32
105

Tại sao nói: Tài sản cúng dường lên Tam Bảo chỉ có chư Tăng mới có quyền quản lý và sử dụng?

Tu tập - Giác ngộ, 09/7/2021 10:48
32
105

Tài sản nhân dân, Phật tử cho, biếu, tặng, dâng cúng lên Tam Bảo thì tài sản đó thuộc quyền sở hữu của Tam Bảo và chư Tăng là người đại diện được toàn quyền quản lý và sử dụng. Điều này không chỉ đúng với giới luật của Phật mà còn là mong nguyện của nhân dân, Phật tử khi phát tâm cúng dường. Cho nên, ngoài chư Tăng thì không có bất kỳ ai xứng đáng thọ nhận và sử dụng tài sản Tam Bảo.

Để hiểu hơn tại sao không được xâm phạm tới tài sản Tam Bảo, kính mời quý Phật tử cùng theo dõi lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh qua 02 chuyện dưới đây.

Câu chuyện số 1: Ông Cấp Cô Độc dát vàng xây tinh xá cúng dường Phật và chúng Tăng

Tinh xá Kỳ Viên là một trong những ngôi chùa nổi tiếng vào thời Đức Phật tại thế. Lịch sử hình thành ngôi tinh xá gắn liền với vị đại thí chủ Cấp Cô Độc và trở thành một câu chuyện đặc biệt trong lịch sử Phật giáo.

Trong một lần sang thăm anh rể ở nước Ma-kiệt-đà, khi nghe kể về Đức Phật Thích Ca, toàn thân ông Cấp Cô Độc rung động đến từng lỗ chân lông. Vì rất mong muốn gặp Đức Phật nên ngay trong đêm hôm ấy, ông tìm đến Tinh xá Trúc Lâm. Sau khi được Đức Phật giáo hóa, ông Cấp Cô Độc liền tỏ ngộ về đạo và chứng sơ quả. Ông phát nguyện quy y Tam Bảo, chính thức trở thành đệ tử Phật.

Sau khi trở về thành Xá Vệ, nước Kosala, ông Cấp Cô Độc quyết định xây một tinh xá (ngôi chùa) rộng lớn dâng cúng dường lên Đức Phật và Tăng đoàn. Khi thấy vườn Thượng Uyển của Thái tử Kỳ Đà - con trai vua Ba-tư-nặc cây cối tươi tốt, cảnh trí vô cùng mỹ lệ rất phù hợp để xây cất tinh xá, ông liền thưa chuyện muốn mua lại khu rừng. Khi ấy, Thái tử Kỳ Đà đã ra điều kiện: Nếu ông đem vàng dát kín hết rừng thì Thái tử sẽ bán cho ông.

Ông Cấp Cô Độc đồng ý và cho gia nhân chở xe kéo vàng đến dát gần kín hết cả khu rừng.

Ông Cấp Cô Độc dát vàng mua đất của Thái tử Kỳ Đà xây Kỳ Viên tịnh xá cúng dường Đức Phật và Tăng đoàn

Ông Cấp Cô Độc dát vàng mua đất của Thái tử Kỳ Đà xây Kỳ Viên tịnh xá cúng dường Đức Phật và Tăng đoàn

Lúc này, Thái tử Kỳ Đà hỏi chuyện thì được nghe ông Cấp Cô Độc kể về Đức Phật Thích Ca - bậc minh triết, trí tuệ, oai đức có một không hai trong thế gian. Nhận thấy lòng tín thành tuyệt đối của ông Cấp Cô Độc với Đức Phật và trong lòng cũng cảm thấy hoan hỷ, Thái tử liền đề nghị góp tất cả cây cối, hoa màu, sản vật, các công trình trên khu vườn để cùng xây tinh xá.

Ông Cấp Cô Độc rất hoan hỷ và đồng ý với Thái tử Kỳ Đà nên hai vị chung sức để xây dựng tinh xá. Sau đó, Đức Phật chỉ dạy Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiều Liên đến hướng dẫn xây dựng. Không bao lâu sau, tinh xá được hoàn thành và trở thành một công trình Phật giáo quan trọng thời bấy giờ. Công trình cũng được đặt tên là tinh xá Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên. “Thọ” là cây, cây của Thái tử Kỳ Đà, còn “viên” là đất, vườn đất của ông Cấp Cô Độc.

Trong kinh cũng nói, ngay khi ông Cấp Cô Độc phát tâm cúng dường Đức Phật, trên thiên cung xuất hiện một tòa lâu đài hết sức mỹ lệ và vô cùng đẹp đẽ. Sau khi mệnh chung ở trần gian thì ông sẽ sinh lên đó làm chủ.

=> Bài học: Chư Tăng là người duy nhất được sử dụng tài sản cúng dường!

Trong kinh có ghi rằng, tinh xá Kỳ Viên có giá trị vô cùng lớn, nếu đo lường bằng số lượng đồng tiền vàng thời bấy giờ thì con số lên tới hàng chục triệu đồng. Với giá trị to lớn như thế nhưng khi tài sản đó được ông Cấp Cô Độc dâng cúng lên Đức Phật và Tăng đoàn thì tài sản ấy hoàn toàn thuộc về Đức Phật và Tăng đoàn, không ai có quyền xâm phạm; thậm chí người đó là vua Ba-tư-nặc. Cũng vậy, tiền, tài sản của thí chủ, Phật tử cúng dường vào Tam Bảo là thuộc về Tam Bảo, chỉ có Tam Bảo mới được quyền sử dụng.

Để hiểu rõ lý do tại sao chỉ có chư Tăng mới được quản lý và sử dụng tài sản Tam Bảo, chúng ta cùng tìm hiểu qua lời phân tích của Thầy trong 02 lý do dưới đây:

1. Chư Tăng là người đại diện cho Tam Bảo

Phật tử, nhân dân đi chùa cúng dường Tam Bảo tức là dâng cúng Phật, Pháp, Tăng. Đức Phật đã nhập Niết bàn, chỉ còn tượng Phật ở trên tòa cao. Pháp bảo thì không sử dụng, trừ một số trường hợp chư Tăng sử dụng cho Pháp. Cuối cùng là Tăng bảo - đoàn thể những người đệ tử xuất gia theo Phật, tu tập theo lời Phật dạy và hoằng truyền giáo Pháp đến với chúng sinh. Cho nên chư Tăng là người thay mặt cho Tam Bảo quản lý, sử dụng tài sản mà đàn na tín thí để phục vụ cho việc Tam Bảo.

Mà việc Tam Bảo là tô tượng, đúc chuông, xây dựng, sửa chữa chùa, tinh xá, nuôi dưỡng chúng Tăng, in ấn kinh điển, hoằng dương Phật Pháp, từ thiện xã hội,... Đó là việc của Tam Bảo và chỉ chư Tăng mới được quyền sử dụng. Cho nên cúng dường cho Tam Bảo, đích thực là cúng dường cho Tăng. Chư Tăng thay mặt Tam Bảo quản lý, sử dụng đồng tiền cúng dường là đúng Pháp, đúng luật của Phật và đúng cả pháp luật Nhà nước.

Chư Tăng là người đại diện cho Tam Bảo và có quyền được sử dụng tiền cúng dường của nhân dân, Phật tử một cách chính đáng nhất.

Chư Tăng đại diện cho Tam Bảo thọ nhận sự cúng dường là đúng với giáo lý của Phật (hình ảnh của Lễ Vu Lan chùa Ba Vàng năm 2020)

Chư Tăng đại diện cho Tam Bảo thọ nhận sự cúng dường là đúng với giáo lý của Phật (hình ảnh của Lễ Vu Lan chùa Ba Vàng năm 2020)

2. Phật tử hướng tâm cúng dường đến Tam Bảo và chư Tăng

Ông Cấp Cô Độc và Thái tử Kỳ Đà xây dựng tinh xá hướng tâm dâng lên cúng dường Đức Phật và Tăng đoàn. Cũng vậy, khi cúng dường Tam Bảo thì đối tượng mà Phật tử hướng tâm tới là Tam Bảo - Phật, Pháp, Tăng chứ không phải là một người nào khác. Và việc cúng dường này là hoàn toàn do nhân dân, Phật tử tín tâm tự nguyện. Các Phật tử tin kính Tam Bảo, tin kính chư Tăng nên đem tiền, đem của đến cúng dường Tam Bảo, cúng dường chúng Tăng, gọi là biếu, tặng, cho các Thầy.

Vậy nên, chúng ta hiểu rằng Tam Bảo và Tăng đoàn là chủ thể duy nhất mà nhân dân, Phật tử hướng tới khi họ phát tâm cúng dường. Họ mong muốn tài sản đó sẽ được Tam Bảo và Tăng đoàn sử dụng. Vậy nên ngoài Tam Bảo và Tăng đoàn thì bất kỳ ai quản lý, sử dụng tài sản cúng dường lên Tam Bảo là đều không đúng với nguyện mong của người cúng dường.

Vì tài sản ấy là tài sản hợp pháp của họ, được làm ra bằng mồ hôi, nước mắt chính đáng nên họ có quyền cho, tặng. Đấy là quyền định đoạt của một con người. Họ kính quý Phật, kính quý chư Tăng nên họ biếu, cho, nhường lại quyền sở hữu, quyền sử dụng. Đấy là một quyền rất cơ bản của con người.

Hơn thế nữa, ông Cấp Cô Độc xây tinh xá cúng dường Đức Phật với giá trị lên tới hàng chục triệu đồng tiền vàng nhưng ông không hề bắt Đức Phật phải báo cáo, kê khai xem Ngài dùng tinh xá này thế nào hay dùng những đồng tiền đó ra sao? Cũng vậy, Phật tử hiểu rõ với lòng thành kính cúng dường Tam Bảo, đã chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình cho Tam Bảo mà chính họ không đòi hỏi chư Tăng phải khai báo điều gì thì không ai có quyền được đòi hỏi hay bắt chư Tăng phải khai báo.

Khi Phật tử, tín đồ với tất cả tâm thành kính và cúng dường Tam Bảo, cúng dường đến chúng Tăng là thỉnh chư Tăng tùy duyên, tùy ý sử dụng. Cúng dường xong lại bắt các Thầy phải làm thế này, thế kia là không đúng. Nếu cúng dường như vậy thì chắc chắn chư Tăng cũng không nhận. Và Thầy tin chắc rằng từ xưa đến nay, các Phật tử chúng ta khi cúng dường Tam Bảo, cúng dường chư Tăng thì không bao giờ đòi hỏi các Thầy phải báo cáo. Bởi như vậy không phải là nghĩa của sự cúng dường nữa.

Trong kinh Phật giáo có kể rất nhiều câu chuyện về việc cúng dường như: vua Bình Sa cúng dường Ngài Xá Lợi Phất 4 tòa tinh xá, Ngài Mục Kiều Liên cúng dường trai Tăng cứu mẹ là bà Thanh Đề thoát khỏi địa ngục, nữ thí chủ Visakha cúng dường Đức Phật ngôi đại giảng đường Lộc Mẫu ở thành Xá Vệ,... Và đó chính là những minh chứng rõ nét cho việc cúng dường là sự tự nguyện của người cho tặng và người nhận là hoàn toàn hợp pháp.

Từ thời Đức Phật đến bây giờ, việc cúng dường lên Tam Bảo là một hình thức cho, tặng, biếu. Tài sản ấy, người nhận là hợp pháp và pháp luật Nhà nước phải bảo hộ điều đó. Đấy là người ta sở hữu một cách hợp pháp, quyền được nhận tài sản, do người ta biếu, tặng, cho. Tài sản ấy không phi pháp, tài sản ấy được làm ra một cách hợp pháp.

Đức Phật từng dạy, bố thí cúng dường là Pháp đầu tiên mà người đệ tử Phật cần thực hành. Vậy nên, việc Phật tử hướng tâm cúng dường lên Tam Bảo là hoàn toàn đúng với lời Phật dạy.

Câu chuyện số 2: Ngài A - nan giặt y áo Phật

Tôn giả A Nan (Ananda) là một trong mười vị đại đệ tử lớn của Đức Phật Thích Ca. Ngài được mệnh danh là bậc có trí nhớ đệ nhất. Tất cả lời dạy của Đức Thế Tôn đều được Ngài ghi nhớ. Ngoài ra, Ngài còn là thị giả của Đức Phật.

Một lần Ngài A Nan mang y áo của Đức Phật ra sông giặt nhưng không thể nào giặt được vì y của Đức Phật nổi trên mặt nước và không có cách nào làm cho nó chìm xuống được. Mặc dù Ngài A Nan đã tìm mọi cách, thậm chí lấy đá để đè lên. Lúc đó, Đức Phật dạy Ngài A Nan hãy vào lấy bốn hạt cơm ở trong bình bát của Ngài A Nan và đem nó đặt trên tấm y. Làm như thế, tấm y sẽ chìm. Y lời Phật dạy, Ngài A Nan lấy bốn hạt cơm, đặt lên tấm y. Quả nhiên, tấm y chìm xuống. Khi đó, Đức Phật dạy rằng: Hạt cơm của thí chủ, đồng tiền thí chủ cúng dường đến Tam Bảo nặng như vậy đấy! Các ông không tu hành, ăn không nổi, không tiêu được.

Đức Phật dạy Ngài A - nan về sức nặng của tài sản cúng dường Tam Bảo (ảnh minh họa)

Đức Phật dạy Ngài A - nan về sức nặng của tài sản cúng dường Tam Bảo (ảnh minh họa)

=> Bài học: Chư Tăng tu hành chân chính xứng đáng nhận được sự cúng dường

Qua câu chuyện trên, Thầy Thích Trúc Thái Minh khẳng định: “Tam Bảo là ruộng phước chân thật, tối thượng. Không có ông vua, ông quan nào sinh ra được phước báu vô lượng, cũng như cứu độ được chúng sinh ngoài Tam Bảo. Cho nên, người ta mới nói đồng tiền cúng vào Tam Bảo nặng như núi Tu Di. Các Thầy mà không tu thì một đồng ấy cũng không tiêu nổi”.

Người xưa có câu: “Của Bụt mất một đền mười” với ý nghĩa răn dạy chúng ta không nên phạm tới tài sản của chùa, của Tam Bảo. Nếu không sẽ phải đền cả trăm, cả ngàn, có khi đền hết đời mình đến đời con cháu. Đến ngay như các Thầy là Tăng đi tu mà dùng tài sản, đồng tiền Tam Bảo cũng phải chi ly, căn cơ từng chút một, không dùng bừa bãi được. Dùng bừa bãi là chính mình tổn phước. Cho nên, tuy tín đồ Phật tử cúng trăm ngàn vạn bạc, nhưng mình cũng không được phép dùng hoang phí, phải dùng đúng, tiết kiệm phước cho mình, phải dùng đồng tiền đấy để làm lợi ích cho Tam Bảo, lợi ích cho chúng sinh. Không phải đi tu để ăn, để hưởng thụ đâu.

Từ câu chuyện Ngài A Nan giặt y áo Phật và lời Thầy giảng giải chúng ta hiểu rằng tiền đàn na tín thí cúng dường vào Tam Bảo nặng như núi Tu Di nên chư Tăng phải sử dụng tài sản đó một cách đúng Pháp và lợi ích nhất. Người tại gia không được phép sử dụng tiền của Tam Bảo. Nếu chư Tăng không Yết ma, không cho phép thì không thể dùng được. Bởi tiền, tài sản của thí chủ, Phật tử cúng dường vào Tam Bảo là thuộc về Tam Bảo, chỉ có Tam Bảo mới được quyền sử dụng. Chư Tăng đại diện cho Tam Bảo, vậy nên các Thầy sử dụng, quản lý tài sản của Tam Bảo là hoàn toàn đúng với giáo lý nhà Phật. Không chỉ vậy, để có đủ đức để nhận sự cúng dường, chư Tăng phải là những vị xuất gia tu hành chân chính, thọ trì giới luật của Đức Phật.

Chư Tăng chùa Ba Vàng, ngày ăn một bữa, có ba tấm y thì mặc quanh năm, rách thì vá chằng, vá đụp vào mới được thay, đến bao giờ không vá được nữa Thầy mới cho thay. Nghĩa là vá vào nó lại bục ra ngay, lúc ấy Thầy mới cho thay y.

Chúng ta rất khó khăn khi phải từ bỏ gia đình dù chỉ một ngày, rất khó từ bỏ thói quen vui chơi, quần áo đẹp, danh vọng, địa vị,... Không những không từ bỏ được, mà đôi khi còn lấn chiếm những thứ không phải của mình; tức là có những hành động “ăn cắp” như ngoại tình, tranh danh đoạt lợi,... Thế nhưng, khi xuất gia các Thầy phải từ bỏ tất cả: gia đình, địa vị, danh vọng,... để một lòng cầu đạo giải thoát; từ đó mang lại lợi ích cho mình, cho người và cho vô số chúng sinh.

Nếu Phật tử tại gia chỉ cần giữ 5 giới thì người xuất gia, Sa di thọ 10 giới, Tỳ-kheo Tăng thọ 250 giới, Tỳ-kheo Ni thọ 348 giới. Theo bước Đức Thế Tôn xuất gia cầu đạo, các quý Thầy ngày đêm tinh tấn, miên mật tu tập, sống đời thiểu dục tri túc, thực hành các pháp viễn ly, làm bạn với núi rừng. Cho nên, y lời dạy của Đức Phật trong bài kinh “Hai hạng người xứng đáng được cúng dường” kinh Tăng Chi Bộ 1, chương II, Phẩm “Tâm thăng bằng phần đất”, chúng ta hiểu rằng chỉ có chư Tăng tu hành chân chính - những người đang trên lộ trình xa lìa tham, sân, si, hướng tới sự giải thoát như Đức Phật và các bậc Thánh Tăng mới đủ đức để nhận sự cúng dường. Ngoài ra, khi tài sản cúng dường được các bậc chân tu quản lý, sử dụng thì sẽ đem lại hạnh phúc cho người cúng dường và bảo hộ được phước báu cho chúng sinh.

Trong kinh Đức Phật ví quan hệ giữa người nhận cúng và người cúng dường như hòn đá với con dao. Người thí chủ cúng dường với tâm chí thành thì họ được lợi ích, như con dao được mài sắc. Còn người xuất gia buông lung, không tu tập mà thọ hưởng sự cúng dường của thí chủ nhiều thì phước đức suy giảm, như hòn đá mòn dần. Vậy nên, chư Tăng khi nhận tiền cúng dường không thể buông lung, lười biếng. Tại chùa Ba Vàng, các Thầy nhận sự cúng dường của quý Phật tử, nhất là với các cụ bán rau ở chợ, nhặt từng đồng lên cúng dường, các Thầy không phải là sung sướng, mà thật sự rất nặng. Các Thầy dù có nhận bao nhiêu sự cúng dường thì ngày cũng chỉ ăn một bữa; nhưng nhận rồi, các Thầy thấy được trách nhiệm của mình khi được thí chủ tin tưởng, giao phó. Vì vậy, các Thầy phải dùng tài sản cúng dường đó vào việc nào đúng, lợi ích nhất để phát sinh được phúc báu cho thí chủ, không là mình mắc nợ.

Với sự giảng giải minh triết của Thầy Thích Trúc Thái Minh về hai câu chuyện từ thời Đức Phật còn tại thế ở trên, chúng ta hiểu rằng Tam Bảo và chúng Tăng tu hành chân chính nguồn mạch tối thượng sinh ra phước lành cho chúng sinh. Ngoài Tam Bảo và chúng Tăng - những người xuất gia, tu hành thanh tịnh thì không một ai có đủ đức độ để thọ nhận lòng kính tín cúng dường của chúng sinh. Tài sản đã cúng dường vào Tam Bảo và Tăng đoàn là thuộc quyền quản lý của chư Tăng. Không một ai có thẩm quyền để sử dụng và không ai đủ đức độ để sinh phúc cho chúng sinh ngoài chúng Tăng tu hành chân chính.

Bài liên quan
105
CHIA SẺ
Bình luận (32)

Đọc thêm

14 T4, 2024
14 T4, 2024
Lục hòa là gì? Tu lục hòa tiêu trừ các ác nghiệp, cuộc sống an vui

Lục hòa là sáu phép hòa kính mà Đức Phật dạy để chúng ta thực hành, giúp cho đời sống được hạnh phúc, an vui. Vậy muốn tu lục hòa phải làm như thế nào?

128 1

Lục hòa là gì? Tu lục hòa tiêu trừ các ác nghiệp, cuộc sống an vui

01 T4, 2024
01 T4, 2024
Hoàng hậu Ma Da là ai? Hạnh nguyện đặc biệt của bà đối với mười phương Chư Phật

Hoàng hậu Ma Da là vợ đức vua Tịnh Phạn, trị vì vương quốc Ca Tỳ La Vệ; là mẹ của Thái tử Tất Đạt Đa (tiền thân là Bồ Tát Hộ Minh và là Đức Phật Thích Ca ...

11 617

Hoàng hậu Ma Da là ai? Hạnh nguyện đặc biệt của bà đối với mười phương Chư Phật

25 T3, 2024
25 T3, 2024
Cúng dường Xá lợi Phật có công đức ngang bằng cúng dường Đức Phật

Xá lợi Phật là những viên ngọc thu được từ nhục thân - thân xác thịt của Đức Phật sau khi làm lễ trà tỳ. Khi đó, tất cả thân Ngài đều biến thành vô số Xá lợi

59 3271

Cúng dường Xá lợi Phật có công đức ngang bằng cúng dường Đức Phật

20 T3, 2024
20 T3, 2024
Đức Phật Thích Ca - nhân vật lịch sử có thật và sự xuất hiện đặc biệt nhất trên thế gian

Đức Phật là nhân vật có thật, sự xuất hiện của Ngài như một vầng nhật nguyệt trí tuệ và từ bi, xóa tan đi bóng tối vô minh, phiền não.

142 5362

Đức Phật Thích Ca - nhân vật lịch sử có thật và sự xuất hiện đặc biệt nhất trên thế gian

05 T3, 2024
05 T3, 2024
Áp lực cuộc sống: 04 cách vượt qua để sống thảnh thơi

Áp lực cuộc sống về tiền bạc, công việc, gia đình,... là nỗi bất an, mệt mỏi của nhiều người. Và trên đây là 4 cách để vượt qua áp lực trong cuộc sống

176 1528

Áp lực cuộc sống: 04 cách vượt qua để sống thảnh thơi

28 T2, 2024
28 T2, 2024
Niết bàn là gì? Người nào có thể chứng đắc Niết bàn

Niết bàn là một thực tại có thật, là trạng thái của tâm khi đã diệt hết các phiền não, sạch tất cả vô minh, tham, sân si. Niết bàn đồng nghĩa với thoát khỏi đau khổ...

52 5895

Niết bàn là gì? Người nào có thể chứng đắc Niết bàn

05 T2, 2024
05 T2, 2024
Muốn sống an nhiên giữa cuộc đời vô thường, đừng bỏ qua những điều này

Vô thường là điều nhiều người hay nhắc đến khi những người thân yêu mất hoặc đổ vỡ trong chuyện tình cảm,... Làm thế nào để bình thản đối diện với nó?

261 14859

Muốn sống an nhiên giữa cuộc đời vô thường, đừng bỏ qua những điều này