Câu chuyện về vị Thầy đặc biệt trong cuộc đời tôi hy hữu mới được gặp
Mục Lục [Ẩn]
Vị thầy đặc biệt mà tôi nhắc đến là một tu sĩ, tôi thường gọi Thầy bằng cái tên gần gũi hơn “Sư Phụ”, “Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh”. Những câu chuyện về Thầy khi còn ở tại gia hay xuất gia dù chỉ được nghe kể lại tôi vẫn không khỏi cảm thán “có lẽ trên đời này tôi sẽ không gặp một vị Thầy nào đặc biệt đến thế!”.
Mẩu chuyện 01 - Không quan trọng dù đó là tiền thưởng Tết
Vào 27 Tết, khi ai nấy cũng đều ngược xuôi bận rộn vun vén, để đón một cái Tết cùng gia đình được sum vầy sung túc, thì hình ảnh bà cụ khoảng hơn 70 với mái tóc bạc, da nhăn sạm, cô độc, còm cõi gánh rổ rá các loại giao bán trên con phố khiến Thầy tôi - khi ấy là chàng trai Vũ Minh Hiếu chợt dừng bước.
Với tâm lý của những kẻ ít tình thương, kém quan sát và sự cảm thông như tôi thì chắc chẳng bao giờ đang chạy xe hối hả sau một ngày bận rộn, mệt mỏi mà dừng lại để mua lấy một thứ gì đó không quan trọng sắm sửa trong dịp Tết, đặc biệt khi kinh tế lại đang khó khăn thế nhưng với Thầy tôi thì khác.
Dừng xe lại, bước xuống đến cạnh bà cụ việc đầu tiên của Thầy là hỏi thăm bà; sự hỏi thăm xuất phát từ tình thương mà không phải ai cũng sẵn sàng dành cho người xa lạ. Hỏi ra mới biết bà cụ hoàn cảnh khổ lắm! Nhà ở Nam Định, con cái không ai chăm sóc đã cận Tết nhưng vẫn phải lên Hà Nội để bán hàng rong, tối ngủ tạm bợ ở góc nào đó trong khu chợ.
Nghe xong, chẳng cần một giây suy nghĩ, đắn đo Thầy bỏ số tiền vừa được thưởng Tết tại cơ quan mua một loạt lồng bàn, rổ rá cho bà cụ. Hồi ấy hay thậm chí đến tận bây giờ, tiền thưởng Tết vẫn là khoản tiền có giá trị mà nhiều người mong đợi để dùng cho việc sắm sửa chào đón một năm mới. Nhưng Thầy tôi lại dùng tiền đó để giúp bà cụ già đỡ vất vả hơn. Mua xong cũng không đem về nhà dùng mà tay xách, nách mang hàng chục cái rổ, lồng bàn; thậm chí đội cả lên đầu vì không còn tay để cầm mang lên chùa cúng dường; bất chấp ánh nhìn kỳ lạ của mọi người xung quanh. Ấy thế mà Thầy tôi - khi ấy là chàng thanh niên Minh Hiếu trẻ tuổi lại rất vui, chẳng nề hà gì cả.
Mẩu chuyện tôi được nghe kể lại mà tôi nhớ mãi vì hồi đó nghèo lắm, tiền lương còn chẳng đủ ăn, đi lại cũng chỉ đi bằng xe đạp cũ nhưng điều đó không quan trọng với Thầy. Bởi giúp đỡ mọi người mới là điều Thầy để tâm nhất.
Mẩu chuyện 02: Lo lắng cho người còn hơn lo cho chính mình
Ra trường xong, chàng trai Minh Hiếu cùng anh trai công tác tại Hà Nội; hồi ấy lương tháng của hai anh em cộng lại chẳng đáng là bao nên bữa no, bữa đói mà đa phần không mấy khi được no.
Nhưng cứ mỗi lần đi chợ hay đi đường gặp người nghèo xin ăn Thầy lại cho họ tiền, hôm nào không cho tiền thì sẽ cho ít bánh, đồ ăn của chính mình. Lần nào cũng như vậy, gặp ai đói nghèo là Thầy sẽ cho một thứ gì đó, chẳng bao giờ lướt qua.
Thầy tôi là như vậy, dù khi còn ở tại gia hay xuất gia thì vẫn luôn sẵn sàng cho đi dù mình cũng đang là người thiếu thốn, dù đôi khi anh trai có lo lắng vì bữa đói bữa no Thầy vẫn cười tươi: “Người ta còn khổ hơn anh em mình, thôi cho người ta một tí không sao đâu anh ạ!”
Mẩu chuyện 03: Luôn quan tâm đến đại chúng dù là cái nhỏ nhất
Trước khi Thầy về trụ trì chùa Ba Vàng, nơi đây chỉ là một cái am nhỏ, hoang sơ, không điện, không nước giữa núi rừng Thành Đẳng, trước đó có nhiều vị Thầy đã về đây nhưng không ai ở lại được vì quá khó khăn. Điều kiện thiếu thốn, tài sản không có gì ngoài 3 tấm y nhưng với tâm nguyện Bồ Đề nên Thầy vẫn quyết tâm ở lại ngôi chùa nhỏ. Có lẽ với tâm nguyện vĩ đại đó nên càng ngày càng nhiều Phật tử biết đến chùa.
Thời gian đó, điều kiện của chùa rất hạn chế, khó khăn nên các Phật tử lên chùa nghe học cũng chịu nóng, lạnh, chỗ ăn, chỗ nghỉ cũng không được đầy đủ nên Thầy rất xót xa.
Một vài ngày sau bỗng xuất hiện năm ba người bê dát giường mới lên chùa, hỏi ra mới biết Thầy nhờ người mua giúp để cho Phật tử lên chùa làm có cái để nghỉ ngơi. Tấm dát giường tuy mỏng nhưng nó không chỉ là tấm dát bình thường mà chứa đựng trong đó sự ấm áp bởi sự từ bi, yêu thương của Thầy.
Thầy là như vậy đấy, quan tâm lo lắng cho Phật tử từ những điều nhỏ nhất còn bản thân mình vẫn dùng manh chiếu cũ không biết từ bao giờ.
Đây tuy chỉ là những mẩu chuyện ngắn trong vô vàn các mẩu chuyện về Thầy, nhưng có lẽ phần nào thấy được tình yêu thương bao la của Thầy dành cho tất cả mọi người. Một người Thầy mà hơn cả người Thầy.
Dẫu biết Người không còn quan trọng ngày sinh nhật của mình, nhưng đến ngày này Phật tử như chúng con vẫn luôn mong ngóng. Bởi ngày này đánh dấu một điều đặc biệt, một người Thầy đặc biệt xuất hiện, mang đến vô số lợi ích cho số đông.