6 tâm cần có để phát khởi "hạt giống Bồ đề" trong mỗi chúng ta
Mục Lục [Ẩn]
Bồ đề tâm là tâm căn bản hướng dẫn cho chúng sinh đi trên lộ trình đạt được quả vị Phật. Bởi phước báu của việc khởi tâm Bồ đề là vô cùng to lớn cho nên trong Pháp thoại: “Công đức phước báu thù thắng của việc phát tâm Bồ đề”, Thầy Thích Trúc Thái Minh chia sẻ 06 nhân duyên để phát khởi được hạt giống Bồ Đề dũng mãnh nhất.
Ban Quản Trị kính mời quý Phật tử cùng bạn đọc theo dõi trong bài viết dưới đây!
1. Tâm giác ngộ
Muốn phát khởi được tâm Bồ đề, trước tiên chúng ta phải giác ngộ.
Thứ nhất, giác ngộ thế gian, thân người và vạn Pháp là vô thường. Tất cả đều biến đổi, hoại diệt, không có gì trường tồn, bất biến ở thế gian này. Nếu chúng ta biết được mỗi ngày qua đi là cái chết lại đến gần, một cái Tết đi qua thì cái chết lại gần hơn nữa, dường như nó đang đợi đón mình ở đầu đường thì chúng ta mới nghĩ đến chuyện tu hành. Cho nên nếu chúng ta giác ngộ được lý lẽ vô thường thì chúng ta mới tinh tấn tiến tu, không lững thững, chần chừ.
Thứ hai, giác ngộ cuộc đời là biển khổ. Ví dụ chúng ta đang bị bệnh ghẻ rất ngứa nên rất khổ. Nhưng khi ngứa thì chúng ta gãi, lúc ấy sẽ cảm thấy bớt ngứa và thoải mái hơn. Gãi là để bớt khổ cho người đang ngứa ghẻ, nhưng nếu không bị ghẻ mà cứ gãi thì đó lại là khổ. Cho nên, đời người cũng thế. Các trò tiêu khiển, trò vui chúng ta bày ra chẳng qua để cho chúng ta bớt khổ, mình tạm gọi là vui. Còn bản chất thật của cuộc đời là đau khổ.
Thứ ba, giác ngộ rằng thế gian là Pháp nhân duyên giả hợp mà thành, không có gì là thật ta cũng không có cái gì là thật mình. Thân người là cát bụi hợp thành, trong nhà Phật gọi là tứ đại: đất, nước, gió, lửa. Hết duyên tứ đại này sẽ tan rã, quay về không, như câu nói: “Sinh không, tử lại hoàn không”. Cho nên, chúng ta quả thật sinh cũng là không, tử rồi cũng lại thành không.
Chính vì vậy, cuộc đời này như huyễn hóa, không có cái gì là thật mới gọi là vô ngã. Khi chúng ta hiểu được sự thật về cuộc đời là vô thường, là khổ đau và lại còn vô ngã thì chúng ta không còn gì đáng để bám chấp vào cuộc đời này nữa. Chúng ta phải trang bị cho mình sự giác ngộ thì mới phát tâm Bồ Đề một cách chân thật. Nếu còn nghĩ cuộc đời còn nhiều điều vui mà mình chưa được hưởng thụ, cuộc đời này còn thật lắm thì chúng ta sẽ khó phát khởi được tâm Bồ Đề.
2. Tâm bình đẳng
Bình đẳng giữa người với người, người với muôn loài, muôn vật. Chúng sinh đều bình đẳng, đều ham sống, sợ chết; đều muốn hạnh phúc và an vui; chúng ta và Phật đều có chung Phật tính như nhau. Đó là tính bình đẳng.
Bản chất của Pháp giới này là bình đẳng, vạn vật đều bình đẳng trong nhân quả, trong tự tính. Nếu chúng ta giác ngộ được tâm bình đẳng, chúng ta sẽ thấy được mình với người không khác nhau. Khi người mong muốn hạnh phúc, an vui thì mình cũng thế và mình phải đem lại hạnh phúc cho người. Ngược lại, người không muốn đau khổ, ta cũng không muốn đau khổ, thì ta không nên mang lại đau khổ cho người. Trong nhà Nho cũng dạy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ưa nhân”. Những gì mình không muốn, mình không thích thì mình cũng đừng đem cho người.
3. Tâm từ bi
Có thể nói đây là một trong những tâm quan trọng nhất để phát tâm Bồ đề. Từ bi là tình thương yêu rộng lớn, không phân biệt với tất cả mọi người và muôn loài. Ở trên đời này, chúng ta có nhiều thứ tình: Tình yêu nam nữ, tình thương của cha mẹ với con cái, tình thương của anh em, tình thương của bạn bè, tình yêu quê hương đất nước, dân tộc,… Và trong đó có tình đặc biệt, gọi là tình từ bi nhưng tình này khác hẳn với các thứ tình kia. Từ bi cũng là yêu thương, nhưng mà yêu thương tất cả không phân biệt, không dành riêng cho một ai, không trói buộc, không chiếm hữu, không sở hữu. Trong Phật Pháp, từ bi chính là muốn cho chúng sinh hết khổ đau, được an vui và hạnh phúc.
Trong kinh Đức Phật dạy: Để phát sinh được tâm từ bi chúng ta phải quán chiếu và tư duy.
- Thứ nhất, chúng ta quán chiếu để thấy tất cả chúng sinh không có nơi nương tựa, bơ vơ, như gà lạc mẹ, không có chỗ nương tựa. Từ đó, ta khởi tâm thương yêu, thương xót chúng sinh.
- Thứ hai, chúng ta quán để thấy chúng sinh có tính cang cường không điều phục được, cho nên thương xót. Chúng ta ngang ngược, ngoan cố trong cái si mê, bảo thủ, chấp trước của mình. Tính ngang tàn này sẽ dẫn chúng sinh đến cái khổ, thất bại, bởi chưa bao giờ biết tu tâm, tích đức, điều phục chính mình.
- Thứ ba, Đức Phật quán chiếu thấy chúng sinh nghèo thiếu căn lành mà thương xót. Quả thật, chúng ta trong nhiều kiếp huân tập cái ác, cho nên không ai dạy nhưng tự bản thân cũng biết làm điều xấu ác. Bởi chúng ta thiếu khuyết căn lành nhiều, tính thiện ít, căn ác thì giàu nên mới khởi tâm thương xót.
Thứ nữa, quán để thấy chúng sinh mê mải, chìm đắm trong đêm dài vô minh, không bao giờ nghĩ thức tỉnh. Chúng sinh biết cuộc đời là những sự buộc ràng đau khổ nhưng vẫn cứ lao vào. Giống như những con thiêu thân thấy ánh sáng, thấy lửa thì lao vào rồi bị bỏng, giãy ra rồi lại lao vào tiếp. Chúng ta vẫn hướng đến sự đau khổ mới lạ cho nên Chư Phật, Bồ Tát mới thương xót chúng sinh.
4. Tâm hoan hỷ
Hoan hỷ bao gồm: tùy hỷ tâm và hỷ xả tâm. Chúng ta phải tùy hỷ với tất cả công đức, phước lành của mọi người, khi thấy ai làm việc tốt, việc thiện chúng ta không ganh ghét, đố kỵ. Còn tâm hỷ xả là khi chúng sinh lỡ gây ác với mình thì mình không chấp, không oán hận họ. Người như vậy mới có thể phát được tâm Bồ Đề.
Tâm Bồ đề là tâm nguyện sẽ thành Phật và độ hết chúng sinh. Nếu chúng ta phát tâm Bồ đề mà tâm mình còn hận thù và oán trách thì không được gọi là tâm Bồ đề. Cho nên chúng ta phải phát tâm hoan hỷ, tùy hỷ và hỷ xả.
5. Sám hối phát nguyện
Trong nhiều kiếp luân hồi chúng ta tạo ra vô lượng tội lỗi. Thân chúng ta bao giờ được thân như thân Phật mới gọi là thân hết tội. Cho nên chúng ta phải lấy công chuộc tội bằng cách ăn năn, phát lộ sám hối và nguyện sẽ làm cho hưng vượng Phật Pháp. Vì sám hối nghiệp chướng mà phát Bồ đề tâm, bởi đó là một cách tiêu trừ tội chướng rất nhanh. Tội lỗi của chúng ta như băng tuyết kết lại, mặt trời giống như tâm Bồ đề, mặt trời lên bao nhiêu thì băng tuyết cũng sẽ tan hết. Chính vì vậy ai có tội chướng, nghiệp chướng nặng hãy nên phát tâm Bồ đề.
6. Tâm bất thoái chuyển
Để phát tâm Bồ đề chúng ta còn phải có tâm trường viễn. Hòa Thượng Thích Thanh Từ dạy: “Tâm trường viễn không thoái chuyển”. Tức là tâm Bồ đề phải lâu dài trường viễn, không có ý nghĩ thoái chuyển. Có thể lúc nào đó chúng ta mỏi mệt trên con đường Bồ đề, gặp khó khăn chướng ngại bao nhiêu nhưng chúng ta vẫn nguyện không thoái chuyển tâm Bồ đề.
Hy vọng rằng, quý Phật tử đã hiểu sâu được sáu nhân duyên để phát khởi tâm Bồ đề. Bởi ân Đức của tâm Bồ đề rất lớn, cho nên chúng ta hãy phát Bồ đề tâm thật kiên cường và thực hành công hạnh Bồ Đề để được quả ngọt trong nhiều kiếp vị lai.