Lý giải trái tim thiêu ở 4000 độ không cháy của Bồ Tát Thích Quảng Đức
Mục Lục [Ẩn]
Sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu vì bảo vệ Phật Pháp vào ngày 11/6/1963 (tức 20/4 nhuận/Quý Mão) là sự kiện chấn động thế giới. Sau khi Ngài tự thiêu nhục thân được đưa về An Dưỡng Địa cử hành lễ trà tỳ (hỏa thiêu). Khi nhục thân Hòa thượng cháy tan hết thì điều đặc biệt xảy ra, trái tim của Ngài vẫn đỏ hồng nguyên vẹn. Đến khi trái tim được đưa vào lò đốt với nhiệt độ 4000 độ C, trái tim Ngài vẫn đỏ rực không tan hoại.
Mời các bạn cùng đi tìm lời giải về trái tim bất tử của Hòa thượng Thích Quảng Đức trong hành động tự thiêu trong bài viết dưới đây.
Sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu
Bối cảnh diễn ra sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu
Trong thời kỳ từ năm 1954 đến năm 1963, miền Nam Việt Nam được đặt dưới ách thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, thực hành nhiều chính sắc hà khắc, trong đó có chính sách kỳ thị tôn giáo mà chủ yếu nhằm tới Phật giáo.
Đỉnh điểm, đêm rằm tháng tư âm lịch năm 1963, tại đài phát thanh truyền hình Huế, đã xảy ra vụ đàn áp khiến 8 Phật tử bị chết, một số người khác bị thương phải vào bệnh viện. Điều đó đã đẩy lên sự phẫn nộ của quần chúng nhân dân, đặc biệt là Phật tử với chính quyền Ngô Đình Diệm.
Sau sự kiện thảm sát, Tổng hội Phật giáo Việt Nam gồm các vị lãnh đạo cao cấp của Phật giáo tại chùa Từ Đàm (Huế) đã soạn và gửi bản tuyên ngôn gồm 5 điểm đòi quyền bình đẳng tôn giáo lên chính phủ Việt Nam Cộng Hòa nhưng không được Tổng thống Diệm chấp nhận.
Cho nên, Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo Việt Nam hành động nhưng bằng phương pháp bất bạo động (không sử dụng bạo lực). Trước phản ứng của Tăng, Ni, Phật tử đấu tranh bảo vệ Phật giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm còn tăng cường đàn áp khốc liệt, độc ác hơn.
Trong bối cảnh đó, ngày 27/5/1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức đến chùa Ấn Quan bạch với Trưởng Trị Sự giáo hội Tăng già Nam Việt và đã gửi một bức tâm thư, xin được tự thiêu để bảo vệ Phật giáo cũng như sự tồn vong của đất nước Việt Nam.
Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu
Ngày 20/4 nhuận/Quý Mão (tức 11/6/1963), trong cuộc diễu hành rước di ảnh của các vị Thánh tử đạo của trên 800 vị thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và Phật tử, Hòa thượng Thích Quảng Đức ngồi trong xe ô tô dẫn đầu đoàn.
Đến ngã tư đường Phan Đình Phùng và đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu và đường Cách Mạng Tháng Tám), Hòa thượng Thích Quảng Đức từ chiếc xe hơi bước xuống. Ngài tiến đến vị trí giữa ngã tư, nhẹ nhàng ngồi xuống, nét mặt bình thản, chân vắt kiết già, điềm nhiên châm lửa tự thiêu.
Ngọn lửa bùng cháy lớn, bốc cao phủ kín thân nhưng Ngài vẫn an nhiên chắp tay tĩnh tọa như một pho tượng đồng đen trước sự chứng kiến của nhiều Tăng, Ni, Phật tử và nhân dân. Khoảng 15 phút sau, lửa tàn, Hòa thượng cúi xuống mấy lần như chào đại chúng, rồi Ngài nằm ngửa ra và tay còn kiết ấn.
Xem thêm: Tiểu sử Hòa thượng Thích Quảng Đức
Trái tim bất diệt của Hòa thượng Thích Quảng Đức
Trái tim thiêu 4000 độ C không cháy
Sau đó, nhục thân của Hòa thượng Thích Quảng Đức được đưa về An Dưỡng Địa để làm lễ hỏa thiêu. Trước sự chứng kiến của hơn năm mươi nhà báo quốc tế, nhục thân của Hòa thượng được thiêu từ sáng đến chiều với nhiệt độ hàng nghìn độ, sức nóng của ngọn lửa có thể thiêu rụi nhiều thứ. Tuy nhiên, trái tim của Ngài vẫn còn đỏ hồng. Người ta có mua thêm xăng để đốt lần hai nhưng trái tim vẫn thế. Lần kế tiếp, trái tim được đưa vào lò đốt của máy phát điện với nhiệt độ 4000 độ C nhưng khi bỏ ra trái tim vẫn còn vẹn nguyên.
Điều nhiệm màu xảy ra đúng như lời Ngài dặn dò đêm trước ngày tự thiêu: “Sau khi thân tôi biến thành tro bụi sẽ còn lưu lại một vật gì đó cho đời, thì đó là kết quả tốt đẹp về lời phát nguyện của tôi hiến dâng thân này cho Đạo Pháp và đó cũng là thành quả đời tu hành của tôi”.
Giải mã trái tim bất diệt của Hòa thượng Thích Quảng Đức
Trái tim của Hòa thượng Thích Quảng Đức là trái tim bất diệt không thể cháy dù có cho vào lò điện hơn 4000 độ C. Trái tim của Ngài chính là kết tinh của tâm nguyện - trí chứng - định lực nên trái tim ấy trở thành kim cương bất hoại. Trái tim của Ngài cũng là một trái tim như bao người, cũng bằng máu và thịt nhưng khi thiêu đến hàng ngàn độ, trái tim vẫn nguyên vẹn, trong khi xương thịt đã cháy rã hết. Đó là sự vi diệu màu nhiệm của Phật Pháp.
Trên thế giới cũng như ở tại Việt Nam, có rất nhiều Hòa Thượng, Cao Tăng sau khi hỏa thiêu thu được những cái viên kết tinh lại giống như ngọc người ta gọi là Xá Lợi. Tại Việt Nam, ở chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội) có nhục thân của hai vị thiền sư là Vũ Khắc Minh và Vũ khắc Trường, dù hai Ngài đã viên tịch 400-500 năm rồi nhưng toàn thân các Ngài gần như không hoại. Do trận lụt năm 1971, nhục thân thiền sư Vũ Khắc Trường bị hoại mất một phần chân, còn nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh gần như còn nguyên. Hay nhục thân của Hòa thượng Như Trí ở chùa Tiêu Sơn, thiền sư Chuyết Chuyết ở chùa Phật Tích,... Nhục thân của các Ngài đều để mấy trăm năm không phải dùng thuốc gì để ướp mà vẫn còn nguyên.
Sự nhiệm màu trong Phật Pháp không thể coi là mê tín. Bởi Phật Pháp là tâm linh, trái tim của Hòa thượng Thích Quảng Đức là minh chứng cho Phật Pháp thật sự là linh ứng, cao siêu và màu nhiệm, đủ để cho muôn đời nhân thế tin được Phật Pháp là chân thật, không hư dối. Phật Pháp là con đường duy nhất cứu chúng sinh thoát khổ. Trái tim của Ngài thực sự là vĩ đại, là báu vật của Phật giáo Việt Nam và cũng là báu vật của đất nước Việt Nam chúng ta. Nếu chúng ta cung kính đảnh lễ trái tim Hòa thượng Thích Quảng Đức thì chúng ta sẽ được phước báu.
Hành động vị Pháp thiêu thân của Hòa thượng Thích Quảng Đức không những là một công đức to lớn đối với Phật giáo Việt Nam mà cũng là một đóng góp vô cùng cao quý cho đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc. Sự ra đi của Ngài có thể nói là một sự huy hoàng của dân tộc. Hòa thượng Thích Quảng Đức đấu tranh cho Phật giáo, cho bình đẳng tôn giáo nhưng cũng chính là đấu tranh cho sự bình đẳng dân chủ, cho quyền con người, tự do tín ngưỡng của con người.
Chúng ta thật tự hào vì có một vị sư chí khí, quật cường như vậy. Ngài đã có quyết định tự thiêu, dùng cả mạng sống để đem lại lợi ích cho Phật pháp, cho chúng sinh.
Trái tim bất hoại là sự kết tinh của tâm, của trí chân thật tu hành, cứu khổ chúng sinh của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Ngài chính là tấm gương tu hành sáng ngời cho Tăng Ni, Phật tử.
Nếu còn điều gì thắc mắc, quý độc giả có thể để lại bình luận dưới bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ tại đây để được giải đáp. Kính chúc quý vị mạnh khỏe, an lạc!