Đốt vàng mã có được người âm phù hộ? Lý do người âm đòi đốt vàng mã
Mục Lục [Ẩn]
Việc đốt vàng mã gửi xuống “cõi âm” tiêu tốn trung bình khoảng 60.000 tấn giấy hàng năm ở nước ta (Theo VOV.vn). Vì nhiều người quan niệm “trần sao âm vậy” nên đốt vàng mã cho người đã khuất với mong muốn họ nhận được tiền tiêu, không bị thiếu thốn, đói khổ ở thế giới bên kia. Thế nhưng, không ai chắc chắn được người âm có nhận vàng mã chúng ta đốt hay không.
Vậy thực hư sự việc này ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp điều đó, đồng thời cung cấp cho người đọc cách giúp người đã khuất được đầy đủ, sung túc, người sống được an tâm, hạnh phúc.
Đốt vàng mã - người âm có nhận được không?
Người âm không dùng vàng mã. Không có kinh, luật nào Đức Phật dạy chúng ta đốt vàng mã cho người chết.
Về bản chất, tục đốt vàng mã là việc bắt chước vua, quan Trung Quốc. Ngày xưa, khi vua chết, hoàng hậu, phi tần cùng người hầu, vàng bạc, của cải cũng phải chôn theo.
Nhưng người dân không có nhiều vàng bạc nên nghĩ ra làm tiền vàng, giấy bạc, giấy mã chôn xuống mồ. Sau này, họ thấy việc chôn vàng mã gây tốn kém đất cát nên lại nghĩ ra cách hóa, đốt vàng mã và coi như đã gửi được xuống cho người âm.
Do đó, xét từ nguồn gốc, chúng ta có thể thấy đốt vàng mã trong những buổi cúng lễ là việc làm rất phi lý, không đúng sự thật.
Như vậy, tục đốt vàng mã hoàn toàn do chúng ta tưởng tượng và người âm thì không dùng được. Vì cõi âm (cõi ngạ quỷ) không có chợ, không có ngân hàng hay buôn bán, người âm cũng không tiêu đến tiền. Như trong kinh “Chuyện ngạ quỷ ngoại bức tường”, Đức Phật dạy rõ về cõi này:
“Chốn kia không có cấy cày đâu,
Cũng chẳng hề nuôi súc vật nào,
Buôn bán như đây đều chẳng có,
Cũng không đổi vật lấy vàng trao.”
Không những thế, nếu vàng mã đốt mà người âm nhận được thì giấy vụn, rác rưởi đốt người âm cũng phải nhận vì nó đều ra tro. Ví dụ, tờ giấy khi được in ra sẽ thành tiền âm phủ, không in thì vẫn là giấy, in ra rồi đốt đi sẽ không còn hình hài, chữ nghĩa mà thành tro. Thế nên, nếu có thể nhận thì người âm chỉ nhận được tro và khói. Điều đó cho thấy, việc đốt vàng mã cho người âm nhận là điều vô lý.
Bên cạnh đó, ở các nước phương Tây, người dân cũng có ông bà, tổ tiên, người thân đã khuất nhưng họ không đốt vàng mã gửi xuống âm phủ. Nếu xét việc này theo quan niệm đốt vàng mã thì có lẽ tổ tiên của họ bị thiếu thốn, đói khổ hết. Nhưng điều này không thực tế.
Bởi vậy, việc đốt vàng mã là không đúng và không mang lại lợi ích cho người đã khuất.
Tại sao người âm “đòi” đốt vàng mã?
Mặc dù, việc đốt vàng mã cho người chết không được Đức Phật dạy trong bất kỳ kinh điển nào của Phật giáo nhưng trong thực tế vẫn xảy ra hiện tượng hương linh nhập vào người sống hoặc báo mộng, kêu đói khổ, “đòi” đốt vàng mã cho mình.
Điều này xảy ra là do tập tục đốt vàng mã đã có từ nhiều đời, cho nên một số hương linh quen với việc này, nghĩ rằng người sống đốt vàng mã cho thì họ sẽ nhận được, còn không đốt cho thì sẽ thiếu thốn.
Thay vì đốt vàng mã, nên làm gì cho người đã mất?
Với góc nhìn của Phật giáo, chúng ta nên bỏ tập tục đốt tiền vàng mã. Vì mặc dù tập tục này có một phần nhỏ ý nghĩa về văn hóa (nghĩa tình báo đền ơn cha mẹ) nhưng tai hại và truyền bá sự mê tín, cách hiểu sai lầm cho con cháu.
Nhưng sự thật thì chúng ta sinh đến đời này do tội và phúc, người chết cũng nhờ tội và phúc mà lưu chuyển. Cho nên, chúng ta phải gửi tới người âm phúc báu mình tạo ra. Việc làm này mang lại lợi ích cho nhiều người; đó là phúc, đạo đức, thuộc về tâm linh. Người âm nhận phần tâm linh này chứ không nhận vàng mã.
Như trong kinh “Chuyện ngạ quỷ ngoại bức tường”, các ngạ quỷ từng là thân nhân, quyến thuộc trong quá khứ của vua Bình Sa đã chỉ mong ước: “Nhà vua sẽ làm lễ cúng dường đức Phật và hồi hướng công đức ấy cho chúng ta”.
Sau đó, vua Bình Sa đã cúng dường lên Đức Phật cùng chúng Tăng cháo gạo và các thức ăn đủ loại cứng mềm, y phục, sàng tọa, tinh xá,... rồi hồi hướng công đức đó cho các ngạ quỷ. Nhờ vậy, những y phục, thực phẩm,... lập tức xuất hiện khiến chúng hân hoan hưởng thọ.
Từ bài viết trên đây, mong rằng quý độc giả hiểu hơn về tập tục đốt vàng mã. Qua đó, chúng ta biết thực hành lời Đức Phật dạy, biết bố thí, làm các việc thiện đem lại lợi ích cho bản thân và người đã mất. Nếu còn điều gì thắc mắc, các bạn có thể để lại bình luận dưới bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ tại đây để được giải đáp. Kính chúc quý vị mạnh khỏe, an lạc!