Tỉa chân nhang vào ngày nào? Cách tỉa chân nhang không phạm tâm linh
Mục Lục [Ẩn]
Tỉa chân nhang là một phong tục được nhiều gia đình quan tâm, đặc biệt vào dịp cuối năm. Theo quan niệm dân gian, đây không chỉ là việc làm sạch bàn thờ mà còn mang ý nghĩa tâm linh quan trọng, giúp gia đình đón nhận phước lành trong năm mới. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng nếu thực hiện không đúng cách dễ làm động đến phần tâm linh, không được gia tiên phù hộ hay có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sự bình an của cả nhà.
Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách tỉa cũng như xử lý chân nhang, mang lại an lành trong dịp năm mới!
Hướng dẫn cách tỉa chân nhang
Tỉa chân nhang vào ngày nào?
Theo quan điểm đạo Phật, việc tỉa chân nhang không nhất thiết phải đợi đến ngày ông Công ông Táo mà có thể thực hiện thường xuyên. Vì chân nhang đầy lên sẽ rất dễ cháy, xảy ra hỏa hoạn.
Các bước tỉa chân nhang
- Bước 1: Văn khấn xin tỉa chân nhang
Trước khi tỉa chân nhang, chúng ta chắp tay bạch: “Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni (hoặc Nam mô A Di Đà Phật), con xin phép được bao sái bát hương ạ”.
- Bước 2: Tỉa chân nhang
Chúng ta có thể rút, tỉa hết chân nhang trong bát hương, chỉ để lại ba hoặc năm chân nhang. Ba chân nhang mang ý nghĩa tiếp nối, tượng trưng cho Tam Bảo: Phật - Pháp - Tăng. Còn năm chân nhang tượng trưng cho ngũ phúc - năm điều phúc lành hoặc huyết thống năm đời.
Những điều cần lưu ý khi tỉa chân nhang
Phụ nữ có được tỉa chân nhang không?
Phụ nữ hoàn toàn có thể tỉa chân nhang bình thường; bởi về mặt tâm linh, việc thờ cúng không phân biệt nam nữ. Kể cả đến ngày kinh nguyệt, phụ nữ vẫn có thể lên thắp hương, khấn vái, miễn sao giữ thân thể sạch sẽ.
Tỉa chân nhang có được bê bát hương xuống không?
Chúng ta hoàn toàn có thể xê dịch bát hương hoặc bê bát hương xuống lau rửa sạch sẽ, xong đặt lại lên ban thờ.
Bởi vì, bản chất bát hương chỉ là vật tượng trưng cho chúng ta chú tâm, hướng tâm đến để kết nối với thế giới tâm linh. Nếu chúng ta hướng được tâm rồi thì có thể không cần bát hương. Trên thực tế, ở nhiều quốc gia trên thế giới, họ không thờ bát hương, nhưng vẫn có chuyện tâm linh bình thường.
Cách xử lý tro và chân nhang sau khi tỉa
Sau khi tỉa chân nhang, chúng ta có thể xúc bớt tro cũ đi hoặc thay tro mới để bát hương không đầy quá. Theo luật của chư Tăng, những vật đã dâng cúng trên ban thờ, dù là hoa hay trái cây đã héo tàn cũng không được vứt vào nơi ô uế. Vì vậy, tro cũ và chân nhang sau khi tỉa nên để ở nơi sạch sẽ hoặc bón vào gốc cây. Có thể đốt chân nhang, lấy tro bón cây.
Những việc này sẽ giữ cho tâm chúng ta được tốt đẹp, trọn vẹn. Bởi chúng vừa ở trên ban thờ cung kính, nếu đem đổ ra nơi bẩn thỉu sẽ khiến tâm ta cảm thấy không lành thiện, không cung kính.
Trên đây là chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh về vấn đề tỉa chân nhang. Mong rằng các bạn sẽ biết cách tỉa chân nhang để không còn những lo lắng không đáng có; đồng thời mang lại những điều tốt đẹp đến cho gia đình.
Nếu còn điều gì thắc mắc về cách tỉa chân nhang, kính mời quý độc giả bình luận dưới bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ để được giải đáp.