Bình bát là gì? Giá trị đem lại cho đời sống Tăng sĩ và cho chúng sinh
Bình bát là vật dụng được sử dụng trong đời sống của vị Tăng sĩ. Thời Đức Phật, tất cả chư Tăng đều nuôi sống thân mạng của mình bằng việc đi trì bát (ôm bình bát đi khất thực). Việc ôm bình bát đi khất thực giúp chư Tăng từ bỏ được tham vị, là phương pháp chế ngự tâm cho người xuất gia. Bên cạnh đó, hạnh khất thực bằng bình bát của chư Tăng cũng mang đến phước báu an lạc, hạnh phúc cho chúng sinh.
Kính mời các bạn cùng tìm hiểu về bình bát của chư Tăng, những lợi ích đem lại qua bài viết dưới đây.
Bình bát là gì?
Bình bát là vật dụng mà người xuất gia dùng để đi khất thực (xin ăn), đựng thức ăn được cúng dường. Đây là vật để chư Tăng nuôi sống thân mạng, cho nên được tượng trưng cho mạng sống của chư Tăng.
Trong Yết - Ma yếu chỉ có viết:
“...Cho nên, trong dòng họ chư Phật có bốn sự truyền thừa. Đó là, che thân bằng ba y phấn tảo. Nuôi lớn nhục thân bằng một cái bình bát. Ngủ nghỉ thì nương dưới gốc cây, rừng vắng hay trong các hang động. Sống cuộc đời chuyên cần tu tập để đoạn trừ. Nói cách khác, đó là truyền thống sống không gia đình, hoàn toàn không một tư hữu, ngoài ca-sa và bình bát cần thiết như hai cánh chim bay đến và đi bất cứ nơi nào.”
Trong nhà Phật, bình bát gọi là ứng lượng khí vì có nhiều loại kích cỡ, chất liệu khác nhau tương ứng với người dùng; cũng phải tùy sức ăn để thọ nhận bình bát cho phù hợp.
Nguồn gốc của bình bát chư Tăng
Trong Đại phẩm I, chương Trọng yếu có kể về câu chuyện sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài dùng 7 tuần đầu tiên để tri ân và thọ hưởng lạc quả của Niết bàn ngay tại Bồ đề đạo tràng.
Lúc ấy, hai người thương gia giàu có tên Tapassu và Bhallika, có người mẹ tiền kiếp hiện tái sinh là vị chư Thiên báo rằng, ở cây bồ đề có vị Phật xuất hiện, hãy đến cúng dường để được nhận phước báu.
Hai vị thương gia làm theo, sắm sửa vật thực, dâng cúng cho Đức Phật. Đức Phật thọ nhận sự cúng dường. Lúc ấy, Đức Phật chưa có bình bát, ngay lập tức có bốn vị Đại Thiên Vương liền hiện xuống, mỗi vị cúng dường lên Đức Phật một bình bát bằng ngọc của cõi trời. Phật dùng thần lực hợp bốn bình bát thành một để nhận vật thực của hai người thương nhân. Cúng dường Đức Phật xong, hai vị rất hạnh phúc.
Lợi ích của bình bát với đời sống Tăng sĩ và chúng sinh
Giúp chư Tăng trừ bỏ tham vị, được Đức Phật khen là bậc tôn quý, tối thắng
Ăn bằng bình bát là 1 trong 13 pháp tu đầu đà mà Đức Phật ca ngợi.
Khi khất thực được gì, vị tu hạnh đầu đà sẽ đưa hết vào trong bình bát, tất cả các món ăn lẫn lộn vào nhau và phải ăn tuần tự từ trên xuống dưới, ăn theo thứ lớp. Thực hành như vậy sẽ phá đi cái tham đắm vị. Về lượng cũng vậy, khất thực được nhiều thì ăn nhiều, được ít thì ăn ít.
Đây là phương pháp chế ngự tâm. Giúp chư Tăng đó phá đi cái tham đắm về vị, về lượng của thức ăn.
Trong Đại tạng Kinh Việt Nam, Tăng Chi Bộ kinh, chương Năm: Phẩm Rừng - kinh Ăn từ bình bát, trang 666-667, Đức Phật chia ra có 5 hạng người ăn từ bình bát, trong đó hạng thứ năm vì thiểu dục tri túc (ít ham muốn, biết đủ), đoạn giảm các ham muốn, viễn ly, xa lìa trần cấu, ưa thích thiện Pháp là đặc biệt. Đức Phật khen ngợi hạng này là bậc tôn quý, tối thắng, thượng thủ, là bậc xứng đáng nhất.
Mang đến phước báu an vui, hạnh phúc cho chúng sinh
Người xuất gia nuôi mạng sống, vì mục đích, lý tưởng cao cả là đạt được giác ngộ giải thoát, chứng nhập chân lý thì mới không uổng; người cúng dường cho các vị này cũng được vô lượng phước báu.
Chính bình bát của các vị ấy là bình bát phước của chúng sinh, ai cúng dường thì được rất nhiều phước báu dù có thể chỉ là cúng một dúm cơm, một miếng bánh, một cái kẹo,...
Trong kinh Phật có nhiều bài kinh nói về phước báu to lớn từ việc cúng dường vào bình bát của chư Tăng.
Trong kinh Phân biệt thiện ác báo ứng, Đức Phật có dạy:
“Lại nữa, nếu có người bỏ các thứ vật dụng vào bình bát đem cúng dường Phật và Tăng, sẽ được mười thứ công đức. Những gì là mười?
- Hình sắc tươi đẹp.
- Vật dụng đầy đủ, mặc ý thọ dụng.
- Xa lìa các sự đói khát.
- Của cải dồi dào.
- Xa lìa đường ác.
- Trời, người đều hoan hỷ.
- Phước tướng viên mãn.
- Được tôn quý, tự tại.
- Thường được sanh lên các cõi trời.
- Mau chứng đắc Niết-bàn.
Công đức như vậy là do cúng dường các vật dụng trên mà có được.”
Trong Đại tạng Kinh Việt Nam, Tiểu Bộ kinh, Phẩm Cittalatà: Lâu đài của người cho cơm cháy kể câu chuyện về Ngài Ca Diếp tế độ cho bà lão ăn mày nghèo khổ, sống bằng sự bố thí của mọi người. Hôm đó, bà đi xin được mỗi một miếng cơm cháy để ăn.
Ngài Ca Diếp hôm ấy đi khất thực, Ngài quán xét biết là bà lão ăn mày sắp chết và nếu chết sẽ bị đọa địa ngục do ác nghiệp. Với tâm từ bi tế độ cho bà thoát khỏi địa ngục, Ngài Ca Diếp quyết định đến chỗ bà khất thực. Bởi nhờ phước thiện bố thí, bà có thể được sinh lên cõi trời.
Ngài Ca Diếp đến trước bà lão và đứng mãi. Tuy vậy, bà tủi thân không dám cúng cho Ngài, thỉnh Ngài đi nơi khác. Nhưng Ngài Đại Ca Diếp vẫn đứng yên. Những Phật tử, nhân dân ở xung quanh chạy đến dâng đồ cúng dường Ngài, quỳ xuống dưới chân Ngài, Ngài vẫn không mở nắp bát.
Lúc này bà lão mới nghĩ: Chắc là Đại đức muốn tế độ cho mình chăng? Ngay lúc ấy bà phát sinh đức tin trong sạch, muốn được làm phúc cúng dường đến Ngài. Bà liền đem miếng cơm cháy và dâng lên để sớt bát cho Ngài. Lúc này Ngài liền mở nắp bình bát và đón nhận miếng cơm cháy của bà.
Sau đó, Ngài ngồi ngay trước mặt bà lão ăn mày, Ngài bốc miếng cơm cháy ấy và ăn ngon lành. Khi thọ thực xong, Ngài hồi hướng công đức phước báu cho bà lão. Trong ngày hôm đó, bà lão mất và liền được sinh thiên. Nhờ bà có đức tin trong sạch nơi Ngài Đại Ca Diếp và dâng cúng đến Ngài, bà tiêu được nghiệp địa ngục và được phước báu sinh lên cõi trời Hóa Lạc Thiên.
Trong Đại tạng Kinh Việt Nam, Tiểu Bộ kinh, Phẩm Đỏ Sẫm: Lâu đài sáng chói có kể câu chuyện:
“Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha. Thời ấy ở Ràjagaha có một đệ tử cư sĩ đầy tín thành đối với Trưởng lão Mahàmoggallàna (tôn giả Mục-kiều-liên). Một trong hai cô con gái vị này là một tín nữ có lòng thành kính đối với bậc Trưởng lão ấy.
Một hôm Tôn giả Mahàmoggallàna đi khất thực trong thành Ràjagaha, đến tận nhà ấy. Cô gái thấy Tôn giả, lòng đầy hoan hỷ, bảo sửa soạn chỗ ngồi, và khi Tôn giả đã an tọa tại đó, nàng cúng dường một tràng hoa lài và đổ đầy mật mía vào bình bát của Trưởng lão. Tôn giả vẫn ngồi yên vì muốn nói lời tùy hỷ công đức. Cô gái tỏ ý rằng nàng không có thì giờ để nghe Tôn giả vì đang bận nhiều công việc nhà, và nói:
- Con sẽ xin nghe Pháp vào một ngày khác.
Rồi nàng cung kính đảnh lễ vị Trưởng lão và giã từ, ngay hôm ấy nàng từ trần và tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba.
…”
Như vậy, bình bát của bậc xuất gia vô cùng cao quý, là ruộng phước màu mỡ để chúng sinh gieo trồng. Chúng ta sớt bát cúng dường lên các Ngài đều được gieo phúc lành về sau.
Với mong muốn giữ truyền thống từ thời Đức Phật còn tại thế, ở chùa Ba Vàng, chư Tăng cũng thực hành ăn bằng bình bát, ôm bát đi khất thực giống như Đức Phật xưa kia.
Từ lời chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh trong bài viết này, mong rằng, quý vị và các bạn sẽ có thêm hiểu biết về bình bát của chư Tăng, cũng như phát khởi được tâm kính tín, trân quý những bậc Sa môn tu hành phạm hạnh.
Nếu còn điều gì thắc mắc về bình bát, kính mời quý độc giả bình luận dưới bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ để được giải đáp.