Cúng Thần Tài có mang lại tài lộc? Những sai lầm khi đặt bàn thờ Thần Tài
Mục Lục [Ẩn]
Theo quan niệm dân gian, Thần Tài là một vị thần mang đến tài lộc, may mắn. Nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình kinh doanh, thường dành một góc riêng để thờ Thần Tài, mong công việc làm ăn thuận lợi, phát đạt, gặt hái được nhiều tài lộc. Nhưng thực tế, không ít gia đình mắc phải sai lầm đáng tiếc trong việc thờ phụng này. Để tránh những sai lầm ấy, các bạn đừng bỏ lỡ bài viết dưới đây.
Phong tục thờ cúng Thần Tài của người Việt
Bàn thờ Thần Tài thường được đặt ở gần cửa ra vào hay một góc nhà. Trong bàn thờ, vị trí ngồi của ông Thần Tài, ông Địa cạnh nhau, bát hương ở giữa.
Thờ Thần Tài là một phong tục nhằm cầu mong buôn may bán đắt, phát tài phát lộc trong kinh doanh. Theo dân gian, ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày vía Thần Tài, người ta thường sắm lễ cúng Thần Tài gồm: ba quả trứng, một đĩa tôm, một miếng thịt luộc, cua hoặc cá lóc. Đặc biệt, họ còn đi mua vàng ngày Thần Tài, hy vọng mang lại may mắn, tài lộc cho cả năm. Tuy nhiên, những quan niệm này còn nhiều tranh cãi và chưa đúng theo quan điểm của đạo Phật.
Sai lầm trong việc đặt bàn thờ Thần Tài
Chúng ta không nên đặt ban Thần Tài dưới đất, vì chữ “thờ” thể hiện lòng tôn kính. Dù thờ bất kỳ vị thần nào, việc đặt bàn thờ ở dưới đất hay góc xó cũng thể hiện sự không cung kính. Hàng ngày, chúng ta đi qua đi lại, bụi bám vào đồ cúng và lên cả tượng thờ các vị ấy,... Thờ phụng như vậy không mang lại tài lộc và khiến tổn hao phúc báu. Cho nên, đối với việc thờ phụng, chúng ta phải tôn kính đặt ở trên cao.
Chúng ta có thể thờ các vị thần linh chung vào một bát hương thờ chư vị Hộ Pháp, Thiện thần (bao gồm các vị Thổ Địa, Long Thần) trên bàn thờ gia đình. Một bàn thờ của gia đình nên có 3 bát hương: một bát hương thờ Phật; một bát hương thờ chư vị Hộ Pháp, Thiện thần; một bát hương thờ gia tiên, tiền tổ. Việc thờ ba bát hương như vậy thể hiện lòng cung kính đầy đủ.
>>> Xem thêm: Bàn thờ Phật tại gia: Những điều cần biết để gia đình may mắn, bình an
Kinh doanh thành công không phải do Thần Tài mang đến
Ông bà ta có câu: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, đó là sự thật. Tài sản phải do chúng ta tạo dựng từ những việc làm chân chính chứ không phải bằng việc thờ phụng các vị thần vì không có một vị thần nào được phép cho tài lộc cả; nếu không có phước, không ai có thể mang lại tài lộc cho chúng ta.
Cách có được tài sản chân chính mà không cần dựa vào ông Thần Tài
Theo quan niệm của đạo Phật, khi có phước báu thì tài lộc sẽ xuất hiện. Đức Phật dạy, chúng ta có thể tích lũy phước báu bằng những cách sau:
1. Bố thí, cúng dường
Trong bài kinh Kinh Doanh Thành Công, Đức Phật dạy:
“Nhưng ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến vị Sa môn hứa hẹn giúp đỡ, và người ấy đã cho như đã hứa. Sau khi mạng chung, người ấy đi đến chỗ này, dẫu buôn bán gì cũng thành tựu như ý muốn.
Ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến vị Sa môn hứa hẹn giúp đỡ, và người ấy đã cho nhiều hơn như đã hứa.
Người ấy sau khi mạng chung, đi đến chỗ này, dẫu buôn bán gì cũng được thành tựu ngoài ý muốn”.
Trong kinh Nghiệp Báo Sai Biệt, Đức Phật dạy: “Lại có mười nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo tài sản nhiều: Một là tự xa lìa việc trộm cướp; hai là khuyên người không trộm cướp; ba là khen ngợi việc làm không trộm cướp; bốn là thấy người không trộm cướp, tâm sinh hoan hỷ; năm là cung cấp tài sản nuôi sống cha mẹ; sáu là cúng dường những vật cần thiết cho Hiền Thánh; bảy là khi thấy người được lợi, tâm sinh hoan hỷ; tám là khi thấy người cầu lợi, tìm cách trợ giúp; chín là khi thấy người thích bố thí, tâm sinh vui vẻ; mười là khi thấy người đời đói rét, tâm sinh thương xót. Do mười nghiệp này mà được quả báo tài sản nhiều”.
2. Tu giới đức, hành trì giới luật, tu thiền định
Chúng ta tu giới đức, hành trì giới luật của Phật hoặc tu thiền định cũng sinh ra công đức, phước báu.
Trong kinh Tăng Chi Bộ, Chương V Năm Pháp, Phẩm Mắng Nhiếc, Đức Phật dạy: “Ở đây, này các Tỳ-kheo, người giữ giới, đầy đủ giới, do nhân không phóng dật, thâu được tài sản lớn.”
Các bậc Thánh Tăng tu tập và khi các Ngài chứng đạt Thánh quả thì ai cũng cung kính và muốn đến cúng dường các Ngài. Đó là từ công đức tu tập sinh ra phúc báu, phúc báu đó sinh ra tài lộc. Đức Phật cũng thế, Ngài ở đâu, tài lộc đều có thể đến đó. Như trong kinh Tiểu Bộ - Tập 4, Chương Một, Phẩm Kulavana, Chuyện Hố Than Lửa Cây Keo có chuyện ông Cấp Cô Độc, do kính quý Phật nên đã dùng rất nhiều vàng mua đất xây tinh xá Kỳ Hoàn cúng dường Phật.
Như vậy, Thần Tài chính là bàn tay, khối óc, trí tuệ của chúng ta làm ra tài sản chân chính. Chúng ta thực hiện lời Phật dạy, tu tập các công đức, tích lũy phước báu cho chính mình thì tài lộc tự đến, cho nên việc thờ Thần Tài là không cần thiết. Trên thế giới, có nhiều nhà tỷ phú không thờ Thần Tài nhưng vẫn là tỷ phú giàu nhất nhì thế giới. Ngược lại, có nhiều người thờ Thần Tài nhưng vẫn rất khó khăn về kinh tế.
Trên đây là những chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh về chủ đề Thần Tài, qua đó, chúng ta hiểu được công đức và phước báu là hai thứ sinh ra tài lộc chứ không phải do thờ Thần Tài, chúng ta nên làm những việc giúp mang đến tài lộc theo lời Phật dạy như bố thí, cúng dường, tu tập, trì giới,...
Nếu còn điều gì thắc mắc xoay quanh chủ đề Thần Tài, kính mời quý độc giả bình luận dưới bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ để được giải đáp.