4 sự thật ít người biết về cõi ngạ quỷ: Để không còn ám ảnh về ma quỷ
Mục Lục [Ẩn]
Ngạ quỷ thường được mọi người gọi là ma quỷ, hương linh,... Có người cho rằng, ma không có thật nhưng cũng có người lại tin và thấy hình ảnh của ma quỷ qua các hiện tượng ma nhập, bóng đè hay những người thân đã mất báo mộng cho mình,...
Vậy ma quỷ có tồn tại không? Nếu tồn tại thì chúng có cuộc sống như thế nào và làm sao để cứu người thân đã mất khỏi cõi ngạ quỷ? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Ngạ quỷ là gì?
Ngạ quỷ là hương hồn, hương linh đói khát. Thường con người khi sống không rèn luyện, tu dưỡng, keo xỉn, thường dính mắc và tiếc nuối tài sản,... thì đa phần sau khi chết sẽ rơi vào ngạ quỷ. Như trong kinh Tạp A Hàm, kinh số 442 Trảo Giáp, Đức Phật dạy: số chúng sinh sau khi chết được tái sinh trở lại làm người ít như đất trên móng tay so với đất ở đại địa. Còn số chúng sinh đọa vào cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ,... thì nhiều như đất ở đại địa.
Ngạ quỷ có thật không?
Dưới góc nhìn của đạo Phật, ngạ quỷ là một trong những chúng sinh có thật. Rất nhiều bài kinh Phật giáo nói về điều này. Ví dụ, trong kinh “Từ Bi” có câu chuyện về 500 vị Tỳ-kheo vào rừng tu tập. Đêm đến, rất nhiều ma quỷ trong rừng ra quấy phá. Chúng hiện lên thành hình ma quái rất đáng sợ, lòng ruột treo trên cây rơi xuống, khiến các thầy Tỳ-kheo không ngồi thiền được. Sau khi bạch lên Đức Phật, các Thầy tụng kinh, quán từ bi và rải tâm từ đến các chúng quỷ theo lời Phật dạy thì ma quỷ đã rời đi hết.
Hay trong kinh “Ngạ quỷ báo ứng” có kể về việc Tôn giả Mục Kiều Liên khi du hóa đến bên bờ sông Hằng, Ngài đã nhìn thấy rất nhiều ngạ quỷ bị những tội khác nhau. Chúng cung kính đến hỏi Ngài nguyên do bị đọa làm ngạ quỷ. Sau khi được Tôn giả giải đáp và thuyết pháp cho nghe, chúng rất vui mừng.
Ngoài ra, ngạ quỷ còn được ghi nhận và khẳng định rất nhiều trong kinh điển Phật giáo khác như kinh “Chuyện Ngạ Quỷ Ăn Thịt Năm Đứa Bé”, “Chuyện tiểu chủ ngân khố”, “Ngạ quỷ nghe kinh”, “Chuyện Nữ Ngạ Quỷ Serinì”, “Tôn Giả Xá Lợi Phất Cứu Mẹ Tiền Kiếp”,...
Trong thực tế, dù không nhìn thấy bằng mắt thường nhưng ngạ quỷ vẫn tồn tại và có thật. Tương tự có một số sự vật, hiện tượng cũng không nhìn được bằng mắt thường nhưng vẫn luôn tồn tại, ví dụ như sóng điện thoại. Những vị có thiên nhãn hoặc một số loài vật có đôi mắt đặc biệt có thể nhìn thấy ma quỷ.
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều trường hợp bị ma quỷ nhập vào khiến như biến thành một con người hoàn toàn khác. Dân gian gọi đó là ma xui, quỷ khiến.
Đời sống của ngạ quỷ diễn ra như thế nào?
1. Tuổi thọ của ngạ quỷ
Tuổi thọ của chúng sinh trong cảnh giới ngạ quỷ rất dài. Trong bài kinh “Chuyện ngạ quỷ ngoại bức tường” kể về một nhóm ngạ quỷ tồn tại từ thời Đức Phật Câu Lưu Tôn đến tận thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (suốt 4 đời Đức Phật) mới được cứu độ, thoát kiếp ngạ quỷ. Mà thời gian từ thời Đức Phật này đến Đức Phật kia kéo dài đằng đẵng. Chúng bị đọa làm quỷ thời gian dài như vậy là do khi xưa bất mãn, ngăn cản người khác cúng dường lên Đức Phật rồi chính mình ăn những phẩm vật dành để cúng dường lên Tăng đoàn và nổi lửa đốt trai đường.
Hay trong kinh “Chuyện người tìm giải thoát vòng luân hồi” kể về một nữ quỷ phải chịu mọi nỗi khổ sở đói khát suốt 500 năm vì khi còn sống đã giết hại nhiều chúng sinh như gián, dế cùng châu chấu.
2. Đời sống sinh hoạt của ngạ quỷ
Tùy theo nghiệp nên ngạ quỷ được chia thành nhiều loại với hình thức sinh hoạt riêng. Có loại ăn tinh khí, có loại ăn mùi, ăn hương hoa, nhưng cũng có loại ăn phân, nước tiểu, đờm dãi,...
Ngoài ra, ngạ quỷ không uống như chúng ta, họ hấp thụ hơi nước trong không khí là đủ nên không khát như con người. Bên cạnh đó, quần áo của ma quỷ cũng khác nhau, do phước của từng loại biến hiện ra.
Làm thế nào để giúp ngạ quỷ bớt khổ?
Trong cõi ngạ quỷ, có những hương linh từng là cha mẹ, quyến thuộc đã quá vãng, nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta mà bị đọa lạc. Họ thường lân mẫn, đi theo chúng ta và hy vọng được người thân cúng dường làm phước hồi hướng cho mình.
Cho nên, trong bài kinh “Chuyện ngạ quỷ ngoại bức tường”, Đức Phật dạy: Nếu muốn cho thân nhân quá vãng hay các chúng sinh trong cõi hương linh ngạ quỷ, thoát khỏi cảnh đói khổ, thì chỉ có cúng dường Tam Bảo, cúng dường cho chư Tăng thanh tịnh. Rồi đem phúc đó hồi hướng đến cho các hương linh thì các hương linh sẽ thoát khỏi cảnh khổ, được an lành hơn.
Không những thế, việc cúng dường Tam Bảo, chúng Tăng còn đem lại lợi ích lâu dài cho cả người cúng dường. Như trong “kinh Địa Tạng”, Đức Phật dạy: thời trong bảy phần công đức người chết nhờ đặng một phần, còn sáu phần công đức thuộc về người thân quyến hiện lo tu tạo đó.
Cùng với đó, chúng ta có thể thỉnh chư Tăng tác lễ cầu siêu cho các hương linh cha mẹ, quyến thuộc quá vãng của mình. Vì trong lễ cầu siêu, các hương linh sẽ được sám hối, quy y Tam Bảo và nhận phần phước báu cúng dường hồi hướng của thân nhân. Từ đó, phước lành sẽ phát sinh đến cho các hương linh thoát khỏi chỗ khổ, quay về nương tựa ba ngôi Phật - Pháp - Tăng.
Ngoài ra, việc kêu khóc sầu bi, than vãn hay sắm sửa mâm cao cỗ đầy nhưng không đúng lời Phật dạy, đốt vàng mã đều không lợi ích gì, các hương linh ngạ quỷ cũng không hề thọ hưởng, bớt khổ được.
Như trong bài kinh “Nữ ngạ quỷ Nan Đa” có kể về chuyện nữ ngạ quỷ hiện hình trước mặt người chồng năm xưa. Người chồng thương vợ nên đã tặng áo choàng, thức ăn đồ uống đủ đầy. Thế nhưng, nữ quỷ không thể thụ hưởng được nên đã cầu xin người chồng cúng dường lên các Tỳ-kheo giới đức để hồi hướng phước ân cho mình. Bởi chỉ làm như vậy, nữ ngạ quỷ mới được phước lành, nhờ phước đó nên sẽ được hạnh phúc hơn, đạt thành nguyện ước.
Mong rằng, từ những lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh, chúng ta có thêm hiểu biết về ngạ quỷ để xua tan nỗi lo sợ ma quỷ. Từ đó, chúng ta biết thực hành lời Phật dạy, làm các việc thiện, hồi hướng phước báu cho các hương linh thân bằng quyến thuộc quá vãng sớm thoát khổ, kết duyên với Tam Bảo, được lợi ích an vui.
Nếu còn điều gì thắc mắc, quý độc giả có thể để lại bình luận dưới bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ tại đây để được giải đáp. Kính chúc quý vị mạnh khỏe, an lạc!