10 hạnh nguyện của Đức Phổ Hiền Bồ Tát: Công đức trợ duyên thành tựu Bồ đề tâm nguyện
Mục Lục [Ẩn]
Bồ Tát Phổ Hiền là một trong hai vị Đại Bồ Tát hỗ trợ cho Đức Phật Thích Ca để hoằng dương giáo Pháp ở thế gian. Ngài cưỡi trên voi trắng sáu ngà, tượng trưng cho sức mạnh, cống hiến cho cuộc đời, còn sáu ngà tượng trưng cho lục độ: bố thí độ, nhẫn nhục độ, trì giới độ, tinh tấn độ, thiền định độ và trí tuệ độ. Ngoài ra, Bồ Tát Phổ Hiền biết đến với 10 nguyện lớn.
Bài viết dưới đây, kính mời quý Phật tử và bạn đọc theo dõi những chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh.
Một là Kính lễ chư Phật
Nghĩa là kính lễ tất cả chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai. Đức Phật Thích Ca đã dạy: “Tất cả chúng sinh đều sẽ thành Phật” nhưng do vô minh, vọng tưởng nên chúng ta chưa nhận thấy mình cũng như mọi người xung quanh chính là vị Phật trong tương lai. Cho nên mỗi chúng ta bên cạnh lễ Phật thì mỗi người phải kính lễ, tôn trọng nhau. Các Phật tử gặp nhau, đến chùa khởi tâm cung kính, tôn trọng nhau, chuyển hạnh của mình đến với tất cả mọi người, đến bạn, đến hàng xóm, đồng nghiệp của mình. Đi đến đâu mình cũng lòng tôn kính, tôn trọng với tất cả dù là người ăn xin hay trẻ nhỏ thì mình đều khởi tâm khiêm hạ, cung kính. Đó là chúng ta học hạnh của Đức Phổ Hiền Bồ Tát, thực hành theo nguyện thứ nhất hằng ngày thì tương lai, chúng ta sẽ thành tựu quả vị Phật.
Hai là Xưng tán Như Lai
Xưng tán Như Lai tức là ca ngợi Như Lai. Bởi Như Lai chỉ tâm tính giác ngộ của chúng ta, là bản thể Phật tâm của tất cả chúng sinh từ người tốt hay kẻ xấu đều có tính Như Lai trong tâm mình. Vậy nên, chúng ta giác ngộ trở về chân tâm trong sạch, thanh tịnh chúng ta đều ca ngợi.
Chúng ta là Phật tương lai nên không thể tán dương những điều bất thiện, dối trá mà chúng ta xưng tán những gì làm cho chúng ta giác ngộ trở về chân tâm trong sạch, thanh tịnh.
Ba là Quảng tu cúng dường
“Quảng” là rộng lớn, “Quảng tu cúng dường” có nghĩa là phát nguyện cúng dường rộng lớn, không ích kỷ, hẹp hòi, so đo, tính toán. Không phải tiền nhiều, vàng nhiều mới là cúng dường lớn mà cốt là ở tâm lượng, tâm dám xả đó là “Quảng tu cúng dường”. Cho nên, phước báu tùy ở nơi tâm lượng chứ không hoàn toàn tùy thuộc ở nơi phẩm vật. Cúng dường, bố thí dù một hạt gạo cho một con kiến mà được tâm Ba-la-mật thì phước vẫn vô lượng vô biên.
Còn mang cả một kho gạo đến để chùa cúng dường mà khởi tâm cống cao ngã mạn, khoe khoang kể lể, bắt các Thầy phải làm theo ý mình thì đó gọi là đổi chác, không phải tâm cúng dường. Như vậy thì cúng dường hẹp hòi, có tính toán và không được phước báu lớn.
Bốn là Sám hối nghiệp chướng
Như chúng ta biết, Đức Phật là người có đủ 32 hảo tướng, 80 vẻ đẹp và mang ánh hào quang rực rỡ. Còn thân chúng ta là tổng báo và đang phải gánh chịu nhiều nghiệp mà bản thân đã gây tạo từ nhiều kiếp đến nay; vậy nên chúng ta phải sám hối để tiêu dần nghiệp, khi ấy các hảo tướng mới hiện dần ra. Học hạnh của Đức Phổ Hiền là ngày ngày sám hối, tâm tâm sám hối, niệm niệm sám hối. Vừa khởi một ý nghĩ ác liền quay trở lại sám hối ngay, soi kĩ lại tâm mình, thấy rõ từng ý nghĩ của mình, kiểm tra từng ý nghĩ của mình, không để ác tâm ác tính xảy ra. Đó là tâm tâm, niệm niệm sám hối.
Như Chư Bồ Tát, Chư Hiền Thánh sám hối chảy máu mắt, chảy máu lỗ chân lông; chúng ta, quỳ trước Phật đài, quỳ trước chúng Tăng sám hối tha thiết, nhỏ lệ sám hối, ăn năn tự tấm lòng như vậy tội mới có cơ hội tiêu trừ. Còn nếu chỉ sám hối ngoài miệng, đọc bài sám hối rồi ngày mai lại tiếp tục tạo tội thì không được gọi là sám hối, không bao giờ hết tội. Chúng ta học hạnh Ngài Bồ Tát Phổ Hiền chân thật, thành tâm ngày ngày sám hối.
Năm là Tùy hỷ công đức
Tùy là đi theo; hỷ là vui lòng, vui vẻ, hân hoan. Công đức là tất cả việc phước lành, các việc tu tâm. Chúng ta học hạnh “Tùy hỷ công đức” của Đức Phổ Hiền, đó là thấy ai làm được một việc gì thiện lành, tốt đẹp thì chúng ta đều vui vẻ, hoan hỷ theo, không khởi niệm đố kỵ, ganh ghét.
Bởi vì trong tâm chúng sinh rất sẵn tâm ganh ghét, đố kỵ. Chúng ta thấy ai tài giỏi hơn mình, ai thành đạt, giàu có, đẹp đẽ hay sang trọng hơn mình; thấy ai tu giỏi hơn, đức hạnh hơn, chúng ta cũng ganh ghét, khó chịu. Tâm ganh ghét nằm trong mọi ngõ ngách tâm tư của chúng ta nên loại trừ được cái tâm ganh ghét, đố kỵ là việc rất khó. Nhưng nếu chúng ta loại bỏ được tâm ganh ghét, đố kỵ thì được công đức rất lớn. Vậy nên, thay vì ganh ghét, đố kỵ, chúng ta hãy tùy hỷ công đức của người, bởi như Đức Phật dạy rằng, người biết tùy hỷ công đức thì phước người đó lớn bằng người làm công đức.
Ví như hôm nay chúng ta thấy bạn mình phát khởi tâm cúng dường Tam Bảo thì chúng ta hoan hỷ, phấn khởi với việc làm thiện lành này của bạn thì phước phần chúng ta được hưởng bằng phước người bạn đã cúng dường Tam Bảo. Ngược lại, nếu chúng ta chê bai, cạnh khóe với việc cúng dường của bạn thì bao nhiêu phước đức của chúng ta sẽ mất hết, bởi vì đố kỵ, ganh ghét với người có phúc thì chúng ta mất phước báu.
Sáu là Thỉnh Phật chuyển Pháp
Bánh xe Phật Pháp lần đầu tiên được Đức Phật Thích Ca “vận chuyển” tại vườn Lộc Uyển khi Ngài thuyết Pháp cho năm anh em Kiều Trần Như và bánh xe Pháp “lăn” đến tận ngày nay.
Học theo hạnh của Đức Phổ Hiền Bồ Tát là chúng ta thỉnh quý Thầy giảng Pháp để bánh xe Pháp được tiếp tục lăn chuyển. Người biết thỉnh Pháp thì công đức của người ấy vô cùng lớn. Trong tất cả các việc cúng dường, bố thí thì bố thí, cúng dường Pháp là lớn nhất bởi vì chỉ có Pháp của Phật mới giúp chúng ta hóa giải tất cả nỗi khổ, niềm đau, phiền não trong cuộc đời. Một bài Pháp được thuyết giảng thì không những chúng ta mà hết thảy quỷ Thần vô hình, vô tướng họ đều nghe, được khai tâm mở trí, được những điều tốt lành. Cho nên, việc thỉnh Pháp vô cùng quan trọng. Bởi Phật Pháp là tôn quý, không phải là đồ để rao bán như đồ ngoài chợ nên nếu không có những người thỉnh Pháp thì các Thầy cũng không thuyết Pháp.
Vì công đức thỉnh Pháp có giá trị rất lớn như vậy nên chúng ta học theo hạnh của Đức Phổ Hiền thì chúng ta nguyện mình sinh ra ở đâu thì chúng ta cũng sẽ là người luôn luôn thỉnh Phật Pháp, thành tâm, thiết tha thỉnh các vị Pháp Sư lên tòa, thuyết Pháp cho đại chúng nghe. Như vậy là bánh xe Pháp sẽ tiếp tục được vận hành, luân chuyển, Phật Pháp được lan tỏa rộng rãi khắp muôn nơi.
Bảy là Thỉnh Phật trụ thế
Chúng ta biết câu chuyện trong lịch sử Phật giáo, Đức Phật đã từng gợi ý cho tôn giả A Nan về việc Đức Thế Tôn có thể kéo dài thọ mạng như ý muốn do năng lực của Tứ thần túc; nhưng vì bị Ma Ba Tuần che mắt nên tôn giả A Nan không nhớ việc thỉnh Phật trụ thế. Do nhân duyên đó nên Đức Phật biết rõ Ngài đã hết nhân duyên với thế gian và theo lời thỉnh của Ma Ba Tuần thì Đức Phật đã xả tuổi thọ để nhập Niết bàn.
Từ câu chuyện của Ngài A Nan nên chúng ta nguyện khi sinh ra nơi nào có Đức Phật tại thế, chúng ta kính thỉnh Đức Phật trụ thế thật dài lâu. Hiện tại sinh vào thời không có Đức Phật thì chúng ta thỉnh các vị Hòa thượng, bậc Cao Tăng đại đức sống thọ dài lâu để Phật Pháp được hưng thịnh, để chúng sinh có nơi nương tựa. Tuy rằng, các vị ấy cũng không tại thế lâu dài nhưng tâm chúng ta mong muốn các vị Hòa thượng, bậc Cao Tăng đại đức sống mãi, trường trường thọ, đó cũng là chúng ta được phước báu chân thành của nguyện Thỉnh Phật trụ thế.
Tám là thường theo học Phật
Nguyện “Thường theo học Phật” (hay thường tùy Phật học) nghĩa là nghe lời Đức Phật dạy. Trong kinh Phật dạy, chúng ta hành như lời Phật dạy. Chư Tăng thay Đức Phật giáo hóa, các Thầy dạy chúng ta như thế nào thì chúng ta ứng xử, thực hành, tu tập theo đúng như thế; chúng ta noi gương của Đức Phật, học theo hạnh của Đức Phật là chúng ta học theo nguyện Thường theo học Phật.
Chín là Hằng thuận chúng sinh
Tùy thuận (hằng thuận) là đi theo, vì chúng sinh thì nhiều căn cơ, nhiều chủng tính, nhiều tập khí khác nhau nên người học Phật phải học hạnh tùy thuận; nhưng muốn tùy thuận chúng sinh thì chúng ta phải có phương tiện. Nếu chúng ta chưa có đủ phương tiện, thiếu năng lực thì chúng ta không thể tùy thuận được.
Chúng ta phải biết mình, biết người. Ví dụ thấy tính anh này nóng giận thì trước tiên phải tùy thuận với anh ta để cơn nóng giận của anh ta hạ xuống rồi chúng ta mới nói chuyện được. Hay là người này có tính có tham lam thì chúng ta có thể nhịn nhường phần ăn của mình để thêm vào phần ăn của người ấy. Vì chúng sinh nhiều căn tính, nhưng trong ai cũng có tâm Phật nên chúng ta không bỏ ai cả, ai ai cũng có thể tu học Phật được nên chúng ta phải khéo phương tiện, biết tùy thuận thì mới dẫn dắt người vào đạo, giúp đỡ nhau cùng tiến tu. Chúng ta biết tùy thuận thì Phật Pháp mới hưng thịnh được.
Mười là Hồi hướng khắp tất cả
“Hồi hướng khắp tất cả”, nghĩa là chúng ta có bao nhiêu công đức lành từ việc tu tập thì chúng ta xin hồi hướng hết cho khắp cả Pháp giới chúng sinh, dù là chúng sinh hữu tình hay vô tình, hữu hình hay vô hình thì đều được ân chiêm (nhận) công đức, không bao giờ nghĩ rằng, phước báu này chỉ riêng mình hưởng. Vì nếu chỉ nghĩ cho riêng mình, không biết hồi hướng cho ai, đó là tâm ích kỷ, còn tự tư, tự lợi cho bản thân.
Trên đây là những ý nghĩa cơ bản về mười nguyện lớn của Phổ Hiền Bồ Tát. Hy vọng rằng, qua những lời chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh, quý Phật tử và bạn đọc sẽ có thêm tri kiến đúng đắn trong việc tìm hiểu và tu học Phật Pháp, từ đó chân thật thực hành áp dụng vào đời sống tại gia để mang lại nhiều công đức và phước báu.