Hiểu đúng câu "Học tài thi phận" và bí kíp đặc biệt dành cho mọi sĩ tử
Mục Lục [Ẩn]
Trước mỗi kỳ thi, hầu như ai cũng mong muốn mình sẽ làm bài thật tốt, đạt điểm thật cao và trúng tuyển vào trường mình mơ ước. Tuy nhiên, đạt được điều đó hay không lại phụ thuộc vào tài năng và phúc phận của mỗi người, do đó mà trong dân gian có câu “học tài, thi phận”.
Vậy theo góc nhìn của Phật giáo, câu nói này được hiểu thế nào? Làm sao để đỗ đạt công danh, thi cử?
Kính mời quý vị và các bạn cùng đón đọc bài viết qua sự chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh.
“Học tài thi phận” nghĩa là gì?
Dân gian có câu “Học tài thi phận”. “Học tài” nghĩa là việc học thì tùy theo tài năng mỗi người. “Thi phận” thì là do phúc phận của mỗi người. Học thì tài năng hay tài giỏi thông minh tùy từng người, còn đến lúc thi thì đỗ đạt, thành danh hay không lại tùy vào phúc phận của mỗi người, cho nên gọi là “Học tài thi phận”.
Vì sao gọi là “học tài”?
Phần học tùy theo năng lực mỗi người, giỏi hay dốt do rất nhiều yếu tố chi phối.
1. Thông minh bẩm sinh
Nếu hiểu theo khoa học thì bẩm tính thông minh có lẽ là do gen của bố mẹ nhưng nhà Phật biết rằng đó là do phúc nghiệp từ tiền kiếp dư sang kiếp này. Có những người tiền kiếp trước, người ta đã tạo những thiện nghiệp, sang kiếp này người ta rất thông minh, trí tuệ từ bé. Còn những người tạo ác nghiệp thì kiếp này sinh ra thì ngây ngô đần độn từ bé.

Có những người thông minh từ bé (ảnh minh họa)
Như câu chuyện của Ngài Châu Lợi Bàn Đặc là một vị Tỳ-kheo thời Đức Phật, Ngài học mấy câu kệ thôi mà học bao nhiêu ngày tháng, Ngài cũng không thuộc nổi, đọc câu trước thì quên câu sau, gọi là dốt đặc cán mai. Nhưng sau này, khi Ngài được Đức Phật hướng dẫn tu tập thì Ngài rất chăm chỉ, đắc đạo thành bậc A La Hán thông tuệ. Khi đó, Ngài quán chiếu thấy rằng, trong tiền kiếp Ngài là một vị Tam Tạng Pháp Sư rất giỏi, trí nhớ thông minh, nhớ hết tam tạng kinh điển. Nhưng chỉ vì một lỗi là Ngài kiêu ngạo nên khinh chê, xem thường, phỉ báng một thầy tu khác mà vị thầy tu đó đã đắc Thánh quả. Do nghiệp báo ấy mà kiếp này Ngài sinh ra, trở thành người ngu dốt đến như vậy, đọc mãi bốn câu kệ mà không thuộc.
Cho nên, chúng ta thấy sự thông minh, trí tuệ của chúng ta hiện kiếp này bị ảnh hưởng bởi nghiệp báo tiền kiếp rất nhiều.
2. Sự nỗ lực, chăm chỉ trong kiếp này
Kiếp này sinh ra, chúng ta chậm chạp, kém cỏi, không thông minh lắm nhưng chúng ta lại có đức tính cần cù, chịu khó thì cũng bù lại, cho nên gọi là “cần cù bù thông minh”. Chịu khó học thì chúng ta cũng được thông minh thêm lên.
3. Được gặp thầy tốt, bạn tốt, môi trường giáo dục tốt
Điều này cũng giúp cho chúng ta thêm trí tuệ, học giỏi hơn.
“Thi phận” là do nhân duyên gì?
Có người chăm học, lúc thi cử thì không đỗ, nhưng có người học lớt phớt lại thừa sức, thừa điểm để đỗ. Vậy thì chúng ta biết có rất nhiều nhân duyên như sau:
1. Làm bài thi đúng hay sai?
Để đi thi làm bài được tốt cũng có rất nhiều vấn đề: đầu óc mình lúc ấy có tỉnh táo, có sáng suốt, có nhớ tốt không hay lúc ấy run quá nên quên hết luôn? Hay là đang vào phòng thi tự nhiên đau bụng phải đi ra ngoài, mất thời gian thi? Hay là khi mình làm bài, thầy giám thị cứ đứng bên cạnh, cuối cùng mình không làm gì được. Có rất nhiều duyên để chúng ta không làm được bài. Hoặc chúng ta đi thi đúng phần mình học được, gọi là đúng bài tủ. Còn ôn bài này mà đi thi đề bài khác thì rất khó để đạt điểm cao.

Làm bài đúng nhiều hay sai nhiều cũng quyết định điểm số (ảnh minh họa)
Ví dụ chuyện quay cóp khi đi thi. Quay cóp mà trót lọt thì còn đỡ nhưng bị thầy giám thị bắt được là tiêu rồi. Đạo Phật cho chúng ta biết, không có gì nằm ra ngoài pháp giới nhân duyên. Tuy chuyện quay cóp là tiêu cực, là gian lận trong thi cử nhưng đó cũng là nằm trong những nhân duyên đó. Có người quay cóp được, có người không quay cóp được; có người lại được thầy giám thị có cảm tình, có người thì thầy giám thị để ý không thể nào quay được, thế là bị trượt. Có những chuyện như vậy thì đều nằm trong nhân duyên, nghiệp báo, phúc báu của chúng ta. Đó là duyên làm được bài hay không làm được bài.
2. Chấm điểm cao hay thấp?
Phần chấm điểm thi có rất nhiều duyên, có rất nhiều chuyện chấm theo kiểu tâm lý như vậy. Hay là thầy chấm sai, chấm nhầm.
Có những chuyện chạy điểm, mua điểm cũng ảnh hưởng, nếu người này mua được điểm thì người khác phải bị đánh trượt. Chuyện tiêu cực đó của trần gian cũng không ra ngoài pháp giới nhân duyên.
Chúng ta thấy học hành dốt hay giỏi là một chuyện, làm bài xong được chấm bài, điểm cao hay điểm thấp lại là một chuyện nữa. Quả thật, công danh của chúng ta bị rất nhiều nhân duyên chi phối, trong đó, có duyên từ tiền kiếp ác nghiệp và phúc báo hiện đời của mình.
Xem thêm: Học hành, thi cử thế nào để đạt điểm cao?
Chúng ta đã từng nghe những câu chuyện đi thi thời phong kiến. Có một người làm bài văn cực kỳ hay đến nỗi vị quan giám khảo đánh giá rất tốt. Nhưng văn làm xong, lúc để bài văn lên thì tự nhiên có một con ruồi bay đến đĩa mực tàu, nó lại đậu vào bài văn đúng vào một cái chữ thì chữ đấy biến thành chữ phạm húy. Chúng ta biết ngày xưa vua chúa có những tên húy, nếu viết trong bài văn, dù văn có hay đến mấy cũng bị bị đánh trượt.
Về sau, người bị đánh trượt khi thi được Bồ Tát Quan Thế Âm báo cho biết là anh để quyển kinh Kim Cương giấu ở dưới chiếu; đó là cái lỗi khiến anh đi thi không thể nào đỗ đạt được. Anh đã hối lỗi, phát nguyện chép kinh, lễ Phật và làm các việc phúc để sám hối. Sau đó, anh đi thi liền đỗ và đỗ rất cao. Đó là câu chuyện về nghiệp báo.
Hay câu chuyện của ông Viên Liễu Phàm trong Liễu Phàm Tứ Huấn. Khi ông đi xem tướng thì thầy tướng nói sau này ông sẽ đỗ hạng ba. Nhưng sau khi ông Viên Liễu Phàm được gặp Thiền sư Vân Cốc thì Ngài Vân Cốc đã hướng dẫn cho ông tu tập để chuyển nghiệp, về sau ông tu tập thì ông đỗ giải rất cao, không phải hạng ba mà là đỗ tiến sĩ.

Cuốn sách Liễu Phàm Tứ Huấn kể về ông Viên Liễu Phàm nhờ tu tập, tích việc thiện mà chuyển nghiệp thi cử (ảnh minh họa)
Làm sao thi đạt kết quả cao?
Trong phúc báo công danh có ngũ phúc. Ngũ phúc gồm: 1) sức khỏe tuổi thọ, 2) tài sản, 3) dung sắc và hạnh phúc gia đình, 4) là công danh uy tín, 5) là trí tuệ. Năm phúc này liên quan đến năm giới của Phật tử tại gia. Chúng ta giữ giới không sát sinh thì được phúc báu sức khỏe và tuổi thọ; giữ giới không trộm cắp thì được phúc báu về tài sản; giữ giới không tà dâm thì được phúc báu về nhan sắc tốt đẹp, gia đình hạnh phúc; giữ giới không dối láo thì ta được phúc báu về uy tín, danh sự, chính đường công danh của mình.
Bên cạnh năm giới sinh ra năm phúc này, còn có những thiện nghiệp sinh ra phúc báu về đường công danh. Trong kinh Phật nói ví dụ, chúng ta khởi tâm đảnh lễ tôn kính các bậc đáng kính như Đức Phật, Bồ Tát và chư Thánh hiền Tăng, chúng ta phát nguyện đọc tụng kinh điển, in ấn kinh điển hoằng dương chính Pháp. Chúng ta tùy hỷ với những người thành công, những người cao quý thành công trong đời, chúng ta làm các việc phúc đức như cứu người, cứu vật, hoạn nạn, xây dựng chùa tháp, cúng dường Tam Bảo… Tất cả đều sinh ra phúc và phúc này có thể trợ duyên cho chúng ta thành tựu được trên con đường công danh, đỗ đạt.

Cung kính các bậc đáng kính là một trong những cách gieo nhân lành (ảnh minh họa)
Trái ngược với những việc bên trên thì chúng ta mất phúc báu. Ví dụ, chúng ta phỉ báng Tam Bảo, khinh chê các bậc chân tu đức hạnh, ác hại, phỉ báng họ hay ganh ghét với người tài cao đỗ đạt rồi làm những điều thất đức như sát nhân, hại vật, dâm ô, trụy lạc, sống trác táng buông thả. Chúng ta gây oán kết thù với chúng sinh khiến cho họ ngăn trở đường công danh của mình gọi là oan gia trái chủ báo oán. Có những chuyện vong linh báo oán, khiến cho lúc vào thi thì không nhớ gì hết, tự nhiên quên hết nên thi trượt.
Xem thêm: Cách quyết tâm để đạt được mục tiêu
Chúng ta thấy việc thi cử có rất nhiều vấn đề nhưng không phải vì thế mà chúng ta không được học, bỏ học, bắt chước học chơi; chúng ta vẫn phải học tập đó là một cái duyên. Thứ nữa là chúng ta phải biết tu tập, làm các việc phúc thiện, nếu có duyên thì chúng ta quy y Tam Bảo, giữ giới của Phật được năm phúc báu tốt. Tiếp đó là chúng ta làm các việc tốt đẹp như đảnh lễ, cung kính, cúng dường Tam Bảo, phát những nguyện thiện, làm các việc công đức tốt đẹp thì những điều đó sẽ trợ duyên cho chúng ta lúc thi cử được những điều may mắn.
Mong rằng, từ những lời chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh, quý vị và các bạn ứng dụng thực hành để đạt kết quả thi cử như ý muốn.