Kinh doanh thành công từ những lời hứa (phần 2)
Tại sao sống ở đời cần phải làm giàu?
Chúng ta thường nghĩ tu đạo Phật là bỏ hết chẳng làm gì cả. Ngày ngày ăn gạo lứt muối vừng được rồi, như vậy thì chưa đúng tinh thần Phật giáo Đại thừa. Người đệ tử Phật, nhất là người đệ tử tại gia, không những tu học mà cần phải xây dựng quê hương đất nước ngày càng phồn vinh, làm cho cuộc sống ngày càng phát triển tốt đẹp lên.
Các Thầy đi tu hành thì khác, vì các Thầy cần chăm lo tu hành và hoằng truyền giáo Pháp. Còn bổn phận của Phật tử tại gia lại khác, Phật tử tại gia ngoại hộ cho Phật Pháp, mình cần buôn bán, sản xuất lao động để tạo ra tài sản, có tài sản ấy mình không những nuôi sống gia đình, xây dựng xã hội mà còn ủng hộ cho Phật pháp. Các Phật tử thấy nếu chùa mình không có các Phật tử ủng hộ thì làm sao có chùa như thế này để chúng ta tu học cho yên ấm, cho nên sự hưng thịnh của Phật Pháp là nhờ một phần ở Phật tử tại gia, cho nên bổn phận của người Phật tử tại gia là làm giàu chính đáng. Chúng ta đi vào phần kinh văn:
“Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại khu vườn ông Cấp Cô Độc. Rồi gia chủ Cấp Cô Độc đi đến, sau khi đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Cấp Cô Độc.
Này gia chủ, có năm lý do để gầy dựng tài sản. Thế nào là năm ?
Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thâu được một cách hợp pháp. Tự mình làm an lạc, hoan hỷ. Làm cho cha mẹ, vợ con, người phục vụ, người làm công được an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ nhất để gầy dựng tài sản.
Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn…. Vị này làm cho bạn bè, thân hữu an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ hai để gây dựng tài sản.
Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn.....Các tai họa để trở thành trắng tay bị chăn đứng và vị ấy giữ tài sản được an toàn cho vị ấy. Đây là lý do thứ ba để gầy dựng tài sản.
Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn….Vị ấy có thể hiến cúng cho bà con, cho khách, cho hương linh đã chết; hiến cúng cho vua và chư Thiên. Đây là lý do thứ tư để gầy dựng tài sản.
Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn…..Vị ấy tổ chức cúng dường các vị Sa môn, Bà la môn. Sự cúng dường tối thượng này đưa đến phước báo vô lượng ở cõi người, cõi trời. Đây là lý do thứ năm để gầy dựng tài sản”
Ông Cấp Cô Độc này là người đã bỏ số vàng lát kín khu vườn tinh xá kỳ viên của thái tử Kỳ Đà để mua khu vườn này dâng cúng cho tăng đoàn. Ở thời Phật thì có hai vị đại thí chủ là ông Cấp Cô Độc và bà Visakha là hai vị có thể trực tiếp đến gặp Phật được, nhiều khi Đức Phật nghe hai vị thí chủ này. Ví dụ bà Visakha nhìn thấy một vị sư nào phạm lỗi bà lên bà bạch Phật, rồi Phật gọi vị sư ấy lên hỏi có phải ông phạm lỗi đó không, nếu vị sư đó mà cãi, còn bà Visakha bảo chính mắt con nhìn thấy là Phật quở trách vị sư đó, vì Phật biết những vị thí chủ này một lòng vì Phật Pháp, không có tâm gì khác.
Xem thêm: Bí quyết kinh doanh thành công theo lời Phật dạy
Kính thưa đại chúng, nếu chúng ta ở tại gia mà có tài sản đầy đủ, chu cấp được cho cha mẹ anh em, ủng hộ bà con lối xóm tức là làm các việc từ thiện xã hội, chúng ta lại còn dành được tiền cúng dường cho Tam Bảo cho những vị tu sĩ xuất gia thì quả thật những cái ấy rất là quý báu, mà giúp cho chúng ta rất nhiều niềm vui, quý Phật tử mà đến chùa thì chắc chắn không vui bằng mình có tiền cúng dường.
Chúng ta sống trên đời này không thể nói không gây dựng tài sản, trừ những người xuất gia. Những Phật tử về hưu rồi nhưng nếu mình còn sức khoẻ thì vẫn làm, vì lao động là vui, là khỏe, là mình có thêm thu nhập để làm được rất nhiều việc. Nhà mình có mảnh đất, mình có thể cuốc đất trồng rau, không phải ra chợ mua, hoặc mình có thể buôn bán, mở cửa hàng. Tất cả những viêc ấy đều là những công việc chính đáng, miễn là mình gây dựng tài sản của mình bằng chính sức lực của mình thì đều đáng quý, và những đồng tiền ấy mình dùng đúng pháp thì nó sinh ra phước báu cho mình.
Tinh thần của Phật giáo, nhất là Phật giáo đại thừa không nói là người Phật tử tại gia phải bỏ hết không làm gì cả, mình vẫn làm vẫn tạo ra sản phẩm cho gia đình và làm được nhiều việc Phật sự nữa, như vậy mới tròn bổn phận của người Phật tử tại gia. Phật tử tại gia mà không làm thì không thể xây dựng các cơ sở Phật Pháp được, Phật tử tại gia mà không làm thì không có vật cúng và chư Tăng cũng đói.
Cuối cùng Thầy kính chúc toàn thể Phật tử kinh doanh thành công, làm giàu chính đáng làm lợi ích cho xã hội và làm lớn mạnh Phật pháp, xứng đáng là lớp vỏ bọc vững chắc của Phật pháp. Chúc quý Phật tử luôn luôn mạnh khỏe tinh tấn, dù ở bất cứ vị trí nào cũng hoàn thành nhiệm vụ của mình.
---
Bài viết trên được ghi lại từ một buổi giảng kinh Nikaya của Thầy Thích Trúc Thái Minh dành cho Phật tử chùa Ba Vàng