19
183

Bát chánh đạo: Con đường duy nhất giúp chúng sinh thoát khổ

Tu tập - Giác ngộ, 09/10/2023 18:27
19
183

“Bát chánh đạo" nằm trong Đạo đế (thuộc Tứ diệu đế) là con đường chân thật, con đường duy nhất để chúng ta thực tập, giúp đạt được Niết bàn, đến hết chỗ đau khổ”. - Trích lời Thầy Thích Trúc Thái Minh trong chuyến hành hương về miền đất Phật năm 2014. 

Vậy Bát chánh đạo gồm có những gì và có giá trị quan trọng như thế nào đối với người tu nhân học Phật? 

Kính mời quý Phật tử cùng đón đọc bài viết dưới đây qua lời chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh

Bát chánh đạo là gì?

Bát chánh đạo được gọi là tám con đường hoặc tám phương pháp đưa chúng ta đến Niết bàn. Bát chánh đạo cũng gọi là Bát Thánh đạo vì đây là con đường chân chính, không sai lệch, không tà, không ngụy dẫn chúng ta đạt được đạo quả, trở thành bậc Thánh. Để có được thành tựu đó, chúng ta phải thực hiện tuần tự Bát chánh đạo, chứ không thể bỏ qua hay nhảy cóc được.

Thầy Thích Trúc Thái Minh giảng giải về Bát chánh đạo (ảnh minh họa)

Thầy Thích Trúc Thái Minh giảng giải về Bát chánh đạo (ảnh minh họa)

Bát chánh đạo gồm những gì?

Bát chánh đạo theo thứ tự là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh niệm, chánh tinh tấn, chánh định.

1. Chánh kiến

Chánh kiến hay chánh tri kiến là hiểu biết chân chính, nhận thức một cách chân chính, đúng đắn. Trong kinh Tương Ưng Bộ, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, thế nào là chánh tri kiến? Đó là sự thông hiểu về khổ, sự thông hiểu về nguyên nhân của khổ, thông hiểu về sự diệt khổ và sự thông hiểu về con đường diệt khổ”. 

Chánh tri kiến nghĩa là học hiểu về Tứ diệu đế. Khi chúng ta thấy cái khổ ở đời, chúng ta biết rõ cái khổ đó không phải do ông trời hay thần linh, vị thượng đế nào sắp xếp, an bài số phận khiến chúng ta bị khổ đau. Mà chúng ta biết rõ sự khổ này là nghiệp báo của chính mình. Gốc của khổ là do chúng ta vô minh, tham ái mà tạo nghiệp, chìm đắm trong luân hồi sinh tử. Khi tin hiểu rõ ràng như vậy, chúng ta không oán trách trời đất, không oán trách bất kỳ ai mà hiểu rằng do ta đã gieo nhân xấu trong quá khứ nên hiện tại phải mới chịu quả báo này. Đức Phật nói rất rõ điều này, chúng ta là chủ nhân cuộc đời của chính chúng ta. Vậy nên, chúng ta hiểu rõ về Tứ diệu đế, biết rõ nguyên nhân của khổ để tu tập chuyển hóa thì đó là chánh tri kiến. 

2. Chánh tư duy

Từ nhận thức ban đầu trên cơ sở là chánh kiến thì chúng ta phải tư duy sao cho đúng đắn. Đức Phật dạy chánh tư duy là tư duy về sự xuất ly, xuất ly ra khỏi khổ đau, xuất ly ra khỏi những trói buộc, những triền phược, phiền não; tư duy về sự xuất ly ra khỏi ái dục. Bởi chính sự tìm cầu, nắm bắt, chấp chước vào ái dục khiến chúng ta bị trói buộc, bị gông cùm, bị khổ đau nên chúng ta phải tư duy, phải tìm cách để thoát ra.

Tư duy tại sao chúng ta cứ bị vòng vây sinh - tử trói buộc mãi. Chúng ta sinh ra, rồi chết đi; kết thúc kiếp này, tiếp tục tái sinh vào kiếp sau,... Trong các kiếp sinh tử đó, lúc thì chúng ta tái sinh làm người, làm Trời, có kiếp thì tái sinh trong thân súc sinh (trâu, bò…). Nhận thấy sự nguy hiểm của luân hồi nên chúng ta phải tư duy làm sao để xuất ly ra khỏi luân hồi sinh tử. 

Thêm nữa, chúng ta tư duy về vô sân, vô hại: chúng ta thấy sân là khổ, mỗi cơn sân giận đã chứa đầy sự sôi sục, sự nóng bức, sự khổ thiêu đốt mình; tư duy làm sao để chúng ta hết cái sân giận. Tư duy thấy việc tự hại mình, hành hạ bản thân, tự dằn vặt là làm khổ mình; hay ác hại người, bày các trò ác hại người là xấu ác; từ đó tư duy làm sao để mình không khỏi tâm ác hại nữa. Chánh tư duy là ta tư duy làm sao để xa lìa tất cả những tâm bất thiện này, gọi là xuất ly dục, xuất ly sân, xuất ly hại. 

3. Chánh ngữ

Tức là lời nói chân chính. Có tư duy chân chính mới có thể nói chân chính được, chúng ta nói lời nói chân chính, lợi ích; không nói những lời ác, lời tổn hại. Miệng có bốn điều ác: nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói lời ác; đó gọi là tà ngữ, ác ngữ. Chánh ngữ là xa rời tất cả những lời nói như vậy. Trong kinh Tương Ưng Bộ, tập 5, chương 45: Tương Ưng Đạo, phẩm Vô Minh, mục 45.8 Phân tích, Đức Phật dạy: “Chánh ngữ là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, nói lời phù phiếm”. 

Đây cũng là giới thứ 4 mà Đức Phật dạy: Không nói dối, không nói thêu dệt, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời hung ác.

Chư Tăng truyền trao giới pháp của Đức Phật để hàng Phật tử tại gia học, hiểu và thực hành giới đức

Chư Tăng truyền trao giới pháp của Đức Phật để hàng Phật tử tại gia học, hiểu và thực hành giới đức

4. Chánh nghiệp

Tức là tạo nghiệp chân chính. Từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm; từ bỏ ba hành động này là từ bỏ tà nghiệp nơi thân.  

5. Chánh mạng

Chánh mạng là nuôi sống mạng (thân) mình bằng những nghề nghiệp chân chính. Ngược lại với chánh mạng là tà mạng, tức là nuôi sống thân bằng nghề nghiệp bất chính, đó là buôn bán thuốc phiện, làm gái bán dâm, buôn bán vũ khí để giết hại người,... 

Cho nên, tất cả những nghề nào không chân chính, làm tổn hại đến chúng sinh, mà chúng ta làm nghề đấy để nuôi thân mình gọi là tà mạng. Nếu làm những việc không chân chính (tà mạng), tạo nghiệp ác (tà nghiệp) và nói lời ác (tà ngữ) thì chúng ta không thể nào hết khổ, giải thoát được. 

6. Chánh tinh tấn

Chánh tinh tấn là “ngăn ác, diệt ác, sinh thiện, tăng trưởng thiện”. Tinh tấn ngăn chặn không cho khởi sinh các bất thiện pháp chưa sinh, tinh tấn trừ diệt các bất thiện pháp đã sinh, tinh tấn phát khởi các thiện Pháp chưa sinh và tinh tấn duy trì các thiện Pháp đã sinh. 

Ngăn chặn không cho khởi sinh các việc ác là như thế nào? Ví dụ ta thấy ở đây người ta có vật này quý giá, có giá trị lớn; nếu như trước đây, chúng ta sẽ lấy cắp nhưng bây giờ học Phật Pháp rồi, ta khởi niệm ăn cắp là ta diệt ngay “Không được, hôm nay mình học Phật rồi, là Phật tử, quy y Phật rồi, phải dứt bỏ ý niệm ấy đi, không được thực hiện nó nữa”. Đó gọi là ngăn ác.

Tinh tấn tăng trưởng điều thiện là hằng ngày, chúng ta phải nghĩ ra các việc thiện thật nhiều, việc gì làm lợi ích cho Tam Bảo, lợi ích cho đại chúng. Bất cứ nơi nào, chúng ta cũng có thể nghĩ ra những việc thiện để làm: thấy nhà bẩn thì quét, thấy rác bỏ vào thùng rác, thấy vòi nước rỉ chảy lãng phí thì ta đóng van khóa lại cho chặt... 

Chúng ta học các vị Bồ Tát, ngày ngày khởi ra những ý nghĩ thiện, làm các việc thiện mà theo nhân quả, các điều ác được diệt trừ. Cho nên, chúng ta học theo gương các Ngài phải biết sinh trưởng điều thiện. Những điều thiện mình đã làm quen rồi thì phải làm cho điều thiện được tăng trưởng lên. Chúng ta chăm chỉ rồi thì chăm chỉ, tinh tấn, cố gắng hơn nữa. Chánh tinh tấn chính là tăng trưởng thiện. 

7. Chánh niệm

Trong kinh Tương Ưng Bộ, tập 5 Thiên Đại Phẩm, chương 45, phẩm Vô Minh, Đức Phật dạy chánh niệm là: “Sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, với mục đích điều phục tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời”. 

Chánh niệm mà Đức Phật dạy như trên, đó là thực hành Pháp Tứ niệm xứ, đó là hằng nhớ nghĩ tu tập 4 Pháp này: niệm thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm Pháp. 

8. Chánh định

Chánh định là thực tập, tu tập bốn thiền từ sơ thiền cho đến tứ thiền. Thực hành đúng tuần tự như vậy mới vào được chánh định. 

Trong kinh Tương Ưng Bộ, tập 5 Thiên Đại Phẩm, chương 45: Tương Ưng Đạo, phẩm Vô Minh, Đức Phật dạy: “Ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm. Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh”. 

Giá trị của Bát chánh đạo đối với người tu học Phật

Chúng ta đã học và hiểu tám con đường chân chính mà Đức Phật dạy. Vậy tám phương pháp này có giá trị quan trọng thế nào đối với người tu tập Phật Pháp?

1. Bát chánh đạo - Con đường hướng đến Niết bàn giải thoát

Trong kinh Tương Ưng Bộ, Đức Phật Thích Ca lấy một ví dụ rất hay, đó là: Có một người đang đi theo một con đường mòn trong rừng, đột nhiên ông phát hiện một con đường cũ xa xưa mà các vị tiền nhân thường đi qua. Người ấy liền đi theo con đường ấy và tìm lại được một thành phố tráng lệ cổ xưa mà ngày trước có rất nhiều người trú ngụ. Người ấy mới trở về báo cáo với đức vua. Sau đó, nhà vua đã cho các quan đại thần đến và quyết định trùng tu thành phố cổ đó. Và về sau thành phố ấy trở nên phồn thịnh, đông dân cư, phát triển lớn mạnh và giàu có. 

Từ ví dụ trên, Đức Phật dạy rằng, Ngài là người tìm lại con đường xa xưa, đó là con đường Bát chánh đạo mà tất cả các Đức Phật trong quá khứ đều đã đi để thành tựu quả vị Phật Chánh đẳng Chánh giác. Và Đức Phật cũng là người đi theo con đường này đến được thành phố hoa lệ ấy, thành phố ấy chính là Niết bàn.

Đức Phật là người tìm lại con đường Bát chánh đạo và truyền dạy lại cho chúng đệ tử của Ngài (ảnh minh họa)

Đức Phật là người tìm lại con đường Bát chánh đạo và truyền dạy lại cho chúng đệ tử của Ngài (ảnh minh họa)

Cũng trong kinh Tương Ưng Bộ, Ngài nói rằng: Theo con đường đó, Ngài đã có được tri kiến đầy đủ và đoạn diệt tất cả các vô minh. Tri kiến được như thế, Ngài đã truyền dạy lại cho các nam và nữ tu sĩ, nam và nữ cư sĩ để đời sống thánh thiện này được trở nên hùng mạnh, huy hoàng, quảng bá sâu rộng cho chư Thiên và loài người. 

2. Giáo Pháp có hàm chứa Bát chánh đạo mới đào tạo ra các vị Thánh A-la-hán

Trong kinh Niết bàn, Đức Phật nói với ông Subhadda: Nếu trong bất kỳ giáo Pháp, triết lý của một tôn giáo nào mà không có chứa Bát chánh đạo thì ở đó không thể nào đào tạo, đào luyện mà sinh ra được các vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán. 

Đức Phật dạy tiếp: Này Subhadda, nếu giáo Pháp nào có hàm chứa Bát chánh đạo thì giáo Pháp đó sẽ đào tạo được các vị Sa-môn đạt được đạo quả, quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm và quả A-la-hán. 

Đức Phật cũng khẳng định rằng, nếu chúng ta học và hiểu chính Pháp một cách đúng đắn thì ở trong thế gian này không vắng các bậc A-la-hán; ở đâu có truyền dạy chính Pháp đúng đắn thì ở đó sẽ có những vị A-la-hán được sinh ra. Bậc A-la-hán có đầy đủ tam minh, lục thông, là ruộng phước tối thắng của nhân thiên nên các Ngài rất đặc biệt, rất quý báu. Bậc A-la-hán xuất hiện trên đời thì giáo Pháp sẽ được hưng thịnh lâu dài, bảo hộ bình an cho chúng sinh. 

Từ lời Đức Phật và lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh, chúng ta hiểu rằng: Bát chánh đạo là con đường, là phương pháp, cũng có thể nói là duy nhất dẫn chúng ta đến Niết bàn, giải thoát mọi khổ đau. 

Qua đó, chúng ta thấy Bát chánh đạo là Pháp căn bản, xuyên suốt không thể thiếu của bất kỳ hành giả nào trên con đường tu tập Phật Pháp. Mong rằng, mỗi người con Phật đều tinh tấn tu tập chính Pháp, thực hành Bát chánh đạo để giáo Pháp được trường tồn lâu dài; và mong sẽ có những vị Thánh được sinh ra, dẫn lối cho chúng sinh thoát khổ, đạt được chân hạnh phúc.

Bài liên quan
183
CHIA SẺ
Bình luận (19)

Đọc thêm

14 T4, 2024
14 T4, 2024
Lục hòa là gì? Tu lục hòa tiêu trừ các ác nghiệp, cuộc sống an vui

Lục hòa là sáu phép hòa kính mà Đức Phật dạy để chúng ta thực hành, giúp cho đời sống được hạnh phúc, an vui. Vậy muốn tu lục hòa phải làm như thế nào?

123 1

Lục hòa là gì? Tu lục hòa tiêu trừ các ác nghiệp, cuộc sống an vui

01 T4, 2024
01 T4, 2024
Hoàng hậu Ma Da là ai? Hạnh nguyện đặc biệt của bà đối với mười phương Chư Phật

Hoàng hậu Ma Da là vợ đức vua Tịnh Phạn, trị vì vương quốc Ca Tỳ La Vệ; là mẹ của Thái tử Tất Đạt Đa (tiền thân là Bồ Tát Hộ Minh và là Đức Phật Thích Ca ...

11 617

Hoàng hậu Ma Da là ai? Hạnh nguyện đặc biệt của bà đối với mười phương Chư Phật

25 T3, 2024
25 T3, 2024
Cúng dường Xá lợi Phật có công đức ngang bằng cúng dường Đức Phật

Xá lợi Phật là những viên ngọc thu được từ nhục thân - thân xác thịt của Đức Phật sau khi làm lễ trà tỳ. Khi đó, tất cả thân Ngài đều biến thành vô số Xá lợi

59 3271

Cúng dường Xá lợi Phật có công đức ngang bằng cúng dường Đức Phật

20 T3, 2024
20 T3, 2024
Đức Phật Thích Ca - nhân vật lịch sử có thật và sự xuất hiện đặc biệt nhất trên thế gian

Đức Phật là nhân vật có thật, sự xuất hiện của Ngài như một vầng nhật nguyệt trí tuệ và từ bi, xóa tan đi bóng tối vô minh, phiền não.

142 5362

Đức Phật Thích Ca - nhân vật lịch sử có thật và sự xuất hiện đặc biệt nhất trên thế gian

05 T3, 2024
05 T3, 2024
Áp lực cuộc sống: 04 cách vượt qua để sống thảnh thơi

Áp lực cuộc sống về tiền bạc, công việc, gia đình,... là nỗi bất an, mệt mỏi của nhiều người. Và trên đây là 4 cách để vượt qua áp lực trong cuộc sống

157 1528

Áp lực cuộc sống: 04 cách vượt qua để sống thảnh thơi

28 T2, 2024
28 T2, 2024
Niết bàn là gì? Người nào có thể chứng đắc Niết bàn

Niết bàn là một thực tại có thật, là trạng thái của tâm khi đã diệt hết các phiền não, sạch tất cả vô minh, tham, sân si. Niết bàn đồng nghĩa với thoát khỏi đau khổ...

52 5895

Niết bàn là gì? Người nào có thể chứng đắc Niết bàn

05 T2, 2024
05 T2, 2024
Muốn sống an nhiên giữa cuộc đời vô thường, đừng bỏ qua những điều này

Vô thường là điều nhiều người hay nhắc đến khi những người thân yêu mất hoặc đổ vỡ trong chuyện tình cảm,... Làm thế nào để bình thản đối diện với nó?

261 14859

Muốn sống an nhiên giữa cuộc đời vô thường, đừng bỏ qua những điều này