4 “tội” của miệng, làm sao để điều phục?
Kính thưa đại chúng! Trong các tội thì “tội miệng”, “vạ miệng” là nhiều nhất. Miệng chúng ta hay nói bừa bãi, nên tạo ra tội. Đức Phật dạy cái miệng có 4 tội. Vậy, đó là những tội gì?
4 tội của miệng
Tội thứ nhất là tội ăn gian, nói dối, lọc lừa. Bây giờ, tội nói dối rất nhiều. Trên thế giới, ở các nước phương Tây còn có một ngày nói dối. Ở Việt Nam tuy không có ngày nói dối, nhưng có thể nhiều người lại nói dối thường xuyên, còn hơn cả người dân ở các nước phương Tây. Họ chỉ có một ngày nói dối, còn chúng ta là 365 ngày, ngày nào cũng có nói dối.
Nói dối làm chúng ta mất hết lòng tin với nhau. Con người không tin nhau vì cái miệng nói dối. Hứa rồi nhưng lại lọc lừa, gian dối - điều này rất nguy hiểm. Trong xã hội mà niềm tin bị mất mát đi thì sẽ gây ra rất nhiều điều thiệt thòi.
Như việc Sư Phụ xây dựng ngôi chùa Ba Vàng, nếu ở ngoài đời thì phải là một công ty, có khi đến mấy trăm người để xây dựng công trình. Nhưng ở chùa, số lượng chư Tăng để quản lý việc xây dựng là không nhiều, chỉ có mấy Thầy. Vì các Thầy rất tin nhau, Thầy trò không ai nói dối nhau, cũng không bao giờ nghĩ sẽ nói dối. Chính lòng tin ấy đã lược bớt đi rất nhiều những công đoạn phức tạp, như ký kết giấy tờ. Ở ngoài đời là ký kết đủ loại giấy tờ, rồi rất nhiều chuyện phức tạp. Nhưng trong chùa thì đỡ đi rất nhiều, vì khi các Thầy tin nhau, lòng tin ấy “nối thẳng” luôn, nó là “con dấu” đóng vào. Lời nói cũng có thể là “con dấu”, nên lòng tin hay như vậy!
Nếu xã hội chúng ta cũng xây dựng được lòng tin, người với người sống chân thật, tin nhau thì hay biết mấy. Rất nhiều đất nước, nhiều dân tộc đã tu được điều này, họ nói lời chân thật, sống thật với nhau, không dối trá. Còn trong cuộc sống mà cứ dối nhau, lừa nhau thì làm sao xã hội tốt được? Rất nhiều hậu họa sẽ xảy ra do những lời nói dối từ cái miệng gây ra.
Tội thứ hai của miệng là nói hai lưỡi, tức là nói đâm thọc, gây chia rẽ. Hai người đang chơi thân với nhau, ta đến nói xấu người này với người kia, làm cho họ mâu thuẫn, hiểu lầm nhau; đó là tội đâm thọc, mà Phật gọi là hai lưỡi.
Tội thứ ba của miệng là nói lời ác độc, cay nghiệt, nguyền rủa, sâu cay.
Tội thứ tư của miệng là nói lời thêu dệt, tức là có ít nhưng xuýt ra nhiều, “thêu gấm thêu hoa” vào sự việc.
Tầm quan trọng của cái miệng
Từ 4 tội của miệng đó sẽ sinh ra rất nhiều chuyện phức tạp trong cuộc sống, xã hội. Vì chúng ta đi quan hệ, giao tiếp chủ yếu là dùng miệng. Nói hay, nói giỏi, nói tốt, nói đẹp là ở cái miệng, như Sư Phụ thuyết Pháp cũng phải dùng miệng. Cái miệng tuy bé bé nhưng nó có thể “tạo ra” rất nhiều chuyện, nhiều vấn đề. Có thể nói thành công hay thất bại cũng ở cái miệng. Như anh Nick Vujicic không có tay, không có chân, nhưng anh có cái miệng nói hay, từ cái miệng này đi đâu anh cũng thuyết giáo cho mọi người. Hay các thầy giáo, cô giáo cũng phải dùng cái miệng là chính, nghề giáo viên được ví như “nghề nói”... Cho nên, những lời nói từ miệng có thể ảnh hưởng rất lớn đến các mối quan hệ của chúng ta.
Đức Phật dạy, “cái miệng” có thể làm chúng ta tăng trưởng được rất nhiều phúc lành, nhưng cũng có thể mang họa đến cho chúng ta rất ghê gớm. Nên các cụ ngày xưa nói: “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất”. Tức là, rước bệnh vào người là do ăn uống linh tinh, còn hoạ là do cái miệng xuất ngôn bừa bãi, không cân nhắc.
Đức Phật dạy cách điều phục cái miệng
Đức Phật dạy chúng ta phải lấy tâm chí thành để điều phục cái miệng - khẩu nghiệp này. Chí thành là đối với ai cũng thế, chúng ta đều sống chân thành với mọi người, với bạn bè, với đồng nghiệp,... Một người sống có tâm chân thành, chí thành với người, với việc; thì miệng người đó tự nhiên không nói dối, không lừa lọc mọi người. Người có tâm chân thành thì làm sao đi lừa người? Khi miệng định nói dối người khác là họ đã thấy không được ổn và bất an rồi. Như vậy, chúng ta phải dùng tâm chí thành, chân thành với mọi người để điều phục cái miệng này, làm cho nó không nói dối, không nói lời xấu ác.
(Trích lời Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong Pháp thoại: “Điều Phục Chính Mình" - Tuổi Trẻ Khám Phá Vườn Tâm Kỳ 8)
Hạnh Nguyệt