Vua Trần Nhân Tông - "Vua Phật" đầu tiên trong lịch sử Việt Nam tu hành như thế nào? (Kỳ 1)
Mục Lục [Ẩn]
Trần Nhân Tông là vị vua thứ ba của nhà Trần, cũng là một bậc anh quân kỳ tài của Đại Việt, một Thiền sư lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, Ngài được nhân dân suy tôn làm Phật hoàng.
Để được tôn xưng như vậy, chắc chắn cuộc đời tu hành của Ngài phải ẩn chứa nhiều điều đặc biệt. Kính mời quý Phật tử và các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Kim Phật
Trần Nhân Tông sinh ngày 11/11/Mậu Ngọ 1258, tên húy là Trần Khâm. Theo Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại, Hoàng tử Trần Khâm ngay từ khi sinh ra đã có được sắc khí tinh anh của bậc Thánh nhân, thuần túy đạo mạo, nước da vàng óng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng, vai trái có nốt ruồi đen lớn, cứng như hạt đậu. Vì thế, Ngài được vua cha Trần Thánh Tông và ông nội Trần Thái Tông gọi là “Kim Tiên đồng tử”, một số tài liệu khác còn gọi Ngài là “Kim Phật”.
Đặc biệt, từ nhỏ, Hoàng tử Trần Khâm đã thể hiện tư chất thông minh, hiếu học, đọc hết sách vở và thông suốt kinh Phật cũng như các môn học khác như: thiên văn, binh pháp, y thuật,...
Xem nhẹ ngai vàng, vững chí tu hành
Năm 16 tuổi, Hoàng tử Trần Khâm được lập làm Thái tử. Ngài đã 2 lần từ chối ngôi báu, cố xin nhường lại cho em trai Trần Đức Việp nhưng vua cha Trần Thánh Tông không chấp thuận. Sau đó vua cha lập trưởng nữ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (tức Khâm Từ Hoàng hậu sau này) làm vợ cho Thái tử.
Bấy giờ, tuy ở địa vị cao sang, hôn nhân vui hòa, hạnh phúc, vua Trần Nhân Tông vẫn rất thích sự tu hành. Ngài sống đạm bạc, không thụ hưởng, không ăn các đồ ăn từ việc giết mạng chúng sinh.
Một hôm, vào lúc nửa đêm, Ngài đã vượt thành, tìm về núi Yên Tử ẩn tu, khi đến chùa Tháp ở núi Đông Cứu thì thấm mệt nên vào nghỉ trong tháp. Không lâu sau, vua cha ra lệnh cho quần thần tung ra bốn phương tìm kiếm, Thái tử bất đắc dĩ trở về hoàng triều.
Thế nhưng, hàng ngày, Ngài vẫn giữ mình thanh tịnh và thường đến chùa Tư Phước trong đại nội để tu tập Phật Pháp.
Giấc mộng hoa sen - được Phật thọ ký
Câu chuyện đặc biệt diễn ra trong một lần đức vua Trần Nhân Tông nghỉ trưa ở chùa Tư Phước. Ngài mộng thấy trên rốn mọc ra một bông hoa sen vàng lớn bằng bánh xe, bên trên hoa sen có Đức Phật Biến Chiếu Tôn đang phóng hào quang. Tỉnh giấc mộng, Ngài đem việc đó tâu lên Thượng hoàng. Thượng hoàng khen đây là một việc đặc biệt.
Hình ảnh Đức Phật Biến Chiếu Tôn và hoa sen trong giấc mộng của vua Trần Nhân Tông gợi nhắc đến câu chuyện trước khi Đức Phật Thích Ca nhập diệt, đã trao bông hoa sen cho Tôn giả Đại Ca Diếp - đệ nhất đầu đà.
Việc này ngụ ý rằng, Tôn giả sẽ kế thừa, tiếp nối, kết tập kinh điển và hoằng truyền pháp đầu đà, làm Phật Pháp trụ lâu dài ở thế gian. Bởi sau khi Đức Phật nhập diệt, chúng sinh nhiều tham dục, chỉ có nghiêm trì hạnh đầu đà mới có thể đoạn trừ tham dục, tiến tới con đường giải thoát.
Cho nên, giấc mơ của vua Trần Nhân Tông như một sự trao truyền rằng, Ngài cũng sẽ trở thành một tu sĩ, tiếp nối hạnh tu đầu đà cao quý, làm lợi ích cho muôn dân. Và quả thật, sau này, khi an bề việc nước, Ngài đã xuất gia tu hành, tu pháp đầu đà, hoằng truyền Phật Pháp.
Miên mật 12 hạnh đầu đà
Sau 15 năm trị vì đất nước, vào năm 1293, đức vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con, lên làm Thái Thượng hoàng. Một năm sau, Thượng hoàng xuất gia tu Phật tại hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình).
Trong những năm đầu xuất gia, Ngài vẫn luôn quan tâm đến công việc triều chính quan trọng. Ngài từng ở Phủ Thiên Trường (Nam Định ngày nay) dạy con gánh vác giang sơn vì việc triều chính còn nhiều bề bộn, nhận thức chính trị của vua Trần Anh Tông bấy giờ chưa sâu sắc.
Tháng 10 năm 1299, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đến Yên Tử (Quảng Ninh), lấy pháp danh Hương Vân Đại đầu đà, đạo hiệu là Trúc Lâm Đại đầu đà (một số đạo hiệu khác của Ngài là: Trúc Lâm Đại sĩ hay Giác hoàng Điều ngự) và tu hành miên mật 12 hạnh đầu đà như thời Phật tại thế.
12 hạnh đầu đà giúp Ngài đối trị thân tâm, đoạn trừ các phiền não là: Ở nơi núi rừng thanh vắng; Thường đi khất thực; Khất thực tuần tự, không phân biệt giàu nghèo; Mỗi ngày chỉ ăn một bữa; Ăn uống có điều độ; Sau buổi trưa không dùng các chất bổ dưỡng; Mặc y chắp vá; Chỉ dùng 3 y; Ở những nơi nghĩa trang; Nghỉ ngơi bên gốc cây; Ngồi chỗ khoảng đất trống; Chỉ ngồi chứ không nằm.
Một vị vua đứng đầu đất nước, quyền lực, danh vọng đỉnh cao nhưng từ bỏ ngai vàng, tu khổ hạnh cùng tột nơi non cao rừng thẳm thì không phải chuyện bình thường. Đó hẳn phải là sự tu hành đầu đà khổ luyện nhiều kiếp để bước theo bước chân của Tổ sư Đại Ca Diếp - như giấc mộng hoa sen của Ngài thuở thiếu thời.
Pháp đầu đà nhờ đó mà được kế thừa và thực hành. Có lẽ, đây cũng chính là tâm ý của Phật hoàng: thực hành Pháp đầu đà, khiến cho Phật Pháp được lưu truyền lâu dài ở thế gian giúp nhân dân được hạnh phúc.
Sáng lập dòng thiền Trúc Lâm (cội nguồn Phật giáo thuần Việt)
Một nét nổi bật trong quá trình tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông là sự sáng lập Thiền phái Trúc Lâm trên cơ sở hợp nhất 3 dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thảo Đường và Vô Ngôn Thông. Đây là dòng thiền có tác động to lớn đối với lịch sử dân tộc và Phật giáo Việt Nam, được kế thừa liên tục cho đến ngày nay.
Ngài chính là người đã hình thành Giáo hội Phật giáo Đại Việt, lần đầu tiên Phật giáo thống nhất từ trung ương đến địa phương, tăng chúng đều được cấp tăng tịch. Cũng từ đây, hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ mang đậm sắc thái Phật giáo dân tộc như: chùa Hoa Yên (Yên Tử), chùa Phổ Minh (Nam Định), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), chùa Đại Bi (Bắc Ninh),... ra đời. Từ đó, chúng ta thấy được sự quan tâm to lớn của Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với sự phát triển của Phật giáo.
Bên cạnh đó, dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử còn là sự hòa quyện của đời sống thế nhân với đời sống tâm linh sâu sắc, thể hiện rõ tinh thần “nhập thế” của Phật giáo. Điều này được Phật hoàng Trần Nhân Tông thể hiện qua bài phú “Cư Trần Lạc Đạo” do Ngài sáng tác:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn nhọc ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền
Chỉ vỏn vẹn 4 câu nhưng đã khái quát được tư tưởng và lẽ sống của Ngài: Tu hành ngay trong cuộc sống hàng ngày, lấy cảnh giới này để ứng dụng tu tập, kết hợp nhuần nhuyễn đạo và đời. Đó cũng chính là tinh thần “hòa quang đồng trần” - tinh thần nhập thế của đạo Phật, lấy ánh sáng của đức Phật để thắp sáng trần gian.
Ngày nay, Thiền phái Trúc Lâm vẫn để lại dấu ấn thiêng liêng trên dãy núi Yên Tử mà ngàn đời sau con cháu người Việt dù có phải là tín đồ của Phật giáo hay không thì cũng luôn hướng về nơi đó, nơi có một vị vua của dân tộc Việt đã để lại những giá trị quý giá mà không phải đất nước nào cũng có được.
Không dừng lại ở đó, sự nghiệp tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng mãi với những dấu ấn đặc biệt. Kính mời quý Phật tử và các bạn cùng đón đọc Kỳ 2 - Cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông!
Nếu còn điều gì thắc mắc, quý độc giả có thể để lại bình luận dưới bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ tại đây để được giải đáp. Kính chúc quý vị mạnh khỏe, an lạc!