Tất cả chúng ta cần phải thực hành công hạnh sau khi phát tâm Bồ đề!
Mục Lục [Ẩn]
Phát tâm Bồ đề bao gồm Bồ đề nguyện và Bồ đề hạnh. Bồ đề nguyện là chúng ta mong muốn cho mình tu tập để thành tựu Vô thượng Bồ đề. Bồ đề hạnh là các việc làm để thành tựu được Bồ đề đạo quả. Vậy sau khi phát nguyện Bồ đề, người đệ tử Phật cần thực hành những công hạnh gì?
Kính mời quý Phật tử cùng theo dõi lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh qua bài viết dưới đây!
1. Đối với người xuất gia
Công hạnh Bồ đề đối với người xuất gia đó là phải luôn ghi nhớ chí nguyện cao cả “Trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh”. Phải nghiêm trì giới luật, tu hành, thúc liễm thân tâm để là biểu mẫu, là mô phạm (chuẩn mực) cho muôn loài, là Thầy của cõi Trời, người. Chư Tăng cần thực hành các hạnh hiếu với Sư trưởng, tu 3 tâm: cung kính, vâng lời, biết ơn và thực hành tất cả công hạnh Bồ đề trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo.
2. Đối với người Phật tử tại gia
Đức Phật trong vô lượng kiếp Ngài đã phát Bồ đề tâm và hành Bồ tát đạo. Còn Phật tử tại gia chúng ta muốn tiến tới quả giác ngộ như Đức Phật thì cần thực hành công hạnh Bồ đề như thế nào?
2.1. Chân thật thực hành, giữ gìn giới Pháp
Giới chính là nền tảng đạo đức của chúng ta. Dù người xuất gia hay tại gia cũng đều phải lĩnh thọ, tu trì giới Pháp. Trong kinh Di Giáo, Đức Phật căn dặn người đệ tử Phật phải lấy giới làm thầy, phải tôn trọng, cung kính giới như viên ngọc Ma Ni, như ở chỗ tối tăm được thấy sáng, như người nghèo được của báu, như chiếc phao nổi để chúng ta bám vào mà vượt qua biển sinh tử.
Không có giới không thể đi qua biển khổ, không có giới thì cũng không thể thành tựu được nguyện Bồ Đề. Tức là tu hành mà rời giới thì chỉ đắc ma quả, không thể đắc Thánh quả. Một người đệ tử Phật không còn giới đức thì không thể độ được chúng sinh.
Đức Phật cũng dạy rằng, người đệ tử Phật chân chính là người yêu kính giới, giữ giới còn hơn giữ tròng mắt của mình. Người đệ tử Phật giữ giới là người đang đi trên con đường giải thoát. Người đệ tử Phật giữ giới tinh nghiêm là người hoằng dương Chính Pháp của Phật. Bởi vậy, người nào giữ gìn giới Pháp, người đó ắt sẽ được gần Đức Như Lai.
Cho nên, công hạnh đầu tiên mà Phật tại gia cần thực hành sau khi phát tâm Bồ đề đó là tinh tấn thực hành, giữ gìn giới 5 giới đã thọ nhận.
2.2. Thọ trì Bát quan trai giới đầy đủ
“Quan” là cửa, “trai giới” là thanh tịnh. Bát quan trai giới là 8 cửa mở ra con đường an lạc và cũng là 8 cửa đóng lại những việc ác dẫn chúng ta đi vào 3 đường ác. Trong kinh Ưu Bà Tắc Giới Kinh, Đức Phật dạy: Công đức tu tập trai giới là không thể nghĩ bàn, tất cả mọi tội ác đều bị tiêu diệt. Người nào thọ trì Bát quan trai giới, người ấy sẽ được niềm vui vô lượng của cõi người và cõi trời. Chính người đó đang dùng chuỗi ngọc anh lạc của Vô thượng Bồ đề để trang nghiêm tự thân. Vì thế mà họ thành tựu được vô lượng công đức.
Vậy nên, Phật tử tại gia cần lấy việc thọ trì Bát quan trai giới đầy đủ làm công hạnh cho mình và lấy công hạnh đó để hồi hướng về Vô thượng Bồ đề.
2.3. Tinh tấn tu học, tư duy và thực hành Pháp
Trong bài kinh “5 thứ báu khó được ở đời” thuộc bộ kinh Trường A Hàm, Đức Phật dạy người nghe giảng Phật Pháp mà khởi được niềm tin và hiểu được sâu sắc lời Phật dạy thì đó là người quý hiếm trong đời và người như vậy mới có thể làm lợi ích cho Phật Pháp. Nếu chúng ta không học Pháp thì không hiểu được lời Phật dạy, không biết bổn phận của mình là như thế nào, không biết cách hộ trì cho Tam bảo ra sao.
Không những thế, Pháp Phật không phải để nói cho hay, không chỉ để thuyết giảng mà Pháp Phật để thực hành. Nghe Pháp, hiểu được Pháp, tin Pháp thì phải thực hành. Có thực hành mới cảm nhận được lợi ích từ Phật Pháp. Mặt khác, nếu chúng ta học mà không thực hành thì chỉ là người lý thuyết suông.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Học phải đi đôi với hành”. Cũng vậy, người đệ tử tu học Phật cũng không thể rời xa pháp hành, vì nếu học mà không thực hành chỉ là “ăn bánh vẽ”, không có bất kỳ lợi ích nào từ giáo Pháp của Như Lai.
Cho nên để thành tựu nguyện Bồ đề, các Phật tử phải thực hành công hạnh chăm chỉ tu học Phật Pháp, tư duy chính Pháp và thực hành Pháp để phát khởi niềm tin vào lời dạy của Đức Thế Tôn; từ đó mở ra chính kiến cho bản thân cũng như biết cách hộ trì Tam bảo được lợi nhất. Và đây là công hạnh Bồ đề thứ ba mà người Phật tử tại gia cần ghi nhớ.
2.4. Bảo vệ Tam bảo, giữ gìn mạng mạch Phật Pháp
Phật Pháp là lương dược cao quý. Đức Thế Tôn ra đời với mục đích duy nhất là để cứu khổ chúng sinh, đặc biệt nhất là cứu khổ chúng chư Thiên và loài người. Cho nên, Phật Pháp không dành riêng cho bất kỳ ai. Phật Pháp là của tất cả chúng sinh. Phật Pháp không phân biệt quốc gia, dân tộc, giai cấp, vùng miền và đặc biệt là không phân biệt tôn giáo. Tất cả chúng sinh đều là chúng sinh khổ và cần được biết đến Phật Pháp để giải quyết các nỗi khổ cho mình. Chính vì lẽ đó chúng ta hiểu rằng gặp được Phật Pháp là vô cùng quý.
Khi Đức Thế Tôn chuyển bánh xe Pháp và thuyết giảng bài Pháp đầu tiên cho 5 anh em ông Kiều Trần Như, Ngài đã dạy rằng: Các ông hãy đi, đi mỗi người một phương, đừng đi chung hai người. Hãy đi để làm lợi ích cho số đông, lợi ích cho chư thiên và nhân loại.
Bên cạnh đó, với bổn phận của người cư sĩ, Phật tử tại gia cần làm các việc hộ trì cho việc tu tập và hoằng dương chính Pháp của chư Tăng. Như trong Bồ Tát giới kinh, Đức Phật dạy: Người cư sĩ phải khuyến tấn nhau biết bố thí, cúng dường, làm phước, xây dựng tinh xá, ủng hộ những điều kiện vật chất tối thiểu cần thiết để chư Tăng tu hành. Thời Đức Phật có hai vị đại thí chủ là ông Cấp Cô Độc và bà Tỳ Xá Khư. Hai vị đại thí chủ này đều hết lòng ủng hộ cho Phật Pháp, ủng hộ cho Tăng chúng cho nên Phật Pháp rất hưng thịnh.
Học gương của các vị đại thí chủ, để duy trì mạng mạch Phật Pháp ở thế gian, các Phật tử cần ghi nhớ công hạnh tiếp theo đó là phải tinh tấn tu học, phát tâm làm phước, bố thí, cúng dường, xây dựng Tam Bảo.
Mong rằng qua bài viết trên, quý Phật tử hiểu được các công hạnh cần phải thực hiện sau khi phát tâm Bồ đề; từ đó tinh tấn thực hành để sớm đắc thành đạo quả cũng như góp phần lan tỏa ánh sáng Phật Pháp phổ rộng khắp muôn nơi đúng như lời căn dặn của Đức Thế Tôn.