Tam Bảo - Ruộng phúc màu mỡ ở thế gian
Mục Lục [Ẩn]
- Tam Bảo là gì?
- Tam Bảo bên ngoài
- Tam Bảo trong tâm
- Vì sao Phật, Pháp, Tăng (Tam Bảo) cao quý?
- Đức Phật cao quý
- Giáo Pháp cao quý
- Chư Tăng cao quý
- Tam Bảo có công năng gì để trở thành chỗ nương tựa?
- Tam Bảo là nơi vững chãi nhất
- Tam Bảo có công năng bảo hộ cho chúng sinh
- Tam Bảo là ruộng phước lớn nhất
Tam Bảo rất quen thuộc trong Phật giáo nhưng không phải ai cũng hiểu rõ, thậm chí có những quan điểm sai lệch. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn có cách hiểu đúng nhất về Tam Bảo và lý giải vì sao Tam Bảo trở thành nơi nương tựa vững chắc, giúp mọi người thoát khổ theo giáo lý nhà Phật.
Tam Bảo là gì?
“Tam” là ba, “Bảo” là quý báu. “Tam Bảo” là ba ngôi vị quý báu gồm Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Tam Bảo có Tam Bảo bên ngoài và Tam Bảo ngay trong tâm mỗi chúng ta.
Tam Bảo bên ngoài
Phật Bảo là Đức Phật Thích Ca cùng mười phương chư Phật.
Pháp Bảo là những lời dạy của Đức Phật, mà cụ thể trong thế giới Sa Bà hiện nay là lời dạy của Đức Phật Thích Ca. Giáo Pháp của Phật hiện nay được lưu truyền trong Tam Tạng Kinh điển gồm có tạng Kinh, tạng Luật và tạng Luận.
Phật Bảo và Pháp Bảo nói trên được hình thành khi Thái Tử Tất Đạt Đa thành đạo dưới cội Bồ đề sau 49 ngày đêm thiền định (tại Ấn Độ hơn 2000 năm trước), chứng quả vị Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Lúc này chưa có Tăng Bảo.
Tăng Bảo là đoàn thể những người xuất gia, tu hành hòa hợp, thanh tịnh, giữ giới của Phật, thực hành lời Phật dạy với lý tưởng: “Trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh”.
Tăng Bảo được hình thành khi Đức Phật rời Bồ đề đạo tràng (nơi có cội Bồ đề) đi đến vườn Lộc Uyển, thuyết bài Pháp đầu tiên cho 5 anh em ông Kiều Trần Như nghe, sau đó cả 5 vị đều giác ngộ, chứng Thánh quả và trở thành những vị tu sĩ Phật giáo đầu tiên. Khi có chư Tăng, thì Tam Bảo được hình thành.
Tam Bảo trong tâm
Phật Bảo trong tâm là tính giác biết sáng suốt. Không chỉ loài người, trong tâm mỗi chúng sinh đều có tính giác biết sáng suốt. Như con sâu cái kiến cũng biết đói, biết khát, biết sợ, biết chạy nhảy, biết vui buồn.
Pháp Bảo trong tâm là tính công bằng, chính trực, thường được gọi là “lương tâm”. Khi chúng ta làm một điều gì sai quấy, lỗi lầm thì lương tâm lên án, phán xét tội lỗi. Đức Phật cũng từ ngay tâm chính trực này mà thuyết ra Tam Tạng Kinh điển (Pháp).
Tăng Bảo trong tâm là tính trong sạch, thanh tịnh. Bản thể tâm chúng ta là trong sạch, thanh tịnh nhưng vì vô minh, khởi các tham, sân, si mà tâm bị khuấy đục, ô nhiễm. Giống như bản chất nước là trong sạch nhưng vì bỏ bùn đất vào nên trở thành nước bẩn.
Vì sao Phật, Pháp, Tăng (Tam Bảo) cao quý?
Đức Phật cao quý
Đức Phật là bậc Lưỡng Túc Tôn (trí tuệ, phúc đức đầy đủ): Ngài giác ngộ thấu triệt tất cả mọi sự vật trên thế gian, không gì là Phật không biết. Đức Phật còn đầy đủ tất cả các đức tính quý báu, đức hạnh tròn đầy và lòng từ bi bao la. Ngài thương xót và cứu giúp tất cả muôn loài chúng sinh, không chỉ riêng loài người.
Trong cuộc đời giáo hóa của Đức Phật, tất cả các bậc vua chúa cho các hàng trí giả trong xã hội đều quỳ xuống đảnh lễ dưới chân Ngài và cất lời tán thán: “Đức Gotama! Ngài như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, Ngài phơi bày ra những gì bị che kín, Ngài chỉ đường cho kẻ lạc hướng, Ngài đem đèn sáng vào trong bóng tối để cho những ai có mắt có thể thấy. Đức Thế Tôn, chánh giác đã được Ngài dùng nhiều phương tiện trình bày và giải thích”
Bởi vậy, Đức Phật là bậc tối tôn tối quý mà tất cả chúng ta rất nên nương tựa.
Giáo Pháp cao quý
Pháp là do chư Phật thuyết giảng cho chúng sinh, cứu độ chúng sinh. Đức Phật là người đã chứng đạt chân lý tuyệt đối nên Pháp mà Ngài nói ra cũng là chân lý đúng đắn. Vì thế, Pháp rất quý báu. Nhờ những lời dạy quý báu của Đức Phật, chúng ta biết sống, biết tu dưỡng để hết khổ đau, đạt được giác ngộ, giải thoát và an vui vĩnh viễn.
Chư Tăng cao quý
Chư Tăng là những người bỏ được cái khó bỏ, làm những việc khó làm: Đi xuất gia phải bỏ mẹ cha, anh em, vợ/chồng, con cái; bỏ nhà cửa, tài sản, công danh sự nghiệp ở đời cùng những thú vui của người tại gia. Đó đều là những điều rất khó từ bỏ.
Sau đó, họ vào chùa, theo Thầy học đạo, thức khuya, dậy sớm, ăn uống đơn giản rồi học Kinh kệ, thực hành giới luật. Phật tử tại gia chỉ giữ 5 giới còn người đi xuất gia, làm Sa di phải giữ 10 giới, Tỳ Kheo giữ 250 giới và Tỳ Kheo Ni giữ 348 giới.
Người xuất gia cũng không có lương bổng, sống nhờ sự chu cấp của quý Phật tử, tài sản không có gì ngoài 3 tấm y và 1 bình bát. Chư Tăng một đời tu hành, phụng sự chúng sinh, lấy công đức phước báu làm lương; lấy tất cả chúng sinh là cha mẹ, anh em quyến thuộc của mình, không còn điều gì riêng tư cho mình.
Có thể nói, chư Tăng giống như những bông sen ở trong đầm giữa mùa hè oi ả. Những bông sen ấy toả hương thơm mát dịu, làm thanh khiết tâm hồn chúng ta. Trong cuộc đời ngũ trược ác thế, chúng sinh đầy rẫy những “bụi nhơ”, tâm hồn lấm lem, tham sân si, ganh ghét đầy rẫy nhưng những vị tu sĩ lại đi trên con đường ly tham, ly sân, ly si; từ bỏ tham, sân, si. Đó là những điều rất cao quý.
Xem thêm: Xuất gia là gì? Các yếu tố cần có để được xuất gia
Tam Bảo có công năng gì để trở thành chỗ nương tựa?
Tam Bảo là nơi vững chãi nhất
Những nơi chúng ta thường chọn nương tựa trong đời đều không bền chắc: Nương tựa cha mẹ thì cha mẹ không sống mãi với mình, có ngày cha mẹ phải ra đi. Nương tựa thầy cô thì thầy cô cũng không theo dõi mình đến suốt cả cuộc đời. Nương tựa vào vợ chồng cũng không chắc vì có khi người ta thay lòng đổi dạ. Nương tựa vào con cái thì cũng chưa chắc con cái đã hiếu thảo, đã thương mình lúc bệnh tật, già yếu.
Duy chỉ có Tam Bảo, lòng từ bi của chư Phật, chư Bồ Tát là vĩnh hằng, vô biên, không bao giờ dừng. Chư Tăng học theo hạnh của Phật thì cũng ngày ngày trưởng dưỡng tâm đức của mình cho rộng lớn như vậy. Nên Tam Bảo chính thực là chỗ dựa vững chắc nhất cho tất cả chúng sinh.
Tam Bảo có công năng bảo hộ cho chúng sinh
Trên thực tế, có rất nhiều người bệnh, thậm chí người bệnh nặng, sau khi họ được nghe về sự cao quý, lợi ích của Tam Bảo đã phát tâm quy y Tam Bảo mà xa rời được lưỡi hái tử thần, như Trần Hạnh Phúc - người dẫn chương trình chuyển động 24H - Đài truyền hình Việt Nam.
Vào thời điểm đối mặt với ranh giới của sự sống và cái chết bởi căn bệnh ung thư quái ác, anh đã tìm đến Tam Bảo như một sự “cứu rỗi”. Cuối cùng, căn bệnh ung thư sau đó đã chuyển sang bệnh dị ứng. Ở thời điểm hiện tại, MC Hạnh Phúc cũng đã khỏi hẳn bệnh dị ứng.
Đặc biệt, khi chúng ta hiểu về Tam Bảo, chúng ta tụng các bài Kinh tán dương công đức Phật, Pháp, Tăng (Tam Bảo) thì chúng chư Thiên, Quỷ Thần hoan hỷ, chúng ta được hộ trì.
Xem thêm: Tụng Kinh Paritta (Kinh Tam Bảo) Thật Có Lợi Ích Hay Không?
Tam Bảo là ruộng phước lớn nhất
Theo giáo lý đạo Phật, ở thế gian, chúng ta có ba ruộng phước căn bản. Ruộng phước thứ nhất - ruộng phước đệ nhất là ruộng phước kính điền hay Tam Bảo phước điền. Đây là ruộng phước mà chúng ta sinh ra phước báu do lòng cung kính. Cho nên, ai cung kính đối với Phật, Pháp, Tăng (Tam Bảo) thì cũng đều sinh ra phước báu. Tam Bảo là ruộng phước màu mỡ nhất cho chúng ta.
Ruộng phước thứ hai là ân điền hay phụ mẫu phước điền - chính là cha mẹ, người sinh thành, dưỡng dục thân chúng ta. Ân nghĩa cha mẹ đối với chúng ta lớn lao như trời biển. Nếu chúng ta hiếu thảo, biết ơn cha mẹ thì sẽ được phước báu lớn.
Ruộng phước thứ ba là bi điền hay chúng sinh phước điền - ruộng phước nơi chúng sinh. Thấy chúng sinh khổ, chúng sinh gặp nạn,... chúng ta giúp đỡ họ thì cũng được phước báu.
Trên đây là bài viết về Tam Bảo dựa trên lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh. Mong rằng qua bài viết, quý Phật tử và các bạn sẽ có thêm kiến thức để có quyết định đúng đắn về việc quy y Tam Bảo, sống đời an vui, hạnh phúc trong giáo Pháp Phật đà.