Cúng giao thừa (ngày 29/12/Tân Sửu) như thế nào để hưởng cả năm may mắn?
Giao thừa - giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là thời khắc thiêng liêng đối với người Việt. Việc thờ cúng trong khoảnh khắc này cũng luôn được mọi gia đình tất bật quan tâm, sắp xếp để tiễn những điều không vui của năm cũ và chào đón những điều tốt đẹp của năm mới.
Vậy cúng giao thừa thế nào để được đem lại tài lộc và may mắn cho gia đình?
Kính mời quý Phật tử cùng đón đọc bài viết dưới đây qua sự chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh để biết cách cúng giao thừa đúng Pháp!
Giao thừa là gì? Ý nghĩa đêm giao thừa?
Theo quan niệm dân gian, đêm giao thừa là đêm rất quan trọng, là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đêm giao thừa được gọi là đêm Trừ tịch. Chữ “tịch” trong tiếng Hán có nghĩa là đêm tối hoặc vắng lặng, yên lặng; cũng có nghĩa là trừ bỏ; một nghĩa khác nữa là đón, mở mang. Đêm Trừ tịch (giao thừa) có ý nghĩa là trừ bỏ những điều không may của năm cũ để đón điều tốt đẹp của năm mới. Với người Việt, giao thừa là thời khắc rất linh thiêng, quan trọng và ý nghĩa.

Giao thừa là thời khắc linh thiêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới (ảnh minh họa)
Cúng giao thừa theo quan điểm dân gian
Do ảnh hưởng phong tục từ Trung Hoa, cùng với một số nước châu Á, người Việt thường làm lễ giao thừa vào đêm cuối cùng của năm âm lịch cũ, thường là đêm 30 Tết (hoặc 29 Tết tháng thiếu).
Theo đó, lễ giao thừa (trừ tịch) thường được sắp làm hai mâm: Một mâm trong nhà và một mâm ngoài trời. Mâm ngoài trời thường được bày cúng, cầu khấn thần Hành khiển - vị thần thực hành và điều khiển các việc trong năm.

Mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời (ảnh minh họa)
Theo quan niệm dân gian, mỗi năm có một vị thần Hành khiển khác nhau và đêm giao thừa là thời khắc chuyển giao nhiệm kỳ của thần Hành khiển năm cũ cho vị thần Hành khiển năm mới. Vì thời khắc giao thừa diễn ra rất nhanh chóng nên việc bàn giao công việc của các vị cũng rất gấp gáp, vội vã; và do đang “vội” nên các vị sẽ không vào nhà. Cho nên, lễ cúng ngoài trời là cúng cho thần Hành khiển, còn lễ cúng trong nhà là cúng Thổ Công, Thổ Địa, gia tiên, tiền tổ thường được gia chủ chú trọng bày lễ với mong muốn các vị phù hộ độ trì cho gia đình năm mới được may mắn.
Tuy quan niệm vị thần Hành khiển đã có từ lâu trong dân gian nhưng chúng ta thấy điều đó là không đúng. Bởi trên đất nước Việt Nam, bên cạnh người Việt còn có dân tộc khác, họ không ăn Tết theo lịch âm; và trong cộng đồng người Việt cũng có nhiều người theo tôn giáo khác nhau nên họ không làm lễ cúng như chúng ta. Vì thế, quan niệm cúng ngoài trời cho vị quan Hành khiển chỉ là một quan niệm của dân gian.
Cúng giao thừa như thế nào thì được lợi ích nhất?
Theo lời Phật dạy trong kinh điển, chúng ta biết rằng có rất nhiều vị thần linh, Hộ Pháp, Thiện thần, Thần đất, Kiên Lao địa thần… cho nên chúng ta có thể bạch khấn cúng các vị một mâm cúng bên ngoài trời. Còn trong nhà, chúng ta có thể cúng Phật, cúng gia tiên tiền tổ. Chúng ta có đặt hai mâm lễ cúng ngoài trời, trong nhà hoặc một mâm lễ cúng cũng không sao.
Tất cả mâm cúng đều nên làm chay tịnh. Chúng ta có thể bày hai hoặc ba lễ: nếu có bàn thờ Phật, chúng ta bày riêng một lễ, một ban nữa là lễ cúng gia tiên, còn một mâm chúng ta khấn, cúng các vị Hộ Pháp, Thiện thần. Để thờ cúng giao thừa đúng Pháp, chúng ta có thể tham khảo link bài cúng giao thừa của website chùa Ba Vàng:
>>> https://chuabavang.com/bai-cung-giao-thua-tet-nguyen-dan-d2443.html
Trong đêm cúng giao thừa cũng như ba ngày Tết, chúng ta theo tinh thần Phật dạy, khi cúng Phật, gia tiên tiền tổ, chúng ta làm mâm cơm cúng chay tịnh, bởi như trong kinh Địa Tạng, Đức Phật dạy cúng tế không sát sinh là được lợi ích. Bên cạnh đó, chúng ta nên làm phước, cúng dường Tam Bảo, hồi hướng cho gia tiên tiền tổ được phước báu. Không nên đốt vàng mã, sát sinh để cúng tế vì như thế là không đúng lời Phật dạy.

Mâm cơm chay cúng Phật đêm giao thừa (ảnh minh họa)
Trong đêm giao thừa, tốt hơn nữa là cả gia đình nên tập trung trước ban thờ Phật, lễ Phật, tụng kinh tán dương công đức của Tam Bảo, hay kinh Điềm lành để cho cả nhà, con cháu đều được nghe về kinh Điềm lành, hiểu và thực hành theo kinh Điềm lành thì ai cũng được lợi ích. Sau lễ giao thừa, các con các cháu cùng nhau chúc Tết ông bà, bố mẹ; bố mẹ chúc Tết và răn dạy con cháu. Sau đó, cả gia đình sẽ cùng nhau ăn đĩa xôi, đĩa chè, uống trà, đàm luận đạo đức, mọi người cùng chuyện trò, tổng kết công việc năm cũ và vạch ra phương hướng năm mới để cùng giúp đỡ, đùm bọc nhau thì hạnh phúc của gia đình sẽ được tăng lên rất nhiều.

Gia đình tụng kinh Điềm lành cầu an cho năm mới (ảnh minh họa)
Việc cúng lễ giao thừa là tục lệ tốt đẹp của truyền thống dân tộc Việt nhưng chúng ta phải hiểu đúng bản chất, may mắn hay không là do phúc lộc của mình, do chính mình tu tập thế nào; chứ không phải do bày mâm cao, cỗ đầy thì quan Hành khiển sẽ phù hộ. Nếu chúng ta cúng lễ đúng Pháp, tu tập đúng lời Phật dạy thì phước lộc mới sinh ra. Mong rằng, qua lời chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh, quý Phật tử biết cách cúng lễ giao thừa đúng Pháp để tăng trưởng phúc báu cho chính mình và gia đình để năm mới được bình an, tốt đẹp.