Luật nhân quả là gì? Cách ứng dụng nhân quả để cuộc đời tốt đẹp hơn
Mục Lục [Ẩn]
Luật nhân quả là một quy luật tự nhiên, “gieo nhân nào gặt quả nấy”. Cho nên, những thất bại, bất hạnh, khổ đau hay điều bất như ý trong cuộc sống không phải ngẫu nhiên. Đó là kết quả của những lời nói, suy nghĩ và hành động trong quá khứ. Vậy làm thế nào thay đổi kết quả ấy để cuộc sống bình an, hạnh phúc và thành công hơn?
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về nhân quả theo quan điểm của đạo Phật để tìm lời giải đáp cho chính mình.
Luật nhân quả là gì?
Luật nhân quả là quy luật phổ quát cho tất cả mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới này. Trong đó, “nhân” là việc gây ra trước, “quả” là việc tiếp nối nhân đó, xuất hiện theo sau. Luật nhân quả tác động trong mọi lĩnh vực đời sống.
Ví dụ:
- Trong lĩnh vực vật lý: Nhân là đá một trái bóng vào tường thì quả là trái bóng đập vào tường và bật trở lại. Nếu chúng ta đá nhẹ thì lực bật trở lại nhẹ và ngược lại.
- Trong lĩnh vực sinh học: Nhân là gieo hạt ớt thì sẽ mọc lên cây ớt và cho quả ớt. Nhân là gieo hạt hồng sẽ mọc lên cây hồng và cho quả hồng. Gieo nhân nào sẽ ra quả đó.
- Trong lĩnh vực đời sống: Nhân là đánh người thì quả là người sẽ tức giận, trả thù mình. Nhân là chăm chỉ học hành, rèn luyện thì quả là có kiến thức tốt, kết quả học tập tốt, được thầy cô và bạn bè yêu quý.
Như vậy, nhân đi liền với quả, nhân quả là có thật. Và người nào gieo nhân làm một việc gì thì kết quả hay hậu quả cũng sẽ báo ứng đến đúng người đó. Giống như đi thi, kết quả thi sẽ báo đến người làm bài thi. Cho nên nhà Phật gọi là quả báo, cứ gieo nhân sẽ có quả báo. Nhân tốt, làm việc tốt sẽ có quả báo tốt; nhân xấu, làm việc xấu sẽ bị quả báo xấu.
Phạm trù nhân quả cũng rất rộng. Trong Phật giáo, nói một cách đầy đủ, nhân quả bao gồm: nhân duyên quả. Từ nhân đến quả phải có duyên.
Ví dụ: Chúng ta có nhân là hạt mít nhưng lại để trên gác bếp, không đem xuống trồng, chăm bón thì không thể ra cây mít, quả mít. Cho nên có nhân mà thiếu duyên thì không có kết quả.
Hay trong kinh Từ Bi Thủy Sám Pháp kể câu chuyện có thật về ngài Ngộ Đạt quốc sư, thời nhà Đường (Trung Quốc). Đây cũng là một minh chứng rõ nét cho lý nhân - duyên - quả được nói đến bên trên.
Chuyện kể rằng: Vua Đường Ý Tông sau khi nghe Ngộ Đạt quốc sư giảng đạo liền ban tặng ngài một tòa ghế ngồi bằng gỗ trầm hương. Lúc ấy, ngài Ngộ Đạt khởi tâm danh lợi, kiêu hãnh. Từ đó, trên đầu gối của Ngộ Đạt bỗng mọc mụn ghẻ tựa mặt người, đau nhức khôn xiết, không bậc danh y nào chữa được.
Sau đó, Ngộ Đạt tìm đến một nhà sư và được vị ấy chỉ cho cách chữa bệnh; đồng thời, cũng được biết nhân duyên bị mụn ghẻ này.
10 kiếp về trước, Ngộ Đạt là một vị quan tên Viên Áng, đã xử chết oan một người tên Tiều Thố. Oan hồn Tiều Thố đời đời tìm cách báo thù. Nhưng những kiếp sau, Viên Áng tái sinh đều trở thành bậc cao Tăng nên nó chưa báo oán được. Đến kiếp này, Viên Áng (chính là ngài Ngộ Đạt) đã khởi tâm danh lợi khi được vua tặng tòa trầm hương, Tiều Thố mới có cơ hội báo oán.
Trong câu chuyện, có thể thấy, nhân là việc Viên Áng (tức Ngộ Đạt quốc sư 10 kiếp trước) làm Tiều Thố bị chết oan. Quả là oan hồn Tiều Thố báo thù, khiến ngài mọc mụn ghẻ mặt người.
Tuy nhiên, từ nhân cho đến quả cần phải có duyên. Duyên đó là khi Ngộ Đạt quốc sư khởi tâm danh lợi, kiêu hãnh, quả mới xuất hiện. Còn trong các kiếp trước, mặc dù Tiều Thố luôn tìm cách báo thù nhưng không thành. Như vậy, việc khởi tâm kiêu hãnh (tâm bất thiện) chính là duyên để ra quả Ngộ Đạt bị báo thù. Không có duyên này thì chưa ra kết quả.
Tựu chung lại, mặc dù nhân là thành tố chính để tạo ra quả nhưng duyên cũng rất quan trọng. Phải có nhân và duyên mới ra kết quả, gọi là nhân - duyên - quả. Đó là sự bao hàm phổ quát chung cho tất cả mọi sự vật, hiện tượng của thế giới này.

Luật nhân quả bao gồm nhân, duyên và quả (Ảnh minh họa)
Một số câu chuyện nhân quả có thật
Trong Tích truyện Pháp cú, Phẩm Song Yếu, bài “Cunda - đồ tể mổ heo” có kể câu chuyện nhân quả nghiệp báo của ông Cunda. Trong 55 năm, Cunda sống bằng nghề mổ heo một cách tàn nhẫn. Mặc dù Đức Phật ở ngay tinh xá bên cạnh nhưng không một ngày nào, Cunda cúng dường Ngài dù một nắm hoa hay một muỗng cơm. Ông cũng chẳng làm việc công đức nào.
Đến cuối đời, Cunda phải chịu quả báo rất khủng khiếp: Ông bắt đầu bò và kêu eng éc như một con heo, chịu sự đau khổ cùng cực. Gia đình phải chặn các cửa và nhốt ông trong nhà, nhưng tiếng kêu man rợ phát ra suốt bảy ngày khiến xung quanh không ai ngủ yên. Qua bảy ngày, Cunda qua đời và bị đọa vào địa ngục A-tỳ.
>>> Xem thêm: Chuyện đồ tể Cunda - Quả báo của kẻ sát sinh hàng loạt

Câu chuyện nhân quả của đồ tể mổ heo Cunda (Ảnh minh họa)
Kinh Pháp cú thí dụ, Quyển thứ nhất, Phẩm ngôn ngữ thứ 9, Thí dụ 21, tr.96-98, bài “Ba người trả quả vì mắng nhiếc bà lão” có câu chuyện về một bà lão tái sinh làm bò, trả mối thù tiền kiếp với ba người thương gia.
Ba người họ trong lúc đi buôn bán đã ở trọ nhà bà lão. Nhưng đến kỳ trả tiền thuê nhà, họ định quỵt tiền không trả và lén bỏ đi. Khi bị bà lão bắt gặp, họ vờ như đã trả tiền rồi mắng bà một trận.
Bà lão thấy mình sức yếu, đành chịu mất tiền nhưng ngậm hờn uất ức, thề rằng đời sau, sinh ra chỗ nào gặp ba người này cũng quyết giết chết không tha.
Sau này, bà lão tái sinh làm một con bò, đã húc chết vua Phất-gia-sa và người chủ mới của nó. Khi con bò bị giết thịt đem ra chợ bán, một người nông dân đến mua đầu con bò gánh về. Trên đường về, người nông dân ngồi nghỉ dưới gốc cây nên đã treo đầu bò lên cây. Không lâu sau, sợi dây bỗng nhiên bị đứt, đầu bò rơi xuống, cắm trúng vào tim khiến người nông dân chết ngay tại chỗ.
Đức Phật chỉ dạy rằng: Vua Phất-gia-sa, người chủ và người nông dân chính là ba vị thương gia quỵt nợ bà lão lúc xưa.
>>> Xem thêm: Chuyện bò báo oán - đòi ba mạng người trong một ngày, trả mối thù tiền kiếp | Chuyện nhân quả báo ứng
Trên đây là một số trong rất nhiều câu chuyện nhân quả có thật trong lịch sử Phật giáo. Và hiện nay, chúng ta cũng bắt gặp không ít những câu chuyện nhân quả nghiệp báo như vậy trong cuộc sống.
Trong kinh Nhân quả, Đức Phật dạy: “Tất cả nam nữ ở thế gian, giàu sang hay nghèo hèn, chịu khổ vô cùng hoặc hưởng phước vô lượng đều do nhân duyên từ trước mà cảm quả báo”.
Từ đó, chúng ta biết được rằng: Những kết quả chúng ta nhận được ở đời là do nhân trong tiền kiếp hoặc đầu đời này gây tạo. Quả khổ là do nhân xấu, bất thiện; quả may mắn, tốt lành là do nhân thiện lành. Một số quy luật nhân quả mà Đức Phật dạy trong kinh Nhân quả như:
- Đời này giàu sang, tiền của đề huề, dung nhan tốt đẹp là do trước sống có đức, biết giúp đỡ người nghèo khó.
“Kiếp nay tiền của đề huề,
Dung nhan đoan chính nhiều bề tốt tươi,
Vì xưa tâm đức thương người,
Đỡ nghèo giúp khó vẹn mười thiện căn”.
- Đời này gia đình đầy đủ, hòa hợp là do trước kia biết yêu kính cha mẹ, giúp những người cô độc, đơn côi.
“Kiếp nay cha mẹ song toàn,
Anh em hòa hợp chứa chan sum vầy,
Bởi xưa yêu mẹ quý Thầy,
Giúp người cô độc thương bầy trẻ côi”.
- Đời này cô độc là do kiếp xưa tà dâm, phá hoại hạnh phúc gia đình người khác.
“Kiếp nay cô độc suốt đời,
Năm canh vò võ ai thời nhìn trông,
Bởi xưa phạm lỗi tà dâm,
Ngó trông, lén lút mà xâm nhà người”.
- Đời này gặp các tật ách, ốm o, yếu đuối là do kiếp xưa thấy người gặp nạn không giúp đỡ.
“Ngày xưa thấy kẻ cháy nhà,
Thấy người vấp ngã cười mà đứng xem,
Ngày nay tật ách kiêng khem,
Ốm o yếu đuối lại kèm cô đơn”.
Trong kinh Nghiệp báo sai biệt, Đức Phật cũng dạy về các việc làm và quả báo tương ứng, có thể kể đến một số nhân quả và nghiệp báo như sau:
Mười nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo mạng sống ngắn ngủi: “Một là tự làm việc sát sinh; hai là khuyên người khác sát sinh; ba là khen ngợi phương pháp giết hại; bốn là thấy giết hại sinh tâm vui theo; năm là đối với những người mình oán ghét, muốn khiến họ bị tiêu diệt; sáu là thấy người mình oán ghét bị tiêu diệt rồi, sinh tâm vui mừng; bảy là phá hoại bào thai của người (phá thai); tám là dạy người tự hủy hoại (thân mình); chín là xây dựng lò giết mổ, sát hại chúng sinh; mười là dạy người gây chiến tranh, giết hại lẫn nhau”.
Mười nghiệp khiến chúng sinh được quả báo ít bệnh tật: “Một là không thích đánh đập tất cả chúng sinh; hai là khuyên người khác không đánh đập; ba là khen ngợi việc không đánh đập; bốn là thấy người không đánh đập, tâm sinh hoan hỷ; năm là cúng dường cha mẹ và những người bệnh tật; sáu là thấy Hiền Thánh bệnh, bèn chăm sóc cúng dường; bảy là thấy người oán thù hết bệnh, tâm sinh hoan hỷ; tám là thấy người bệnh khổ, bố thí thuốc hay, cũng khuyên người khác giúp đỡ; chín là chúng sinh bệnh khổ, khởi tâm thương xót; mười là đối với các thức uống ăn, hay tự tiết chế. Do mười nghiệp này mà được quả báo ít bệnh tật”.
Tại sao có người ác nhưng chưa gặp nhân quả báo ứng?
Nhân quả có thật nhưng trong cuộc sống vẫn có trường hợp: người ác sống sung sướng còn người thiện lành sống khốn khổ.
Điều này được lý giải như sau: nhân quả là dòng chảy từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Gieo nhân hôm nay sẽ gặt quả trong tương lai. Tương lai có thể là từ sau giờ phút gieo nhân hoặc ngày mai, năm sau, cũng có thể sang đời kiếp sau. Chính vì thế, trong kinh Phật danh, quyển 19, Đại tập 55, bộ kinh tập II có nói đến ba loại nghiệp báo: hiện báo, hậu báo và sinh báo như sau:
“Nghiệp hiện báo tức là đời này làm việc thiện, việc ác thì thân hiện tại này nhận quả báo. Nghiệp sinh báo tức là đời này làm việc thiện việc ác thì đời sau sẽ nhận quả báo. Nghiệp hậu báo tức là vô lượng kiếp trong quá khứ đã làm việc thiện hoặc ác, đến đời này hoặc vô lượng kiếp về sau mới nhận quả báo.
Còn người bây giờ làm ác nhưng trong hiện tại được kết quả tốt là do nghiệp thiện sinh báo và hậu báo trong quá khứ đã thành thục, cho nên hiện tại có quả báo tốt đẹp. Như thế không phải trong đời này làm ác mà được quả báo tốt.
Những người làm việc thiện lại bị khổ sở là do những nghiệp ác sinh báo và hậu báo đã thuần thục trong kiếp quá khứ, cho nên đời hiện tại năng lực và căn lành rất yếu ớt không thể thay đổi được nên phải chịu quả khổ này. Đâu phải trong đời này làm việc thiện mà không chịu quả báo ác”.
Qua lời Phật dạy, chúng ta có thể hiểu như sau:
- Hiện báo là gieo nhân đời này, ngay trong đời này có quả báo.
- Sinh báo là gieo nhân đời này, đời kế tiếp mới có quả báo.
- Hậu báo là gieo nhân đời này, nhiều đời sau mới có quả báo.
Phật nói nhân quả rất rõ ràng. Những người làm ác, làm những điều xấu xa nhưng trong hiện tại vẫn tốt đẹp vì họ còn dư phước của đời trước, nhân xấu chỉ mới gieo. Quả báo từ hành vi ác hôm nay tạo ra thì tương lai sẽ phải trả quả.
Tương tự như vậy, những người làm lành nhưng hiện tại gặp phải nhiều vất vả, khổ sở cũng có thể do trong quá khứ chưa làm phước. Nhưng trong kiếp này, nếu chăm chỉ làm lụng, tiếp tục làm các việc lành thiện thì có thể đến nửa đời hoặc cuối đời họ sẽ có phước báo chuyển hóa khổ.
Ứng dụng luật nhân quả để giảm trừ quả báo
Học hiểu và thực hành nhân quả
Luật nhân quả là quy luật tự nhiên, đã gieo nhân, đủ duyên sẽ thành quả. Vạn sự vạn vật đều có nhân và quả, không có chuyện trốn được nhân quả, gieo nhân mà không phải trả quả. Nếu nhận thức, hiểu rõ và biết cách vận dụng nhân quả thì chúng ta sẽ đạt được rất nhiều điều tốt đẹp.
Cho nên chúng ta phải học tập thật kỹ giáo lý nhân quả. Khi học hiểu rồi thì cần ứng dụng và thực hành: Chọn gieo nhân lành, bỏ nhân ác để hưởng quả phước lành.

Giáo lý nhân quả rất quan trọng, giúp chúng ta được nhiều điều tốt đẹp khi thực hành
>>> Xem thêm: Lời Phật dạy qua truyện tranh nhân quả báo ứng
Khi gặp tai ương, hoạn họa không nên oán trách
Học về giáo lý nhân quả, chúng ta biết rằng: Ở trên đời, đón nhận may mắn hay hoạn nạn, tai họa đều trong nhân quả nghiệp báo của chúng ta; không phải do ông trời, quỷ thần, thượng đế nào sắp đặt và tạo ra.
Cho nên khi bị nạn, chúng ta không oán trời trách đất; trách mắng cha mẹ sao lại sinh ra mình để mình khổ. Vì làm như vậy thì càng tạo thêm ác nghiệp, càng khổ thêm. Thay vào đó, chúng ta nên ứng dụng lời Phật dạy để tu tập chuyển hóa nghiệp chướng.
Bước tu tập đầu tiên là quy y Tam Bảo. Ngay khi phát nguyện quy y Phật, Pháp, Tăng là phước báu đã tăng trưởng.
Sau đó, chúng ta thọ trì ngũ giới, giữ gìn giới Pháp, thực hành lời Phật dạy, biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ mọi người, làm các việc tốt lành,... Tất cả những việc làm này sẽ giúp chúng ta chuyển hóa ác nghiệp.
Trên đây là những chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh về nhân quả và cách ứng dụng thực hành để chuyển hóa khổ đau, được an vui, hạnh phúc. Hy vọng qua bài viết, các bạn sẽ hiểu hơn về giáo lý này cũng như biết cách chọn lựa, gieo trồng nhân thiện lành, gặt quả tốt đẹp. Nếu còn điều gì thắc mắc về luật nhân quả, các bạn có thể để lại bình luận dưới bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ để được giải đáp. Kính chúc quý vị an lạc!