Hạnh đầu đà: Sự tu hành cao quý của chư Tăng như thời Phật còn tại thế
Mục Lục [Ẩn]
“Khi đủ duyên về chùa Ba Vàng, Thầy mong mỏi tại nơi đây, Thầy sẽ xây dựng được một Tăng đoàn tu hành trang nghiêm. Thời Phật 10 phần thì cũng mong sao Tăng chúng được năm đến sáu phần. Tức là cố gắng làm sao mình giữ được phẩm chất của người tu và Thầy cũng mong cầu làm sao cho Tăng chúng trong kiếp này sẽ có những người vào được Thánh quả, vì có người vào được Thánh quả thì mới giữ gìn được đạo Pháp, mới lợi lạc cho chúng sinh”. - Thầy Thích Trúc Thái Minh
13 hạnh đầu đà chính là Pháp tu mà Đức Phật và các đại đệ tử đã thực hành, mang lại lợi ích cho nhân thiên vào hơn 2600 năm trước. Ngày nay tại chùa Ba Vàng - ngôi già lam thanh tịnh lưng chừng núi Thành Đẳng, chư Tăng vẫn đang tiếp nối các pháp đầu đà cao quý đó. Dù thực hành hạnh đầu đà rất khó khăn và gian khổ, nhưng Tăng đoàn chùa Ba Vàng vẫn quyết giữ vững chí nguyện, có tâm đạo trường viễn để đạt thành tựu trên con đường cầu đạo giác ngộ, giải thoát và đem lại lợi ích cho chúng sinh.
Giữ gìn pháp đầu đà - nơi sinh trưởng của mọi thiện Pháp
Hạnh đầu đà là một trong những phương pháp tu khổ hạnh để tôi luyện thân tâm, trừ bỏ phiền não trần cấu. Tăng đoàn thời Đức Phật tại thế tu hành đầu đà khổ hạnh - tức không khổ hạnh thái quá, cũng không hưởng thụ thái quá.
13 hạnh đầu đà đó là:
1. Mặc y phấn tảo;
2. Chỉ mặc 3 y;
3. Khất thực để sống;
4. Khất thực theo thứ lớp;
5. Ngồi ăn 1 lần;
6. Ăn bằng bình bát;
7. Không để dành đồ ăn;
8. Sống ở trong rừng;
9. Ở dưới gốc cây;
10. Ở ngoài trời;
11. Ở nghĩa địa;
12. Nghỉ ở đâu cũng được;
13. Không nằm ngủ.
Thời Đức Phật còn tại thế, hầu hết các vị đệ tử của Đức Phật đều thực hành hạnh đầu đà, trong đó đặc biệt phải kể đến tôn giả Ma Ha Ca Diếp - vị Thánh Tăng được tôn xưng đầu đà đệ nhất. Ngài là tấm gương chuẩn mực về tinh tấn thực hành hạnh đầu đà trong giáo đoàn của Đức Phật. Mặc dù Ngài lớn tuổi nhưng Ngài vẫn tinh tấn ôm bát khất thực không phân biệt giàu, nghèo; ở một nơi, ngồi một chỗ hoặc ngồi dưới gốc cây, hoặc ngoài đồng trống, hoặc chỗ vắng vẻ trọn chẳng dời đổi, hoặc mặc áo năm mảnh, hoặc giữ ba y, hoặc ở gò mả, hoặc ăn một bữa, hoặc ăn đúng ngọ…
Ngày nay, việc tu khổ hạnh như thời Phật tại thế rất khó khăn vì đang là thời đại ngũ dục sung mãn, cường thịnh. Vậy nên, sự thực hành pháp đầu đà của chư Tăng chùa Ba Vàng là vô cùng hiếm hoi và cao quý.
Như Thầy Thích Trúc Thái Minh chia sẻ, Pháp đầu đà là nơi nương tựa, sinh trưởng của mọi thiện pháp. Pháp tu cao quý này được ví như nước rửa sạch trần cấu, ác uế; cũng được ví như lửa thiêu hủy phiền não. Nó thổi quạt đi tất cả khí vị trần gian, dù thanh hay trược, dù thơm hay thối. Nó ví như thuốc đối trị tất cả tâm bệnh của con người, cho mọi người nếm thưởng nước cam lồ bất tử. Pháp đầu đà chính là ruộng phước cho chư Thiên và loài người, thành tựu ba cõi người, Trời và Niết bàn như ý nguyện. Pháp đầu đà cũng là chỗ nương tựa, thoát khỏi mọi sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết,... Bởi những lợi ích diệu dụng, đức tính công năng của 13 Pháp đầu đà phong phú như vậy nên Pháp đầu đà rất quý báu, cần được lưu truyền ở thế gian và Đức Phật rất tán thán, khen ngợi những vị tu sĩ phát nguyện thực hành hạnh đầu đà.
Với chí nguyện “Trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh”, chư Tăng chùa Ba Vàng là những bậc đã cắt ái ly gia, không giữ tiền bạc, không lập gia đình, ngày đêm thực hành hạnh thiểu dục tri túc với các Pháp đầu đà khổ hạnh: Ngày ăn một bữa, mặc ba tấm y rách rồi lại vá, tối ngủ ở rừng, nằm dưới gốc cây, khất thực để sống,... Tài sản của quý Thầy chỉ ba y và một bình bát.
Trong rừng, mỗi chư Tăng chỉ có một tọa cụ, một tấm chăn để che thân, gió lạnh, mưa sa. Chỗ ngủ nghỉ được dựng tạm bằng những cây tre ghim xuống đất, phía trên mái được phủ một lớp bạt nilon để che nắng mưa. Bất kể ngày hay đêm, nắng nóng hay mưa giông, đêm đông lạnh lẽo, rắn rết, muỗi mòng,... chư Tăng Ni chùa Ba Vàng vẫn miên mật thực hành Pháp đầu đà cao quý; chiến đấu với nội tâm và ngoại cảnh khắc nghiệt.
Chư Tăng tu hành hạnh đầu đà cầu chứng Thánh quả và lợi ích cho chúng sinh
Trong kinh Mi Tiên Vấn Đáp có đoạn: “…Tại gia tu hành chân chính cũng đạt đạo, đạt đạo rất nhiều là khác. Nhưng một vị Sa môn, một Tỳ kheo thọ 13 Pháp Đầu Đà là đã gần kề bên Niết bàn, lại còn lợi ích cho chúng sinh không kể xiết nữa...”. Bởi người hành giả khi thực hành các hạnh đầu đà này sẽ đạt được những đức tính cao thượng, siêu việt.
Như bậc A La Hán Na Tiên đã từng nói: “Chính sự lợi ích cho chúng sinh, nêu gương cho chúng sinh thì một trăm cư sĩ đạt đạo, ngàn cư sĩ đạt đạo cũng không bằng một Tỳ kheo hành mười ba pháp đầu đà đắc đạo”. Thời Đức Phật còn tại thế, rất nhiều đệ tử của Ngài đã tu theo 13 hạnh đầu đà mà chứng đạo. Thuở đó, Đức Phật đã tán thán hạnh đầu đà: “Nếu hạnh Đầu Đà được ở đời thì Pháp của ta cũng sẽ được lâu dài ở đời. Nếu có Pháp ở đời thì thiên đạo tăng thêm, ba đường ác liền giảm. Cũng vậy, Thánh Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, đạo Tam thừa đều còn ở đời.” (Trích kinh Phật tán dương hạnh đầu đà, Đại tạng kinh Việt Nam, A Tăng Nhất A Hàm, phẩm I, phần Đạo).
Như vậy, nơi nào có chư Tăng tu hành hạnh đầu đà, nơi đó chư Thiên và chúng sinh nhận được lợi ích, mạng mạch Phật Pháp được duy trì lâu dài và có thể xuất hiện bậc Thánh nhân. Thầy Thích Trúc Thái Minh đã chỉ dạy, việc giữ gìn mạng mạch Phật pháp là sứ mạng của chư Tăng. Tăng chúng hưng thịnh thì Phật Pháp được tuyên dương, Tăng chúng thoái trào thì Phật Pháp theo đó mà lụi bại. Vì vậy, noi theo tấm gương của Đức Phật và các vị Thánh Tăng, hiện nay Tăng chúng chùa Ba Vàng đang thực hành hạnh đầu đà, với tâm nguyện thứ nhất là độ mình; thứ hai là làm lợi ích cho chúng sinh để giữ gìn và hoằng dương Phật Pháp, làm cho Phật Pháp được lâu dài, nhất là trong thời mạt Pháp thì sự tu hành, khổ luyện rất quan trọng.
Như vậy chúng ta thấy, thành tựu được hạnh đầu đà không phải dễ, bởi muốn tiến tu và chứng đắc thì phải là người có đầy đủ phước duyên. Muốn thành Thánh, thành Phật cũng đều phải đi qua con đường tu tập hạnh đầu đà này. Ví như Ngài Ma Ha Ca Diếp thời Đức Phật còn tại thế hay Phật Hoàng Trần Nhân Tông được tôn xưng là Hương Vân Đại Đầu Đà đã rất tinh tấn và thành tựu các pháp này. Đây là sự cần thiết, quan trọng cho những ai chân thật thực hành pháp. Đó là khổ hạnh nhưng không khổ hạnh cực đoan, giúp hành giả biết thiểu dục, tri túc trong tu tập.
Chân thật tu tập như vậy trước để độ mình, sau độ chúng sinh. Đó cũng chính là cách duy nhất để giữ gìn, tuyên dương, làm cho Chính pháp được trường tồn, còn mãi trên thế gian.