8 đặc tính của Niết bàn
Niết bàn là một thực tại, chỉ trạng thái khi tâm của chúng ta đã sạch hết tất cả vô minh, tham, sân si, phiền não. Trong Kinh Phương Đẳng Bát Nhã Nê Hoàn có diễn tả Niết bàn với 8 đặc tính cụ thể. Vậy 8 đặc tính đó là gì?
Để hiểu rõ hơn về những đặc tính đó, kính mời quý vị cùng theo dõi qua bài giảng dưới đây của Thầy Thích Trúc Thái Minh.
1. Thường trụ
Dù ở quá khứ, hiện tại hay tương lai, Niết bàn vẫn luôn thường hằng và biến khắp cả 10 phương, không có gì thay đổi. Giống như hư không vẫn luôn tồn tại, không ai có thể xê dịch, cầm, kéo chuyển đi nơi khác được. Hư không thông suốt từ quá khứ, hiện tại và tương lai vẫn vậy. Cũng thế, Niết bàn vẫn luôn tồn tại, hiện diện khắp tất cả. Tuy nhiên, chỉ khi nào tâm chúng ta sạch hết tất cả phiền não mới có thể thấy được Niết bàn.
2. Tịch diệt
Niết bàn là tịch diệt - một trạng thái bình yên, an lạc, vắng lặng tuyệt đối, không còn một chút sóng gió nào. Chúng ta quen với cái vui của náo động nhưng chưa bao giờ được thưởng thức niềm vui của sự vắng lặng. Niết bàn có niềm vui của sự an lạc, bình an, một niềm vui rất đặc biệt. Chỉ vào tu tập chúng ta mới thể nghiệm được một chút niềm vui của tịch diệt.
3. Không còn già
Vì Niết bàn là không thay đổi, không biến đổi vì vậy nên không có già, không sinh cho nên cũng không có chết. Niết bàn chính là nơi nuôi dưỡng đời sống bất tử của chúng sinh - không còn bị tiêu hoại bởi già và chết, vĩnh viễn chấm dứt lưu chuyển trong lục đạo luân hồi.
4. Không còn chết
5. Thanh tịnh
Niết bàn giống như hư không - không thứ gì có thể bám vào. Cũng chính vì Niết bàn là thanh tịnh, trong sạch, không ai, không điều gì có thể làm nhiễm ô được Niết bàn.
6. Như hư không: Thông suốt rỗng rang, vượt mọi chướng ngại
Niết bàn có tính chất giống như hư không nhưng mà Niết bàn khác hư không. Hư không vô tri, vô giác nhưng Niết bàn là sống, là biết vì ở đó có hiện hữu của tâm.
7. Bất động
Tức là không xao động, cũng giống như cái hư không này không động. Xưa nay, dù trái đất ngả nghiêng, dù bão tố phong ba, động đất, sóng thần hay biến hoại,... thì hư không vẫn như vậy, không hề lay chuyển. Niết bàn cũng giống như hư không, bất động, hoàn toàn không xao động.
8. Tối thượng lạc
Trạng thái Niết bàn cực kỳ an lạc, phúc lạc viên mãn, vượt xa những lạc thú của cõi trời và người. Vậy nên những người đệ tử Phật mới chọn con đường tu hành để chứng đạt đến Niết bàn, đạt được hạnh phúc tối thượng.
Như vậy, với 8 đặc tính được mô tả ở trên, có thể thấy Niết bàn là chân hạnh phúc, là sự viên mãn của phúc lạc không gì có thể so sánh. Mười phương chư Phật, các vị bồ tát, thánh hiền đều ở trong Niết bàn. Đó là phúc lạc tối thượng mà chỉ những hành giả tu tập Phật Pháp mới có thể thể nghiệm được.