142
356

Đức Phật Thích Ca - nhân vật lịch sử có thật và sự xuất hiện đặc biệt nhất trên thế gian

Tu tập - Giác ngộ, 20/3/2024 14:57
142
356

Tại vườn Lâm Tỳ Ni đã đánh dấu sự xuất hiện của một vị Thái tử, mà sau này trở thành bậc Giáo chủ của những giáo chủ, bậc Đạo sư vĩ đại nhất của những đạo sư trên thế gian đó là Thái tử Tất Đạt Đa - tức Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Sự xuất hiện của Ngài là sự xuất hiện của một vầng nhật nguyệt trí tuệ và từ bi, xóa tan đi bóng tối vô minh, phiền não. Chúng sinh trong tam giới ấy, nhờ ánh sáng chân lý mà được chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc, an lạc.

Để hiểu hơn về sự xuất hiện hy hữu và vi diệu của Ngài, kính mời quý Phật tử cùng đón đọc bài viết dưới đây qua sự chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh.

Sự đản sinh hy hữu như hoa ưu đàm ngàn năm mới nở

Trong kinh Vô Lượng Thọ, quyển Thượng, Đức Phật dạy: “...Như Lai đem lòng Đại bi vô tận, thương xót chúng sanh trong ba cõi, nên mới thị hiện ra đời, khai sáng đạo giáo, để cứu vớt quần sanh, khiến cho họ được nhiều lợi ích chơn thật. Như Lai vô lượng kiếp khó gặp, khó thấy, cũng như hoa ưu đàm trải qua bao kiếp mới trổ một lần...”

Sự kiện một vị Phật ra đời thật là hy hữu, hiếm hoi vô cùng! Trong kinh nói rằng: Như hoa ưu đàm, ngàn năm mới nở một lần thì sự kiện Đức Phật xuất hiện cũng vậy. Không phải một nghìn năm lại có một vị Phật ra đời mà lâu hơn thế rất nhiều lần. Trong kinh dạy từ thời Đức Phật Thích Ca cho đến ngày Đức Phật Di Lặc ra đời còn rất lâu. Đức Phật Di Lặc hiện đang ngự tại cung trời Đâu Suất. Ngài sẽ hưởng hết tuổi thọ cõi trời Đâu Suất, khi ấy Ngài mới giáng sinh xuống trần gian để truyền bá giáo Pháp.

Đức Phật đản sinh là sự kiện hy hữu như hoa ưu đàm ngàn năm mới nở một lần (ảnh minh họa)

Đức Phật đản sinh là sự kiện hy hữu như hoa ưu đàm ngàn năm mới nở một lần (ảnh minh họa)

Tuổi thọ ở cõi trời Đâu Suất là 4000 năm; một năm cõi trời Đâu Suất có 365 ngày, một ngày ở cõi trời Đâu Suất bằng 400 năm ở cõi người. Tạm tính khoảng 576 triệu năm nữa thì Bồ Tát Di Lặc mới hạ sinh xuống trần gian tu hành thành Phật.

Không những vậy, để một Đức Phật ra đời còn phải hội đủ tất cả duyên lành. Như Đức Phật Thích Ca phải hội đủ 8 nhân duyên thì Ngài mới giáng thế xuất trần thì Đức Phật Di Lặc cũng vậy.

Do đó, sự kiện Đức Phật ra đời quả thật là một nhân duyên vô cùng hy hữu và thù thắng, là một sự chấn động vĩ đại, một ánh hào quang rực sáng cho khắp các cõi chúng sinh.

Bậc Tối Thượng Tôn Bảo

Sự ra đời của đấng Từ Phụ Thích Ca là tôn quý tột bậc, bởi Ngài là một con người viên mãn, toàn diện, hoàn thiện về mọi mặt, vượt trên tất cả; là bậc Tối thượng trên thế gian. Ngài ra đời là một đại sự nhân duyên, vì lợi ích cho chúng sinh.

Đức Phật là một con người có thật trong lịch sử. Sự ra đời của Ngài là vô cùng quý báu, là niềm vui cho tất cả muôn loài chúng sinh, xuất phát từ chính con người của Ngài - vô cùng cao quý, tốt đẹp.

1. Toàn thiện với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp

Khi Thái tử Tất Đạt Đa ra đời, vua cha Tịnh Phạn đã cho mời rất nhiều thầy đến xem tướng cho Ngài. Khi các nhà tướng sư gặp Thái tử, ai nấy đều kinh ngạc thốt lên trước vẻ đẹp hiếm có, hiếm gặp; không một ai trên thế gian có đầy đủ tướng tốt như Ngài.

Đạo sĩ A Tư Đà là một trong những vị xem tướng và đưa ra lời tiên tri về cuộc đời Thái tử Tất Đạt Đa (ảnh minh họa)

Đạo sĩ A Tư Đà là một trong những vị xem tướng và đưa ra lời tiên tri về cuộc đời Thái tử Tất Đạt Đa (ảnh minh họa)

Trong kinh nói rằng, phải tu rất nhiều kiếp mới được tướng hảo. Thế nên, chúng ta biết rằng, Thái tử Tất Đạt Đa có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp là vì Ngài đã tu vô số kiếp mới có được thân tướng đẹp đẽ, trọn vẹn, viên mãn như vậy. Đức Phật là một con người rất đẹp. Nếu thấy thân tướng của Ngài, chúng ta sẽ bị nhiếp phục, ở nơi Ngài toát lên tất cả những điều tôn quý, oai đức.

Trong bài kinh Brahmãyu thuộc Trung Bộ kinh có liệt kê ba mươi hai Đại nhân tướng của Đức Phật rất chi tiết: Ngài có gót chân thon dài; ngón tay, ngón chân dài; tay chân mềm mại; răng đều đặn; răng không khuyết hở; thân hình cao thẳng;... Từ một số tướng tốt kể trên chúng ta thấy rằng thân tướng của Đức Phật thật đẹp đẽ, sáng rỡ biết bao.

2. Người có nhân cách vĩ đại

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không chỉ có đầy đủ mọi tướng đẹp của một bậc Đại nhân, mà Ngài còn là một con người viên mãn đầy đủ các phẩm chất, trí tuệ siêu việt của một bậc Thánh nhân xuất thế.

Ra đời vì lợi ích cho số đông, cho chư Thiên và loài người

Trong kinh Nikaya, Đức Phật dạy: “Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, đem lại hạnh phúc và an lạc cho số đông, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A la hán, Chính Đẳng Giác”.

Trong kinh Nikaya có bài kinh ca ngợi Đức Thế Tôn: “Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường xuất hiện trong thế gian này, vì lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc cho chư Thiên và loài người”.

Trong kinh A Hàm nói về sự đản sinh hy hữu của Đức Phật: “Này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang, là sự xuất hiện của đại minh, là sự xuất hiện của sáu vô thượng, là sự chứng ngộ bốn vô ngại giải, là sự thông đạt của nhiều giới, là sự thông đạt của các giới sai biệt, là sự chứng ngộ của minh và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự Lưu, là sự chứng ngộ quả Nhất Lai, là sự chứng ngộ quả Bất Lai, là chứng ngộ quả A-la-hán. Của một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác”.

Sự xuất hiện của Đức Phật là niềm vui của nhân thiên và muôn loài chúng sinh

Sự xuất hiện của Đức Phật là niềm vui của nhân thiên và muôn loài chúng sinh

Đức Phật là một con người phi thường, sự xuất hiện của Đức Phật là sự xuất hiện vô cùng vi diệu. Ngài giáng sinh nơi trần thế là do đại nguyện từ bi cứu độ chúng sinh, Ngài nguyện vào đời lăn lộn với chúng sinh để cứu khổ chúng sinh. Không phải như phàm nhân chúng ta do nghiệp bắt phải tái sinh, phải ra đời, phải luân hồi, phải chịu trả nghiệp. Cho nên, trong kinh nói rằng, sự ra đời của Đức Phật là sự ra đời thật vi diệu tốt đẹp.

Vì vậy, khi Đức Phật đản sinh, do phước báu của Ngài đem đến cho nhân loại, tất cả Trời, người, muôn loài đều hân hoan, cỏ cây hoa lá đua nở. Chim hót vang ca, nhạc trời reo vang, hoa trời tung rải khắp nơi, chúng sinh các cõi đều hân hoan, hạnh phúc.

Tâm từ bi vô lượng thương yêu muôn loài chúng sinh

Từ khi còn rất trẻ, Ngài đã thể hiện phẩm chất từ bi, lòng thương người, quý vật vô cùng. Ngài thương từ những con vật nhỏ nhất, con chim, con thỏ,.. Ngài thể hiện tình thương yêu bao bọc, che chở cho tất cả. Trong kinh nói về tiền kiếp của Đức Phật, nhiều kiếp chính Ngài đã hy sinh cả thân mạng để cứu chúng sinh. Chúng ta đã từng nghe những câu chuyện tiền thân Đức Phật xả thân để cứu 5 mẹ con con cọp bị đói rơi xuống vực thẳm. Hoặc Ngài cũng cắt thịt của mình để cứu mạng con chim bồ câu ấy và nhiều nhiều những câu chuyện tiền thân của Đức Phật, Ngài đã từng xả thân để cứu chúng sinh. Cho nên, tâm từ bi của Ngài, lòng thương từ thương người cho đến thương vật.

Thái tử Tất Đạt Đa bảo vệ con ngỗng trời bị thương bởi Đề Bà Đạt Đa (ảnh minh họa)

Thái tử Tất Đạt Đa bảo vệ con ngỗng trời bị thương bởi Đề Bà Đạt Đa (ảnh minh họa)

Lòng khiêm hạ đặc biệt

Chúng ta nhớ câu chuyện sau khi Đức Phật thành đạo dưới cội Bồ Đề, Ngài đã khởi tâm quán sát và tìm trong thế gian này còn ai có giới đức và trí tuệ hơn thì Ngài sẽ tìm đến người đó để đảnh lễ. Chúng ta thấy Ngài rất khiêm hạ. Ngài chứng đạt chân lý tối thượng rồi nhưng mà Ngài vẫn muốn tìm một ai đó để Ngài có thể đảnh lễ cung kính. Thế nhưng sau khi dùng thiên nhãn quan sát thì Ngài thấy khắp cả trên các cõi Trời, cõi Người, cõi Ma, các cõi giới không một ai hơn Ngài, không có một ai có trí tuệ hơn Ngài, không ai có đầy đủ giới đức hơn Ngài về mọi mặt. Lúc ấy, Ngài mới thấy là không ai có thể để Ngài đến đảnh lễ được. Nhưng cuối cùng, Ngài quay về đảnh lễ chính Pháp mà Ngài chứng đạt. Đó là điều đặc biệt, Ngài quay về đảnh lễ Pháp mà Ngài chứng đạt tức là đảnh lễ chân lý. Đó chính là bản thể của vũ trụ Pháp giới này.

Cây Bồ đề nơi Đức Phật thành đạo được gìn giữ tại Thánh tích Bồ đề đạo tràng (Ấn Độ)

Cây Bồ đề nơi Đức Phật thành đạo được gìn giữ tại Thánh tích Bồ đề đạo tràng (Ấn Độ)

Trí tuệ siêu việt, đem ánh sáng chân lý soi tỏ trong màn đêm đen

Trong Trung Bộ kinh, tập 2, kinh Vekhanassa có viết về câu chuyện hai Bà La Môn sau khi được Đức Phật giáo hóa, họ vô cùng hoan hỷ tán thán rằng: “Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích...”.

Quả thật như vậy, nhân loại bao nhiêu kiếp chìm trong bóng tối. Chúng ta không biết đường đi, dòng đời cứ sinh rồi tử, tử rồi không biết đi đâu. Nhân loại không biết tại sao mình hiện hữu ở đời này, rồi phải sống, phải bon chen, giành giật, tranh đấu với nhau; ác hại nhau rồi cuối cùng chết, chết cũng không biết đi đâu, còn hay hết mà cứ thế tiếp nối. Cho nên có thể nói cuộc đời đúng là một đêm trường, đại mộng. Nhìn cuộc đời lăng xăng, lộn xộn rồi cuối cùng hai tay buông xuôi ra đi, không đem theo được gì. Nếu nhìn cuộc đời với con mắt thường là như vậy nhưng chúng ta chịu thôi, tất cả đều bó tay, không biết, cam chịu số phận.

Đức Phật đã lần đầu trao truyền giáo Pháp tại vườn Lộc Uyển, soi rọi ánh sáng chân lý cho khắp thế gian

Đức Phật đã lần đầu trao truyền giáo Pháp tại vườn Lộc Uyển, soi rọi ánh sáng chân lý cho khắp thế gian

Nhưng chính Đức Thế Tôn của chúng ta, Ngài đã bật mở tất cả những bí mật ấy, vén màn cho chúng ta, soi sáng cho chúng ta thấy con đường chúng ta đi. Tất cả nhân loại đều u tối, đều không thấy được đúng sự thật về thế giới này, về bản chất của cuộc đời này, chính Ngài đã đem lại ánh sáng, soi sáng vào đêm đen cho tất cả nhân loại chúng ta.

Bậc Toàn Giác thấu suốt thế gian

Trong bài kinh Thánh Cầu, khi Đức Phật trên đường đến Lộc Uyển để chuyển bánh xe Pháp thì Ngài gặp vị đạo sĩ tên là Upaka. Ông ta thấy Đức Phật là tướng tốt đẹp vô cùng thì ông rất ngạc nhiên tại sao Ngài lại từ bỏ đời sống gia đình mà làm tu sĩ.

Đức Phật đã trả lời ông đạo sĩ Upaka: “Này đạo sĩ, Như Lai đã vượt qua tất cả, Như Lai đã thông suốt tất cả. Như Lai đã vượt bỏ mọi trói buộc; Như Lai đã thoát ly tất cả; Như Lai đã trú hết tâm lực, tận diệt mọi tham dục, đã thẩm thấu triệt tất cả. Như Lai còn gọi ai là Thầy? Không ai là Thầy của Như Lai; không ai đứng ngang hàng với Như Lai. Trên thế gian này, kể cả chư Thiên và Phạm Thiên, không ai có thể so sánh với Như Lai. Quả thật Như Lai là một vị A-la-hán trên thế gian này. Như Lai là Tôn sư Vô Thượng; chỉ một mình Như Lai là bậc Toàn Giác, vắng lặng và thanh tịnh. Như Lai đến thành Kasi để vận chuyển bánh xe Pháp Bảo giữa thế giới mù quáng này. Như Lai sẽ gióng lên hồi trống vô sinh bất diệt”.

1. Bậc tự tại, vượt bỏ mọi ràng buộc

Đức Phật hoàn toàn tự tại, không một cái gì trói buộc được Ngài. Trong khi đó, người tại gia chúng ta bị trói buộc về nhà cửa, vợ con, tất cả mọi mối quan hệ. Người xuất gia tu hành không khéo thì cũng vẫn bị trói buộc trong danh, trong lợi. Còn Đức Phật đã vứt bỏ tất cả mọi trói buộc, Ngài đã tháo gỡ hết và Ngài là người hoàn toàn tự tại. Chữ “tự tại” trong đạo Phật là như thế, không một cái gì có thể trói buộc được Ngài nữa, hoàn toàn tự tại và đại tự tại.

2. Bậc Tôn Sư Vô Thượng trên thế gian

“Như Lai còn gọi ai là thầy, không ai là Thầy của Như Lai, không ai đứng ngang hàng với Như Lai. Trên thế gian này, kể cả chư Thiên và Phạm Thiên, không ai có thể so sánh với Như Lai. Quả thật Như Lai là một vị A-la-hán trên thế gian này, Như Lai là Tôn Sư vô thượng, chỉ một mình Như Lai là bậc toàn giác, vắng lặng và thanh tịnh”.

Ở đây, chúng ta biết rõ không phải Ngài kiêu mạn mà Ngài bằng trí tuệ chân thật, Ngài quan sát thấy không ai đứng ngang hàng với Ngài được trong thế gian này, ngoại trừ các Đức Phật. Cho nên trong nhà Phật có câu kinh kệ:

“Thiên thượng thiên hạ vô như Phật;

Thập phương thế giới diệc vô tỷ;

Thế gian sở hữu ngã tận kiến;

Nhất thiết vô hữu như Phật giả.”

Trên trời dưới trời không ai bằng Phật, tất cả những gì chúng ta thấy cũng không ai có thể so sánh với Đức Phật được. Trong ngày lễ Phật đản, chúng ta thấy hình tượng Đức Phật đản sinh, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất và Ngài nói lên lời rất đặc biệt rằng: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”, nghĩa là: Ta là tôn quý hơn hết. Câu nói này không phải của một vị giáo chủ kiêu mạn mà bằng trí tuệ chân thật, Ngài tự thấy biết rõ ràng, chân thật nói rằng không ai hơn được Ngài, đó là sự thật. Ngài là bậc Toàn giác, hiểu biết rộng khắp, không gì mà Ngài không biết, Ngài giác ngộ tất cả.

Đức Phật thành đạo, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác thấu suốt rõ thế gian này

Đức Phật thành đạo, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác thấu suốt rõ thế gian này

3. Chỉ cho chúng ta thấy rõ sự thật về cuộc đời

Đức Phật thấy rõ chúng sinh là mù quáng, tăm tối. Đức Phật bằng trí tuệ chân thật, Ngài thấy rõ, Ngài nêu lên để tất cả nhân loại thấy, lật tất cả những gì bị vùi dập, vén mở tất cả những gì bị che đậy.

Thực sự nếu không có Đức Phật ra đời, không có giáo Pháp của Ngài để lại cho chúng ta đến hôm nay thì chúng ta cũng mù tối, không biết gì. Chúng ta sinh vào đời rồi cũng lăn lộn kiếm miếng cơm manh áo, tranh giành với nhau, khởi tất cả các ác tâm bất thiện để cuối cùng nhắm mắt, hai tay buông xuôi ra đi mang theo cả một khối nghiệp nặng nề, đọa lạc. Nếu không có Đức Phật ra đời chúng ta không thể biết được cuộc đời là gì, người trước thế nào, người sau như vậy. Cho nên, Đức Phật nói rằng Ngài vận chuyển bánh xe Pháp Bảo giữa thế giới mù quáng này là đúng như vậy, thế gian này thật sự là mù quáng.

Nhờ học Phật Pháp, chúng ta mới nhận ra lẽ vô thường của cuộc đời (ảnh minh họa)

Nhờ học Phật Pháp, chúng ta mới nhận ra lẽ vô thường của cuộc đời (ảnh minh họa)

Chúng ta sau khi học Phật Pháp mới biết bao nhiêu điều Đức Phật tuyên thuyết thật sự là chân lý. Trước khi biết đến Phật Pháp, chúng ta đều tin tưởng và chấp rằng chúng ta có một bản ngã, thân xác thịt này là của tôi; nhưng đến khi học Phật rồi, chúng ta mới hiểu rằng, thân xác này không phải là chính mình, không phải là của mình. Vậy mà bao nhiêu năm nay, chúng ta đều chấp thân này là của mình, cho đến khi nó mất đi rồi thì ta hoảng loạn, sợ chết.

Nhưng khi chúng ta được biết Phật Pháp, chúng ta hiểu rằng Đức Phật khai thị rõ ràng cho chúng ta thân này không phải là của ta, không phải là chính ta. Một mê lầm ấy mà cả nhân loại đều mê lầm, chúng ta thật mù tối, đó là sự thật.

4. Ngài tìm ra và dẫn chúng sinh đi trên con đường vô sinh, bất tử

Nhân loại chúng ta bao kiếp trôi qua đều phải chấp nhận số phận phải sinh phải chết, đấy là định luật muôn thuở; không bao giờ dám tìm ra con đường bất tử, chẳng bao giờ nghĩ mình có thể bất tử được cả. Nhưng chính Đức Thế Tôn đã tìm ra con đường cho tất cả chúng sinh đi đến chỗ vô sinh bất diệt.

Thấy được vô sinh bất diệt, Ngài đã chỉ ra và dẫn chúng ta đi trên con đường ấy, con đường bất tử, vô sinh bất diệt ấy. Đấy là hạnh phúc viên mãn, không phải chuyện nhỏ. Còn chúng ta thì đều một mực cam chịu, sinh ra rồi phải chết, tử thần đến là phải chấp nhận. Nhưng Ngài thì không, Ngài đã vén màn cho chúng ta thấy, chỉ cho chúng ta rõ con đường có thể đi đến bất tử. Những bậc đi đến bất tử đó là những bậc siêu hùng.

Đức Phật cũng khẳng định rằng: Những người đã chinh phục mọi ô nhiễm của chính mình, chiến thắng được chính mình, quét sạch mọi dục vọng, mọi u tối của mình là bậc siêu hùng. Những bậc siêu hùng ấy đều giống như Đức Phật. Và chúng ta cũng có thể trở thành những bậc siêu hùng, đi trên con đường mà Ngài đã đi. Lời Đức Phật nói là lời chân thật.

Thầy Thích Trúc Thái Minh và chư Tăng chùa Ba Vàng tiếp nối con đường đi đến vô sinh bất tử mà Đức Phật đã đi

Thầy Thích Trúc Thái Minh và chư Tăng chùa Ba Vàng tiếp nối con đường đi đến vô sinh bất tử mà Đức Phật đã đi

Thật hạnh phúc khi được làm đệ tử của Đức Tôn Sư

Từ những điều ghi lại trong kinh, chúng ta thấy Đức Phật là một con người phi thường, toàn diện. Chúng ta khao khát trên đời có một con người như thế, và cuối cùng con người như thế đã xuất hiện. Một con người cao quý như vậy mà xuất hiện, chúng ta lại được có duyên với Ngài. Mặc dù không được diện kiến Ngài bằng xương bằng thịt nhưng chúng ta gặp được Pháp thân của Ngài (giáo Pháp), đó là điều vô cùng hạnh phúc. Chúng ta được làm đệ tử của Ngài thật là vô cùng hạnh phúc.

Nhờ bậc Minh Sư giảng giải, chúng ta mới có thể hiểu được những lời Đức Phật để lại trong kinh điển

Nhờ bậc Minh Sư giảng giải, chúng ta mới có thể hiểu được những lời Đức Phật để lại trong kinh điển

Đức Phật là con người có thật trên đời, một con người hoàn mỹ nhất để chúng ta noi gương, phấn đấu theo Ngài. Đó là điều vô cùng cao quý. Đức Phật là tấm gương sáng cho chúng ta, ở Ngài có đầy đủ tất cả bi, trí, dũng, một con người đã chiến thắng tất cả, một con người đầy đủ lòng từ bi bao la, thương yêu tất cả muôn loài chúng sinh. Ngài đến thế giới này đem lại sự công bằng, tốt đẹp nhất, đem tình thương yêu đến với muôn loài, khơi dậy những gì cao quý nhất ở chúng ta.

Duy nhất có Đức Phật tuyên bố bất hủ rằng, tín đồ, đệ tử của Ngài đều cũng sẽ bằng Ngài, ngang hàng với Ngài. Đó là sự bình đẳng cho tất cả chúng sinh, đều sẽ đi trên lộ trình giải thoát. Ai cũng có quyền đạt đến giác ngộ và giải thoát.

Sự bình đẳng trong giáo Pháp của Đức Phật đó là ai ai cũng được đi trên lộ trình giác ngộ giải thoát

Sự bình đẳng trong giáo Pháp của Đức Phật đó là ai ai cũng được đi trên lộ trình giác ngộ giải thoát

Từ nơi trí tuệ, tâm từ bi của Đức Phật mang đến hạnh phúc cho thế gian này, có lẽ vì thế mà thế giới công nhận ngày lễ Khánh đản của Ngài là ngày lễ lớn của Phật giáo, cũng là lễ hội tôn giáo của thế giới - Đại lễ Vesak.

Đức Phật là một con người vô cùng cao quý, sự ra đời của Ngài hiếm hoi vô cùng. Hy hữu thay, thế giới của chúng ta đã được đón nhận Ngài và Ngài đã đến với thế giới này, đem lại một nền minh triết cho nhân loại vô cùng cao quý.

Mong rằng, với sự kiện Đức Phật đản sinh, mỗi người con Phật luôn trọn vẹn, hân hoan, sống trong niềm vui mừng Đức Phật đản sinh như trong tâm chúng ta có Đức Phật xuất hiện vậy. Chúc mọi người thân tâm được an lạc, ngập tràn niềm hạnh phúc trong hào quang từ bi của mười phương chư Phật.

Bài liên quan
356
CHIA SẺ
Bình luận (142)

Đọc thêm

14 T4, 2024
14 T4, 2024
Lục hòa là gì? Tu lục hòa tiêu trừ các ác nghiệp, cuộc sống an vui

Lục hòa là sáu phép hòa kính mà Đức Phật dạy để chúng ta thực hành, giúp cho đời sống được hạnh phúc, an vui. Vậy muốn tu lục hòa phải làm như thế nào?

123 1

Lục hòa là gì? Tu lục hòa tiêu trừ các ác nghiệp, cuộc sống an vui

01 T4, 2024
01 T4, 2024
Hoàng hậu Ma Da là ai? Hạnh nguyện đặc biệt của bà đối với mười phương Chư Phật

Hoàng hậu Ma Da là vợ đức vua Tịnh Phạn, trị vì vương quốc Ca Tỳ La Vệ; là mẹ của Thái tử Tất Đạt Đa (tiền thân là Bồ Tát Hộ Minh và là Đức Phật Thích Ca ...

11 617

Hoàng hậu Ma Da là ai? Hạnh nguyện đặc biệt của bà đối với mười phương Chư Phật

25 T3, 2024
25 T3, 2024
Cúng dường Xá lợi Phật có công đức ngang bằng cúng dường Đức Phật

Xá lợi Phật là những viên ngọc thu được từ nhục thân - thân xác thịt của Đức Phật sau khi làm lễ trà tỳ. Khi đó, tất cả thân Ngài đều biến thành vô số Xá lợi

59 3271

Cúng dường Xá lợi Phật có công đức ngang bằng cúng dường Đức Phật

05 T3, 2024
05 T3, 2024
Áp lực cuộc sống: 04 cách vượt qua để sống thảnh thơi

Áp lực cuộc sống về tiền bạc, công việc, gia đình,... là nỗi bất an, mệt mỏi của nhiều người. Và trên đây là 4 cách để vượt qua áp lực trong cuộc sống

157 1528

Áp lực cuộc sống: 04 cách vượt qua để sống thảnh thơi

28 T2, 2024
28 T2, 2024
Niết bàn là gì? Người nào có thể chứng đắc Niết bàn

Niết bàn là một thực tại có thật, là trạng thái của tâm khi đã diệt hết các phiền não, sạch tất cả vô minh, tham, sân si. Niết bàn đồng nghĩa với thoát khỏi đau khổ...

52 5895

Niết bàn là gì? Người nào có thể chứng đắc Niết bàn

05 T2, 2024
05 T2, 2024
Muốn sống an nhiên giữa cuộc đời vô thường, đừng bỏ qua những điều này

Vô thường là điều nhiều người hay nhắc đến khi những người thân yêu mất hoặc đổ vỡ trong chuyện tình cảm,... Làm thế nào để bình thản đối diện với nó?

261 14859

Muốn sống an nhiên giữa cuộc đời vô thường, đừng bỏ qua những điều này