Sát sinh là gì? Tránh sát sinh được lợi ích thế nào?
Mục Lục [Ẩn]
Không sát sinh là một trong năm giới người Phật tử tại gia cần giữ gìn để có được cuộc sống an lành, hạnh phúc. Tại sao Đức Phật lại chế ra giới này để những người đệ tử thực hành?
Kính mời quý Phật tử và các bạn cùng tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây.
Sát sinh nghĩa là gì?
Sát sinh là đoạn đi mạng sống của những chúng sinh hữu tình. Chúng cũng có tình cảm, biết đau, biết sợ, biết yêu quý mạng sống của chính mình.
Trong giới thứ nhất, Đức Phật dạy, người sống tại gia nên tu đức từ bi, không nên sát sinh. Bởi tất cả muôn loài, vạn vật có sự sống đều là chúng sinh hữu tình; chúng đều muốn sống trọn vẹn một kiếp sống.
Không sát sinh tránh được 3 kết quả khổ đau
1. Sự oán thù, chiến tranh
Trong kinh Phật kể câu chuyện vua Lưu Ly bị dòng họ Thích làm nhục vì là con của nô tỳ (tức Hoàng hậu Mạt Lợi sau này) mà khởi lòng thù hận, liền đem quân sang Ca Tỳ La Vệ giết toàn bộ dòng họ Thích. Đức Phật đã ba lần đứng ra ngăn cản khiến vua Lưu Ly rút quân về nước. Đến lần thứ tư, vua Lưu Ly ồ ạt khởi binh sang đánh, Đức Phật không ngăn cản nữa vì Ngài biết đây là ác nghiệp mà dòng họ Thích đã đến thời phải trả quả báo.
Nhìn thấy dòng họ Thích bị vua Lưu Ly giết hại, Tôn giả Mục Kiền Liên thương xót, liền dùng thần thông cứu tất cả người trong dòng họ Thích còn lại thu vào trong bình bát của mình bay lên hư không. Đến khi tàn cuộc chiến tranh, Tôn giả hạ bình bát mở ra, bên trong là một bát máu, không một ai còn sống sót.
Đức Phật dạy nguyên nhân của việc này: Tiền kiếp của vua Lưu Ly là con cá lớn và quân binh của ông ta là những con cá nhỏ sống trong một cái ao. Người dòng họ Thích khi đó là những người dân đi tát ao, bắt và giết những con cá trong ao đó. Đến kiếp này, nhân duyên hội đủ khiến họ báo thù và giết hại nhau. Cũng trong tiền kiếp đó, Đức Phật là một cậu bé, tuy không giết cá nhưng vì lấy gậy đập đầu con cá ba cái nên kiếp này, Ngài cũng phải chịu quả báo bị đau đầu ba ngày.
Từ câu chuyện này, chúng ta thấy rằng, sát sinh cũng là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh. Chúng sinh nào cũng quý mạng sống của mình. Vì thế khi bị giết hại, loài vật cũng chất chứa những oán hờn, phẫn nộ, đau đớn, sợ hãi; những oán khí này mỗi ngày chất chứa, tích tụ ngập tràn thế giới. Cho nên, thế giới hiện nay nhiều tai ương, hoạn nạn là do nghiệp sát sinh này chiêu cảm đến.
2. Không được thọ hưởng các tài sản lớn
Trong kinh “Sát sanh - Lợi bất cập hại”, Đức Phật dạy rằng: “Ta cũng không thấy, cũng không nghe người đồ tể, sau khi giết các con dê, heo, bò… được hưởng, được sống giữa các tài sản lớn. Vì sao? Vì người đồ tể giết các loài thú, với ác ý nhìn các loài thú bị giết; vì vậy người không được hưởng, được sống giữa các tài sản lớn”.
Quả đúng như lời Phật dạy, có lẽ rất nhiều người biết đến câu chuyện nổi tiếng của một “làng thịt chó”. Trước đây, làng này rất phát triển nghề kinh doanh thịt chó nhưng cuối cùng các cửa hàng đều phải đóng cửa, các gia đình đều gặp chuyện tai ương, tài sản tiêu tan.
Vì vậy, trong các nghề nghiệp, Đức Phật dạy: Sát sinh là ác nghiệp. Những người hiểu được lời Phật dạy mà hành nghề sát sinh thì nên chuyển nghề để tránh những ác nghiệp.
3. Nỗi khổ trong ba đường ác
Nếu 10 thiện nghiệp dẫn chúng sinh đến nơi tốt đẹp và thanh tịnh thì 10 ác nghiệp (trong đó có nghiệp sát sinh) lại dẫn chúng sinh đi trong luân hồi sinh tử, không được sinh vào những nơi cao quý, không được làm thân người, thân Trời mà phải đọa xuống ba đường ác.
Trong kinh Trường thọ và đoản thọ, Đức Phật dạy: “Có người đàn bà hay người đàn ông sát sinh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại, đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy, sau khi mạng chung bị sanh vào cõi dữ, ác thú. Nếu được tái sanh trong loài người, người ấy phải đoản mạng”.
Phật dạy, những người sát sinh thì sau khi chết, nghiệp lực dẫn họ vào ba đường ác (địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ) rất đau khổ. Trong kinh Địa Tạng cũng mô tả sự thống khổ nơi địa ngục: bị băm, chém, xay, giã với những hình thức tra tấn khủng khiếp hơn cả trần gian. Nếu tái sinh làm súc sinh thì bị người giết mổ trở lại. Nếu ở cõi ngạ quỷ cũng phải chịu vô lượng những nỗi khổ. Thời gian chịu quả báo của những người này có thể tính đến nghìn năm, vạn năm; hết quả báo ấy, khi tái sinh làm người lại bị nhiều bệnh tật và không được thọ mạng lâu dài.
Nên làm gì nếu lỡ sát sinh?
1. Sám hối
Chúng ta sống ở tại gia có thể không tránh khỏi chuyện sát sinh. Nếu chúng ta biết lễ Phật sám hối hoặc đối trước chư Tăng có giới đức thanh tịnh để sám hối thì chúng ta cũng sẽ thấy nhẹ nhàng tội lỗi hơn.
Xem thêm: Tìm hiểu về ngũ giới và cách tu tập vượt thắng ngũ giới để cuộc sống được hạnh phúc, an vui
2. Tác phúc, phóng sinh
Với những người bất đắc dĩ làm nghề sát sinh thì chúng ta nên khởi tâm từ đối với chúng sinh: “Đây là vì kế sinh nhai, không còn kế nào khác; chúng tôi thật tâm rất áy náy, không muốn, không thích thú với việc sát sinh nhưng chúng tôi bắt buộc, miễn cưỡng phải làm”. Khi thật tâm như vậy thì tâm chúng ta cũng nhẹ bớt một phần tội lỗi.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể làm các việc phúc thiện để tăng trưởng phước báu như phóng sinh. Từ đó, chúng ta hồi hướng phước báu cho những con vật mà mình đã sát sinh. Con vật có thể chưa hết oán nhưng bằng cách này, có thể giúp chúng ta nhẹ bớt tội lỗi của mình. Việc tác phúc như vậy có thể giúp cho con vật bị giết hại được tăng phước báu, được sinh vào nơi tốt đẹp thì chúng sẽ không kết oán với chúng ta nữa.
Tránh sát sinh đem lại rất nhiều lợi ích cho mỗi chúng ta và muôn loài. Vì vậy, theo lời Phật dạy, chúng ta nên tu đức bình đẳng, tu tâm từ bi và tôn trọng sự sống của chúng sinh. Nếu mỗi người đều làm được như vậy thì thế giới này sẽ rất tốt đẹp, tâm chúng ta sẽ luôn được an lạc, hạnh phúc.