Lời dạy của Hòa thượng Thích Thanh Từ ở lễ phát tâm Bồ đề của Sư Phụ
Ngày 19 tháng 6 năm Mậu Dần (1998); Thầy Thích Trúc Thái Minh khi ấy còn là cư sĩ đã cùng một nhóm các Phật tử thuộc đạo tràng Hiền Trí từ Hà Nội vào Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt để cầu thỉnh Hòa Thượng Thích Thanh Từ chứng minh cho phát tâm Bồ đề.
Trong buổi lễ, Hòa Thượng đã dạy rằng:
“Hôm nay, nhân ngày vía đức Bồ Tát Quan Thế Âm, quý Phật tử từ Bắc xa xôi vào đây để thỉnh chư Tăng chứng minh cho lời phát nguyện phát Bồ đề tâm của mình. Đó là điều rất quý báu! Quý Phật tử không có nề xa xôi, cũng không có vì những gian nan trên đường tu mà chán mỏi cho nên mới ráng đến đây để nhờ chư Tăng, cầu chư Tăng chứng minh.
Trước hết, tôi giải thích cho quý Phật tử biết Bồ đề tâm là gì? Thường trong phát Bồ đề Tâm Văn thì có dạy rõ người tu Phật muốn đạt được đến quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì không gì hơn mỗi người phải phát Bồ đề tâm. Chữ “Bồ đề” là tiếng Phạn, dịch là Giác. Nghĩa là mình phát cái tâm cầu được giác ngộ viên mãn thì gọi đó là phát tâm Bồ đề. Bởi vì trên đường tu có nhiều lối rẽ. Nếu mà mình không có đại nguyện phát Bồ đề tâm - nguyện suốt đời tu cho đến được giác ngộ viên mãn thì như vậy e rằng tu có được chút ít công đức rồi mình mắc kẹt ở quả vị thấp, hoặc là mắc kẹt ở các cảnh giới cõi Trời ..v.v..
Vì vậy mà khuyến khích Phật tử phát Bồ đề tâm để cho mình quyết chí một con đường đi thẳng từ khi phát nguyện tu hành cho đến thành Phật, dẫu có chậm, có lâu nhưng mà nhất định phải đi đến quả Cứu kính đó, chứ không có nguyện nào khác. Vì chí nguyện cầu thành Phật đạo, tức là cầu cho được giác ngộ viên mãn và giáo hoá chúng sinh hay là độ thoát chúng sinh; đó là cái chủ yếu của người Phật tử. Vì lòng thành tha thiết đó mà quý Thầy sẵn sàng chứng minh để nghe lời phát nguyện của quý Phật tử.
Trong lời phát nguyện này có hai phần. Một phần là đại diện đọc lại chí nguyện tha thiết của Phật tử và phần thứ hai là mấy mục phát nguyện. Khi phát nguyện, người đại diện đọc trước một câu, rồi những người khác cùng đọc theo. Mỗi người đều phải phát nguyện trước Tam Bảo để cho ý chí sắt đá của mình kể từ đây về sau, dù gặp hoàn cảnh nào, gặp những trường hợp khó khăn mấy cũng không có lay chuyển, vẫn tiếp cho đến ngày cuối cùng đạt được quả giác ngộ viên mãn. Đó là chí nguyện phát Bồ đề tâm của quý Phật tử.”
Sau lời chỉ dạy của Hòa Thượng, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh đã cùng các huynh đệ đồng tu dũng mãnh phát nguyện Bồ đề. Có thể nói, lời dạy của Hòa Thượng như làm đóa Bồ đề đang ấp ủ trong tâm Sư Phụ nở rộ hơn để rồi sau lễ phát nguyện ấy, Sư Phụ chắc chắn bản thân sẽ trở thành một vị tu sĩ để đi trên con đường vĩ đại: “Trên cầu thành Phật, dưới nguyện độ chúng sinh”.