Niết bàn là gì? Trạng thái an lạc tuyệt đối, thoát khỏi mọi khổ đau
Mục Lục [Ẩn]
Niết bàn là cảnh giới an lạc, hạnh phúc tuyệt đối, ai đạt được Niết bàn sẽ chấm dứt mọi khổ đau. Đây là cảnh giới mà chư Phật, Bồ tát và các bậc Thánh nhân đã chứng đạt, cũng là đích đến cao quý mà người con Phật hướng đến trên hành trình tu tập.
Để tìm hiểu rõ hơn về Niết bàn theo lời Phật dạy, kính mời các bạn cùng đón đọc bài viết dưới đây!
Niết bàn là gì?
Niết bàn trong tiếng Sanskrit là nirvāṇa, tiếng Pali là nibbāna, tức là rời bỏ tất cả những u tối, phiền não, đau khổ nối tiếp (còn gọi là ra khỏi luân hồi). Ngoài ra, từ “Niết bàn” còn có nhiều nghĩa như sau:
Trong kinh Mi Tiên Vấn Đáp, Câu 46: Niết bàn, Tỳ-kheo Na Tiên nói rằng: “Niết bàn chính là diệt, là tịch diệt, một trạng thái ngưng nghỉ và vắng lặng”. Như vậy, Niết bàn không phải một trú xứ, cõi giới nào mà là trạng thái của tâm chúng ta khi các phiền não đã diệt hết và không sinh ra nữa.
Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Quyển thứ ba - Phẩm “Dược thảo dụ” thứ năm, Niết bàn được diễn tả là: “Đức Như Lai biết pháp một tướng một vị ấy, nghĩa là: tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng diệt, tướng rốt ráo Niết bàn thường tịch diệt, trọn về nơi không”. Chữ “không” rất quan trọng trong Phật giáo và Niết bàn cũng chính là không.
Còn Ngài Bồ tát Long Thọ nói về Niết bàn trong Trung Luận bằng 8 điều phủ định: Niết bàn là không sinh, không diệt, không thường, không đoạn, không một, không khác, không đến, không đi.
Như vậy, trong các kinh điển, nghĩa của Niết bàn có rất nhiều nhưng tựu chung lại thì Niết bàn là chỗ vắng lặng một cách viên mãn, một thực tại ngay nơi tâm chúng ta, là trạng thái khi tâm sạch hết tất cả phiền não, vô minh, tham, sân, si. Niết bàn là giải thoát. Người tu Phật phải cầu đạt Niết bàn, khi chứng đạt rồi mới hết khổ đau, ra khỏi sinh tử luân hồi.

Niết bàn là một trạng thái của tâm khi đã sạch các phiền não
Niết bàn có phải là chết không?
Niết bàn không phải là chết. Niết bàn là một Pháp đặc biệt, gọi là bất tử - vì Niết bàn là bất sinh nên bất diệt. Niết bàn nuôi dưỡng đời sống bất tử của chúng sinh, không cho tiêu hoại bởi già và chết.
>>> Mời các bạn cùng tìm đọc về 8 pháp vị đặc biệt của Niết bàn tại đây!
Niết bàn có mấy loại?
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn tập 1, Phẩm thứ sáu: Danh Tự Công Đức, Đức Phật dạy có 4 loại Niết bàn gồm: Tự tính thanh tịnh Niết bàn, Hữu dư Niết bàn, Vô dư Niết bàn, Vô trụ xứ Niết bàn.
1. Tự tính thanh tịnh Niết bàn
Tự tính thanh tịnh Niết bàn là trong tâm của chúng sinh đều có phẩm chất, tính chất của Niết bàn nhưng do bị vô minh, ái dục che lấp, điên đảo nên chúng ta không nhận ra. Việc này cũng có thể ví như một cốc nước đục nhưng trong đó vẫn có nước trong. Nước đục là do bùn đất (ví như vô minh, ái dục) lẫn vào, nếu để bùn đất lắng xuống thì nước sẽ trong lại.
2. Hữu dư Niết bàn
Hữu dư Niết bàn (Niết bàn hữu dư y) là Niết bàn của các bậc Thánh nhân khi vẫn còn đang hiện hữu ở cõi đời, đang mang thân xác ngũ uẩn - còn dư sót thân này lần cuối. Ví dụ các bậc Thánh A-la-hán đạt được Niết bàn khi vẫn chưa nhập diệt.
3. Vô dư Niết bàn
Vô dư Niết bàn (Niết bàn vô dư y) là Niết bàn khi các bậc Thánh A-la-hán viên tịch, bỏ thân xác, không còn dư sót thân này nữa.

Đức Phật đã nhập Niết bàn Vô dư y (Ảnh minh họa)
4. Vô trụ xứ Niết bàn
Vô trụ xứ Niết bàn là dành cho các vị Bồ tát. Các Ngài không có chấp trước, dính mắc, trụ vào bất cứ chỗ nào, chứng Niết bàn vẫn ứng hóa độ sinh khắp tất cả. Tức là sau khi đạt Niết bàn, các Ngài vẫn tiếp tục vào ra lục đạo luân hồi để cứu độ chúng sinh.
Những người có thể tu chứng Niết bàn
Trong kinh Mi Tiên Vấn Đáp, câu 47 “Ai sẽ đắc Niết bàn?”, Tỳ-kheo Na Tiên đã nói về những người sẽ đắc quả Niết bàn như sau: “Người nào thực hành đúng chính Pháp, giác ngộ những Pháp mà bậc trí tuệ đã giác ngộ, biết chắc những Pháp mà bậc trí tuệ đã biết chắc, dứt bỏ những Pháp mà bậc trí tuệ dứt bỏ, tiến hành những Pháp mà bậc trí tuệ tiến hành, thấy rõ những Pháp mà những bậc trí tuệ đã thấy rõ; người ấy mới đắc được Niết bàn”.
Như vậy, trong đạo Phật, không phân biệt là nam - nữ, giàu - nghèo, sang - hèn, đẳng cấp cao hay thấp mà tất cả những ai thực hành đúng chính Pháp, người ấy sẽ chứng đắc Niết bàn. Điều này giống như gạo nấu thành cơm, không kể người nấu là ai, dù da trắng, da đen, da vàng cũng chỉ cần nấu đúng cách, làm đúng quy trình thì sẽ có cơm ngon.
Điều này đã được chứng minh trong lịch sử Phật giáo, có rất nhiều tấm gương chứng đắc Niết bàn nhờ sự tinh tấn thực hành chính Pháp. Trong đó có cả người nữ như Tôn giả Kiều-đàm-di (di mẫu của Đức Phật). Với sự tinh tấn và cầu Pháp chân thật, bà đã giúp cho người nữ được xuất gia, trở thành vị Tỳ-kheo Ni đầu tiên, người lãnh đạo Ni đoàn thời Đức Phật. Sau khi xuất gia, di mẫu Kiều-đàm-di tinh cần tu học theo Pháp Đức Phật thuyết giảng và chứng được quả A-la-hán.

Thời Đức Phật còn tại thế, không chỉ Ngài mà rất nhiều các vị Thánh đệ tử đạt được Niết bàn (Ảnh minh họa)
Một tấm gương nữa là Tôn giả Ưu-ba-ly - vị Thánh đệ tử đệ nhất trì giới trong Tăng đoàn của Đức Phật. Ngài xuất thân là một người hầu trong cung, chuyên hót phân, cắt tóc - thuộc giai cấp thấp nhất theo quan niệm ở Ấn Độ thời bấy giờ; nhưng sau đó, Ngài đã theo Phật xuất gia và vẫn chứng quả vị cao quý.

Đức Phật độ cho Tôn giả Ưu-ba-ly xuất gia và đắc Thánh quả (Ảnh minh họa)
Trên đây là những chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh về Niết bàn. Qua đó, chúng ta biết rằng: Niết bàn là có thật, không ở đâu xa mà ở chính tâm của mỗi người. Mong rằng, mỗi chúng ta sẽ tinh tấn tu học và ứng dụng thực hành lời Phật dạy để cuộc sống được tốt đẹp hơn, hướng đến sự an lạc, hạnh phúc chân thật tuyệt đối, giải thoát khổ đau.
Nếu còn điều gì thắc mắc, quý độc giả có thể để lại bình luận dưới bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ tại đây để được giải đáp. Kính chúc quý vị mạnh khỏe, an lạc!
>>> Mời các bạn cùng đón đọc thêm những bài viết, tìm hiểu lời Phật dạy để ứng dụng thực hành được nhiều lợi lạc tại chuyên mục Tu tập - Giác ngộ!