Lục hòa là gì? Tu lục hòa tiêu trừ các ác nghiệp, cuộc sống an vui
Mục Lục [Ẩn]
- Lục hòa là gì?
- Thân hòa đồng trụ
- Khẩu hòa vô tranh
- Ý hòa đồng duyệt
- Giới hòa đồng tu
- Kiến hòa đồng giải
- Lợi hòa đồng quân
- Tu lục hòa có được phúc báu vượt thắng
- Tiêu trừ nghiệp gia đình bị ly tán, ác hại; gia đình được hạnh phúc
- Tiêu trừ ác nghiệp từ sự bất hòa và tà kiến gây ra
- Được người khác tôn trọng
- Luôn được chư Thiên, Thiện Thần ủng hộ
- Không còn giành giật đấu tranh
- Trở thành con người đạo đức; có trí biết quán sát, phân tích vấn đề
- Có được trí tuệ Phật, thành Phật
- Lợi ích của tu lục hòa với tập thể
Lục hòa là pháp tu có từ thời Phật còn tại thế và được Phật hoàng Trần Nhân Tông áp dụng, xây dựng nên một Đại Việt thịnh trị rực rỡ. Đối với người tại gia, nếu chúng ta gặp các ác nạn mà hồi hướng công đức lục hòa thì sẽ giảm được những khó khăn. Đồng thời, thực hành lục hòa mang đến các lợi ích: được người khác tôn trọng; trở thành người có trí biết quán sát, phân tích vấn đề; được chư Thiên, Thiện Thần ủng hộ; có được trí tuệ Phật, thành Phật,...
Vậy muốn tu lục hòa phải làm như thế nào? Xin mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Lục hòa là gì?
Thực hành lục hòa Lục hòa tức là sáu phép hòa hợp, hòa kính mà Đức Phật dạy để chúng ta thực hành, giúp cho đời sống được hạnh phúc, an vui. Mỗi pháp hòa kính được thực hành như sau:
Thân hòa đồng trụ
Chúng ta cùng ở một nơi, một chốn thì phải giữ cho thân mình được hòa hợp, không ẩu đả hay sát hại nhau.
Khẩu hòa vô tranh
Chúng ta phải tu khẩu lúc cũng hòa nhã, ái kính, khiêm nhu, không muốn hơn ai, không nói bốn điều ác: nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt và nói lời ác.
Ý hòa đồng duyệt
Chúng ta nhìn thế giới hoàn toàn do nghiệp của mình, vì vậy chúng ta không nên ngay lập tức khăng khăng ý kiến của mình là phải đúng. Và chúng ta lắng nghe, tôn trọng ý kiến của mọi người.
Thứ nữa, trong công việc hàng ngày phát sinh rất nhiều vấn đề, mỗi người giải quyết một cách khác nhau thì chúng ta bàn bạc, chọn lọc lấy ý kiến nào đúng nhất, lợi ích nhất để làm.
Giới hòa đồng tu
Chúng ta cùng giữ giới luật của Phật, ứng dụng vào tu hành. Phật tử tại gia thì giữ 5 giới: không giết người, không trộm cắp, không tà dâm, không dối láo, không nghiện ngập. Đi xuất gia thì Sa di giữ 10 giới, Tỳ-kheo giữ 250 giới, Tỳ-kheo Ni giữ 348 giới. Mọi người cùng bảo nhau giữ giới Phật tu hành và hàng ngày kiểm giới kiểm tâm tu hành.
Kiến hòa đồng giải
“Kiến” tức là thấy biết, hiểu biết. Cái thấy biết của mình phải hòa hợp và cùng giải tỏ cho nhau.
Ví dụ: trong khi tu học, hiểu biết Phật Pháp thế nào, mình đem giảng lại cho mọi người với tinh thần hòa hợp, chia sẻ các kiến thức, các hiểu biết cho mọi người để mọi người hiểu như mình, cùng giác ngộ như mình.
Tinh thần “kiến hòa đồng giải” là càng học được nhiều thì càng khiêm hạ và chia sẻ cho mọi người với cái tâm là để mọi người hiểu được Phật Pháp như mình và mong mọi người còn hiểu hơn mình.
Lợi hòa đồng quân
Lợi hòa đồng quân có nghĩa là phần lợi ích, lợi dưỡng thì phải chia cho bình đẳng, cho đều, chia một cách công bằng, phù hợp.
Tu lục hòa có được phúc báu vượt thắng
Tiêu trừ nghiệp gia đình bị ly tán, ác hại; gia đình được hạnh phúc
Tu lục hòa giúp chuyển hóa được sự bất hòa trong gia đình; tiêu trừ nghiệp gia đình ly tán, gia đình được giảm bớt các quả báo khổ của việc con cái chia lìa.
Lục hòa dựa trên căn bản là cùng nhau tu sửa giới đức và thành tựu chính kiến, làm tất cả mọi việc để thành tựu được đức và chánh kiến giải thoát cho mình. Cho nên, ở đâu có lục hòa thì ở đó có hạnh phúc. Gia đình có lục hòa thì gia đình có hạnh phúc.
Ví dụ: Trong gia đình, chúng ta là người lắng nghe, bình đẳng ý kiến, đi tìm những cái tốt đẹp nhất thì gia đình sẽ tốt đẹp.
Khi chúng ta tu lục hòa, sống yêu thương, giúp đỡ, chăm lo cho mọi người trong nhân quả, hòa hợp với nhau, nâng đỡ nhau thì mình và người thân cũng sẽ bớt gặp những sự ác hại.
Tiêu trừ ác nghiệp từ sự bất hòa và tà kiến gây ra
Thực hành lục hòa tiêu trừ được các ác nghiệp, ác quả từ sự bất hòa và tà kiến đã gây ra.
Nếu ngày nào chúng ta cũng kiểm tâm thực hành được lục hòa thì các ác nghiệp đã gây ra trong tiền kiếp trước đến bây giờ có duyên trổ ra sẽ được tiêu trừ.
Ví dụ: Do bất hòa, mình khởi tâm ác hại người, đến bây giờ, mình phải chịu quả báo. Nhưng do hiện tại có thực hành lục hòa tinh nghiêm nên quả báo đó được tiêu đi.
Nếu chúng ta có sự bất hòa trong gia đình đối với bạn bè làng xóm, đồng nghiệp, xã hội thì chúng ta có thể lấy công đức lục hòa hồi hướng cho các duyên của mình tốt đẹp lên; nhưng phải tinh nghiêm trong pháp lục hòa.
Được người khác tôn trọng
Tu tập lục hòa có ý hòa - giúp chúng ta thực hành được tâm tôn trọng rất lớn; từ đó sẽ phát sinh công đức giúp chúng ta được con cái, gia đình, dòng tộc, bạn bè, đồng nghiệp,… tôn trọng. Chúng ta lấy công đức lục hòa hồi hướng thì sẽ có được nhân duyên tốt lành khởi sinh khiến chúng ta được người khác tôn trọng, cung kính.
Còn nếu chúng ta không có sự tôn trọng thì chúng ta không ý hòa được với ai. Ví dụ chúng ta dùng quyền hạn, sức mạnh để áp chế người khác gây mất ý hòa thì nhân quả sẽ bị người khác coi thường, khinh chê.
Luôn được chư Thiên, Thiện Thần ủng hộ
Chúng ta tu tập lục hòa là lấy đức hòa hợp, hòa hợp có giới, có chánh kiến; tôn trọng, ái kính nhau; biết bảo ban, thương yêu nhau, nâng đỡ nhau tu hành thì chư Thiên ái kính, hoan hỷ.
Ví dụ: Mình thấy người nào ngoan ngoãn thì mình đến chơi, mình hộ cho. Chư Thiên cũng thế, họ cũng đang là tâm phàm. Nên ở đâu có sự hòa hợp thì chư Thiên hộ trì.
Có một bài kinh dạy về việc hộ trì của của chư Thiên: chư Thiên chỉ hộ trì những người tu tập giải thoát và tu tập hòa hợp, hiền thiện. Chúng ta tu lục hòa - là người hiền, người thiện cầu trí tuệ của bậc Thánh, thực hành các Pháp của bậc Thánh thì chư Thiên, Thiện Thần, Hộ Pháp ủng hộ cho mình. Đây là điều tất nhiên.
Không còn giành giật đấu tranh
Trong thời vật chất sung mãn này, sự giành giật tranh chấp, đấu tranh của chúng sinh rất nhiều. Nếu chúng ta biết sống lục hòa thì không còn đấu tranh giành giật.
Trở thành con người đạo đức; có trí biết quán sát, phân tích vấn đề
Nếu chúng ta thực hành đúng lục hòa đều trở thành con người có đạo đức vì bắt buộc chúng ta phải suy nghĩ và mọi hành hành động trong giới - nền tảng đạo đức.
Cho nên, chúng ta tuân thủ pháp lục hòa sẽ trở thành người có trí biết quán sát rộng rãi, phân tích rộng rãi một vấn đề. Từ đó, trong cuộc sống, chúng ta không tự mình nhận định và làm oan ai đó, không nhìn vấn đề một cách thiển cận mà biết quán sát, tư duy, biết thấu đáo rồi chuyển hóa vấn đề theo hướng tích cực. Và chúng ta cũng được hưởng nguồn tâm mát mẻ do trí tuệ đã điều phục được tâm mình.
Có được trí tuệ Phật, thành Phật
Pháp lục hòa là Pháp của Phật, Pháp của Phật là trí tuệ Phật. Chúng ta nương vào trí tuệ Phật để thành công đức lục hòa thì công đức đó sinh ra trí tuệ cho chúng ta.
Từ trí tuệ sinh ra đó, chúng ta thâm nhập được vào trí tuệ của Phật. Từ đó, chúng ta lại biết cách thực hành công đức lục hòa để sinh ra trí tuệ cho chúng ta. Cứ như vậy, chúng ta đạt được đỉnh cao cuối cùng là có được trí tuệ Phật, thành Phật.
Lợi ích của tu lục hòa với tập thể
Muốn hòa thì mỗi người đều phải học cách sống, thực tập lục hòa: tôn trọng nhau, biết trên dưới, biết nhường nhịn nhau. Cho nên, một tập thể giữ được sự hòa hợp, đoàn kết đó thì sẽ có sức mạnh và dẫn mọi người đến thành công được.
Như thời Lý, Trần, sở dĩ Đại Việt có những chiến thắng oanh liệt, vĩ đại là nhờ chính tinh thần hòa hợp mà nổi bật là đức vua Trần Nhân Tông. Ngài đã ứng dụng Phật Pháp, đặc biệt là pháp lục hòa vào để lãnh đạo nhân dân chiến thắng giặc ngoại xâm, trị nước, giúp cho muôn dân được an hòa, hạnh phúc, đoàn kết trên dưới một lòng.
Trên đây chỉ là một số lợi ích của pháp lục hòa, ngoài ra pháp lục hòa còn nhiều lợi ích thù thắng vượt trội khác; mà chúng ta sẽ được chứng nghiệm khi thực hành.
Mong rằng qua bài viết này, các bạn hãy ứng dụng pháp lục hòa này trong cuộc sống, để làm cho gia đình, xã hội, đất nước mình tốt đẹp, bình an hạnh phúc nhiều thêm.
Nếu còn điều gì thắc mắc, quý độc giả có thể để lại bình luận dưới bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ tại đây để được giải đáp. Kính chúc quý vị mạnh khỏe, an lạc!