Cách tạo ra tài lộc bền vững theo lời Phật dạy
Mục Lục [Ẩn]
Từ bài “Quan niệm sai lầm khi thờ Thần Tài cần tránh”, chúng ta biết rằng việc thờ Thần Tài là theo thuyết trong dân gian, không đem lại tài lộc cho gia chủ. Tuy nhiên, chúng ta có thể tạo ra tài lộc cho chính mình bằng cách thực hành theo lời Phật dạy.
Vậy đó là cách gì? Mời quý vị cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Tài lộc được tạo ra từ đâu?
Theo quan niệm chính thống của đạo Phật, tài lộc của mỗi con người có được bằng hai cách: Một là chân chính, hai là tà ngụy.
1. Tài lộc được tạo ra bằng cách chân chính
Tài lộc hay tài sản chân chính có được do: lao động bằng bàn tay, khối óc; được thừa kế tài sản từ tiên tổ, cha mẹ để lại; được mọi người cho, biếu, tặng, cúng dường. Tài sản chân chính cũng thể hiện phước báu của mỗi người.
2. Tài lộc có được bằng cách tà ngụy
Tài lộc tà ngụy là những tài sản do chúng ta làm việc sai trái như trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bức hiếp, dọa nạt, ăn hối lộ khiến người ta phải nộp tài sản cho mình. Tuy có tài sản nhưng chính chúng ta lại tạo ác nghiệp cho mình. Cho nên, tài sản này cũng gọi là tài sản phi nghĩa (tức là không có đạo nghĩa) và không bền. Bởi Đức Phật dạy rằng, tất cả tài sản phi nghĩa sẽ “đội nón ra đi” bằng 7 con đường:
- Thứ nhất là bị tai nạn mà mất tài sản
- Thứ hai là bị bệnh tật
- Thứ ba là bị nước lũ cuốn trôi
- Thứ tư là bị lửa thiêu cháy
- Thứ năm là sinh ra con bất hiếu, hư hỏng mà phá tán tài sản
- Thứ sáu là trộm cắp đến lấy lại tài sản của mình
- Thứ bảy là bị vua quan tịch thu tài sản
Qua đây, chúng ta thấy tài sản chân chính có được từ phúc báu chân chính của chúng ta thì tài sản đó mới bền vững, chắc thật.
Làm thế nào để có tài sản chân chính?
Để có được tài sản chân chính, tài lộc vững bền thì Đức Phật dạy chúng ta phải tu tập để có công đức và phước báu. Vậy chúng ta tu tập thế nào?
1. Bố thí
Đức Phật dạy: “Bố thí sinh ra phước báu”, có ba cách bố thí:
a. Bố thí tài sản
Gồm bố thí ngoại tài là cho tiền của, cơm ăn, nước uống, áo mặc,... và bố thí nội tài là đem sức lực, máu thịt, thân thể bố thí cho chúng sinh.
b. Bố thí Pháp
Chúng ta đem giáo Pháp, những lời dạy chân lý của Đức Phật đến với mọi người để mọi người được sáng tâm, thấy rõ sự thật của vạn sự, vạn vật.
c. Bố thí vô uý
Bố thí vô úy là đem sự bình an, không sợ hãi đến với mọi người, giúp cho mọi người được bình an, yên tâm.
2. Tu tập, trì giới, thiền định
Chúng ta tu giới đức, hành trì giới luật của Phật hoặc tu thiền định cũng sinh ra công đức, phước báu cho chính mình. Các bậc Thánh Tăng tu tập và khi các Ngài chứng đạt Thánh quả thì ai cũng cung kính và muốn đến cúng dường các Ngài. Đó là từ công đức tu tập sinh ra phúc báu, phúc báu đó sinh ra tài lộc.
Đức Phật cũng thế, Ngài ở đâu, tài lộc đều có thể đến đó. Như chuyện ông Cấp Cô Độc, do kính quý Phật nên đã dùng rất nhiều vàng mua đất xây tinh xá Kỳ Hoàn cúng dường Phật.
Vì vậy, để có được tài lộc một cách chân chính thì chúng ta phải tu tập, để tạo ra công đức, phước báu. Chúng ta có tài sản bằng chính bàn tay, khối óc của mình lao động thì tài sản ấy là chân chính và nằm trong phúc báu của mình. Ngược lại, nếu không có phúc báu thì chúng ta không có được tài sản. Cho nên, chúng ta thấy ở thế gian, có rất nhiều người mới sinh ra đã được sở hữu tài sản rất lớn từ gia đình, dòng họ. Đó chính là do phúc báu dự trữ có sẵn của họ. Còn có những người cũng có phúc báu nhưng họ phải làm thì quả phúc mới trổ quả.
Đức Phật cũng dạy cho những doanh nhân, muốn kinh doanh thành công thì phải dự trữ phúc báu. Phúc báu từ sự tu tập, chăm làm các việc phúc thiện, tu tập các công đức thì tài lộc sẽ được đầy đủ.
Thần Tài chính là bản thân chúng ta
Khi chúng ta thực hiện lời Phật dạy, tu tập các công đức, tích lũy phước báu cho chính mình thì tài lộc tự đến, cho nên việc thờ Thần Tài là không cần thiết. Thần Tài chính là bản thân chúng ta, là bàn tay, khối óc, trí tuệ của chúng ta làm ra tài sản chân chính.
Như chúng ta thấy trên thế giới, có rất nhiều tỷ phú, điển hình như Bill Gates, không thờ Thần Tài nhưng vẫn là tỷ phú giàu nhất nhì thế giới. Ngược lại, có nhiều người thờ Thần Tài nhưng vẫn rất nghèo.
Như vậy, công đức và phước báu là hai thứ sinh ra tài lộc cho chúng ta chứ không phải thờ Thần Tài đem đến tài lộc. Nếu không có công đức, phước báu thì chúng ta vẫn còn nghèo khổ, khó khăn.
Cho nên, Đức Phật dạy, chúng ta phải tự mình tu tập sinh ra công đức và phước báu để có tài sản một cách chân chính. Việc thờ Thần Tài, cúng vía Thần Tài hay đi mua vàng vào ngày vía Thần Tài để tài lộc đến hoàn toàn mê tín. Khi mê tín, chúng ta sẽ bị mất phước báu, không được lợi ích.
Vậy nên, khi giác ngộ lời Phật dạy, chúng ta nên bỏ việc thờ cúng Thần Tài. Ngày vía Thần Tài, chúng ta cũng không cần phải đi mua vàng khiến giá cả thị trường đột biến, ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế đất nước.
Mong rằng, từ chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh, quý vị và các bạn sẽ hiểu và có được tài sản chân chính, bền vững cho mình và gia đình, không bị nặng nề bởi việc thờ cúng Thần Tài hay cúng lễ, mua vàng trong ngày vía Thần Tài sắp tới.