Cúng ông Công ông Táo như thế nào để có nhiều phúc lộc?
Mục Lục [Ẩn]
Ông Công ông Táo trong tâm thức của mỗi người Việt Nam là những vị thần rất quen thuộc và gần gũi. Cứ mỗi dịp cuối năm, các gia đình lại tất bật sửa soạn cúng ông Công ông Táo như một nghi lễ truyền thống không thể thiếu. Tuy vậy, chắc hẳn cũng rất nhiều người băn khoăn không biết ông Công ông Táo là ai, cúng các ông như thế nào để được may mắn?
Để tìm câu trả lời cho các thắc mắc trên, kính mời các bạn cùng đón đọc bài viết dưới đây.
Sự tích về ông Công ông Táo
Có nhiều thuyết nói về sự tích ông Công ông Táo, nhưng thuyết căn bản cho rằng, sự tích này bắt nguồn từ truyền thuyết Trung Quốc du nhập vào và trở thành văn hóa của người Việt.
Chuyện kể rằng: Trọng Cao và Thị Nhi là đôi vợ chồng rất thương yêu nhau. Tuy lấy nhau đã lâu nhưng mãi chưa có con. Một hôm, Trọng Cao giận nên mắng rồi đánh đuổi vợ đi. Thị Nhi liền bỏ đi, sau đó gặp Phạm Lang. Hai người quý mến nhau rồi kết thành vợ chồng.

Sự tích ông Công ông Táo kể về câu chuyện giữa Trọng Cao, Thị Nhi và Phạm Lang (Ảnh minh họa)
Về phía Trọng Cao, sau khi đuổi vợ đi, anh thấy thương vợ nên đi tìm vợ khắp đó cùng đây. Đến lúc hết gạo và tiền mang theo, anh đi xin ăn lại vô tình vào nhà Phạm Lang. Hôm ấy, Phạm Lang đi vắng, Thị Nhi ở nhà, thấy chồng cũ nên mời anh ăn cơm và chuyện trò.
Ngay khi đó, nghe tiếng Phạm Lang về nhà, Thị Nhi sợ quá bèn bảo Trọng Cao chui vào đống rơm trốn. Chẳng ngờ lúc sau, Phạm Lang lại châm lửa đốt rơm lấy tro bón ruộng. Đống rơm bốc cháy đùng đùng, Thị Nhi thấy sự chẳng lành liền lao vào đống lửa cứu chồng cũ. Thấy vậy, Phạm Lang cũng nhảy vào theo vợ. Cuối cùng, cả ba đều chết trong đám lửa.
Sau khi chết, thần hồn của ba người bay lên trời. Ngọc Hoàng thượng đế biết sự tình thấy ba người sống có tình có nghĩa nên phong làm các vị thần gọi là Định Phúc Táo Quân. Phạm Lang được giao trở thành Thổ Công, trông coi việc bếp núc, danh hiệu là Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân. Trọng Cao được phong làm Thổ Địa coi sóc việc đất đai, nhà cửa, danh hiệu là Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần. Thị Nhi được phong làm Thổ Kỳ, trông coi việc buôn bán, trồng trọt, chăn nuôi, chợ búa, có danh hiệu Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần.
Cúng ông công ông táo như thế nào?
1. Cúng với tâm tri ân và rộng mở
Cúng ông Công ông Táo là việc làm tốt, truyền thống tốt của dân tộc, chúng ta nên giữ gìn. Việc này mang tính chất sum họp gia đình, thể hiện sự biết ơn thế giới tâm linh, các vị thần linh. Chúng ta tri ân họ nhưng không nên biến thành mê tín như việc cúng với tính chất để hối lộ ông Công ông Táo là sai.
Như chúng ta biết, ở từng nơi tư gia đều có các vị thần phụ trách nên việc chúng ta cúng cấp là tốt, thể hiện sự cung kính, tâm rộng mở, tâm biết ơn của mình. Xung quanh chúng ta có những vị thần linh vô hình, chúng ta nhớ đến họ, kết duyên với họ để họ trở thành người tốt là việc nên làm. Bởi, người ở bên cạnh ta, ta giúp đỡ, tri ân, cúng dường, bố thí, cầu mong cho họ được thêm phước lành, chúng ta hoan hỷ với họ thì họ sẽ giúp chúng ta.
Tuy nhiên, họ chỉ giúp đỡ với năng lực của họ, không phải giúp đỡ chúng ta hết. Nếu là người Phật tử, chúng ta biết phải nương vào Phật, vào phúc báu Phật Bảo, Tam Bảo chứ không nương vào vị thần đó.

Thầy Thích Trúc Thái Minh giảng về ông Công ông Táo (Ảnh minh họa)
2. Cúng ông Công ông Táo ở đâu?
Quan niệm dân gian cho rằng ông Công ông Táo là các ông thần bếp cho nên cúng dưới bếp. Nhưng sự thật thì việc cúng lễ này không nhất thiết phải cúng ở dưới bếp. Chúng ta làm mâm cơm cúng ở nơi sạch sẽ trong nhà, có thể cúng trên bàn thờ. Chúng ta nên cúng lễ ở chỗ trang nghiêm vì việc cúng là thể hiện sự cung kính, tôn trọng, không phải sự xem thường.

Cúng ông Công ông Táo ở chỗ trang nghiêm để thể hiện sự cung kính, tôn trọng (Ảnh minh họa)
Xem thêm: Bài cúng Ông Công Ông Táo (mới nhất)
Tại sao thả cá chép cúng ông táo mà không phải cá khác?
Trong nghi thức cúng Táo Quân, dân gian ta sắm sửa rất nhiều thứ như: áo quần, mũ mã,… đặc biệt có cá chép. Ngày xưa, ta mua cá chép sống về rán, cúng cho Táo Quân, nhưng sau này, xuất hiện việc mua cá chép sống về thả. Vì chúng ta quan niệm cá chép có thể hóa rồng để Táo Quân cưỡi lên trời.

Dân gian có quan niệm cá chép hóa rồng nên thả cá chép để Táo Quân cưỡi lên trời (Ảnh minh họa)
Tích truyện “cá chép hóa rồng” được kể trong nhiều truyền thuyết. Trong đó, có truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa, ông Trời tạo ra muôn loài vạn vật, làm mưa làm gió. Sau này, khi bận quá, Trời giao việc làm mưa làm gió cho loài rồng. Lúc ấy, số lượng rồng ít nên nhiều nơi bị hạn hán. Trước tình trạng này, Trời giao cho vua Thuỷ Tề chọn các loài ở dưới thuỷ cung làm rồng.
Vua Thuỷ Tề liền mở một cuộc thi cho các loài thuỷ tộc, nếu loài nào vượt qua long môn sẽ biến thành rồng. Tuy nhiên, tất cả loài thủy tộc đều không vượt qua vũ môn, duy chỉ có một con cá chép đặc biệt. Trong miệng nó ngậm một viên ngọc, nó rất chăm rèn luyện, quyết tâm dũng mãnh vượt qua long môn.
Khi Thần Gió nhìn thấy viên ngọc đẹp trong miệng cá chép, ông liền tới thì kéo theo gió khiến sóng nổi lên. Cá chép nhân lúc sóng nổi cao, nó theo sóng vượt vũ môn và biến thành rồng.
Tích truyện này phản ánh ước vọng vươn lên thay đổi bản thân của chúng ta: cá hóa được thành rồng là một điều rất đặc biệt, là ước mong thay đổi, cách mạng chính mình để trở nên mới mẻ, tốt đẹp và cao quý hơn. Chính vì thế trong dân gian, người ta thường thả cá chép để cúng ông Táo, bởi nghĩ rằng, cá có thể hóa thành rồng, đưa ông lên trời.
Tuy nhiên, theo quan điểm đạo Phật, chuyện cá hóa rồng không hoàn toàn đúng. Trong luân hồi, chuyện thay đổi hình dạng, đổi kiếp là có thể có; con vật này chuyển từ kiếp cá sang kiếp rồng cũng có, từ kiếp rùa sang kiếp rồng cũng có thể có. Điều này là do duyên, do nghiệp của chúng sinh khác nhau.
Vì vậy, việc phóng sinh cá chép cho thần Táo cưỡi lên thì cũng không hoàn toàn đúng. Cá bơi dưới nước còn thần Táo bay lên trời, không thể xảy ra chuyện người cưỡi đi một đằng, con vật cưỡi đi một nẻo. Vậy nên không nhất thiết phải là cá chép, chúng ta có thể mua các loài cá khác để phóng sinh thì đều có phước báu ngày cuối năm.

Chúng ta có thể phóng sinh các con vật khác, không nhất thiết phải thả cá chép (Ảnh minh họa)
Ông Công ông Táo không cưỡi cá chép về trời, nhưng chúng ta tin chắc có các vị thần linh. Chúng ta coi ngày cúng ông Công ông Táo là ngày cúng các vị thần linh, tạ ơn các vị trong một năm. Ngoài ra, chúng ta tác phước cho họ, phóng sinh, làm phúc, bố thí vào những ngày này thì rất tốt, đón một năm mới với phúc báu mình đã tạo ra chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn không làm một việc phúc nào.
Hy vọng qua bài viết trên quý độc giả sẽ có cái nhìn đúng đắn về tục cúng ông Công ông Táo thường niên của dân tộc để từ đó chúng ta sẽ làm những việc thiện lành trong ngày này để được bình an, may mắn trong năm mới.