5 phương pháp để ăn năn sám hối
Mục Lục [Ẩn]
- Hiểu thế nào về sám hối?
- Tại sao phải sám hối?
- Ý nghĩa và lợi ích của Pháp sám hối
- Các phương pháp sám hối
- 1. Tác Pháp sám hối
- 2. Thủ tướng sám hối
- 3. Hồng danh sám hối
- 4. Thật tướng sám hối (hay vô sinh sám hối)
- 5. Phát tâm Bồ đề
- 3 lễ sám hối của chùa Ba Vàng
- 1. Lễ sám hối chuyển hóa
- 2. Lễ sám hối Pháp đàn Ngũ Bách Danh
- 3. Lễ sám hối Pháp đàn Lương Hoàng Bảo Sám
“Sám hối” là cụm từ rất quen thuộc đối với những người tu học Phật Pháp. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng: Sám hối có nghĩa thay thế cho từ “xin lỗi”. Nhưng liệu “sám hối” có đơn giản chỉ là xin lỗi? Hay sám hối còn mang thêm nhiều ý nghĩa nào khác nữa?
Hãy cùng theo dõi lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh qua bài viết dưới đây!
Hiểu thế nào về sám hối?
Theo chữ Hán, “sám” tức là sám kỳ tiền khiên. Trong đó, “tiền” là trước, “khiên” là lỗi lầm, tội lỗi cho nên sám kỳ tiền khiên tức là ăn năn, day dứt về những lỗi lầm trước kia mình đã gây tạo trong quá khứ.
“Hối” là hối kỳ hậu quá, chữ “quá” có nghĩa là tội lỗi. Cho nên, “hối kỳ hậu quá” có nghĩa là từ nay xin chừa và không tạo những tội lỗi đó về sau nữa.
Như vậy, “sám” là ngăn ác, dừng việc ác, “hối” là diệt, không cho tội lỗi mọc mầm, phát sinh; giống như dòng nước đang chảy, ta dừng và đắp đê, không cho nước chảy nữa, cũng vậy, sám hối là không cho tương tục cái tâm tạo tội nữa. Hiểu đơn giản, sám hối là ăn năn lỗi trước, chừa bỏ lỗi sau. Đây cũng là ý nghĩa của tứ chánh cần: ngăn ác, diệt ác, sinh thiện và tăng trưởng thiện.
Tại sao phải sám hối?
Trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, Phẩm Như Lai Tán Thán, Đức Phật nói, nhất cử nhất động của phàm phu chúng ta đều là tội lỗi. Trong dòng luân hồi từ vô thủy đến nay, chúng ta tạo vô số tội mà gốc đều bởi vô minh. Vì chúng ta vô minh, chấp trước, do vô minh sai khiến nên tất cả việc chúng ta làm đều là tội.
Ví dụ, chúng ta làm từ thiện nhiều nhưng từ thiện “chấp ngã” vì danh, vì lợi, vì lý do này khác; không phải là từ thiện “vô ngã” như các bậc Thánh. Cho nên, nói nhất cử nhất động của chúng ta đều có tội; “tội” là tội “vi tế”, không phải tội so với thiện ác.
Người đời làm từ thiện nhiều nhưng từ thiện “chấp ngã” vì danh, vì lợi, vì lý do này khác; không phải là từ thiện “vô ngã” như các bậc Thánh. Nói nhất cử nhất động của chúng ta đều có tội; “tội” là tội “vi tế”, không phải tội so với thiện ác.
Tội “vi tế” có thể là việc thiện, nhưng không đưa đến phước giải thoát, mà lại khiến quanh quẩn trong luân hồi thì đó vẫn là tội đối với Phật Pháp. Tội là do cái “ngã”, chúng ta chưa hết vô minh thì đều bị vô minh sai sử. Cho nên, chúng ta tạo tác việc gì trong vô minh thì đều là tội.
Còn các tội ‘thô” khác thì cũng rất nhiều: sát nhân hại vật, ganh ghét, đố kỵ, tham lam, ích kỷ, sân hận, tà kiến… mà chúng ta đã tạo vô lượng vô biên tội lỗi trong vô lượng kiếp như thế. Thân chúng ta là tổng báo của biết bao tội lỗi.
Cho nên, chúng ta phải sám hối, chỉ có Pháp sám hối này mới dừng được tội lỗi và mới sạch tội lỗi cho chúng ta, đưa chúng ta đắc được quả vị Phật trong kiếp vị lai.
Sám hối chân thật là đình chỉ tâm mình, không cho tiếp tục tái tạo nữa, bởi dòng tâm chúng ta như thác đổ theo chiều tội lỗi, phá phách, tàn hại; để dừng được dòng thác ấy lại không phải dễ vì tập quán nghiệp của chúng ta tác động vào tâm rất khủng khiếp, rất ghê gớm.
Vì vậy, chúng ta - tất cả đệ tử Phật, tu học Phật đều phải biết sám hối, không thể nói không sám hối mà chúng ta có thể sạch được tội, thành được đạo. Sám hối bằng phương pháp nào là do chúng ta. Thiền định, quán tưởng cũng là pháp sám hối, nếu không sám hối thì chúng ta không thoát khỏi luân hồi.
Ý nghĩa và lợi ích của Pháp sám hối
Vì tất cả chúng ta đang còn vô minh, vì vô minh thất niệm nên sinh tội. Tội nhiều hay ít, nặng hay nhẹ, chúng ta từ vô thủy kiếp đến bây giờ, quá lâu xa không thể biết được là bao nhiêu kiếp, tội lỗi chất chồng. Nếu chúng ta không có tội thì chúng ta đã giác ngộ.
Chính vì tội sinh ra nghiệp, sinh ra chướng nên gọi là tội nghiệp và nghiệp chướng, nó ngăn che khiến chúng ta không thể giác ngộ được bản tâm của mình, vì vậy chư Phật chế ra cho chúng ta Pháp sám hối. Nếu không sám hối thì chẳng ai có thể đắc đạo, đó là sự thật.
Bản chất thật của sự sám hối, tất cả hình thức của sám hối, lễ bái, chí thành đọc tụng thì bản chất cuối cùng là xoay lại tâm chúng ta, dừng tâm ác, đình chỉ tâm ác và phát khởi thiện tâm. Đó cũng chính là sự tỉnh giác, chính niệm của chúng ta.
Chính niệm và tỉnh giác hằng ngày cũng là sự sám hối, cho nên chúng ta thực tập Pháp sám hối, lễ bái xưng tụng hồng danh, tụng kinh cũng là Pháp sám hối cho tất cả hàng sơ cơ, nhưng thông qua Pháp sám hối mà chúng ta thanh tịnh được thân tâm và tiến lên.
Chính chúng ta khi sám hối tội chướng của mình thì nghiệp chướng, phiền não chướng tiêu trừ, bản tâm thanh tịnh của chúng ta dần dần hiển lộ ra và chúng ta cảm nhận được phúc lạc của bản tâm thanh tịnh này. Như vậy, chúng ta được tiếp cận gần với Đức Phật. Càng tu tập chúng ta càng hiểu Đức Phật không phải ở đâu xa, Ngài không chỉ ngồi ở trên bàn thờ mà dần dần chúng ta thấy được Đức Phật ở ngay chính trong tâm mình. Đức Phật chính là bản tâm thanh tịnh của mình có muôn vàn công đức, vô lượng công đức.
Các phương pháp sám hối
Trong giáo lý nhà Phật có những Pháp sám hối sau:
1. Tác Pháp sám hối
Phương pháp này có nghĩa là khi có lỗi lầm, chúng ta phải kiến lập đàn tràng, thỉnh chư Tăng có giới đức đến chứng minh và đối trước chư Tăng mà chân thật bày tỏ những tội lỗi đã gây tạo.
Phương pháp tác Pháp sám hối được coi là thiện duyên và mang lại lợi ích, phước báu lớn cho chúng ta. Vì chư Tăng là đại diện cho Tam Bảo và các quý Thầy tu tập phạm hạnh cho nên có năng lực của Pháp. Khi nương tựa chư Tăng mà sám hối thì năng lực ấy sẽ giúp chúng ta có thêm động lực để chế ngự hành vi không tốt của mình. Ngoài ra, việc thỉnh chư Tăng chứng minh cho sự sám hối của bản thân còn giúp chúng ta nhận được lời giáo huấn, răn dạy để thực hành Pháp từ đó sớm thành tựu trong việc sửa đổi lỗi lầm.
2. Thủ tướng sám hối
Đây là phương pháp khó hơn và những người có sức quán tưởng tốt sẽ áp dụng phương pháp này. Khi thực hành theo phương pháp thủ tướng sám hối, chúng ta cần đến trước tượng Phật, Bồ Tát thành tâm lễ bái, sám hối và nguyện từ bỏ những lỗi lầm đã gây tạo. Chúng ta sám hối đến khi nào thấy được hảo tướng xuất hiện (mộng thấy Phật, thấy điềm lành…) là những điều tốt như trong kinh nói, báo rằng bản thân được tiêu tội và thanh tịnh.
3. Hồng danh sám hối
Là phương pháp đảnh lễ, quán tưởng về danh hiệu của các Đức Phật, Đức Bồ Tát. Tăng Ni, Phật tử thường biết tới Pháp “Hồng danh bửu sám”: Lễ 108 lễ danh hiệu của các Đức Phật hoặc lễ 53 danh hiệu Phật hoặc 35 danh hiệu Phật.
Quá trình sám hối theo phương pháp đảnh lễ, xưng dương danh hiệu Phật do tâm thành kính nên chúng ta tiêu trừ được tội lỗi. Tuy nhiên, nếu sám hối nhưng tâm vọng tưởng, không chú tâm vào việc sám hối thì tội lỗi không thể tiêu trừ.
4. Thật tướng sám hối (hay vô sinh sám hối)
Phương pháp dành cho người có căn cơ rất cao. Khi thực tập phương pháp này phải quán thật tướng của các Pháp: chưa từng sinh, chưa từng diệt, vạn Pháp đều là không,... thể nhập được những điều này thì lập tức tội liền tiêu.
5. Phát tâm Bồ đề
Phát tâm Bồ đề là một phương pháp tiêu tội rất là lớn, giống như ở ngoài đời, chúng ta gọi là “đoái công chuộc tội” thì phát đại nguyện, đại tâm Bồ đề chân thật, tội chướng tiêu rất nhanh.
Khi chúng ta sám hối, nếu chỉ sám hối ở ngoài miệng thì rất khó chuyển hóa được ác nghiệp. Nhưng từ lời sám hối, chúng ta chuyển hóa thành nguyện thực hành công hạnh Bồ đề thì sẽ chuyển hóa được nghiệp.
Nguyện Bồ đề là nguyện vương, dẫn dắt tất cả chúng ta, làm tất cả các việc đều trong nguyện này. Chúng ta phát nguyện Bồ đề, chân thật thực hành trọn đời và có thể là muôn kiếp về sau, điều này chắc chắn giúp chúng ta chuyển hóa nghiệp chướng rất tốt.
3 lễ sám hối của chùa Ba Vàng
Thể theo lời thỉnh cầu của các Phật tử, lễ sám hối tại chùa Ba Vàng được tổ chức thường kỳ theo tháng hoặc năm như sau:
1. Lễ sám hối chuyển hóa
Được tổ chức vào các buổi tối của ngày tu học thường kỳ mùng 8, 14, 30 (29 tháng thiếu) âm lịch hàng tháng và vào đêm giao thừa của năm cũ.
2. Lễ sám hối Pháp đàn Ngũ Bách Danh
Chùa Ba Vàng tổ chức lần đầu trong 3 ngày từ 17/2 - 19/2 âm lịch năm Nhâm Dần (2022), nhân dân, Phật tử thập phương tham gia tu tập Lễ Ngũ Bách Danh - đảnh lễ 500 lễ Hồng danh công hạnh của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát để tăng trưởng công đức, phước báu, hồi hướng khiến tiêu trừ bệnh tật.
3. Lễ sám hối Pháp đàn Lương Hoàng Bảo Sám
Pháp đàn được diễn ra trong 3 ngày 3 đêm từ 23/8 - 26/8 âm lịch. Đây là nhân duyên thù thắng để các Phật tử sám hối tội lỗi của mình, nghiệp chướng của chúng sinh đã gây tạo từ vô thủy kiếp đến nay.
Trong kinh Lương Hoàng Bảo Sám, Đức Phật dạy: Có hai hạng người mạnh nhất: một là không tạo tội, hai là biết ăn năn. Nếu không có pháp sám hối thì tất cả đệ tử Phật không thể giải thoát. Vậy nên, hy vọng qua lời chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh, quý Phật tử hiểu hơn về sám hối và phát nguyện tinh tấn tu tập để được hưởng hạnh phúc chân thật.
Nếu còn điều gì thắc mắc, quý độc giả có thể để lại bình luận dưới bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ tại đây để được giải đáp. Kính chúc quý vị mạnh khỏe, an lạc!