Ngũ phúc: 5 cách đón năm mới may mắn và sung túc theo lời Phật dạy
Mục Lục [Ẩn]
Ai cũng mong muốn ngũ phúc lâm môn - tức mong cầu gia đình bình an, tốt lành và hạnh phúc trong năm mới. Chính vì vậy, nhiều người thường trang trí nhà cửa hoặc chọn những món quà tượng trưng cho ngũ phúc để cầu may.
Nhưng liệu làm như vậy, ngũ phúc có thực sự đến với gia đình không? Mời các bạn cùng đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ ý nghĩa của ngũ phúc lâm môn và biết cách mang 5 điều phúc lành, tốt đẹp đến với gia đình!
Ngũ phúc lâm môn là gì?
“Ngũ phúc” là năm phúc báu mà bất kỳ ai cũng mong muốn trong cuộc sống. Đó là: khỏe mạnh và sống lâu; sự giàu có, thịnh vượng; gia đình hạnh phúc; danh thơm tiếng tốt; trí tuệ sáng suốt, thông minh. Trên đời này, ai hội đủ cả năm phúc báu này thì được coi là hoàn hảo.
Như vậy, cụm từ “Ngũ phúc lâm môn” mang ý nghĩa là năm điều phúc lành “chạy vào cửa nhà”, đem lại cuộc sống an vui, hạnh phúc và sung túc cho gia đình.
Quan niệm dân gian về “ngũ phúc lâm môn”
Trong dân gian, người ta thường treo chữ “Ngũ phúc lâm môn” hoặc chữ “Phúc” ngược với ý nghĩa mời gọi phúc lộc đến nhà (chữ “Phúc” ngược gọi là phúc đáo - không để phúc chạy đi mất). Tuy nhiên, người xưa cũng có câu: “Họa phúc vô môn, duy nhân tự chiêu”, có nghĩa là phúc họa do chính chúng ta tự chiêu mời, không cần phải có cửa mới đến. Người có phúc chui vào rừng sâu, hang tối, phúc vẫn đến; người có tội, có họa ở giữa thị thành cũng không tránh khỏi.
Theo quan điểm Phật giáo, phúc họa không đến từ những biểu tượng ngũ phúc như đá phong thủy, tranh ngũ phúc lâm môn,... mà do chính hành động, tâm niệm của chúng ta. Nếu chúng ta chăm chỉ tu dưỡng, làm các việc thiện, bỏ các điều ác, tích lũy phúc báu thì những điều tốt đẹp sẽ tự nhiên đến. Thành công hay thất bại phụ thuộc vào phúc của mỗi người, năng tích phúc sẽ gặt được nhân quả tốt đẹp.
Trong kinh Nhân Quả, Đức Phật dạy: “Tất cả nam nữ ở thế gian, giàu sang hay nghèo hèn, chịu khổ vô cùng hoặc hưởng phước vô lượng đều do nhân duyên từ trước mà cảm quả báo. Cho nên tất cả chúng sinh, trước phải hiếu kính cha mẹ, kế đó phải tin trọng ngôi Tam Bảo, thứ ba nên bỏ việc sát hại mà phóng sinh và thứ tư cần trì trai và bố thí mới có thể gieo giống ruộng phước về sau”.
5 cách để ngũ phúc “đến nhà”
Đức Phật dạy cho chúng ta cách có được 5 phúc báu như sau:
1. Để mạnh khỏe và sống lâu
Trong kinh Nghiệp Báo Sai Biệt, Đức Phật dạy về các nhân nên gieo trồng nếu muốn được khỏe mạnh và sống lâu:
“Lại có mười nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo mạng sống lâu dài: Một là tự mình không sát sinh; hai là khuyên người không sát sinh; ba là khen ngợi việc không sát sinh; bốn là thấy người khác không sát sinh, tâm sinh vui mừng; năm là thấy người bị giết, tìm cách cứu thoát; sáu là thấy người sợ chết, an ủi tâm họ; bảy là thấy người sợ hãi, bố thí sự không sợ hãi; tám là thấy người bị các thứ khổ, khởi tâm thương xót; chín là thấy người đang được cấp cứu, khởi tâm đại bi; mười là dùng các thức uống ăn bố thí cho chúng sinh. Do mười nghiệp này mà được quả báo mạng sống lâu dài.
…
Lại có mười nghiệp khiến chúng sinh được quả báo ít bệnh tật: Một là không thích đánh đập tất cả chúng sinh; hai là khuyên người khác không đánh đập; ba là khen ngợi việc không đánh đập; bốn là thấy người không đánh đập, tâm sinh hoan hỷ; năm là cúng dường cha mẹ và những người bệnh tật; sáu là thấy Hiền Thánh bệnh, bèn chăm sóc cúng dường; bảy là thấy người oán thù hết bệnh, tâm sinh hoan hỷ; tám là thấy người bệnh khổ, bố thí thuốc hay, cũng khuyên người khác giúp đỡ; chín là chúng sinh bệnh khổ, khởi tâm thương xót; mười là đối với các thức uống ăn, hay tự tiết chế. Do mười nghiệp này mà được quả báo ít bệnh tật.”
Đồng thời, chúng ta nên tránh các việc làm ngược lại với những điều trên.
2. Để giàu có
Trong kinh Nghiệp Báo Sai Biệt, Đức Phật dạy để có được tài sản dồi dào, chúng ta nên làm các việc sau:
“Một là tự xa lìa việc trộm cướp; hai là khuyên người không trộm cướp; ba là khen ngợi việc làm không trộm cướp; bốn là thấy người không trộm cướp, tâm sinh hoan hỷ; năm là cung cấp tài sản nuôi sống cha mẹ; sáu là cúng dường những vật cần thiết cho Hiền Thánh; bảy là khi thấy người được lợi, tâm sinh hoan hỷ; tám là khi thấy người cầu lợi, tìm cách trợ giúp; chín là khi thấy người thích bố thí, tâm sinh vui vẻ; mười là khi thấy người đời đói rét, tâm sinh thương xót. Do mười nghiệp này mà được quả báo tài sản nhiều.”
Và chúng ta nên tránh các việc làm ngược lại với những điều trên.
3. Để gia đình hạnh phúc
Để gia đình hạnh phúc, chúng ta phải trinh thuận, thủy chung. Vợ chồng không được có tâm tư, tình ý bên ngoài hay tư tưởng ngoại tình.
Trong kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt, Đức Phật có dạy: “Này Gia chủ tử, có năm cách, người chồng phải đối xử với vợ như phương Tây: Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang cho vợ. Này Gia chủ tử, được chồng đối xử như phương Tây theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình; khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc. Này Gia chủ, người vợ được người chồng đối xử như phương Tây theo năm cách và người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách. Như vậy phương Tây được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.”
4. Để danh thơm tiếng tốt
Để được danh thơm tiếng tốt, mọi người yêu quý, tin tưởng; chúng ta cần chân thật trong lời nói. Bên cạnh đó, lời nói phải đi đôi với việc làm. Đồng thời, chúng ta không được dối trá, lừa lọc mọi người.
Trong kinh Hiền Ngu, Đức Phật dạy: “Không nói dối, được quả báo người đời kính trọng yêu mến, nói ai cũng tin theo.”
5. Để trí tuệ sáng suốt thông minh
Muốn có trí tuệ sáng suốt, chúng ta phải chừa bỏ tất cả những tật xấu, nghiện ngập không lành mạnh như: rượu chè, ma túy, cờ bạc,... Bởi đó là những tác nhân khiến chúng ta bị mê man tâm trí, tiêu hao trí tuệ.
Hay chúng ta tu thiền định cũng phát sinh trí tuệ. Thiền là những phương pháp để điều phục, huấn luyện, quản trị tâm khiến cho tâm dễ sử dụng, lắng dịu và an định. Khi tâm an định thì trí sáng tỏ, được thông minh, sáng suốt.
Ngoài ra, trong kinh Phân Biệt Thiện Ác Báo Ứng, Đức Phật dạy những việc giúp chúng ta được trí tuệ sáng suốt như sau:
“Lại nữa, do nghiệp gì được quả báo có trí huệ lớn? Có mười loại pháp. Mười pháp đó là gì?
1. Chúng sanh này thân cận Sa-môn, dốc lòng tin cầu pháp.
2. Tin các bậc Bà la môn.
3. Thân cận thầy và giáo pháp cầu hiểu được nghĩa sâu xa.
4. Tôn quý Tam bảo.
5. Xa lìa kẻ ngu si.
6. Không hủy báng thầy, giáo pháp.
7. Cầu được trí tuệ sâu rộng.
8. Truyền bá đạo pháp đem lại lợi ích cho chúng sanh, khiến chánh pháp không bị đoạn diệt.
9. Xa lìa việc phi pháp.
10. Tán dương chánh kiến, xa lìa tà kiến.
Do mười pháp như vậy nên được quả báo có trí huệ lớn.”
Mong rằng, qua bài viết này, quý vị và các bạn sẽ hiểu đúng về ngũ phúc, cũng như ngũ phúc lâm môn. Đồng thời, biết cách rèn luyện, tu dưỡng để được phúc khỏe mạnh và sống lâu; giàu có; gia đình hạnh phúc; danh thơm tiếng tốt; trí tuệ sáng suốt, thông minh.
Nếu còn điều gì thắc mắc về ngũ phúc lâm môn, kính mời quý độc giả bình luận dưới bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ tại đây để được giải đáp.