Ngũ uẩn trong Phật giáo: Hiểu bản chất con người để vơi bớt khổ đau
Mục Lục [Ẩn]
Ngũ uẩn là năm yếu tố hợp thành con người, đồng thời cũng là nguyên nhân che lấp trí tuệ, dẫn đến khổ đau. Hiểu rõ ngũ uẩn và biết cách tư duy về năm yếu tố này sẽ giúp chúng ta sáng suốt, vượt qua khổ đau, được an lạc và hạnh phúc.
Bài viết dưới đây sẽ giải thích khái niệm ngũ uẩn trong Phật giáo và hướng dẫn cách ứng dụng tư duy để chuyển hóa thân tâm. Kính mời các bạn cùng đón đọc.
Ngũ uẩn là gì?
Ngũ uẩn còn được gọi là ngũ ấm. “Ngũ” là năm, “uẩn” là tích tụ; “ấm” là che đậy, trùm phủ. Ngũ uẩn (ngũ ấm) là năm thứ trùm phủ thân tâm chúng ta làm cho trí tuệ chân thật không hiển lộ ra được.
Trong Linh Sơn Đại Tạng, Đại Tập 110 - Bộ Du Già VII - Số 1612 - Luận Đại Thừa Ngũ Uẩn, Đức Phật nói lược về năm uẩn gồm: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Trong đó, sắc uẩn thuộc về thân; còn thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn thuộc về lĩnh vực tinh thần.
Theo quan điểm nhà Phật, thân chúng sinh được gọi là thân ngũ uẩn (ngũ ấm) - do năm uẩn kết hợp tạo thành. Chúng sinh biết ăn, nói, đi lại, cười, khóc, tính toán, vui, buồn, yêu, ghét cũng là do năm uẩn này.
Vậy nên, thiếu một uẩn cũng không được mà phải đầy đủ năm uẩn mới hợp thành một chúng sinh. Cũng giống như nắm tay là do năm ngón tay và bàn tay kết hợp mà thành, nếu xòe bàn tay ra thì không còn gọi là nắm tay nữa.
Ngũ uẩn gồm những gì?
Ngũ uẩn gồm 5 uẩn sau: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Sắc uẩn
Sắc uẩn chính là thân xác thịt của chúng ta, cũng gọi là thân tứ đại gồm đất, nước, gió, lửa. Trong đó:
- Đất là các chất cứng, chất rắn trong cơ thể như xương, thịt, gân, tóc, móng,...
- Nước là các chất lỏng trong cơ thể như máu, nước tiểu, đờm dãi,...
- Gió là hơi thở, các khí lực trong cơ thể.
- Lửa là nhiệt độ, năng lượng cơ thể.
Thân của tất cả các loài hữu tình đều do tứ đại này cấu tạo mà thành.
Thọ uẩn
Thọ uẩn là các cảm thọ (cảm xúc, cảm giác). Thọ uẩn có ba trạng thái:
- Thọ lạc: Sung sướng;
- Thọ khổ: Đau khổ;
- Thọ xả (bất khổ bất lạc thọ): Không khổ, không sướng.
Tất cả cảm xúc của chúng ta, dù như thế nào cũng được quy về ba cảm thọ này. Ví dụ: Trong một ngày, buổi sáng, chúng ta thức dậy, vươn vai, hít thở thì cảm thấy khoan khoái - đó là thọ lạc. Đến buổi trưa, gặp phải chuyện bất như ý: bị ngã đau, đói rét, mất mát tài sản,… thì thọ khổ xuất hiện. Buổi tối, không thấy vui cũng không thấy buồn gọi là xả thọ hay cảm thọ trung tính.
Tưởng uẩn
Tưởng uẩn (tưởng ấm) là những tri giác, tư tưởng. Tưởng uẩn chi phối gần như toàn bộ cuộc sống tâm linh. Chúng ta nhớ gì, nghĩ gì, tưởng tượng điều gì đều thuộc về tưởng uẩn.
Hành uẩn
Hành uẩn (hành ấm) là các sự vận hành nơi tâm thức của chúng ta. Ví dụ: yêu thích, ghét bỏ, giận dỗi, chán nản,… thuộc về hành uẩn. Hành uẩn kích thích tưởng uẩn (tri giác, tư tưởng) sinh ra tất cả suy nghĩ để đáp ứng, phản ứng lại với các trần cảnh.
Thức uẩn
Thức uẩn (thức ấm) là khả năng nhận biết, phân biệt của các giác quan hay nhà Phật gọi là sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Ví dụ: Mắt phân biệt màu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng, trắng, đen,… Tai phân biệt được âm thanh rung động với tần số nào. Tương tự đối với mũi, lưỡi, thân và ý thức đều có khả năng nhận biết, phân biệt được.
Ngũ uẩn xí thạnh khổ - khổ sinh ra từ chính thân tâm
Trong Luận Đại Trí Độ Tập II, quyển 23, phẩm thứ nhất: Thập Tưởng (10 Quán tưởng thuộc nhóm vô thường) có đề cập đến ngũ uẩn xí thạnh khổ (hay ngũ ấm xí thịnh khổ) là một trong tám thứ khổ mà chúng ta luôn phải chịu trong thế gian này.
Ngũ uẩn xí thạnh khổ tức là thân tâm chất chứa rất nhiều ham muốn cường thịnh, mãnh liệt mà chúng ta không thỏa mãn được, sinh ra khổ. Hoặc ngũ uẩn suy quá cũng khổ. Ví dụ: Lưỡi lúc nào cũng thèm vị (tức là cảm thọ cường thịnh) thì khổ, mà lưỡi không thể nếm được mùi vị cũng khổ. Hoặc trong đầu nhiều suy nghĩ, tư tưởng quá thì loạn; mà ít suy nghĩ, tư tưởng lại không thể tư duy ra vấn đề,...
Như vậy, ngay nơi thân tâm chúng ta sinh ra rất nhiều phiền muộn, thậm chí có những nỗi buồn vu vơ không biết nguyên nhân vì sao. Nhà Phật gọi đó là thân ngũ uẩn bừng cháy, thiêu đốt chúng ta rất khổ.
Hiểu về ngũ uẩn vô ngã để sống an lạc hơn
Trong kinh Tám điều giác ngộ của bậc đại nhân, điều giác ngộ thứ nhất nói: “Năm ấm là vô ngã” hay ngũ uẩn vô ngã. “Vô” là không, “ngã” là tôi, ta, tao, tớ, mình. Vậy ngũ uẩn vô ngã là trong thân ngũ uẩn không có cái “tôi”, cái “ta” mà do năm uẩn hợp thành.
Từ xưa đến nay, chúng ta đều mê lầm nghĩ rằng có một cái tôi, một bản ngã nơi thân tâm. Nó làm rất nhiều thứ, điều khiển chúng ta. Vì mê lầm ảo tưởng như vậy nên xảy ra những chuyện đau khổ trên đời.
Đức Phật là bậc toàn giác, thấu suốt chân lý, Ngài đã chỉ ra cho chúng ta thấy giữa thân xác (sắc uẩn) và phần tinh thần, tâm linh (thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn) chỉ là tổ hợp năm uẩn, duyên hợp mà thành, không có cái gì thật là “tôi” trong đó. Cụ thể:
- Trong thân thể này (sắc uẩn), mỗi bộ phận đều có tên riêng (não, răng, lưỡi, mũi, họng, tim, phổi,...) - không phải “tôi”. Vì nếu tay là “tôi”, răng là “tôi”, tóc là “tôi”,... thì khi những bộ phận này biến mất, “tôi” cũng phải biến mất. Nhưng không phải như vậy, chúng ta có thể bị mất tay, rụng răng, cắt tóc mà “tôi” vẫn còn đó. Tìm trong thân xác này cũng không thấy một cái “tôi” nào.
- Cảm thọ (thọ uẩn) thay đổi liên tục: có khi sáng thì vui sướng, trưa thì đau khổ, chiều thì mơ màng. Sướng không phải là “tôi”, khổ cũng không phải là “tôi”. Các cảm thọ đều không có một cái gì là “tôi”, mà nó liên tục thay đổi.
- Tư tưởng (tưởng uẩn) thay đổi liên tục với những suy nghĩ miên man, chuyện nọ chuyện kia,... Nhưng không một suy nghĩ nào là “tôi” cả.
- Những sự yêu ghét, chán nản,... (hành uẩn) cũng không phải “tôi”. Vì lúc thích thì tôi không chán còn lúc chán tôi lại không thích. Nếu cái thích ấy của tôi thì cái chán của ai và ngược lại? Cho nên trong hành uẩn không có cái “tôi”.
- Những sự phân biệt, nhận biết của chúng ta (thức uẩn) thay đổi theo trần cảnh: Cảnh nhộn nhịp thì vui mừng, hân hoan; cảnh cãi vã thì buồn bã,... Vậy nhận thức nào là “tôi”?
Tóm lại, xét thật kỹ, chúng ta sẽ thấy trong cả 5 uẩn đều không có cái “tôi”. Chúng ta phải nhìn đúng sự thật như vậy. Đây là điều đầu tiên chúng ta hiểu ra từ thân tâm này để bớt khổ. Tu học Phật Pháp mà có cái “tôi” thì rất khó tiến. Và mọi sự ích kỷ, khổ đau đều được dựng lên từ cái “tôi”, bản ngã.
Để thâm nhập được lý vô ngã, chúng ta cần tư duy, quán chiếu. Khi một con người đạt được vô ngã thì tâm không còn ích kỷ, chỉ có vị tha, từ bi, yêu thương và được an lạc, hạnh phúc. Như các vị Thánh Tăng, cao Tăng chứng ngộ được vô ngã thì không còn chướng ngại, rất hạnh phúc và an lạc.
Trên đây là những chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh về ngũ uẩn. Mong rằng, bài viết này sẽ giúp quý bạn đọc hiểu được lời Đức Phật dạy về năm yếu tố hợp thành thân tâm; biết được nguồn gốc đau khổ và ứng dụng lý vô ngã để an lành, hạnh phúc hơn.
Nếu còn điều gì thắc mắc về ngũ uẩn, bạn đọc có thể bình luận dưới bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ để được giải đáp. Xin kính chúc quý vị mạnh khỏe, an lạc!