Người đệ tử Phật phải có tính tiết kiệm
“Kính thưa đại chúng, trong kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, Đức Phật dạy rằng, nếu gặp kẻ phung phí, phá tổn của cải một cách phi lý, Địa Tạng Bồ Tát dạy rõ quả báo tiêu dùng sẽ thiếu hụt.
Ở đây là nói đến những ai tiêu pha phung phí, bừa bãi, “của chồng công vợ” làm ra nhưng không tiết kiệm. Thầy chưa nói đến của Tam Bảo, mà ở tại gia, người nào tiêu dùng phung phí, bừa bãi, không biết quý trọng, không biết tiếc, không tính toán, không thận trọng khi sử dụng tài sản mình làm ra (khác với bỏn xẻn) thì người đó sẽ bị quả báo tiêu dùng thiếu hụt.
Ngay việc dùng nước cũng vậy, Thầy nhắc ví dụ để các Phật tử lưu ý: Chúng ta đi đến trọ ở nhà nghỉ, khách sạn, tuy rằng mất tiền thuê, nhưng không phải như vậy là mình cứ xả nước. Có nhiều người cứ xả nước để chảy suốt ngày, không thấy tiếc. Đó cũng là tiền của. Người ta mất của, chúng ta không xót sao? Rồi có những người đi vệ sinh một lần dùng hết một nửa cuộn giấy, họ cứ quấn giấy mà không cảm thấy xót xa. Đó là phung phí của cải. Dân gian có câu:
“Của mình thì giữ bo bo
Của người mặc kệ cho bò nó ăn”.
Tuy nhiên, không phải như vậy. Dù là của ai chúng ta cũng phải tiết kiệm, dùng đúng, dùng đủ. Của Tam Bảo lại càng phải kỹ càng và tiết kiệm. Nếu chúng ta phung phí, không biết tiết kiệm sẽ bị quả báo thiếu trước hụt sau, ăn bữa nay lo bữa mai. Như ở chùa, Thầy vẫn nói với chư Tăng rằng, tuy nguồn nước chùa mình là “trời cho”, nhưng dùng phung phí thì sau này “trời không cho nữa” là mất nguồn nước, không có nước để dùng, nên đừng dùng phung phí, thừa thãi, ví như rửa chân cũng chỉ dùng lượng nước vừa đủ thôi.
Vì thế, các Phật tử cũng vậy, nếu phung phí của cải sẽ bị quả báo thiếu trước hụt sau. Chúng ta là đệ tử Phật thì phải có tính tiết kiệm, dù ở đâu cũng vậy, chứ không phải là của người khác, mình cứ dùng.”
(Trích lời Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong Pháp thoại: Kinh Địa Tạng giảng giải | phẩm 4.3 - Nhân quả và nghiệp báo)