Bí quyết duy trì động lực và hứng thú trong công việc
Kính thưa đại chúng!
Lẽ thường, tâm lý của người phàm phu chúng ta là thích cái mới, chán cái cũ. Ví dụ, có cái áo mới thì lúc đầu mặc, ta nâng niu, giữ gìn, nhưng mặc vài tháng, nó cũ, nó lỗi mốt thì lại thấy chán.
Trong nghề nghiệp cũng thế, mới vào nghề thì hứng thú, tích cực, nhưng sau một thời gian thì bắt đầu chán nản, mệt mỏi, đó có thể là do công việc áp lực hoặc do nhiều yếu tố khác tác động. Nhưng nếu đã chọn nghề đó để làm suốt đời mà làm việc chán nản thì làm sao chúng ta thành công, giỏi giang được?
Vậy nên, nếu muốn duy trì hứng thú trong công việc thì chúng ta phải có cuộc cách mạng với bản thân mình. Chúng ta phải tư duy thật kỹ, nếu xác định sống chết với cái nghề mình đã chọn, coi nó là nghề suốt đời của mình thì chúng ta bắt buộc phải yêu thích nghề này và phải tìm ra được niềm vui của nghề này để mình yêu thích, có yêu thích thì chúng ta mới có thể tiến bộ được. Ví như, Bác Hồ là một vị lãnh tụ đất nước mà Bác vẫn học đánh máy, Bác tìm ra những điều thích thú trong việc đánh máy và Bác trở thành người đánh máy rất giỏi!
Xem thêm: Muốn có quý nhân phù trợ, nhất định phải làm được điều này
Chúng ta quan sát trong cuộc sống, có nhiều công việc nhìn vào thì thấy rất dễ chán. Ví dụ, người ngồi ở bốt kiểm soát ô tô ngoài đường, suốt ngày đếm ô tô, hút bụi; cô công nhân ngày nào cũng quét rác; người thợ may ngày nào cũng ngồi đạp máy cạch, cạch, cạch,... Đa phần chúng ta thường ổn định một nghề nghiệp, chứ không dễ gì có được công việc thay đổi thường xuyên, như người làm hướng dẫn viên du lịch thường được thay đổi, đi chỗ này, chỗ kia; như thế cũng dễ gây chán nản. Nhưng nếu không tìm ra được điều yêu thích ở trong nghề thì chúng ta không bao giờ thành đạt được.
Thứ nữa, chúng ta phải đặt ra một quyết tâm: “Mình phải trở thành người giỏi, người thành công trong lĩnh vực này”. Nhà Phật thì dạy phải tinh tấn. Phải có một chí hướng như vậy thì chúng ta mới tiến bộ được; còn nếu không, chúng ta sẽ bị tâm lý thông thường là chán và muốn bỏ nghề. Như vậy, không bao giờ chúng ta thành công được. Hãy nhớ câu ngạn ngữ: “Trên bước đường đi đến thành công, không có dấu chân của người lười biếng”. Người lười biếng thì có thể chán nản mà lười biếng, không có sự say mê thì không bao giờ thành công.
(Trích lời Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong video: “Bí quyết vượt qua chán nản và trễ nải trong công việc”)