâm chúng ta được an ổn và tự bản thân chúng ta thấy mình không có tội lỗi, rất an lành. Như người đệ tử Phật tại gia giữ 5 giới: Không giết người, không trộm cắp, không tà dâm, không dối láo và không nghiện ngập.
Ví dụ về giới không trộm cắp. Nếu chúng ta ăn cắp thì chúng ta sẽ lo lắng, bất an. Còn giữ giới giúp chúng ta an ổn.
Phòng hộ các căn
Các căn bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý căn. Sáu căn này nếu chúng ta thả rông thì nó sẽ lao vào trần cảnh, sẽ lôi chúng ta vào phiền não.
Như trong kinh Di Giáo, Đức Phật dạy: “Các Tỳ-kheo, đã ở trong tịnh giới thì phải chế ngự năm thứ giác quan, không cho phóng túng vào trong năm thứ dục lạc. Như kẻ chăn trâu, cầm gậy mà coi giữ, không cho phóng túng, phạm vào lúa má của người. Phóng túng năm thứ giác quan, thì không những chỉ có năm thứ dục lạc, mà có thể sẽ không còn giới hạn nào nữa, không thể cấm chế…”
Cho nên, chúng ta phải biết phòng hộ sáu căn, biết cái gì nên xem, nên nghe. Đặc biệt là trong thời nay, khi lên mạng xã hội có nhiều điều nguy hiểm, sai trái; nếu không biết phòng hộ thì dễ bị dẫn vào sự độc hại. Cho nên chúng ta phải biết phòng hộ các căn của mình.
Điều phục tâm
Để phiền não không sinh, chúng ta phải biết điều phục tâm. Tâm của chúng ta rất buông lung, hàng ngày hướng theo dục; nếu không điều phục thì chính tâm sẽ rước phiền não cho mình.
Như trong kinh Di giáo, Đức Phật dạy: “Các Thầy Tỳ-kheo, năm thứ giác quan do tâm chủ động, vì vậy mà các Thầy lại phải thận trọng chế ngự tâm mình. Tâm còn đáng sợ hơn cả rắn độc, thú dữ, giặc thù, lửa dữ bừng cháy lan tràn cũng chưa đủ để ví dụ cho tâm…”
Chọn môi trường tốt đẹp, gần các bậc thiện tri thức
Nếu chúng ta ở trong môi trường xấu thì rất dễ bị phiền não, nên chúng ta phải chọn môi trường tốt.
Tiếp theo là gần gũi các bậc thiện tri thức. Bậc thiện tri thức không những chỉ dạy mà còn dẫn dắt, khích lệ và biết được về chúng ta để giúp chúng ta điều phục tâm.
Nghe Pháp
Nghe Pháp giúp chúng ta mở rộng chánh tri kiến, có chánh tri kiến sau đó thực hành thì mới đạt đạo. Tức là học phương pháp trước sau đó mới thực hành. Và học Pháp cũng giúp chúng ta tiêu trừ, ngăn chặn rất nhiều phiền não.
Thực tập chánh niệm
Chúng ta thất niệm, không tỉnh giác rất nhiều cho nên phiền não cũng rất nhiều. Và căng thẳng, stress, trầm cảm đều từ đây. Cho nên, thực tập chánh niệm hết sức là lợi ích.
Cũng như trong kinh Di Giáo, Đức Phật dạy: “Không quên chánh niệm thì giặc phiền não hết cách xâm nhập tâm trí. Thế nên các Thầy hãy luôn luôn tập trung chánh niệm lại nơi tâm trí. Mất chánh niệm là mất công đức. Nếu chánh niệm có năng lực vững mạnh, thì dẫu phải vào trong đám giặc ngũ dục, cũng không bị chúng sát hại; tựa như tướng sĩ lâm trận mà mặc áo giáp lát đồng, thì không còn sợ hãi gì nữa. Đó là hạnh không quên chánh niệm.”
>>> Xem thêm: Thực tập tỉnh thức để luôn có được hành động mang lại nhân quả tốt đẹp
Trong cuộc sống, chúng ta khó có thể tránh khỏi những phiền muộn, khổ não. Vì vậy, chúng ta hãy ứng dụng những phương pháp giúp buông bỏ phiền não trên để thân tâm được vui vẻ, an lạc và hạnh phúc.
Nếu còn điều gì thắc mắc, quý độc giả có thể để lại bình luận dưới bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ tại đây để được giải đáp. Kính chúc quý vị mạnh khỏe, an lạc!